Cà phê, hạt tiêu đua nhau rớt giá “không phanh”

15:56 | 11/05/2019

384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù vụ thu hoạch cà phê đã chấm dứt từ tháng 1, nhưng từ tháng 3 đến nay, giá cà phê liên tục lao dốc. Cùng với đó, hạt tiêu hiện giảm chỉ còn khoảng 41.000 đồng/kg, tức chưa được 1/5 giá thời kỳ đỉnh cao.

Tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay, giá cà phê Robusta nhân chỉ còn ở mức 29.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tình trạng này đã khiến các hộ trồng cà phê trên địa bàn thua lỗ nặng.

ca phe hat tieu dua nhau rot gia khong phanh
Chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng cà phê

Mặc dù vụ thu hoạch cà phê đã chấm dứt từ tháng 1, nhưng từ tháng 3 đến nay, giá cà phê liên tục lao dốc. Nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn bởi tiền bán cà phê không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc, thu hái, đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt vật tư thiết yếu đầu vào của ngành cà phê như điện, xăng, dầu, phân bón tăng mạnh.

Theo người dân trồng cà phê, trung bình mỗi ha phải đầu tư 25-30 triệu đồng tiền phân, khoảng 5 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, thuê người thu hái 1.000 đồng/kg cà phê tươi, cộng với tiền xăng dầu, tiền điện, công chăm sóc...

Mỗi ha trung bình thu được từ 3,5-4 tấn cà phê nhân. Năm 2018, giá cà phê nhân dao động ở mức từ 35.000-38.000 đồng/kg thì người nông dân còn có lãi. Với mức giá xuống thấp kỷ lục như năm nay thì tất cả các hộ nông dân đều thua lỗ hàng chục triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân giá cà phê Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng liên lục giảm, bởi Brazil là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới được mùa, khiến nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa.

Nhằm hạn chế rủi ro cho người trồng cà phê, thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích; tăng cường xen canh cây cà phê với một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bơ, măng cụt, macca...; nâng cao chất lượng thu hái, bảo quản và chế biến nhằm gia tăng chất lượng và giá trị càphê.

Cùng với đó, hạt tiêu - loại nông sản có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đang đối mặt với khó khăn chồng chất khi giá liên tục giảm sâu.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam VPA, cho biết trong năm 2018 giá tiêu duy trì được khoảng 55.000-60.000 đồng/kg thì nay tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 41.000 đồng/kg, tức chưa được 1/5 giá thời kỳ đỉnh cao. Nguyên nhân giá tiêu liên tục lao dốc mấy năm nay là do sản lượng tiêu trên thế giới cũng như trong nước tăng cao, kéo theo cung vượt cầu.

ca phe hat tieu dua nhau rot gia khong phanh
Giải pháp phát triển bền vững của ngành hạt tiêu là phải sản xuất hữu cơ để xuất khẩu với giá cao

Cụ thể, tổng sản lượng hồ tiêu trên thế giới sản xuất năm 2018 khoảng 556.000 tấn, tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về sản xuất hồ tiêu với 230.000 tấn, chiếm 42% tổng sản lượng thế giới.

Tính từ năm 2015 đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, trước đây giá trong nước có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 40.000 - 41.000 đồng/kg.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế cho hay, năm 2019 sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%, trong đó Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%. Riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9%, do diện tích trồng mới từ năm 2014-2016 bắt đầu cho thu hoạch.

Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp hồ tiêu cho rằng không còn cách nào khác phải liên kết với nhau, đồng thời liên kết với nông dân để tạo ra vùng sản xuất hồ tiêu sạch, thậm chí phải sản xuất hữu cơ để xuất khẩu với giá cao. Đây là giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nâng cao năng lực chế biến, gắn liền với phát triển thị trường; tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào. Kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản; đổi mới công nghệ sản xuất, nâng tỉ lệ tiêu trắng xuất khẩu lên 30%-40%, đa dạng hóa sản phẩm (tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu)...

M.L (t/h)

ca phe hat tieu dua nhau rot gia khong phanhViệt Nam mới chỉ xuất khẩu chủ yếu cà phê và trái cây sấy sang Thái Lan
ca phe hat tieu dua nhau rot gia khong phanhGiá hạt tiêu vẫn chìm trong chuỗi ngày ảm đạm
ca phe hat tieu dua nhau rot gia khong phanhCổ phiếu “hạt tiêu” tăng gần 250% trong 2 tuần, các kênh đầu tư “nóng” cũng… chào thua!