Đắk Lắk:

Cả buôn làng chỉ có 2 tivi, chưa có mạng internet, học trực tuyến làm sao?

09:05 | 07/09/2021

145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Cả buôn làng chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại chập chờn và hoàn toàn chưa có mạng internet", giáo viên vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk tâm sự lo lắng việc khó dạy học trực tuyến.

Nhà 4 người con đi học, bố mẹ không có điện thoại thông minh

Theo kế hoạch, vào ngày 15/9 tới đây, học sinh Đắk Lắk sẽ chính thức bước vào năm học mới 2021-2022.

Do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, ngành giáo dục tỉnh tính đến nhiều phương án học tập phù hợp các địa phương như học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập…

Cả buôn làng chỉ có 2 tivi, chưa có mạng internet, học trực tuyến làm sao? - 1
Để học sinh vùng sâu vùng xa tiếp cận với học trực tuyến còn rất nhiều khó khăn.

Phương án học trực tuyến được coi là giải pháp tối ưu cho các học sinh vùng điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đây lại là trở ngại lớn đối với học sinh tại các buôn làng vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn.

Một nữ giáo viên công tác tại điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thôn 4, xã Cư San, huyện M'Đrắk) - nơi 100% học sinh thuộc dân tộc Mông - tâm sự, việc dạy học trực tuyến cho các học sinh tại đây chắc chắn sẽ không thể thực hiện.

Cả buôn làng chỉ có 2 tivi, chưa có mạng internet, học trực tuyến làm sao? - 2
Giáo viên tại Đắk Lắk từng đến tận nhà học sinh ở thôn buôn để giao bài tập thời điểm dịch bệnh năm 2020.

"Cả buôn chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không và hoàn toàn chưa có mạng internet. Chúng tôi dạy ở điểm trường, muốn có sóng điện thoại để gọi về gia đình, phải ra cánh đồng và đứng ở vị trí cao dò sóng mới được. Tình hình như vậy rất khó kết nối với học trò để dạy học trực tuyến", cô giáo trăn trở.

Bà H'Roa Kbuôr (ngụ xã Ea M'Đroh, huyện Cư M'gar) chia sẻ, gia đình bà có 4 học sinh bậc Tiểu học và THCS. Nghe tin năm nay các con có thể sẽ phải học qua điện thoại, bà H'Roa tỏ ra rất lo lắng. Cả nhà chẳng ai có điện thoại thông minh.

"Gia đình tôi làm nông rất khó khăn, để nuôi các con đi học đã gồng gánh lắm rồi, mua điện thoại để các con học thì gia đình không thể vì không có tiền", người mẹ có 4 con đang tuổi ăn tuổi học nói.

Trường học họp bàn nhiều phương án

Ông Đinh Tiến Dũng - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Ea M'Đroh) cho biết, trước thềm năm học mới, nhà trường đã tiến hành khảo sát 174 học sinh về việc học trực tuyến; cho thấy chỉ khoảng 20% học sinh có thể mượn điện thoại thông minh của bố mẹ để học.

Cả buôn làng chỉ có 2 tivi, chưa có mạng internet, học trực tuyến làm sao? - 3
Rất ít học sinh vùng sâu tiếp cận được hình thức học trực tuyến.

Theo ông Dũng, toàn trường THCS Ngô Mây có khoảng 95% học sinh là con em đồng bào dân thiểu số, gia đình đều làm nông, kinh tế eo hẹp.

Nhà trường nhận thấy được việc học trực tuyến sẽ rất khó khăn. Không chỉ vậy, tại các buôn làng, đường truyền internet còn nhiều hạn chế, điện thoại chủ yếu sử dụng sóng 3G, 4G.

Do đó, nhà trường đang xây dựng các phương án để học sinh tiếp cận hình thức học phù hợp như: Đối với học sinh có điện thoại sẽ kết nối dạy học qua Zalo, Facebook.

Hình thức là tạo nhóm lớp học qua các mạng xã hội trên để giáo viên và học sinh gửi file, chuyển bài tập. Các thầy cô sẽ quay video các bài giảng rồi gửi qua cho các em. Riêng đối với các em không có điện thoại, sẽ tính đến giải pháp giáo viên đến tận nhà giao bài, hướng dẫn học.

"Đợt dịch năm ngoái, giáo viên của trường từng đến tận nhà để giao bài tập cho học sinh khá hiệu quả. Tuy nhiên, năm nay địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hạn chế đi; thêm vào đó, nhiều giáo viên đang ở khu vực phong tỏa. Vì vậy việc giao bài tập đến nhà học sinh sẽ khó khăn. Trường vẫn đang linh động và họp bàn phương án phù hợp nhất", thầy Dũng cho hay.

Còn tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư K'bang, huyện Ea Súp) với 99% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, qua khảo sát sơ bộ tại trường chỉ có 10% các em có điện thoại kết nối internet.

Cô Đàm Thị Lâm - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho biết, phụ huynh thường đi làm tại nương rẫy từ sáng sớm đến tối mịt mới về, gia đình còn nhiều vất vả, điều kiện kinh tế eo hẹp nên rất khó triển khai phương án học trực tuyến.

Đặc biệt, đối với học sinh khối lớp Một, năm học đầu tiên, các em rất cần được cô giáo cầm tay chỉ bày từng nét bút.

Cả buôn làng chỉ có 2 tivi, chưa có mạng internet, học trực tuyến làm sao? - 4
Ngành giáo dục Đắk Lắk sẽ triển khai các phương pháp học tập phù hợp cho học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế khác nhau.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk - cũng nhận định việc dạy học trực tuyến sắp tới trong tình hình dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các bậc tiểu học, các em vùng sâu vùng xa.

Do đó, Sở đề nghị trong thời gian này, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm rõ điều kiện cụ thể của học sinh nhằm triển khai kế hoạch, phương pháp dạy học cho phù hợp.

Đối với hình thức học trực tuyến, theo ông Khoa, phải bố trí thời gian học trực tuyến phù hợp với khối lớp, tâm sinh lý của các em.

"Ở khối lớp 1 và, 2 giáo viên bố trí dạy vào buổi tối để cha mẹ hỗ trợ. Thời gian học khoảng chừng 15 - 20 phút, dạy kiến thức Tiếng Việt và Toán với nội dung nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh", ông Khoa cho hay.

Theo Dân trí

Người Hà Nội muốn qua lại giữa các vùng Người Hà Nội muốn qua lại giữa các vùng "xanh - vàng - đỏ" cần giấy tờ gì?
Cuba trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng Covid-19 cho trẻ từ 2 tuổiCuba trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng Covid-19 cho trẻ từ 2 tuổi
Hà Nội: Tăng tốc kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9Hà Nội: Tăng tốc kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.