"Bội thu” ngân sách không đáng ngại!

16:05 | 28/05/2022

73 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Tọa đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp một số bộ, ngành tổ chức chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch, thu ngân sách tăng cao không đáng lo ngại. Vấn đề là phải quản lý và đầu tư hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chậm triển khai chương trình, dự án quan trọng gây lãng phí nguồn lực ngân sáchChậm triển khai chương trình, dự án quan trọng gây lãng phí nguồn lực ngân sách
Dự kiến đến năm 2030, nợ công không vượt quá 60% GDP  Dự kiến đến năm 2030, nợ công không vượt quá 60% GDP ​​​​​​​

Có lạm thu không?

Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Ba, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt rất cao so với dự toán. Cụ thể, thu ngân sách tăng 16,8%, tương đương tăng 202,923 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội vào tháng 10.2021 (số báo cáo Quốc hội chỉ tăng 22,2 nghìn tỷ so với dự toán). Bốn tháng đầu năm nay, thu ngân sách ước đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.

"Bội thu” ngân sách không đáng ngại!
Toàn cảnh Tọa đàm

Nhiều ý kiến băn khoăn về “thành tích” này, đặc biệt trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. “Thu được nhiều thì phấn khởi nhưng liệu có lạm thu, có ảnh hưởng đến doanh nghiệp không, căn cứ nào thu tăng như vậy?”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, trong công tác thu ngân sách, Bộ luôn chỉ đạo thu đúng, đủ, kịp thời và chúng ta cũng đã có nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.

Ông Hưng giải thích, tăng thu ở đây là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện. Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8%, và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế 2,8%, lạm phát trên 1,8%. “Chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3. Nhìn ra xung quanh, cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá là tăng trưởng kinh tế của thế giới âm 4 - 5%. Riêng với Việt Nam, 9 tháng chúng ta tăng trưởng 2,1%, thu ngân sách đạt khoảng 64%, trong khi bình thường 9 tháng phải thu đạt 74 - 75%. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng”.

Ông Hưng cũng xác nhận tăng thu ngân sách chủ yếu từ đất, vượt gần 80 nghìn tỷ đồng nhưng bên cạnh đó là phục hồi kinh tế quý IV.2021 rất tốt, tăng trưởng từ mức âm 6% trong quý III đến quý IV đảo chiều, tăng trưởng dương 5,22%. Hơn nữa, niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI năm 2021 vẫn tăng tới 9% trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh. Cùng với đó, đầu tư toàn xã hội tăng, các dự án ở địa phương vẫn phát triển. Nếu nhìn trên khía cạnh như thế thì tăng thu ngân sách rất tích cực, không có gì đáng lo ngại, vấn đề là phải quản lý, đầu tư hiệu quả để thúc đẩy kinh tế, ông Hưng nhấn mạnh.

Giải ngân chậm do chuẩn bị và tổ chức thực hiện đều yếu

Một vấn đề được thảo luận tại tọa đàm là tiến độ giải ngân đầu tư công năm nay còn chậm. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, việc này liên quan đến quản trị. Tức là khi tổng hợp từ cơ sở lên cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương; từ ngành rồi mới qua chính quyền... nguyên một guồng máy để xác định, hình dung ra công việc, ra sự cần thiết của công trình trong thời điểm đó, nhiều khi chưa đủ hết khả năng quản trị. Vì vậy, khi đăng ký dự án chúng ta nghĩ sẽ làm được nhưng vào thực hiện thì nhiều vướng mắc như chuyển đổi đất rừng, chuyển đổi đất lúa, đền bù… Do đó, chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu chủ yếu.

Từ khía cạnh của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương “yếu”, thể hiện ở chỗ dự toán Thủ tướng giao chúng ta không phân bổ được hết ngay từ đầu năm mà phải phân bổ nhiều lần trong năm. Hiện vẫn còn 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022. Theo ông, "yếu trong khâu dự toán sẽ dẫn đến chậm chạp trong khâu thực hiện.

Bên cạnh khó khăn trong giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu tăng cao, giải ngân chậm còn do khâu tổ chức thực hiện. “Cùng một mặt bằng thể chế nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt và cũng có nơi giải ngân kém hơn, như vậy tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu”, ông Hưng nói.

Theo Hạnh Nhung/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân