Bộ Công Thương quyết tâm nâng tầm cà phê Việt

07:01 | 23/10/2019

914 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Câu chuyện xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam không hề mới, nó được đẩy lên đỉnh từ cuộc bứt phá của Cà phê Trung Nguyên cách đây tới 20 năm. Trong đó, có một điểm là doanh nghiệp và nhà nước luôn lỗi nhịp. Liệu kế hoạch phát triển giá trị xuất khẩu cà phê của Bộ Công Thương có thành hiện thực?   

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, để đạt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 6 tỷ USD vào năm 2030, định hướng của Nhà nước, đi đầu là Bộ Công Thương là xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp.

bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet
Cà phê Việt Nam cần những cú hích để phát triển

Nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể như công tác sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, đặc biệt công tác trọng tâm là xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương định hướng cũng như do các bộ, ngành, hiệp hội tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng; xây dựng kênh nghiên cứu và dữ liệu riêng về thị trường xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ của cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước để cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã, đang và luôn quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thị trường đối với mặt hàng cà phê như đàm phán mở cửa thị trường, kết nối thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, phổ biến, tuyên truyền...

Cụ thể, về công tác đàm phán mở cửa thị trường, để phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa nông sản nói chung và cà phê nói riêng, từ sau giai đoạn gia nhập WTO, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành đàm phán, ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, góp phần tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ... qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho ngành cà phê Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn.

Đối với các FTA đã ký kết, mức thuế suất thuế nhập khẩu của cà phê nhân của Việt Nam vào các nước đều bằng 0, phần lớn mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với cà phê đã chế biến bằng 0, trừ một số nước còn duy trì mức thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 5-10% đến năm 2020.

bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet
Thế giới vẫn chưa biết đến nhiều giống cà phê đặc biệt của Việt Nam

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đàm phán mở cửa thị trường cho mặt hàng cà phê thông qua các FTA đang triển khai như Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, RCEP, CPTPP…, đồng thời tận dụng tiến trình rà soát các FTA đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp đến, để kết nối thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối ngoài nước trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối ở nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, góp phần đưa các sản phẩm cà phê của Việt Nam thâm nhập sâu hơn, trực tiếp hơn vào thị trường nước ngoài.

Trong đó, Bộ Công Thương sẽ là đầu mối tổ chức các chương trình đưa cà phê, trái cây vào hệ thống Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc, tổ chức “Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” để đưa nông sản nói chung và cà phê nói riêng vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức)…

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đề án nêu trên, đồng thời từng bước cải tiến hoạt động kết nối xuất khẩu theo hướng gắn kết doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, góp phần hỗ trợ thành công việc tiêu thụ mặt hàng này trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài.

Đặc biệt về công tác dự báo thị trường, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường (nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...) đối với mặt hàng cà phê, từ đó tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu để cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm hợp lý, tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng tín hiệu của thị trường.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang đăng tải, công bố Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản định kỳ hàng tuần trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ tại https://moit.gov.vn/web/guest/ban-tin-thi-truong-nong-lam-thuy-san để định hướng thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong việc xây dựng thương hiệu, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương luôn chú trọng việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường quảng bá về sản phẩm cà phê Việt Nam ở thị trường nước ngoài thông qua các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền, biên tập cẩm nang cung cấp thông tin phục vụ xuất khẩu, các chương trình xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm.

Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản được ưu tiên hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong suốt thời gian qua, kinh phí triển khai bình quân hàng năm chiếm từ 6-7% tổng kinh phí dành cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ định kỳ tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam, Lễ hội Cà phê Việt Nam cũng như các Hội chợ chuyên ngành lớn trong nước và quốc tế...

Để sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê không còn lỗi nhịp, Bộ Công Thương cũng cho rằng các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần gắn chặt với người nông dân, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sản xuất thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa, trong đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình.

Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.

Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh, các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm và cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu là việc tự thân doanh nghiệp phải vận động và chú trọng. Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp và đây cũng là con đường duy nhất để doanh nghiệp cà phê Việt Nam đi lên nếu muốn phát triển.

Có thể thấy rằng các giải pháp mà Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai như đã nêu trên là rất cần thiết để nâng tầm giá trị của cà phê Việt Nam. Chúng ta có quyền hy vọng những giải pháp cộng với khát khao làm giàu từ cà phê của các doanh nghiệp sẽ đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường đối với các sản phẩm cà phê trong thời gian tới. Để rồi từ đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam dần dần được mở rộng và đa dạng hóa, trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển sản xuất cà phê trong nước.

Thành Công

bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet

Đã đến lúc nâng giá trị thương hiệu cà phê Việt
bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet

Thành công trên cây cà phê với NPK Cà Mau
bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet

Hà Nội được yêu cầu xóa "cà phê đường tàu"
bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet

Cả 3 thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều sụt giảm kim ngạch
bo cong thuong quyet tam nang tam ca phe viet

Chuỗi cà phê nào đang thu nhiều tiền nhất?