“Binh pháp giả điên” (Kỳ 2)

07:00 | 24/03/2013

3,232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hiện nay, “căn bệnh” giả điên của tội phạm đã trở thành một thứ “mốt” và đang lây lan mạnh. Có bị cáo, dù tội rất nhẹ, xử kịch khung cũng chỉ bóc lịch đến một năm (trừ đi thời gian tạm giam thì cũng chỉ còn dăm bảy tháng) nhưng ra tòa vẫn nổi điên rất ngọt. Tòa xử - bị cáo điên - phải giám định là điệp khúc luẩn quẩn làm các cơ quan tố tụng cũng muốn… phát điên theo. Câu hỏi đặt ra là: Phải làm gì để bị cáo giả điên “tỉnh” lại?

>> "Binh pháp giả điên" (Kỳ 1)

Kỳ 2: Xử lý thế nào với những kẻ “mặt dày”?

Bị cáo điên đòi “tè” bậy giữa tòa

Xin được nêu thẳng rằng, trò giả điên với những tình tiết vô cùng kín kẽ nhằm chống lại pháp luật chủ yếu là kịch bản do… luật sư bào chữa dựng lên. Từ tội phạm hình sự đến tội phạm kinh tế, khi bị bắt, giải pháp hòa hoãn, kéo dài thời gian hiệu quả nhất là phát điên.

Trò ấy đạt được hai cái lợi. Thứ nhất, nếu gia đình bị cáo có điều kiện kinh tế, có quan hệ, họ sẽ có điều kiện cạy cục các nơi để biến con em mình thành tâm thần thật. Dùng tiền để mua giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện. Đại loại là, cứ tâm thần trước, sẽ chạy án sau.

Cái lợi thứ hai là, tội phạm đều hy vọng rằng, nếu giả điên không thành cũng sẽ được nhẹ tội hơn. Khoản 2, Điều 13 Bộ luật Hình sự có quy định: “Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vin vào điều này, rất nhiều luật sư bào chữa sống chết khuyên thân chủ: “Chịu khó giả điên, không được mười thì cũng được năm”.

Thế nên, có nhiều kẻ mới cắn răng giả điên như vậy.

Mới cách đây vài tháng, vụ án Phạm Huy Cường “giết người cướp wave Tàu” làm chấn động “giới xe ôm” quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chẳng hiểu trùng lặp thế nào, tục danh đường phố của hắn là Cường “điên” cũng bởi bản tính ngang tàng và hành động liều lĩnh của hắn.

Có rất nhiều tình tiết rùng rợn trong vụ án này. Buổi tối hôm xảy ra vụ án, sau khi phát hiện ra con mồi là người lái xe ôm đầu ngõ Cường đã vạch kịch bản cướp chiếc xe máy để bán lấy tiền. Cũng vì gần nhà nên hắn biết người lái lái xe ôm là con nghiện nặng. Sau khi lên xe và đề nghị được chở xuống Văn Điển, Cường xởi lởi đưa trước tiền công là 20.000 đồng để người này mua hêrôin chích tạm cho đỡ vật thuốc.

Đợi khi người lái xe ôm đã ngấm thuốc, hắn kêu dừng xe lại và dùng dây dù để siết cổ nạn nhân, đánh cho đến chết, cướp xe rồi trốn thoát.

Sau khi bị bắt, biết khó thoát khỏi mức án nặng, tại phiên tòa, trước HĐXX, Cường đã giả điên. Trời mùa hè nóng như thiêu như đốt, hắn luôn miệng kêu lạnh và đòi HĐXX phải đem áo rét cho hắn mặc. Miệng hắn thì luôn cười hềnh hệch, ánh mắt thì vô hồn, ngơ ngác. Khi HĐXX hỏi hắn về những tình tiết trong vụ án, hắn giả điếc và làm như không hiểu tiếng người. Hắn không trả lời bất cứ câu hỏi nào của thẩm phán. Hài hước hơn nữa, hắn còn thản nhiên vạch quần đòi tè bậy ra vành móng ngựa trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Khi lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa có mặt can thiệp, Cường nổi khùng đòi đánh cả cảnh sát. Tóm lại, Cường từ một người giảo hoạt, tinh ranh với những thủ đoạn tàn độc đã biến thành một đứa trẻ lên 2, không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình.

Cường giả điên đạt đến độ, cánh phóng viên đưa tin có mặt tại tòa ngày hôm đó còn lắc đầu ngán ngẩm bảo nhau: “Thằng này điên thật, chứ không sao bỗng dưng giết người chỉ để lấy một chiếc xe máy cũ nát làm gì”.

Trước tình cảnh ấy, HĐXX buộc phải dừng phiên xét xử và yêu cầu giám định tâm thần đối với bị cáo. Trung tâm Giám định pháp y tâm thần thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã được phân công làm nhiệm vụ này. Thời gian giám định tâm thần với Cường mất gần 1 tháng và trong thời gian này, gia đình Cường cạy cục khắp mọi nơi, lợi dụng mọi mối quan hệ hòng chạy án cho hắn. Các bác sĩ tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần giám định khẳng định tình trạng bệnh lý của Cường là “có biểu hiện giả chú ý, không phải điều trị, có thể xét xử theo đúng luật định” thì gia đình hắn mới chịu “bó tay”. Và từ những căn cứ này, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử và tuyên phạt Cường án chung thân.

Nỗi khốn khổ của tòa

Hành vi giả điên sau khi phạm tội có tính “lây lan” rất mạnh. Có thể nói rằng, rất nhiều kẻ sau khi phạm tội, dù không biết có cứu vãn được gì tội trạng của mình hay không nhưng vẫn giả điên trước tòa, giả điên trước cơ quan điều tra. Chúng ảo tưởng sẽ lừa được cả lực lượng cảnh sát điều tra, thẩm phán và cả các giám định viên tâm thần với chuyên môn cực cao. Thế nhưng, chúng đã nhầm!

Đứng trên góc độ luật pháp, kế giả điên của tội phạm xuất phát từ việc lợi dụng sự nhân đạo tối thiểu của pháp luật. Điều 13, Bộ luật Hình sự quy định rằng: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Bị cáo Cường "điên" (bên phải) đang "giả ngây" trước tòa

Đương nhiên, những kẻ phạm tội muốn vào trại tâm thần hơn là vào trại cải tạo. Và, từ trại tâm thần, con đường trở về nhà để làm người bình thường là rất ngắn và đơn giản hơn nhiều. Chính vì thế, có những kẻ năm lần bảy lượt giả điên. Có trường hợp bác sĩ phải “gông cổ” tội phạm đi giám định tâm thần. Kết quả là tội phạm không có bệnh gì, và chính bản thân hắn cũng hềnh hệch thú nhận là hắn chỉ diễn trò. Vậy mà, lần ra tòa tiếp theo hắn vẫn… điên như cũ. Tội phạm ngớ ngẩn gào rú, hú hét điên cuồng giữa tòa và làm thẩm phán cũng muốn… phát điên theo.

Luật sư Nguyễn Bằng Phát, Trưởng Văn phòng Luật sư Bằng Phát (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại rằng, trong cuộc đời hơn 20 năm theo tòa bảo vệ thân chủ, ông đã gặp vô số những trường hợp giả tâm thần cười ra nước mắt và có lẽ “mặt dày” nhất là bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1974, trú tại Đống Đa, Hà Nội. Điều đặc biệt, Tuấn đã từng năm lần bảy lượt giở trò giả điên chỉ để không phải chấp hành bản án… 1 năm tù về tội tổ chức đánh bạc.

Luật sư Phát kể rằng, theo hồ sơ, Tuấn từng có một tiền án về tội tổ chức đánh bạc năm 2007 và đã ở tù 4 năm. Ra tù vào tháng 4/2011, Tuấn vẫn chứng nào tật ấy và cùng một người bạn hùn vốn tổ chức “ôm” lô đề trong một con ngách ngỏ ở phố Thái Hà. Tuấn bị bắt quả tang 2 tháng sau đó cùng toàn bộ tang vật khi đang cùng các con bạc mải mê “soi cầu”.

Trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 12/2011, TAND quận Đống Đa phạt 4 bị cáo cùng bị bắt ngày hôm đó từ 6 tháng đến 1 năm tù treo. Riêng Tuấn, do tái phạm nên bị tòa phạt một năm tù giam. Mức án không nặng và thời gian thụ án không dài nhưng sau đó gia đình Tuấn vẫn nộp đơn kháng cáo xin giảm án cho Tuấn với lý do… Tuấn đã hóa điên.

Đầu năm 2011, TAND quận Đống Đa đã thận trọng hoãn xử phúc thẩm, đưa Tuấn đi giám định tâm thần. Dù hắn ta đã tìm đủ mọi cách diễn kịch nhưng kết quả cho thấy Tuấn hoàn toàn bình thường. Mọi người thở phào nhẹ nhõm và coi như đã đóng được hồ sơ vụ án này. Vậy mà chẳng ai ngờ được, đến phiên xử mở lại sau đó 2 tháng, Tuấn vẫn… điên. Tòa hỏi đến đâu, Tuấn cũng lắc đầu trả lời không nhớ, rồi viện lý do nhức đầu quá không trả lời được, có lúc lại co dúm người lại giật giật như lên cơn động kinh, bọt sùi trắng mép. Tòa hỏi nhiều quá, Tuấn liền gục xuống vành móng ngựa đòi… ngất. Trước tình hình đó, không còn cách nào khác, tòa đành công bố các bản cung mà Tuấn đã thừa nhận hành vi phạm tội. Tòa cũng đồng tình với Viện Kiểm sát, bác kháng cáo và y án sơ thẩm. Phiên tòa kết thúc với gương mặt ráo hoảnh và không có vẻ gì là điên của Tuấn.

Không nhất thiết phải hoãn xử!

Theo một thẩm phán tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, hiện tượng bị cáo ra tòa giả điên xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi và thường có kịch bản tỉ mỉ của người thân hay bạn tù để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hằng năm, các trung tâm giám định pháp y tiếp nhận hàng trăm trường hợp là các tội phạm hình sự và dân sự vào giám định bệnh tâm thần. Oái oăm là, trong số những ca đến giám định hầu hết lại là tâm thần giả hoặc cố tình làm tăng triệu chứng bệnh bằng nhiều chiêu bài khác nhau để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Đương nhiên, cái khó mà các bị cáo giả điên gây ra cho tòa là việc giải quyết án phải kéo dài và tốn kém vì giám định tới giám định lui. Tuy nhiên, có một điều mà các bị cáo không biết rằng, họ làm như thế chỉ càng gây bất lợi cho tình trạng của bản thân mình. Là bởi, tòa không chỉ dựa vào duy nhất lời khai của bị cáo để kết tội. Ngoài lời khai của bị cáo, tòa còn căn cứ vào lời khai của những người tham gia tố tụng khác như nhân chứng, người bị hại cùng những chứng cứ được thu thập một cách hợp pháp. Ngoài ra, bị cáo dùng chiêu giả điên để gây áp lực cho tòa sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

Trước hàng trăm con mắt, bị cáo Tuấn (người đứng) vẫn không ngần ngại giả điên

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào khi bị cáo vẫn điên dù các trung tâm giám định tâm thần khẳng định hắn không điên. Xin được dẫn lại câu chuyện của Luật sư Nguyễn Bằng Phát về trường hợp của bị cáo Nguyễn Minh Tuấn ở TP HCM, bị truy tố về hành vi giết một cháu bé 5 tuổi chỉ vì tức giận nạn nhân… giành bịch bánh tráng của mình.

Chuyện là, trước đây, cơ quan điều tra đã đưa Tuấn đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam giám định Tuấn có điên hay không. Kết luận của tổ chức này là Tuấn gây án trong lúc tỉnh nên có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Tuy nhiên, hạn chế do bệnh rối loạn nhân cách thực tổn sau chấn thương sọ não và như vậy, thời điểm ấy hắn chưa đủ khả năng tiếp xúc làm việc. Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra, áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Tuấn. Sau một thời gian chữa trị, Viện Pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam xác định Tuấn đã ổn định. Tháng 9/2011, Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án và áp dụng lại biện pháp tạm giam đối với Tuấn. Nhưng trong phiên sơ thẩm hồi tháng 4/2012, khi tòa vừa bắt đầu làm thủ tục thì Tuấn giở chiêu không khai được họ tên, không nhận được mặt người thân và bỗng chống hóa điên. Hội đồng xét xử đành phải hoãn xử để đưa Tuấn đi giám định tâm thần lại.

Bố mẹ cháu bé bị hại chỉ biết gào lên: Giám định rồi, giám định lại và giám định đến bao giờ?

Luật sư Phát cho rằng, bị cáo rõ ràng đang tìm cách qua mặt HĐXX. Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM kể rằng, có lần ông xử một vụ bị cáo có biểu hiện giả điên, phía gia đình và luật sư liên tục yêu cầu hoãn xử để giám định tâm thần. Ông quyết định không hoãn mà vẫn tiếp tục xử. Bắt đầu phần xét hỏi, ông Hùng không thẩm vấn mà gọi bị cáo đến động viên rồi hỏi hồi nhỏ bị cáo học có giỏi không, có nhiều giấy khen không. Bị cáo liệt kê vanh vách thành tích của mình, y chang lý lịch trong hồ sơ gia đình nộp. Chính sự tác động vào tâm lý luôn muốn được thừa nhận thành tích để hưởng tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã bắt giò được bị cáo này đang giả vờ ngớ ngẩn, cuối cùng buộc bị cáo cúi đầu nhận tội.

Gặp trường hợp bị cáo giả điên đòi hỏi người thẩm phán phải có nghệ thuật trong xét xử. Một khi thẩm phán đã vững tâm, tin chắc bị cáo đó chỉ giả điên thì cứ mạnh dạn xét xử, không nhất thiết phải hoãn phiên tòa. Thẩm phán có thể thẩm định sự thật khách quan của vụ án qua các chứng cứ thu thập được trong hồ sơ. Nếu bị cáo không khai báo, nói năng lung tung, ca hát… thì có thể buộc bị cáo ngồi yên và chuyển sang tác động những người tham gia tố tụng khác để làm rõ vụ án. Sau đó, hội đồng xét xử sẽ thẩm định chứng cứ, công bố các bút lục… và tiến hành trình tự xét xử bình thường dù bị cáo có trả lời, có tranh luận hay không.

Tuy nhiên, gặp những tên tội phạm “cáo già” thì sẽ phải như thế nào. Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã cẩn trọng đưa bị cáo đi giám định tâm thần và có kết quả bình thường thì tại sao không kết án mà cứ nhất thiết  phải hoãn xử để giám định lại. Và rõ ràng rằng, bị cáo cứ điên là dừng xử thì chiêu giả điên sẽ vẫn còn đất sống, kẻ phạm tội vẫn nhăn nhở cười trước tòa, còn người bị hại thì tiếp tục nuốt nước mắt chờ công lý được thực thi.

Cuộc chiến đấu với loại tội phạm “quyết điên cho bằng” hoàn toàn không phải là câu chuyện giản đơn. Nó cần sự can thiệp công tâm và mạnh mẽ của rất nhiều người, rất nhiều cơ quan có trách nhiệm. Một trong những lực lượng nòng cốt chống tội phạm giả điên chính là các giám định viên tâm thần mà chúng tôi sẽ đề cập tới ở kỳ sau.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Vương - Tiến - Hưng