Biến phế liệu thành... sách vở học tập

10:00 | 27/08/2019

1,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm học mới đã cận kề, ở một xã miền núi Nghệ An, chị em phụ nữ có sáng kiến “biến phế liệu thành sách vở và áo quần đồng phục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Việc làm ý nghĩa này đã đem lại niềm vui cho những trẻ thơ mong muốn đến trường.      

Niềm vui từ bộ sách mới

Cầm trên tay tập vở viết và bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 10 vừa được trao tặng còn thơm mùi giấy, em Hoàng Thúy Quỳnh ở xóm 14, xã Long Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) ngồi ngắm nghía, vuốt ve từng cuốn một. Đôi mắt của em ánh lên một niềm vui, vẻ mặt cũng rạng ngời niềm hy vọng. Chị Trần Thị Tình - mẹ của Quỳnh cũng không giấu được niềm vui: “Thật sự tôi đang rất lo lắng, chưa biết xoay xở cách nào để có tiền mua sách vở, áo quần đồng phục cho con, nhất là Quỳnh năm nay vào lớp 10. Rất may, cháu được Hội Phụ nữ xã tặng sách vở, giúp bớt đi một mối lo cho gia đình”.

bien phe lieu thanh sach vo hoc tap
Hội viên Hội Phụ nữ xã Long Sơn tập kết phế liệu thu gom

Quỳnh mồ côi bố lúc mới 4 tuổi, lúc ấy em gái Hoàng Thị Yến Nhi mới 2 tuổi, còn lẫm chẫm tập đi. Chồng qua đời vì bệnh hiểm nghèo, chị Tình một mình với gánh nặng mưu sinh và hai con nhỏ dại, chưa kể những khoản nợ vay mượn khi chồng nằm viện. Thu nhập không có gì ngoài mấy sào ruộng, để có thêm tiền trang trải hằng ngày, chị Tình phải đi làm thuê. Ngôi nhà ọp ẹp, được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng làm nhà mới, phải mất gần 10 năm mới cơ bản được hoàn thành. Mới đây, con gái đầu bị u ở vùng cổ, phải xuống Bệnh viện Nội tiết phẫu thuật và chữa trị, mất khoản tiền khá lớn nên chưa có điều kiện sắm sửa sách vở, áo quần cho các con.

Với nụ cười tươi tắn, Quỳnh nói: “Năm nay em vào lớp 10, điều lo lắng nhất là mẹ không kịp mua sách vở để đến lớp. Bây giờ em không còn lo lắng nữa, sẽ cố gắng học thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm của mọi người”.

Chúng tôi tiếp tục xuôi về xóm 9 (xã Long Sơn) và được chứng kiến niềm vui của em Lê Thị Hợi - cô bé mồ côi mẹ, không có bố, hiện sống cùng gia đình cậu mợ. Năm học mới này Hợi lên lớp 5, gia đình cậu mợ khó khăn, lại đông con nên chưa sắm kịp sách vở cho đứa cháu nhỏ côi cút. Hội Phụ nữ xã đã kịp thời động viên bằng cách tặng cho em tập vở viết và bộ SGK mới. Cũng như Hoàng Thúy Quỳnh, Lê Thị Hợi tỏ rõ sự vui mừng khi được cầm trên tay những cuốn sách, quyển vở còn thơm phức.

Cậu ruột của Hợi - ông Nguyễn Văn Lộc cho hay, Hợi sinh ra không có bố, hai mẹ con sống trong ngôi nhà nhỏ ở cạnh bên. Năm 2014, mẹ của Hợi mắc bệnh ung thư vòm họng và qua đời, gửi gắm con gái nhỏ cho vợ chồng người em trai nuôi nấng. Vợ chồng ông Lộc có tới 6 người con, điều kiện kinh tế cũng eo hẹp, chỉ có mấy sào ruộng và đất bãi, không đủ chi tiêu hằng ngày. Ngoài thời gian làm ruộng đồng, ông Lộc làm thêm phụ hồ, vợ ông đi làm thuê để có tiền nuôi các con và đứa cháu nhỏ ăn học. Hiện tại, gia đình ông có 3 con nhỏ đang theo học lớp 9, lớp 7 và lớp 4, thêm cả Hợi nữa là 4 người đi học. Mua sắm sách vở, áo quần cho chừng ấy đứa trẻ là một khoản không nhỏ đối với một gia đình nghèo, chưa kể các khoản đóng góp đầu năm học mới.

Việc cất trữ và thu gom phế liệu là hoạt động thiết thực vừa để bảo vệ môi trường, chủ động phân loại rác thải, xây dựng lối sống và cách ứng xử văn hóa, vừa để giúp đỡ những em nhỏ gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Lộc) tâm sự: “Tôi đang chăm đàn gà lớn thêm tí nữa để đem bán lấy tiền mua sách cho mấy đứa nhỏ. Nay được các chị quan tâm, tặng cháu sách vở, gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn và sẽ bảo ban cháu giữ gìn cẩn thận, cố gắng trong học tập”.

Biến phế liệu thành sách vở

Về xã miền núi Long Sơn, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về những người phụ nữ thu gom phế liệu giúp đỡ trẻ em nghèo. Qua trao đổi, chị Trần Thị Thương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Sơn - cho biết: “Nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh có sách vở, áo quần khi bước sang năm học mới, chúng tôi phát động phong trào thu gom phế liệu. Đây cũng là hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường, chủ động phân loại rác thải, xây dựng lối sống và cách ứng xử văn hóa…”.

bien phe lieu thanh sach vo hoc tap
Niềm vui của em Lê Thị Hợi khi được tặng sách vở mới

Hưởng ứng phong trào, hội viên của 15 chi hội trong toàn xã Long Sơn đã tích cực thu gom phế liệu, coi đây là công việc hằng ngày. Điển hình như chị Trần Thị Hoa - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 9 - hằng ngày thức dậy từ mờ sáng, đi khắp các tuyến đường nhặt từng chai nước bằng nhựa hay lon nước ngọt vứt dọc đường, gom vào chiếc bao tải. Rồi những lúc đi làm đồng hay ra chợ bán con gà, mớ rau, chị Hoa cũng mang theo chiếc túi nhỏ, hễ nhìn thấy phế liệu chị liền nhặt cho vào túi mang về. Ban đầu, không ít người lấy làm lạ, vì hoàn cảnh gia đình chị không đến mức quá nghèo khó, các con chị đã lớn và có thể giúp đỡ bố mẹ. Nhưng khi hiểu được mục đích thu gom để kiếm tiền mua sách vở giúp đỡ trẻ em nghèo, mọi người thực thực sự mến phục chị. Chưa kể, vào ban đêm, khi xong công việc thu dọn nhà cửa, chị Hoa rủ thêm mấy chị em đi nhặt phế liệu dọc đường. Rồi vào các quán hàng ăn uống và giải khát xin lon bia, chai nước đã dùng, gom lại rồi đưa về nhà tập kết.

Chị Hoa chia sẻ: “Xuất phát từ tấm lòng của một người mẹ, tôi thấy thương những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, nghèo khó và thiếu thốn, nhất là mỗi khi đến năm học mới. Khi Hội Phụ nữ xã phát động phong trào “biến phế liệu thành sách vở, đồ dùng học tập và quần áo đồng phục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, tôi vận động chị em hội viên và gương mẫu thu gom phế liệu, hằng tháng nộp lên để giúp đỡ trẻ em nghèo”. Theo gương chị Hoa, hầu hết chị em trong chi hội đều tích cực thực hiện, vừa giữ được vệ sinh và cảnh quan môi trường, vừa thiết thực giúp đỡ những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

bien phe lieu thanh sach vo hoc tap
Hội Phụ nữ xã Long Sơn tặng sách vở mới cho em Lê Thị Hợi

Đến nay, sau hơn 1 tháng phát động, chị em đã thu được hơn 1 triệu đồng và dành hơn 700 nghìn đồng mua sách vở cho hai em Hoàng Thúy Quỳnh và Lê Thị Hợi. Phong trào thu gom phế liệu sẽ tiếp tục được duy trì để có thêm nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được trao tặng sách vở, áo quần đồng phục trước ngày khai giảng và được giúp đỡ trong quá trình học tập.

Rời vùng quê nghèo Long Sơn, chúng tôi thấy ấm lòng khi được chứng kiến niềm vui của những đứa trẻ mồ côi nâng niu những tập sách vở mới. Hy vọng sẽ có thêm nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ, để con đường đến lớp vơi bớt những gập ghềnh, trắc trở.

Trần Công Kiên