Bị vấy bẩn vì... tiền

07:04 | 22/08/2014

2,854 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai đó ví von, nhạc Trịnh thiêng liêng như một thánh đường. Nhưng đáng tiếc, thánh đường đang bị những người nhân danh nghệ thuật làm vấy bẩn bởi chữ tiền.

Năng lượng Mới số 350

1. Trở về quê hương biểu diễn lần này đã để lại cho Khánh Ly một kỷ niệm rất buồn! Dẫu chuyện đôi co tác quyền âm nhạc không liên quan gì đến bản thân ca sĩ, đó là chuyện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và nhà tổ chức liveshow Khánh Ly, là Công ty Giải trí Ðồng Dao. Song, nó đã như một vết cứa vào mối quan hệ sâu nặng trong âm nhạc giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thuở nào. Họ vốn là một cặp bài trùng gắn bó với nhau từ cái thuở ôm đàn hát với cát-sê chỉ bằng giá ly cà phê hè phố!

Ðiều gì đã khiến nhạc sĩ Phó Ðức Phương, Giám đốc VCPMC phải làm một việc chưa có tiền lệ và là một hành động rất không nên có: thân chinh đến tận sân khấu đòi tiền tác quyền liveshow Khánh Ly!? Và chuyện trở nên ầm ĩ khi cả hai lần ông đi “đòi nợ” đều ra về trắng tay, thậm chí có lúc còn bị đối xử rất tệ hại từ đối phương: bắt ngồi đợi xong rồi… đuổi về! Mâu thuẫn giữa họ được tóm gọn trong 2 vấn đề: thứ nhất là phía nhà tổ chức và VCPMC không thỏa thuận được mức phí tác quyền phải trả, thứ hai là việc tranh cãi về bằng chứng VCPMC có quyền thu phí tác quyền nhạc Trịnh, cụ thể đó là họ phải có đủ 7 chữ ký của người trong gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vậy ai đúng ai sai trong vụ đôi co tiền tác quyền này!?

Có một thực tế trong giới biểu diễn rằng, rất nhiều nhà tổ chức cố tình lờ đi chuyện đóng tiền tác quyền, cho tới khi họ bị lên tiếng đòi. Chưa kể là tâm lý “xài chùa” như đã ăn vào trong tư duy của những nhà tổ chức chương trình ca nhạc. Trao đổi với người viết bài, các nhạc sĩ lên tiếng rằng, họ hầu như rất hiếm khi được phía đơn vị tổ chức nào liên hệ về chuyện tác quyền âm nhạc khi chương trình sử dụng các ca khúc của họ. Trong cả nước, hàng đêm có biết bao chương trình ca nhạc diễn ra từ các sân khấu đến các phòng trà lớn, nhỏ nhưng tiền tác quyền âm nhạc thu về rất ít!

Bị vấy bẩn vì... tiền

Khánh Ly và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ở chiều ngược lại, VCPMC trong vai trò là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ quyền tác giả âm nhạc hiện nay cũng mang lại nhiều thất vọng, tai tiếng trong cách làm việc. Họ cũng gây bức xúc với nhà tổ chức khi đơn phương tự áp đặt các mức thu khác nhau. Thậm chí cho mình cái quyền mặc cả trên phí tác quyền giống như mớ rau, con cá ngoài chợ! Chưa kể là trung tâm này còn gây bức xúc trong giới nhạc sĩ khi họ cho rằng trung tâm không minh bạch trong chuyện thu phí và phân chia tiền phí thu được. Có nhạc sĩ “tố” VCPMC thu phí tác quyền đối với cả những nhạc sĩ mà họ không được ủy quyền. Có nhạc sĩ thì lên tiếng VCPMC thu 10 đồng nhưng chỉ trả lại cho nhạc sĩ… 1 đồng! 

Còn cụ thể ở liveshow Khánh Ly, cả nhà tổ chức và VCPMC đều khiến người ta ngao ngán ở cách cư xử như trẻ con của họ. Ðồng Dao đã bất chấp để chương trình diễn ra dù chưa giải quyết chuyện phí tác quyền với phía VCPMC. Sai là như thế, song họ lại còn gân cổ lên cãi rằng, họ chỉ trả tiền tác quyền khi VCPMC có đủ 7 chữ ký của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong khi đó thì ai cũng biết rằng, xưa nay bà Trịnh Vĩnh Trinh là người đại diện hợp pháp trong vấn đề tác quyền các ca khúc nhạc Trịnh. VCPMC có được sự ủy quyền của bà thì việc họ tiến hành làm đại diện thu tiền tác quyền từ các chương trình biểu diễn có ca khúc nhạc Trinh là điều hợp lý!

Còn đại diện phía VCPMC, nhạc sĩ Phó Ðức Phương thì lại có thái độ được đánh giá gần giống với hành vi “ăn vạ, đòi nợ” khi kéo cả đoàn đến tận nơi tổ chức biểu diển để đòi tiền bằng được! 

Ứng xử kém tinh tế vừa qua của cả hai phía không chỉ đã vấy bẩn lên một chương trình ca nhạc sang trọng như liveshow Khánh Ly mà nó còn phơi bày một thực tế nhộn nhạo kiểu chợ búa của showbiz Việt hiện tại, nhất là trong chuyện tác quyền. Thật khó để hình dung rằng, sau 10 năm Luật Sở hữu trí tuệ chính thức ra đời thì chuyện tác quyền vẫn chưa có được những lề lối ứng xử văn minh! Làng nhạc vẫn hỗn mang và chuyện thu phí tác quyền biến làng nhạc Việt thành một cái chợ, nó loạn từ buổi đầu họp chợ cho đến lúc chợ tàn!

2. Ở một câu chuyện khác như cũng liên quan đến chuyện tiền nong, vừa qua có nhiều trường hợp nghệ sĩ lên tiếng tố cáo các bầu sô, nhà tổ chức quỵt tiền cát-sê của họ. Ðó là chuyện Hồng Quế bức xúc đến mức chửi thề, công khai danh tánh nữ bầu sô quỵt tiền lên facebook; Hoa hậu Ngọc Hân, ca sĩ Hoàng Tôn, Phương Linh… cũng từng là nạn nhân của các vụ bầu sô quỵt tiền cát-sê thời gian qua!

Bị vấy bẩn vì... tiền

Liveshow Khánh Ly vừa qua là một kỷ niệm buồn

Theo tìm hiểu, đây không phải là những trường hợp đầu tiên của giới nghệ sĩ biểu diễn, nhất là với các ca sĩ, hầu như không ca sĩ nào mà không bị trừ tiền hoặc quỵt tiền cát-sê một cách vô cớ cả! Chiêu thường dùng của giới tổ chức, bầu sô là than vãn với nghệ sĩ rằng “ế khách, bể sô”. Họ thẳng tay bớt tiền cát-sê của nghệ sĩ, hoặc nợ vô thời hạn! Ngoài ra, giới bầu sô hiện tại lại có một tuyệt chiêu khác để chiếm đoạt tiền cát-sê đó là tổ chức sô diễn núp bóng dưới danh nghĩa “từ thiện”. Bởi khi gắn với hai chữ “từ thiện” để mời sô thì nghệ sĩ hầu như không nhận cát-sê hoặc có chăng chỉ ít là chi phí đi lại. Nhưng sự thật thì đó là sô diễn có nhà tài trợ, có bán vé và số tiền làm từ thiện chỉ là một phần rất nhỏ trong số tiền thu được từ đêm diễn đó!

Chuyện nghệ sĩ biểu diễn dễ bị bầu sô quỵt tiền còn thường do mối quan hệ thân quen giữa nghệ sĩ và bầu sô. Họ làm việc gọi mời, thỏa thuận cát-sê đều bằng miệng hoặc bằng tin nhắn mà không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng nào. Nên khi xảy ra chuyện nghệ sĩ bị quỵt cát-sê thì họ cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thêm nữa là bản thân người nghệ sĩ cũng ngại lùm xùm, phiền phức nên cũng không mấy ai lên tiếng tố cáo hay kiện tụng dẫu rất cay cú.

Nhưng trong câu chuyện nhà tổ chức quỵt tiền nghệ sĩ cũng có trường hợp rằng: sô diễn bị “gãy”, tức vé bán ra rất ít, nhà tổ chức lỗ nặng, trắng tay vì bể sô diễn đó. Khi rơi vào trường hợp này thì nhiều bầu sô phải thương lượng với nghệ sĩ, thậm chí là xin nghệ sĩ chia sẻ tiền cát-sê. Ðó cũng là chuyện đáng cảm thông, nếu đúng là sự thật chứ không phải diễn.

Có không ít bầu sô mất uy tính sau những lần bớt tiền cát-sê nghệ sĩ với những lý do không chính đáng, hoặc có dấu hiệu gian dối. Sự thật là có không ít người lợi dụng, thu lợi trên mồ hôi công sức của người nghệ sĩ. Ðương nhiên họ không thể tồn tại lâu với nghề được! Và để tránh những trường hợp bị lừa, nhiều nghệ sĩ đã ra quy định trước rằng, họ phải nhận đủ tiền cát-sê như thỏa thuận thì mới ra sân khấu diễn. 

Qua hai câu chuyện trên cho thấy, “thiên đường nghệ thuật” đang bị vấy bẩn bởi chuyện tiền nong! Có quy luật rằng, làm nghệ thuật mà để vấn đề lời - lỗ chi phối thì khi đó nghệ thuật sẽ trở thành thương mại; sô diễn trở thành một cuộc mua - bán giữa các bên: nhà tổ chức - nghệ sĩ và khán giả, và một cái chợ nhốn nháo cũng từ đó hình thành! 

Trúc Vân