"Nhặt rác" cho ngành xuất bản

15:05 | 29/12/2014

1,926 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để diễn viên Công Lý “mặc quần nhỏ” lên bìa… sách luật, danh tướng Việt minh họa như “game” Tam Quốc, Truyện cổ tích 18+ và từ điển tiếng Việt dành cho học sinh gây sốc…là những sai phạm “dở khóc dở cười” của công tác liên kết trong ngành xuất bản năm 2014.

Công Lý “mặc quần nhỏ” lên bìa… sách luật

Giữa tháng 11, dư luận không khỏi xôn xao bàn tán trước hình ảnh nam diễn viên hài Công Lý với thân hình lực lưỡng, mặc độc chiếc “quần nhỏ” trên trang bìa cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014  do NXB Lao động- Xã hội ấn hành. Được biết cuốn sách này nằm trong Tủ sách pháp luật cơ sở của NXB Lao Động – Xã Hội, được xuất bản năm 2014 với số lượng 1.000 cuốn.

Vì sự cố từ trên trời rơi xuống này, Công Lý bị làm phiền bởi rất nhiều cuôc gọi, tin nhắn, lời hỏi han từ báo giới, đồng nghiệp, khán giả. Theo một nguồn tin, anh còn bị “cắt” hợp đồng quảng cáo vì những ồn ào không đáng có này.

Ngay sau đó, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin- Truyền thông) đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ phát hành và thu hồi những cuốn còn sót lại trên thị trường. Cục cũng ra quyết định xử phạt NXB Lao động - Xã hội 252 triệu đồng do đã xuất bản 2 cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 và Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 có in hình ảnh phản cảm trên bìa 1. Trong đó, có hình ảnh liên quan tới diễn viên Công Lý.

Dư luận “choáng váng” vì truyện cổ tích 18+

Độc giả không khỏi sửng sốt khi trong cuốn Truyện cổ tích về các loài chim& muông thú do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành có đoạn: "Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá. Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại....", (câu chuyện Lêđa và con thiên nga).

Thực chất nội dung 18+ trong Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú là một đoạn trong Thần thoại Hy Lạp nổi tiếng do tác giả Gia Mạnh sưu tầm và biên soạn.

Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng cách kể chuyện cũng như ngôn ngữ tác giả sử dụng trong đoạn truyện dễ gợi ra những liên tưởng không lành mạnh, tác động tiêu cực tới tâm hồn trẻ thơ.

Sau khi xác định cuốn sách do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành, Cục đã gửi công văn yêu cầu NXB giải trình. Đồng thời, Cục Xuất bản cũng xúc tiến thành lập một hội đồng thẩm định nội dung cuốn và đưa ra kết luận: Việc tuyển chọn và giới thiệu truyện thần thoại Lêđa và con thiên nga trong cuốn sách có tựa đề Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú là chưa chính xác về thể loại.

Danh tướng Việt được minh họa như “game” Tam Quốc

Trong cuốn Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc (tác giả Nguyễn Hoàng Điệp và Đức Thông đồng chủ biên) do NXB Văn hóa- Thông tin xuất bản, những hình ảnh minh họa chân dung các vị tướng thời xưa được thể hiện theo phong cách kiếm hiệp trong các game đương đại, hoặc thậm chí cả nét vẽ theo phong cách manga Nhật Bản, khiến giới chuyên môn và dư luận cho rằng đây là cách làm sách thiếu nghiêm túc, nhất là tập sách được giới thiệu nhằm tôn vinh các danh nhân lịch sử.

Ngoài phần minh họa, cuốn sách còn mắc nhiều lỗi sai về ngày sinh ngày mất của một số danh tướng. NXB Văn hóa- Thông tin cũng xuất bản cuốn sách mà không có xác nhận đăng ký xuất bản.

Với tất cả những vi phạm trên, ngày 15/12 Cục Xuất bản đã ra văn bản xử phạt hành chính đối với NXB Văn hóa- Thông tin là 21 triệu đồng. Đồng thời, NXB Văn hóa- Thông tin cũng bị đề nghị tạm dừng hoạt động xuất bản.

“Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” gây sốc

Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả; Bồ bịch là bạn bè thân thích; Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào, thơ ngây là ngây thơ, nắn bóp: nắn và bóp, cào cấu: vừa cào vừa cấu, tù trưởng là người đứng đầu trông coi tội nhân, Tao đàn là chỗ nằm của tao nhân thi sĩ… là các định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất ấn hành khiến độc giả vô cùng bàng hoàng.

Dư luận cho rằng với định nghĩa ngô nghê, nhiều sai sót như thế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của lứa tuổi các em học sinh. Giới truyền thông cũng vào cuộc, lên án gay gắt sự biên tập cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất bản.

Trước phản ứng gay gắt từ dư luận, ngày 17/10, Cục Xuất bản  ra các quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn sách Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất do Nhà xuất bản Hồng Đức và Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản.

Riêng hai cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, đề tên Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Thanh niên được xác định là cuốn sách mạo danh các nhà xuất bản nêu trên. Do đó, Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh sẽ phải thu hồi và tiêu hủy; các cơ sở phát hành và thư viện không được phát hành, lưu trữ.

Sau khi “từ điển Vũ Chất” bị thu hồi, một cuốn từ điển khác của NXB Bách khoa Hà Nội cũng được coi là “thảm họa”. Trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” này, tác giả cũng giải nghĩa các từ và cụm từ một cách ngây ngô. Phần lớn những cách giải thích từ nếu không sai lệch hoàn toàn so với nghĩa gốc, thì cũng cắt xén, mổ xẻ theo kiểu nôm na, tùy tiện là dịch “từ sang từ”. Điển hình như: “niết bàn” là “nát bàn”; “nhọ” là “lọ”, “bia” là “rượu giải khát”, “yếu hèn” là “hèn yếu”, “phi quân sự hóa” là “làm một vùng thành phi quân sự”, “ả đào” là “đào hát trong các hộp đêm”, “con ranh” là “con đẻ ra thì chết”, “độ lượng” là “lòng rộng rãi”, “ghi nhớ” là “ghi và nhớ lấy”, “mộ đạo” là “mến chuộng đạo lý”, “cố chết” là “cố sống”…

Giải Sách hay trao nhầm cho sách tái bản "ẩu"

Trong số 13 cuốn sách được trao giải thưởng Sách hay 2014 (Tuổi Trẻ ngày 12-9), ở lĩnh vực sách nghiên cứu, cuốn sách Văn hóa tộc người Việt Nam của Nguyễn Từ Chi (NXB Thời Đại và tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật ấn hành, 2013) đã được trao giải.

Tuy nhiên, đây lại là cuốn sách được “tái bản và sửa chữa” một cách cẩu thả, vi phạm bản quyền từ cuốn sách gốc mang tên Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người của Nguyễn Từ Chi (NXB Văn Hóa Thông Tin và tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật ấn hành) năm 1996.

Sách đứng tên tác giả là PGS Nguyễn Từ Chi nhưng đề tên 8 người sưu tập gồm: Nguyễn Chí Bền, Trần Lâm Biền, Ngô Văn Doanh, Lê Hồng Lý, Nguyễn Minh San, Nguyễn Duy Thiệu, Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Quốc Tuấn. Nhưng khi được hỏi về bản sách này thì những người đại diện trong nhóm sưu tập đều giật mình vì họ không hề nhận được thông báo nào của nhà xuất bản cũng như đơn vị liên kết.

Ngoài cái tựa làm sai lệch hẳn ý nghĩa và sự khiêm nhường của sách gốc, cuốn sách tái bản đã cắt toàn bộ phần hai và phần mục lục. Ban tổ chức giải Sách hay sau đó có lời xin lỗi và đính chính Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người của Nguyễn Từ Chi mới là cuốn sách mà họ muốn trao giải. Nhiều độc giả cho rằng như vậy là ban giám khảo đã không đọc cuốn sách tái bản, dẫn tới việc trao nhầm.

NXB Văn hóa – Thông tin bị đề nghị tạm dừng hoạt động

Từ tháng 01/2014 đến nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý vi phạm 60 cuốn sách của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin với các hình thức như: yêu cầu Nhà xuất bản đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung; đình chỉ phát hành để sửa chữa lỗi sai; thu hồi tác phẩm… Trong đó, 11 cuốn sách vi phạm về nội dung, 49 cuốn sách vi phạm về ghi thông tin, xác nhận đăng ký xuất bản…

Cụ thể là các cuốn: Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh, tác giả Vũ Chất. Nội dung cuốn sách “có nhiều chỗ giải thích sai nghĩa sai lệch bản chất từ ngữ”. Cuốn sách này đã gây chấn động dư luận và gây bức xúc trong xã hội. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có quyết định thu hồi và tiêu huỷ cuốn sách này.

Ngoài ra, Nhà xuất bản VH-TT cũng sai phạm với cuốn 25 tướng lĩnh Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Phúc. Cuốn sách này có một số chi tiết chưa chính xác về nhân vật lịch sử; sự kiện lịch sử.

Những cuốn sách vi phạm của NXB Văn hóa - Thông tin

Với cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc (tác giả Nguyễn Hoàng Điệp và Đức Thông đồng chủ biên), Cục Xuất bản đã ra văn bản xử phạt hành chính 21 triệu đồng đối với NXB Văn hóa- Thông tin vì không có xác nhận đăng ký xuất bản.

Gần đây, vào ngày 27/12, NXB Văn hoá - Thông tin lại bị Cục Xuất bản, In và Phát hành xử phạm hành chính về việc ghi không đúng, không đủ những thông tin phải ghi trên 03 xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 27 của Luật Xuất bản. Cụ thể: Đề đá Nội Lâm trong làng du lịch sinh thái Tràng An (Tác giả: Lãng Đăng Bật biên soạn); Huyền thoại về một chiếc máy cày – truyện, ký: (Tác giả: Sa Phong Ba);Mỹ thuật thủ đô 2014 (kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô 1954-1014); Tác giả: Hội Mỹ thuật Hà Nội. Với sai phạm này, NXB Văn hoá - Thông tin bị xử phạt số tiền 12 triệu đồng đối với 3 xuất bản phẩm vi phạm.

Sách bản quyền thua sách in lậu

Vụ việc kéo dài gần 3 năm giữa nguyên đơn Trí Việt và bị đơn Huy Thi có một kết thúc buồn cho phía làm sách có bản quyền và trắng án cho phía in lậu.

Trong một bản án gây bức xúc cho giới làm sách, tháng 8 vừa qua, TAND TP Hà Nội bác đơn kiện của công ty sách Trí Việt tại phiên phúc thẩm và buộc đơn vị này chịu 26 triệu đồng án phí. Vụ việc bắt đầu vào cuối năm 2011 khi công an Hà nội phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra, khám xét cơ sở gia công sau in Huy Thi và thu hơn 10.000 cuốn sách in lậu, bìa và ruột của một số cuốn chưa thành phẩm.

Được đóng xén nhiều nhất là Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt do Trí Việt đang giữ bản quyền. Trí Việt cho biết họ sẽ đề nghị giám đốc thẩm bản án đã tuyên. Tuy nhiên, giới làm sách có bản quyền vẫn cho rằng vụ việc sẽ tạo ra tiền lệ xấu khiến họ khó khăn hơn khi phải đối phó với sách in lậu, sách bị cơ sở in nối bản trái phép.

NXB Giáo dục Việt Nam và lùm xùm tác quyền sách giáo khoa

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), từ đầu tháng 4/2014, VLCC đã tiến hành thống kê và khảo sát bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, phát hiện các tác phẩm văn học được NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) sử dụng trong bộ sách mà chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả trong suốt hơn 10 năm qua.

Cho đến nay, đã gần 7 tháng kể từ ngày VLCC gửi công văn đến NXB GDVN đề nghị NXB thực hiện việc chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK nhưng chưa có tác giả nào nhận được tiền nhuận bút. Đáng nói là lần gần nhất, sau cuộc họp lần thứ năm ngày 5/12, hai bên vẫn chưa thể thống nhất phương án chi trả nhuận bút. 

Tại buổi Hội thảo do Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ VHTTDL và Trung tâm tổ chức, VLCC đã lấy được ý kiến đồng thuận của các bên là Cục bản quyền tác giả sẽ chủ trì cuộc họp giữa Trung tâm và NXB GDVN, cũng sẽ mời Cục xuất bản tham dự để giải quyết sự việc này. Tuy nhiên, nếu cuộc họp không đạt kết quả thì VLCC và các tác giả đã tính đến phương án khởi kiện NXB GDVN tại Tòa Án và yêu cầu NXBGDVN không được tiếp tục sử dụng các tác phẩm của họ trong bộ SGK trong những năm tới.

Anh Anh (tổng hợp)