Bí ẩn về “Phật sống” Như Ý ở An Giang (Kỳ 2)

07:00 | 01/04/2016

20,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi lên 3-4 tuổi, bé Như Ý bắt đầu nhớ lại kiếp trước của mình, như việc bé từng là người như thế nào, sống ở nơi đâu…
Bí ẩn về “Phật sống” Như Ý ở An Giang (Kỳ 1)

Kỳ 2: Câu chuyện tiền kiếp

4. Như Ý là cô bé có khả năng nhớ được tiền kiếp, chính bố mẹ bé đã xác nhận với chúng tôi về điều ấy. Nhưng tất nhiên, anh chị cũng không dám khẳng định điều đó là thật, bởi như anh Hạnh cha bé Như Ý nói, làm sao có thể kiểm chứng được là tiền kiếp ấy có chính xác hay không?!

bi an ve phat song nhu y o an giang ky 2
Bé Như Ý giảng Phật pháp tại các diễn đàn

Chị Cam kể, khi Như Ý mới lên 3 tuổi thì bé bắt đầu có những biểu hiện khác lạ, bé nói chuyện như người lớn tuổi và đặc biệt là hay kể lại những câu chuyện về kiếp trước của mình. Như Ý từng nói với chị rằng, kiếp trước bé cũng là một người tu hành, sống ở miền Bắc, kiếp này đầu thai lại và tiếp tục tu hành. Lần đầu nghe những lời kỳ quái ấy của con, anh chị phát hoảng. Nhưng nhờ là người có tu tập nên anh chị đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh mà khuyên dạy con.

Anh chị quan niệm, chuyện tiền kiếp, có chăng cũng chỉ là chuyện quá khứ đã qua rồi, quan trọng là hiện tại bé Như Ý đã có nhân duyên với Phật Pháp nên sẽ cố gắng giúp bé phát huy tu học. Anh chị cũng khuyên con mình đừng để tâm hồi tưởng chuyện quá khứ và cũng đừng nhắc đến những chuyện đó với ai nữa, sẽ không ích lợi gì.

“Thú thật, tôi làm cha nên tôi có thể cảm nhận rõ được về chuyện tiền kiếp của Như Ý thông qua lời con bé kể. Tôi không thể chắc chắn điều đó bởi bé phải nhớ được chính xác rằng, kiếp trước sống ở miền Bắc nhưng cụ thể là ở đâu, cha mẹ, người thân họ hàng là ai…? Khi đó, nếu tìm đến và xác nhận được thì mới có thể khẳng định được về khả năng nhớ tiền kiếp của Như Ý. Còn hiện tại, tất cả đều chưa được tìm hiểu thì không thể khẳng định gì được. Bản thân gia đình tôi cũng đã thỏa thuận nhau là sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện kiếp trước nữa. Tôi thấy nó không ích lợi”, cha Như Ý nói.

Nghe bố mẹ Như Ý chia sẻ như thế, tôi thật sự rất hoan nghênh về cách dạy con này. Đơn giản một điều rằng, chỉ với những vui buồn trong quãng đời hiện tại này thôi cũng đủ làm ta khổ sầu vô hạn rồi nói chi đến việc nhớ lại những ân oán vui buồn của kiếp trước. Chư Tổ Thiền Tông có khuyên rằng: “Việc qua rồi chẳng nhớ. Việc chưa đến chẳng lo. Chuyện hiện tại không đem lòng vọng tưởng” là vì vậy.

Trước đây, tôi cũng đã khá nhiều lần nghe sư thầy kể về các trường hợp nhớ tiền kiếp. Ấn tượng nhất là câu chuyện về một anh bác sĩ thú y lúc lâm chung thì hồn xuống âm phủ khi đi qua cây cầu Nại Hà để tái sinh. Tại đầu cầu này có quán ăn, ai đi qua đó cũng được đãi ăn bát cháo, cháo này gọi là cháo lú, để linh hồn người chết quên hết những gì về quá khứ của mình để dễ dàng cho việc đầu thai sau này và anh gặp lại bầy chó mà mình từng chăm sóc. Do chúng ăn hết “cháo lú” của anh nên khi đầu thai trở thành một thằng nhóc, lúc lên 5, thằng nhóc nhớ tiền kiếp rõ mồn một. Thế là nó nài bắt bố mẹ hiện thời dẫn đi gặp lại vợ con, cháu chắt. Một cuộc tao ngộ đã diễn ra trong tình cảnh éo le và cảm động. Bằng giọng nói ngọng nghịu của đứa bé lên 5, thằng nhóc kể vanh vách về kiếp của mình với người thân.

Sau đó, thằng nhóc không thể sống bình thường như bao nhiêu đứa bé khác, gánh nặng của tiền kiếp hằn sâu trên thân xác thơ dại của nó. Những mối dây thân ái trong quá khứ khiến thằng bé quên mất nhịp sống của hiện tại. Cuối cùng bố mẹ nó đành đưa nó vào chùa, không phải để tu mà là để dưỡng tâm thần. Có thông tin rằng, thằng bé trên hiện là một vị tăng đã lớn tuổi trong một ngôi chùa Bắc tông.

bi an ve phat song nhu y o an giang ky 2
Phóng viên Báo Năng lượng Mới trò chuyện cùng bé Như Ý

Tầm chính xác của câu chuyện mang nặng hơi hướng truyền thuyết này thì chưa thể khẳng định nhưng trong nhà Phật, việc nhớ lại tiền kiếp là hoàn toàn có thể. Nhất là ở các vị tu hành đắc đạo, gọi là “Túc mạng minh”. Trong Kinh, đức Phật và các để tử chứng quả A La Hán nhớ rõ được không những một kiếp mà là vô lượng kiếp của mình và của người khác. Và đức Phật cũng đã khuyến cáo các hành giả tu tập rằng, nếu chưa được “lậu tận thông” tức là khả năng hóa giải được hết tất cả những phiền não, mà lại có thần thông nhớ được tiền kiếp thì phải xả bỏ đi lập tức… Có lẽ, Ngài cũng lo lắng đệ tử mình bị khổ não vì gánh nặng quá khứ như trường hợp của thằng nhóc trong câu chuyện kể trên!

Ngoài ra, tôi cũng cho là cách giải quyết tiền kiếp của bố mẹ Như Ý là cần thiết trong điều kiện sống ở nông thôn. Bởi vì sao? Ở các miền quê xa xôi tĩnh mịch, chuyện lạ quanh năm thì hiếm mà thời gian xem chừng là vô kể. Những câu chuyện ly kỳ về “Bồ Tát tái sinh”, “nhớ tiền kiếp”, “Phật sống”… của Như Ý sẽ rất dễ trở thành câu chuyện bán tán của người làng trong những lúc buồn chán. Từ đó, nó sẽ bị đẩy lên thành một câu chuyện dị đoan kinh khủng nào đó. Như vậy thì thật là tệ hại.

bi an ve phat song nhu y o an giang ky 2
Ao sen rộng lớn nhìn từ phía nhà bé Như Ý

Tôi còn nhớ cách đây vài năm, hàng ngàn người đổ xô về một ngôi chùa cũng ở An Giang để xem chim. Con chim ấy chẳng có gì đặc biệt, nó chỉ lớn hơn con chim mà người ta thường thấy. Vậy mà đám đông cứ ngửa cổ lên mà ngắm, đến nỗi tắc cả đường quốc lộ. Thật ra, đó không hẳn là tật xấu mà chính là một thói quen của con người khi sinh ra trong nỗi buồn chán của làng quê. Rất may, bố mẹ Như Ý đã ý thức được và dập tắt ngay từ đầu nguy cơ đó!

Như Ý chia sẻ với chúng tôi rằng, bản thân cô cũng ý thức được rất rõ rằng, “quá khứ là thời gian đã chết, chỉ có thực tại nhiệm màu thôi”. Cho nên bây giờ, dù cô bé vẫn nhớ rõ về quá khứ tiền kiếp của mình nhưng không bao giờ cô phải tốn thời gian, tâm trí suy nghĩ về nó. Cô cũng không còn nhắc với bố mẹ về chuyện này. Như Ý đang cố gắng tu tập hằng ngày với mục tiêu tối thượng là mang lại an lạc cho mình và cho người.

5. Tôi có hỏi cha mẹ Như Ý là từ khi biết con nhớ được tiền kiếp và am hiểu Phật Pháp dù chưa học chữ thì cảm thấy thế nào? Chị Cam chia sẻ: “Ban đầu vợ chồng mình cứ đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác bởi không chỉ vì những câu chuyện kỳ lạ mà còn ở khả năng nhớ rất tốt của bé. Từ lúc 3 tuổi, Như Ý đã học thuộc được tất cả các hình minh họa trong cuốn sách tiếng Việt lớp 1 của mình, dù trước đó bé không hề đi học mẫu giáo, cũng chưa hề biết chữ. Như Ý chỉ cần nhìn mẹ đọc qua một vài lần là bé đã có thể nhớ và đọc lại theo kiểu “đuổi hình bắt chữ”. Chỉ cần mẹ chỉ vào hình nào là bé có thể đọc đúng 100% bài đó. Nhiều người thấy bé Như Ý cầm sách đọc cứ nghĩ là trẻ con chưa biết chữ đọc vu vơ. Thế nhưng khi nhìn lại thì những gì bé đọc hoàn toàn nằm trong sách, không sai chữ nào”.

bi an ve phat song nhu y o an giang ky 2

Biết con có nhiều điểm khác lạ nhưng cha mẹ Như Ý không tôn sùng con như một “Phật sống” mà yêu thương và dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho con. Chị Cam nói, với vợ chồng chị thì Như Ý là một đứa con bình thường, ngoan ngoãn và thông minh. Anh chị hiếm khi phải phàn nàn gì về Như Ý bởi từ bé, Như Ý đã có ý thức tự giác rất cao, mọi việc học hành, ăn uống đều rất nề nếp.

Vì yêu thương và quan tâm đặc biệt đến con nên ngoài công việc đồng áng, anh chị dành tất cả thời gian còn lại để chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho con mình; tạo mọi điều kiện tốt nhất để con có thời gian chuyên tâm tu, học. Cũng một phần vì muốn tập trung mọi điều kiện tốt nhất cho Như Ý nên đến bây giờ, anh chị vẫn chưa nghĩ đến chuyện sinh con tiếp theo. Chị Cam nói với tôi rằng, có được bé Như Ý là một nhân duyên rất lớn trong đời và anh chị cảm thấy rất mãn nguyện rồi.

Trong Đạo Pháp, cha mẹ Như Ý xem Như Ý là người bạn đồng đạo chứ không phải theo vai vế cha mẹ và con. Anh Hạnh cho biết, hai cha con anh thường xuyên bàn luận, trao đổi với nhau về các đề tài Phật Pháp mà bé Như Ý soạn thảo để đi giảng. Anh Hạnh xem lại, chỗ nào còn thiếu sót thì anh sẽ trao đổi với Như Ý để bổ sung chứ anh chưa bao giờ bắt bé Như Ý phải soạn bài này, bài kia theo ý mình.

Như Ý là cô bé khá đặc biệt nên tuổi thơ của cô cũng có nhiều điểm khác lạ hơn so với các bạn đồng trang lứa. Từ bé, Như Ý không thích chơi đùa cùng bạn bè, mặc dù cô là người khá hòa đồng. Như Ý nói chưa bao giờ cảm thấy thích thú với những trò trẻ con như nhảy dây, bắt bướm, hái hoa. Thay vào đó, cô dành phần lớn thời gian của mình cho việc học đạo, cúng lạy. Ngày Như Ý chưa đi học thì cô cúng lạy 4 lần/ngày (trong đạo gọi là 4 thời), thời cuối vào lúc 0 giờ. Khi bé đi học như hiện tại thì việc niệm Phật, cúng lạy giảm xuống còn 3 thời sáng - trưa - chiều, ban đêm thì Như Ý phải thức học bài, đêm nào cũng đến quá khuya mới đi ngủ.

Trong lúc ngồi nói chuyện, chúng tôi nghe thấy có đám trẻ nô đùa ở gần nhà, tôi có hỏi chị Cam rằng có bao giờ bé Như Ý vui chơi với các bạn như thế không? Chị Cam cho biết, Như Ý hiếm khi chơi đùa như vậy, thậm chí với các bạn hàng xóm đồng trang lứa, Như Ý cũng không biết ai cả. Từ nhỏ đến giờ, Như Ý chỉ ở nhà dành thời gian cho tu, học. Đến những dịp nghỉ hè thì theo các cô chú đồng đạo đi đây đó khắp nơi, có khi đi cả tuần mới về nhà.

Nhưng, có một điều thú vị là dẫu Như Ý không có một tuổi thơ đúng nghĩa như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng cô lại tìm thấy tuổi thơ của mình trong những trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Như Ý chia sẻ, cô mê mẩn với những quyển viết về tuổi thơ của nhà văn này, đó là những quyển như: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Bảy bước tới mùa hè”, “Ngồi khóc trên cây”… Bên cạnh đó, những cuốn sách khai thác về chiều sâu trong tâm hồn con người, về những tấm gương vĩ đại trong cuộc sống cũng là lựa chọn của Như Ý. Cô bé nói, đọc sách chính là cách tốt nhất để giải trí của cô. Tuổi thơ của Như Ý dần dần cứ trôi qua như thế….

Ở trường học, Như Ý là một học sinh giỏi nhiều năm liền. Cô rất được thầy cô giáo yêu mến vì vừa ngoan hiền, vừa siêng năng và học giỏi. Vốn là một “người nổi tiếng” nhưng mối quan hệ với các bạn trong lớp đều rất bình thường. Như Ý cho biết, khi đứng trước diễn đàn nói Pháp, cô là người trong đạo, nhưng khi vào lớp học, cô là một học sinh bình thường, hòa đồng với bao bạn bè khác. Nhưng Như Ý thừa nhận là khi học xong, cô chỉ muốn về nhà làm những việc mình cho là cần thiết nhất chứ không thích chơi đùa cùng bạn bè. Chính vì lẽ đó mà cô không ít lần từ chối khi bạn ngõ ý muốn được về nhà Như Ý chơi. Thậm chí, theo anh Hạnh chia sẻ thì bản thân anh, chị cũng hạn chế việc tiếp đón các bạn đồng đạo tại nhà để dành thời gian yên tĩnh cho con học hành và tu tập.

Bây giờ, tiếng tăm của Như Ý vang xa, không chỉ riêng ở Việt Nam mà cả tận hải ngoại nhờ vào những video clip thuyết Pháp ấn tượng trên Youtube. Như Ý được đông đảo người mến mộ, thậm chí là đặc biệt thần tượng cô. Có người gặp Như Ý thì quỳ xuống lạy, như lạy một vị “Phật sống”, hoặc có người chạy đến ôm cô mà khóc nức nở. Những hành động đó đều xuất phát từ sự mến mộ, tình cảm của mọi người dành cho Như Ý. Cô bé cho biết, những danh xưng như “Bồ Tát tái sinh”, “Phật sống”, “Thần đồng Phật Pháp” cũng là do mọi người yêu mến mà đặt cho. Dù không nhận mình như vậy nhưng Như Ý cho biết, trong lòng cô trân trọng tình cảm đó của các cô chú Phật tử.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi vừa qua, Như Ý cũng đính chính một vài thông tin mà trước đây có báo đã viết sai. Như Ý thừa nhận, cô chỉ nhớ được 1 kiếp của mình chứ hoàn toàn không nhớ được 3 kiếp trước. Cũng chính điều đó nên chưa thể gọi bé Như Ý đã chứng được “Túc mạng minh”. Kế đến, nhiều người nghĩ rằng, Như Ý có trí nhớ siêu phàm đến mức tất cả kinh sách chỉ cần nhìn qua một lần là có thể nhớ không thiếu một từ! Thế nhưng thực tế cũng không phải như vậy. Như Ý có thể đọc và hiểu nhanh nhưng để thuộc thì không dễ dàng gì. Như Ý nói, cô chỉ thuộc những phần nào đặc biệt cần thiết để trích vào trong bài giảng của mình. Còn để thuộc hết các bộ kinh thì cô bé không có khả năng đó. Như Ý cũng khẳng định kinh Phật cô đọc qua chưa gọi là nhiều, chủ yếu nghiên cứu các bài Sấm giảng của Phật giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo chủ biên soạn năm xưa.

6 Có lẽ không một ai có thể chắc chắn về chuyện tiền kiếp của bé Như Ý là thật hay không. Nhưng có một điều có thể chắc chắn là Như Ý có duyên lành rất lớn với Phật Pháp mà cụ thể ở đây là Phật giáo Hòa Hảo. Bé được sinh ra tại vùng đất vốn là cái nôi của đạo này và cụ thể là trong một gia đình có truyền thống tu học. Như Ý khẳng định, bố mẹ có ảnh hưởng đặc biệt đối cô ngày hôm nay. Cô không thể làm được như những gì mà mọi người thấy nếu không có bố mẹ chỉ bảo và ủng hộ hết mình.

Như Ý nói, cô không chắc tương lai mình sau này sẽ ra sao, sẽ bước vào đời thế tục với công danh sự nghiệp hay trở thành giảng sư lừng danh của Phật giáo Hòa Hảo?! Cô nói, cuộc đời vô thường và luôn thay đổi, khó biết chắc được ngày mai. Cũng chính vì suy nghĩ đó mà khoảng 8 năm về trước, dù có người ngăn cản nhưng Như Ý vẫn quyết tâm lên diễn đàn nói Pháp.

Như Ý chia sẻ: “Việc gì có thể chờ đợi nhưng mang sự hiểu biết về Phật Pháp của mình để chia sẻ với mọi người, để mang lại an lành cho tất cả thì không thể nào chờ đợi được. Bởi nếu chờ lớn lên mới đi thuyết Pháp thì liệu lúc đó Như Ý còn giữ vững được tâm đạo mạnh mẽ hay không hay đã sẽ bị cuộc đời cám dỗ mất rồi?!”. Trong hiện tại, Như Ý chỉ muốn hết mình học tập và tu hành, nghiên cứu Phật Pháp. Cô có chia sẻ, sau này mong muốn sẽ vào học đại học chuyên về Phật giáo, cụ thể là Học viện Phật giáo TP HCM.

Chúng tôi chia tay Như Ý và gia đình khi mặt trời bắt đầu khuất sau những cánh đồng lúa mênh mông. Bố mẹ Như Ý có ngỏ lời mời chúng tôi ở lại nhà dùng cơm chay và hàn huyên về Phật Pháp, sáng hôm sau hãy về. Nhưng vì công việc, chúng tôi hẹn lại một dịp khác. Như Ý tiễn chúng tôi ra về bằng những cái vẫy tay và nụ cười thân thiện.

Trên đường về, anh bạn đi cùng có hỏi tôi rằng: Theo cậu thì Như Ý có phải là một “Bồ Tát tái sinh” như nhiều người đồn không? Tôi có trả lời rằng: Như Ý sẽ là một Bồ Tát trong tương lai nếu chuyên công tu tập, hết lòng vì lợi ích, an lạc của con người. Còn hiện tại, Như Ý đang hành “Bồ Tát đạo” theo cách gọi của Phật giáo Đại thừa”. 

Cũng xin kể thêm một chi tiết thú vị mà nó cứ khiến tôi miên man nghĩ trên suốt đường về; việc là Như Ý có nói rằng giữa tôi và cô ấy có nhân duyên ở quá khứ! Tất nhiên bản thân tôi thì không thể nào biết được việc ấy. Song, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, tất cả những người mà ta gặp nhau ở cuộc đời này dù với vai trò gì, người thân, nhân tình hay bạn bè và kể cả là kẻ thù của nhau thì cũng đều là do nhân duyên của quá khứ mà ra. Trong nhà Phật gọi đó là “Thuận duyên” và “Nghịch duyên”. Chính vì lẽ đó, nên việc đối đãi với nhau trong cuộc sống này rất cần đến sự chân thành và tử tế dù với bất cứ ai. Đó cũng là cách đáp trả “nợ nần” xưa cũ!

Lê Trúc

Năng lượng Mới 510