"Bệnh tật chỉ là cơn đau nhất thời, dạy chữ là sứ mệnh cả cuộc đời"

18:41 | 29/11/2020

79 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chồng đau yếu rồi mất sớm, mang trong mình bệnh tật đau đớn nhưng cô giáo Lô Thị Thủy vẫn cần mẫn nắn từng nét chữ cho học trò vùng sâu Nậm Nhoóng và chăm sóc 4 đứa con nhỏ.

15 năm làm giáo viên trên mảnh đất chắt chiu từng hạt gạo

Nói về Nậm Nhoóng (Quế Phong, Nghệ An) là nói đến mảnh đất chỉ cấy được một vụ, thành phần đất bị nhiễm phèn, người dân buộc phải sống dựa vào lúa nương rừng. Lại cộng với cái giá lạnh, sương muối mùa đông vùng cao khắc nghiệt khiến cho cuộc sống con người gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bệnh tật chỉ là cơn đau nhất thời, dạy chữ là sứ mệnh cả cuộc đời - 1
Cô giáo Lô Thị Thủy đang nắn từng nét chữ cho học trò. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Lô Thị Thủy (sinh năm 1978) nhận công tác ở Tiểu học Nậm Nhoóng từ năm 1996, bắt đầu hành trình trèo đèo, lội suối gần 2 ngày để đến trường dạy chữ.

Thời gian đó, trường chưa có ký túc xá nên cô phải ở nhờ, sáng đi dạy, chiều về lên nương phụ giúp gia đình cô tá túc. Tối đến, cô Thủy soạn bài bên ánh đèn dầu, nhìn những đứa trẻ bữa đói bữa no, bữa sắn, bữa khoai, quần áo phong phanh đang hơ tay bên góc bếp.

Không chợ búa, bất đồng ngôn ngữ, cô giáo Lô Thị Thủy đã gặp nhiều cản trở từ sinh hoạt đến chỗ ăn, chỗ ở. Có những lúc hết gạo ăn, muốn mua cũng không dễ bởi mỗi năm thôn bản quy định mỗi hộ dân chỉ được bán cho giáo viên 6kg gạo.

Cô Thủy chia sẻ: "Đã có lúc tôi muốn buông xuôi vì cuộc sống khắc nghiệt ở nơi này, vì một năm chỉ về thăm nhà được 2 lần.

Nhưng khi nhìn những học trò ngơ ngác, tôi lại không cầm được nước mắt. Tôi muốn cuộc sống sau này của các em khác hơn, sẽ là những người xây dựng và phát triển quê hương mình.

Nếu ai cũng chọn nơi thuận lợi, dễ dàng thì ai sẽ dạy chúng đây? Vì thế nên tôi đã không bỏ cuộc".

Hàng ngày lên lớp, cô Thủy luôn dành một khoảng thời gian để hỏi han, tâm sự với học trò về cuộc sống gia đình. Cách làm này đã khiến cô và trò gần gũi với nhau hơn, cô cũng hiểu được suy nghĩ của các em để động viên các em tiếp tục học tập.

Ngày tháng cứ thế trôi đi, càng ngày cô Thủy càng nhận được thêm nhiều sự yêu quý của học trò, bằng chứng là những bức thư gửi qua hộp thư vui hằng ngày.

Người giáo viên lạc quan khi bệnh tật ập đến

Bệnh tật chỉ là cơn đau nhất thời, dạy chữ là sứ mệnh cả cuộc đời - 2
Cô và trò trong ngày khai giảng năm học. (Ảnh: NVCC)

Từ tháng 8/2016 đến nay, cô Thủy được chuyển công tác tới trường Tiểu học Quang Phong 1 (Quang Phong, Quế Phong, Nghệ An). Tại đây, cô tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy, thi đua của nhà trường.

Cô Thủy phát hiện mình bị bệnh nhân thùy phải tuyến giáp năm 34 tuổi, trong lúc cô đang mang thai cặp song sinh và đảm nhận làm giáo viên chủ nhiệm, kiêm một số công việc khác của nhà trường. Sau khi sinh, hai con thường xuyên bị đau yếu do ảnh hưởng từ mẹ.

Hàng tháng, cô Thủy phải đến bệnh viện thăm khám, uống thuốc thường xuyên để hạn chế sự phát triển của u bướu.

Bệnh tật đeo bám khiến cô giáo xuống cân, khó ăn, người dễ mệt mỏi, lại cáng đáng việc chăm sóc 4 đứa con (2 trai, 2 gái) khiến cô Thủy gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn lại càng chồng chất thêm khi chồng cô giáo phát hiện mắc phải căn bệnh sarcoma bao hoạt dịch khớp gối, phải mổ và điều trị ở bệnh viện trong suốt 3 năm.

Cô Thủy chia sẻ: "Ngày lễ, ngày nghỉ hè là thời gian để những gia đình khác vui chơi, du lịch còn gia đình tôi là thời gian dắt díu nhau trong bệnh viện để cả vợ chồng, con cái được ở bên nhau".

Trong khoảng thời gian đó, bác sĩ chỉ định bệnh cô Thủy phải mổ sớm nhưng gia đình neo người, chồng lại đang chữa trị nên cô giáo chưa tiến hành mổ.

Bệnh tật chỉ là cơn đau nhất thời, dạy chữ là sứ mệnh cả cuộc đời - 3
Hình ảnh cô giáo Thủy chụp cùng hai con gái sinh đôi vào tháng 10/2020.

Tối thứ 6 hàng tuần, cô Thủy từ Quế Phong ra Hà Nội thăm chồng, 7h tối chủ nhật lại từ Hà Nội về đến Quế Phong (Nghệ An) khoảng 4h sáng sửa soạn giáo án, chạy xe máy 27km đến trường để kịp giờ dạy.

Cô chia sẻ: "Tôi rất thương chồng, thương con. Tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian để có thể vừa đảm bảo tiến độ dạy học cho học sinh, vừa chăm sóc được chồng. Ròng rã suốt 3 năm ở bệnh viện K, gia đình tôi dắt díu trong bệnh viện. Thế rồi điều tăm tối nhất đó là chồng tôi đã mất đúng vào ngày thi tốt nghiệp THPT của con trai.

Một cú sốc quá lớn, tôi tưởng chừng như đã gục ngã. Nhưng nhìn những đứa con của mình, những học trò ngoài kia đang cần tôi, tôi biết rằng tôi phải mạnh mẽ để tiếp tục vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi 4 đứa con và dạy chữ cho học trò".

Là một giáo viên tiểu học nên cô Thủy hiểu rằng dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào thì cô vẫn cần giữ bình tĩnh và vui tươi trước học trò. Chính vì thế, cô luôn tâm niệm: "Bệnh tật suy cho cùng chỉ là những cơn đau nhất thời, dạy chữ vẫn là sứ mệnh cả cuộc đời mà tôi cần vững bước".

24 năm gắn bó với nghề, cô Thủy nhiều năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện, hàng năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến cấp huyện. Có những năm cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Ngày tháng trôi đi, cô giáo có thêm nhiều học trò giỏi trở thành bác sĩ, cán bộ giỏi… Hành trình đem con chữ đến vùng sâu sẽ không bao giờ dừng lại bởi có những người giáo viên tâm huyết như cô Lô Thị Thủy.

Theo Dân trí

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.