"Bệnh" quan chức sợ sai không dám làm: Gây mất cơ hội rồi trì trệ kinh tế , "chữa" thế nào?

06:45 | 19/09/2019

571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tâm lý sợ hãi tới mức không dám làm, đùn đẩy, né tránh… phản ánh sự kém cỏi về ý thức, trình độ, kiến thức nhận biết đúng sai rất yếu...
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí.

Mạnh tay xử lý án bộ không chịu làm việc

Hiện tượng cán bộ sợ sai, có tâm lý dè chừng để an toàn vốn dĩ đã tồn tại. Nay sau nhiều vụ các quan chức bị khởi tố, sếp doanh nghiệp dính sai phạm dính lao lý khiến hiện tượng "an phận", né trách nhiệm lại càng được bộc lộ nhiều hơn.

PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng, lành mạnh hoá tổ chức cán bộ, bộ máy chính quyền được làm rất mạnh mẽ. Công cuộc này rõ ràng là cần thiết để tiến tới một bộ máy trong sạch. Tuy nhiên xuất hiện một thực tế đáng buồn, đó là tâm lý nhiều lãnh đạo, cán bộ công chức thấy vậy không dám làm vì… sợ. Thực tế này vô cùng đáng quan ngại thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định việc xử lý sai phạm là đúng. Cán bộ gây thất thoát, lãng phí tài sản công thì phải bị truy cứu. Việc xử lý sai phạm cũng mang tính răn đe rất lớn đối với những người đương chức, đương quyền.

Tuy nhiên, lại có những phản ánh một số bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thấy vậy quay ra làm việc cầm chừng, thậm chí có biểu hiện e dè, sợ hãi. Không chỉ ở cơ quan công quyền mà đối với một số doanh nghiệp nhà nước cũng có biểu hiện này.

Hành động thực tiễn của mỗi con người phụ thuộc vào năng lực và ý thức cá nhân. Sợ không dám làm thì có thể do ý thức trách nhiệm kém hoặc do cán bộ thiếu năng lực, làm gì cũng sợ sai.

Tâm lý sợ hãi tới mức không dám làm, đùn đẩy, né tránh… phản ánh sự kém cỏi về ý thức, trình độ, kiến thức nhận biết đúng sai rất yếu.

Nếu có trình độ, năng lực, trách nhiệm thì anh càng phải cố gắng làm đúng hơn, tốt hơn nhiệm vụ của mình sau hàng loạt vụ bắt bớ xảy ra như thế.

Bởi thực chất việc xử lý sai phạm, một phần là nghiêm minh với cái sai, phần khác chính là động lực cho những người khác làm tốt.

Rõ ràng cái sai cần phải được phanh phui, người làm sai phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên theo ông phải làm thế nào để vừa xử được cái sai mà không làm cán bộ lo lắng, sợ không dám làm, dám quyết?

Để xử lý vấn đề này phải làm thế nào? Anh không làm có nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ, phải có chế tài cho việc này. Không thể để tình trạng không làm cho an phận được!

Tuy nhiên, việc sợ sai, sợ không dám làm vì những vụ bắt bớ tôi nghĩ chỉ là một phần nguyên do thôi. Việc triển khai công việc chậm, làm trì trệ, đình đốn nhiều việc, nhiều dự án bắt nguồn từ một số nguyên nhân sâu xa khác.

Đầu tiên, phải thừa nhận hệ hống văn bản pháp quy của chúng ta còn chưa được đồng bộ, nhất quán. Ngay cả đến lớp pháp quy chi tiết hơn như quy chế quản lý nội bộ, quy chế phối hợp giữa các phòng ban, ban ngành, bộ ngành… cũng còn quá nhiều vấn đề.

Khi yếu tố cốt lõi là hệ thống pháp quy còn bất cập thì rất dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, làm không dám làm, không dám quyết, né trách nhiệm.

Tôi lấy ví dụ, vướng mắc lớn hiện nay ở nhiều dự án đó là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Cơ chế GPMB thì liên quan tới rất nhiều cơ quan, như quy hoạch, kế hoạch, sở nọ, sở kia… Nếu không có quy chế hối hợp rõ ràng thì tất yếu dẫn đến đùn đẩy.

Vấn đề lớn thứ hai, đó là trách nhiệm người đứng đầu. Người xưa có câu “Nhà dột từ nóc”. Cơ quan đó có làm tốt hay không, bộ máy vận hành có thuận hay không nằm một phần rất lớn từ “người đứng đầu”.

Trách nhiệm người đứng đầu là rất lớn. Nhiều bộ phận, cơ quan khi có lãnh đạo mới có năng lực về thì không khí thay đổi hẳn.

Vấn đề thứ ba, cũng rất quan trọng đó là: Động lực và kỷ cương.

Ai cũng nói là cán bộ công chức còn thiếu động lực. Hãy nhìn ra khối dân doanh, tại sao họ có động lực? Là bởi vì họ được đánh giá công tâm, ai làm được việc thì trọng dụng, ai bất tài yếu kém thì bị đuổi, thậm chí đuổi ngay lập tức. Họ làm theo cơ chế “làm theo năng lực, hưởng theo thành quả” nên người lao động có động lực làm tốt.

Còn công chức thì sao? Việc lượng hoá năng lực cán bộ còn khó khăn. Nhưng nếu không lượng hoá thì rất khó đánh giá.

Nếu anh làm tốt mà cũng bằng người làng nhàng, thì tại sao anh phải làm cật lực? Tôi tin rằng, nếu làm tốt được ghi nhận, không tốt thì bị sa thải như cơ chế tư nhân thì chắc chắn mọi thứ sẽ khác.

Tóm lại, muốn giải được nút thắt phải đi trực tiếp vào 3 vấn đề: Tiêu chí đánh giá; cá nhân và tổ chức thực hiện đánh giá; động lực và kỷ cương. Chỉ có như vậy mới khắc phục được chuyện cán bộ “nhác” làm, né trách nhiệm, đùn đẩy.

Nhiều trường hợp, cấp dưới báo cáo cấp trên là “chúng tôi vướng ở chỗ này, chỗ khác”; “dự án này gặp khó khăn chỗ này, chỗ khác…” thì nhận được câu trả lời: “Thực hiện theo quy định pháp luật”. Người ta có không rõ thì mới cần hướng dẫn, nếu ông thấy vượt thẩm quyền hoặc chưa có quy định cụ thể thì phải kiến nghị lên cấp trên nữa giải quyết cho đến lúc ra được vấn đề chứ.

Thêm nữa, cần có cơ chế để bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đừng bao giờ vì tư thù cá nhân, trù dập cán bộ có năng lực. Cán bộ bị thui chột thì hệ quả rất nguy hại cho nền hành chính.

Nói chung, không còn cách nào khác là chú tâm đến cơ chế trọng dụng người tài, người có nhiệt huyết.

Động lực và kỷ cương

Theo ông, cốt lõi của vấn đề chính là nhìn nhận và sử dụng được người có năng lực. Ông có thể chia sẻ rõ hơn làm sao để có cơ chế tuyển dụng người tài cũng như trọng dụng người tài, nhằm xử lý tận gốc thực tế cán bộ yếu kém, sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm?

Tuyển dụng người tài, trọng dụng người tài đó là vấn đề rất lớn, là câu chuyện được bàn nhiều, nhắc nhiều nhưng xem ra vẫn còn bế tắc.

Muốn tuyển được người tài, tâm huyết với công việc phải thực hiện được 3 vấn đề cốt lõi: Có hệ thống văn bản phục vụ cho việc tuyển dụng người tài; tổ chức thi tuyển công tâm; sau đó khi người ta vào được thi phải tạo cho người ta hai chữ “động lực” và “kỷ cương”.

Thực tế có bao nhiêu người tài được trọng dụng? Tuyển được họ về rồi thì có trọng dụng người ta chưa? Hay về thì bắt người ta rửa chén, làm chân lon ton…

Một người tài thực sự, tràn đầy nhiệt huyết thì ai người ta chịu được như thế. Tôi nghĩ nhiều người có năng lực, chưa chắc họ đã cần lương cao nhưng họ cần được công nhận về mặt giá trị. Sự công nhận này sẽ là động lực cho họ.

Có một thực tế đáng buồn, tuyển người vào đã khó, nhưng cho một công chức thôi việc còn khó hơn. Theo quy định, công chức có một số thời gian nhất định không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho nghỉ. Nhưng thực tế bao nhiêu cơ quan nước đã chủ động cho công chức nghỉ việc vì không hoàn thành được nhiệm vụ?

Tôi ủng hộ việc soạn thảo các bộ tiêu chí để đánh giá công chức viên chức. Mỗi bộ ban ngành với những đặc thù riêng cần có bộ công cụ riêng, bộ tiêu chí riêng để đánh giá công chức, viên chức.

Hiện bộ tiêu chí chung đánh giá phân loại cán bộ, công chức viên chức nhưng tôi cho rằng như vậy chưa đủ và chung chung. Tạo động lực và kỷ cương bằng đánh giá công tâm, thực chất thì nền hành chính công mới thay đổi được.

Gây nguy hại nền kinh tế

Hậu quả của một nền hành chính công chậm chạp với những cán bộ “sợ” không dám làm có tác động rất xấu đến nền kinh tế, làm đình trệ nhiều dự án và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp thưa ông?

Đó là điều dễ thấy. Tất cả thủ tục, hoạt động hành chính công chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến toàn bộ hoạt động kinh tế đất nước. Làm người dân, doanh nghiệp nhỡ mất cơ hội, giảm tiềm năng mà chúng ta đang nỗ lực phát triển.

Ở khu vực dự án công, nếu dự án chậm tiến độ, đình trệ thì kéo theo bao nhiêu hệ luỵ như hạ tầng không được đáp ứng kịp thời, kéo dài thời giân gây đội vốn, hiệu quả không cao.

Đối với các dự án tư nhân, việc chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm là doanh nghiệp nhỡ mất cơ hội, tác động xấu tới nền kinh tế. Muốn đảm bảo tăng trưởng phải rốt ráo xử lý những khâu, những cán bộ gây chậm trễ.

Có những trường hợp dự án đang được doanh nghiệp đầu tư dự án với số vốn khổng lồ, tuy nhiên, tuy nhiên sau khi có bút phê đánh giá tiền khả thi dự án về môi trường, an ninh hay vì lí do gì đó, hệ quả là dự án bị dừng, bị treo vì những cơ quan liên quan khác thấy vậy mà sợ. Điều này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp này?

Chuyện cấp trên “bút phê” vào văn bản chuyển cho cấp dưới vốn không phải là chuyện ít. Dù những dòng “bút phê” ít có giá trị pháp lý nhưng đối với cấp dưới nó chẳng khác nào mệnh lệnh bắt buộc phải thi hành. Và trong nhiều trường hợp nó khiến những người có liên quan “chùn tay” mặc dù bút phê chỉ đưa ra những lưu ý mang tính chung chung.

Cấp trên muốn lưu ý phải thể hiện bằng văn bản, điều hành bằng văn bản pháp quy như vậy mới có giá trị. Nếu ông bút phê không đúng cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể bút phê bừa bãi được. Tránh để doanh nghiệp lỡ mất cơ hội.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Dân trí

"Bệnh" quan chức sợ sai, không dám làm: Lỡ cơ hội, gây thiệt hại kinh tế
Quan chức sợ sai không dám làm: Nên nghỉ, để lâu nguy hiểm nền kinh tế!
Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Quan chức sợ sai, nhiều dự án đình trệ, rối như canh hẹ...
Tội phạm tham nhũng, kinh tế ngày càng phức tạp, tinh vi