Bệnh đái tháo đường tấn công trẻ em

07:05 | 24/11/2014

1,957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Trước kia, người bệnh chủ yếu ở lứa tuổi 40-45, nay các bác sĩ điều trị cho cả trẻ 11, 12 tuổi trở lên. Đấy là điều hết sức đáng báo động vì ảnh hưởng đến tương lai của đất nước”. Đó là thông tin vừa được đưa ra tại cuộc hội thảo về đái tháo đường do Bộ Y tế tổ chức.

Năng lượng Mới số 373

15% bệnh nhân là trẻ em

BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh đái tháo đường đang gia tăng quá nhanh tại nước ta. Trong 10 năm, tỷ lệ mắc tăng 200% - trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo trên thế giới chỉ tăng 54% trong 20 năm.

Theo thống kê có đến 10-15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân tiểu đường. Lưu ý rằng tiểu đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em độ tuổi thường gặp nhất là tuổi bắt đầu đi học (từ 5-7 tuổi) và tuổi dậy thì (từ 11-13 tuổi). Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phát hiện tiểu đường ngay từ giai đoạn sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, số trẻ phải nhập viện do căn bệnh nguy hiểm này tăng lên. Bệnh viện đã từng tiếp nhận trẻ mới 8 ngày tuổi mắc tiểu đường do tế bào không sử dụng được đường vì thiếu insulin. Đây được xem là trường hợp hiếm có mắc bệnh khi còn sơ sinh ở Việt Nam.

Tập thể dục thường xuyên cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ tránh được bệnh đái tháo đường

Theo BS Phan Hướng Dương, trẻ béo phì bị tiểu đường thường do học tập liên tục, không chơi thể thao, ăn thức ăn nhiều năng lượng. Trẻ ăn rất nhiều bim bim, năng lượng tích lũy trong cơ thể cực kỳ lớn, nếu không có thời gian chơi thể thao thì béo phì là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

Theo các chuyên gia, đa phần trẻ em mắc tiểu đường type 1 không được phát hiện sớm mà chỉ đến khi các biểu hiện của bệnh quá rõ ràng. Với tiểu đường type 1, yếu tố di truyền từ cha mẹ chiếm tỷ lệ khoảng 10-20%. Tiểu đường type 2 thường xảy ra ở các bé có tình trạng thừa cân, béo phì hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý, với tỷ lệ thừa cân - béo phì ở trẻ cao trong trẻ như hiện nay (10-12%), nguy cơ tiểu đường type 2 ở trẻ lại càng cao.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường ở trẻ thường được gọi tóm tắt bằng “4 nhiều” như: uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều và sụt cân nhiều, nhưng theo nghiên cứu của các bác sĩ, việc phát hiện trẻ bị đái tháo đường hiện nay không phải dễ dàng đối với phụ huynh cũng như nhân viên y tế vì bệnh sử diễn tiến không điển hình như triệu chứng 4 nhiều trên. Khi trẻ mắc bệnh này, thường các dấu hiệu trong giai đoạn đầu rất khó nhận biết, trẻ chỉ khát nước nhiều, hay đói, tiểu nhiều và sụt cân nhanh. Các dấu hiệu như: co giật, hôn mê, nhiễm trùng, lơ mơ, thở nhanh, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã trở nặng.

Việc phát hiện tiểu đường ở trẻ thường rất tình cờ khi làm xét nghiệm hoặc trẻ đang được chữa trị cho một bệnh khác.

Cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Theo bác sĩ Tiến, đối với những trẻ đã mắc bệnh đái tháo đường, phải tuân thủ chế độ điều trị hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà của bác sĩ, đặc biệt là việc sử dụng đúng và đủ liều insulin tại nhà, cũng như dặn dò những dấu hiệu sớm nhận biết trẻ đã bị đái tháo đường nhiễm toan ceton như buồn nôn, bỏ ăn, đau bụng, thở nhanh, lừ đừ, vật vã, để nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp

Để phòng ngừa, việc đầu tiên và cần thiết là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát và lưu ý các xét nghiệm về đường huyết (lượng đường có trong máu) hay trong nước tiểu (thử nước tiểu). Cần tập thói quen vận động và làm quen lao động cho trẻ, nên hướng trẻ vào một môn thể thao yêu thích và tập luyện cùng bạn. Thường xuyên tham vấn ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc, chế độ ăn để có được sự điều trị hợp lý.

Với những trẻ đã phát hiện bệnh, hãy tạo cho trẻ môi trường bình thường như những trẻ khác, giáo dục cho trẻ ý thức vệ sinh, tự bảo vệ mình với các tác nhân gây hại từ bên ngoài (dễ trầy xước, giữ vệ sinh trong ăn uống…). Ngày Tiểu đường Thế giới năm nay, với phương châm “không để trẻ em nào chết vì tiểu đường” đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về mối quan tâm hơn nữa đến chế độ dinh dưỡng cho con trẻ.

“Nếu bạn biết rằng cứ 30 giây có một người bị cắt chi vì tiểu đường và 10 giây có một người chết vì tiểu đường… Tổng số bệnh nhân tiểu đường tại Việt Nam đã lên đến 3 triệu người, 65% trong số đó không biết mình đang có các triệu chứng về tiểu đường cho đến khi bộc phát chắc chắn bạn sẽ giật mình xem lại chế độ ăn uống cho con trẻ”, BS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo.

Minh An

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.