Bảo vệ thông tin, quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

19:15 | 10/11/2022

1,755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, giao dịch từ xa; bảo vệ thông tin người tiêu dùng được đặc biệt quan tâm.

Cần làm rõ quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong Dự Luật.

Bảo vệ thông tin, quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: VPQH)

Đồng thời, các đại biểu cũng lưu ý, Dự Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng. Về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp; cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.

Dự án Luật đã bổ sung một Điều, một Chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể...

Bảo vệ thông tin, quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, các đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cụ thể, đại biểu đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát, đồng thời cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bảo vệ thông tin, quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng. (Ảnh: VPQH)

Đối với vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin ban đầu là chính sách cần thiết, tuy nhiên, có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát một số quy định liên quan đến hợp đồng, đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự hiện hành; nhất là quy định bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Việc này sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật. Đồng thời, về giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, các đại biểu đề nghị chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ hơn.

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, có ý kiến đại biểu cho rằng việc Dự thảo Luật đã xác định việc cần phải bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là cần thiết và nhân văn. Tuy nhiên, chính sách, cách thức cụ thể để bảo vệ nhóm đối tượng này vẫn chưa thể hiện rõ. Nếu không quy định rõ sẽ khó có tính khả thi trong áp dụng thực tiễn. Do đó, cần quy định rõ chính sách riêng về vấn đề này để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.

Đại biểu Tống Văn Băng - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng: Quy định cụ thể hơn về tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đại biểu Tống Văn Băng (Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng) đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu cho biết thời gian qua, các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn về tính mạng của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những hạn chế và chưa phát huy hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị phải có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trân trọng cảm ơn những ý kiến quý báu của các đại biểu Quốc hội, những ý kiến này sẽ giúp Bộ Công Thương làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ trưởng cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.

Bảo vệ thông tin, quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình, làm rõ một số nội dung. (Ảnh: VPQH)

​​​​​​Dự án Luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng; cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam; phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành 88,96%Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành 88,96%
Ngày 10/11: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023Ngày 10/11: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023
Phiên họp chiều 9/11, ĐBQH lưu ý nhiều vấn đề trong dự án Luật Phòng thủ dân sựPhiên họp chiều 9/11, ĐBQH lưu ý nhiều vấn đề trong dự án Luật Phòng thủ dân sự
Quốc hội thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung về Tần số vô tuyến điệnQuốc hội thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung về Tần số vô tuyến điện

P.V