Bản tin Năng lượng xanh: Malaysia cần đầu tư 375 tỷ USD vào năng lượng tái tạo cho mục tiêu khí hậu 2050

19:21 | 10/03/2023

4,658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết Malaysia sẽ cần tăng gấp đôi khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Bản tin Năng lượng xanh: Malaysia cần đầu tư 375 tỷ USD vào năng lượng tái tạo cho mục tiêu khí hậu 2050-IRENA

IRENA: Malaysia cần đầu tư 375 tỷ USD vào năng lượng tái tạo cho mục tiêu khí hậu 2050

Malaysia cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không (Net zero) vào năm 2050.

Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera cho biết Malaysia cần tăng tổng vốn đầu tư lên từ 375 tỷ USD đến 415 tỷ USD, từ mức 159 tỷ USD hiện tại, để mở rộng năng lực tái tạo, cơ sở hạ tầng và hiệu quả năng lượng.

IRENA cho biết việc đầu tư này bao gồm các công nghệ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và hydro xanh, và có thể giảm tới 60% lượng khí thải liên quan đến năng lượng.

Các công ty khổng lồ về năng lượng gió của Trung Quốc vượt qua các đối thủ phương Tây

Wood Mackenzie cho biết trong năm 2022, các công ty khổng lồ về năng lượng gió của Trung Quốc thống trị các đối thủ phương Tây khi “đơn đặt hàng tuabin trị giá 74 tỷ USD đã phá kỷ lục”.

Nhóm nghiên cứu năng lượng cho biết các công ty Trung Quốc gồm Envision, Mingyang và Goldwind, mỗi công ty đã thực hiện các giao dịch với tổng trị giá hơn 17 GW vào năm 2022 khi tổng số đơn đặt hàng đạt mức kỷ lục 134,6 GW, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và tương ứng với khoản đầu tư hàng năm là 74,2 tỷ USD, trong đó có 44 GW trong quý IV. Đây cũng là một mức cao mới. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 70% công suất đặt hàng trong năm 2022.

CEO các công ty năng lượng cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần phải hợp tác trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch.

Phát biểu tại Hội nghị Tuần lễ Năng lượng toàn cầu (CERAWeek 2023) tại Houston, Texas, Cố vấn Năng lượng Nhà Trắng John Podesta cho rằng Trung Quốc có quá nhiều quyền kiểm soát đối với các khoáng sản quan trọng, các công nghệ xử lý quan trọng và thượng nguồn, cũng như năng lượng mặt trời. Thông điệp của Washington tại CERAWeek 2023 phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Mỹ rằng khoản đầu tư nhanh chóng mà Mỹ hỗ trợ, khuyến khích để chống biến đổi khí hậu có thể phản tác dụng nếu lại trao quyền chuỗi cung ứng cho Trung Quốc. Theo quan chức chính quyền Tổng thống Biden, cần giữ chuỗi cung ứng nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc.

Tại hội nghị, nhiều giám đốc điều hành các công ty năng lượng nhất trí với quan điểm trên nhưng cho rằng Mỹ phải tìm cách đảm bảo nguồn cung trong nước mà không gây ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhà cung cấp chính các khoáng chất và linh kiện quan trọng được sử dụng trong mọi thứ, từ pin xe điện đến tấm pin mặt trời. Nhiều giám đốc điều hành cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ suôn sẻ hơn nếu Washington có thể duy trì dòng chảy thương mại và quan hệ thân thiện với Trung Quốc, nơi các sản phẩm thường rẻ hơn.

Mark Hutchinson, Giám đốc điều hành của Fortescue Future Industries, cho biết Trung Quốc và Mỹ cần phải hợp tác, tham gia vào quá trình này, cho rằng cuối cùng, thương mại sẽ “chiến thắng tất cả”.

(Source: Reuters)