Bản tin Năng lượng xanh: Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy hydro xanh, đối mặt một số thách thức

17:00 | 11/07/2023

7,494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ấn Độ muốn trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất hydro xanh. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng đối với một quốc gia có lượng hydro tiêu thụ hiện nay được sản xuất chủ yếu bằng nhiên liệu hóa thạch. Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn trong số 5 triệu tấn hydro tiêu thụ trong nước ở Ấn Độ được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.
Bản tin Năng lượng xanh: Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy hydro xanh, đối mặt một số thách thức

Ấn Độ thúc đẩy hydro xanh, đối mặt một số thách thức

Mặc dù dự kiến ​​sản xuất hydro xanh đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2026, nhưng Ấn Độ đã đàm phán các thỏa thuận song phương với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nước khác để bắt đầu xuất khẩu nhiên liệu này.

Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh hàng năm vào năm 2030, việc này dự kiến sẽ giúp cắt giảm khoảng 50 triệu tấn khí thải carbon và tiết kiệm hơn 12 tỷ USD cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Các công ty Ấn Độ, trong đó có Reliance Industries, Indian Oil, NTPC, Adani Enterprises, JSW Energy, ReNew Power và Acme Solar đã đưa ra thông báo về việc thiết lập công suất sản xuất hydro xanh tích lũy hàng năm là 3,5 triệu tấn.

Tháng 1/2023, Ấn Độ đã phê duyệt kế hoạch khuyến khích trị giá 174,9 tỷ rupee (2,11 tỷ USD) để thúc đẩy hydro xanh. Đây sẽ là ít nhất 10% chi phí để sản xuất hydro xanh. New Delhi cũng đã gia hạn miễn phí truyền tải năng lượng tái tạo cho các nhà máy sản xuất hydro được vận hành trước tháng 1/2031.

Chính phủ Ấn Độ đã khởi động các cuộc đấu giá theo chương trình khuyến khích sản xuất chất điện phân được sử dụng để tạo ra hydro xanh. Tuy nhiên, đấu thầu hỗ trợ sản xuất hydro xanh vẫn chưa bắt đầu.

5 bang, trong đó có các bang công nghiệp hóa như Maharashtra và Gujarat đã công bố các lợi ích như điện ưu đãi và hoàn thuế đối với việc sản xuất hydro xanh và các dẫn xuất của nó.

Nỗ lực thúc đẩy sản xuất hydro xanh của Ấn Độ cũng phải đối mặt với một số thách thức, trong đó có việc hydro xanh hiện đang được sản xuất đắt hơn so với hydro được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch, đắt hơn khoảng 2 USD/kg.

Một vấn đề khác nữa là năng lượng tái tạo không có sẵn suốt ngày đêm và việc lưu trữ pin vẫn không kinh tế.

Châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản, là những quốc gia thiếu nguồn tài nguyên tái tạo, có khả năng trở thành thị trường trọng điểm của hydro xanh, tuy nhiên, các rào cản thương mại cho việc xuất khẩu hydro xanh là một mối lo ngại lớn.

Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại với Đức về các rào cản được áp đặt trong cuộc đấu thầu hydro xanh toàn cầu do nước Đức kêu gọi vào tháng 12/2022.

Ấn Độ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường được trợ cấp mạnh mẽ như Trung Quốc và Mỹ.

Ma-rốc nêu tên các công ty sơ tuyển cho Dự án Năng lượng Mặt trời Noor II

Cơ quan năng lượng tái tạo của Ma-rốc, Masen, đã công bố sơ tuyển 6 tập đoàn để xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời 400 megawatt ở vùng núi Atlas. Dự án có tên Noor Midelt II, nhằm mục đích thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo của đất nước Ma-rốc và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Dẫn đầu các tập đoàn là các công ty quốc tế nổi tiếng, trong đó có Cobra Servicios, Communicaciones y Energia từ Tây Ban Nha, EDF Renouvelables của Pháp, Enel Green Power từ Ý, Iberdrola Renovables International từ Tây Ban Nha, International Power từ Bỉ và Acwa Power từ Ả Rập Xê-út.

Theo tuyên bố từ Masen, các công ty đã thể hiện chuyên môn và năng lực của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đã đáp ứng thành công các tiêu chí sơ tuyển do cơ quan này đưa ra.

Mục tiêu chính của dự án Noor Midelt II là xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời với dung lượng lưu trữ trong 2 giờ. Khả năng lưu trữ là rất quan trọng để đảm bảo cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy ngay cả trong thời kỳ bức xạ mặt trời thấp hoặc vào ban đêm.

Việc đưa vào các công nghệ lưu trữ năng lượng giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các nhà máy điện mặt trời, biến chúng thành nguồn năng lượng bền vững và khả thi hơn.

Trong những năm gần đây, Ma-rốc đã tích cực theo đuổi việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo. Tính đến năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm 18% tổng sản lượng điện của cả nước, trong khi than chiếm 72%, theo số liệu chính thức. Tuy nhiên, chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 52% công suất lắp đặt của đất nước vào năm 2030.

Thông qua việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, Ma-rốc tìm cách giảm lượng khí thải carbon, tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Dự án Noor Midelt II đại diện cho một bước quan trọng khác để đạt được các mục tiêu này, vì nó khai thác các nguồn năng lượng mặt trời dồi dào có sẵn trong khu vực Dãy núi Atlas.

Thủ tướng Tây Ban Nha hứa hẹn luật cho phép cư dân chọn vị trí của các trang trại năng lượng mặt trời, gió

Hôm thứ Sáu (7/7) Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hứa sẽ cho phép cư dân địa phương quyết định vị trí của các công viên năng lượng mặt trời và trang trại gió, đồng thời chia cho họ một phần lợi nhuận, nếu Đảng Xã hội (PSOE) của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trong tháng này.

Nhiều công viên quang điện và trang trại gió đã được lên kế hoạch trong nước đang bị trì hoãn do sự phản đối của những người sống gần đó, khiến đây trở thành một trong những vấn đề nóng của cuộc bầu cử.

Đảng Nhân dân (PP) đối lập, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, cho biết trong tuyên ngôn của mình được công bố hôm thứ Ba (4/7) rằng họ sẽ áp dụng một khoản phí đối với các dự án năng lượng tái tạo để chi trả cho các chi phí hành chính gắn liền với chúng.

Ứng cử viên Alberto Nunez Feijoo của PP đang dẫn trước Sanchez trong các cuộc thăm dò trước cuộc bỏ phiếu ngày 23/7./.

Thanh Bình

(Source: Reuters)