Bài học nóng từ ở vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ

06:20 | 17/09/2023

1,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau vụ cháy chung cư mini (CCMN) tại Khương Đình, Thanh Xuân gây thương vong lớn về người dư luận lại tiếp tục đặt thêm nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) nói chung, đặt biệt tại các dạng nhà tập thể, CCMN nằm vị trí ngõ sâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, hạn chế trong cứu hộ, cứu nạn…

Sống bất an trong nhà ở… không lối thoát

Thời điểm 10 năm trước, chung cư mini đã từng tạo ra một làn sóng đầu tư và tìm kiếm mua mạnh mẽ ở Hà Nội. Với giá thành bằng khoảng 70% so với chung cư đạt chuẩn, cộng với diện tích nhỏ và giá chỉ bằng 80% so với chung cư đạt chuẩn. Chỉ với chi phí khoảng 900 - 1 tỷ đồng, người dân có thể sở hữu 1 căn chung cư mini làm tài sản riêng cho mình. Năm 2015, tôi có thời gian sống trong căn hộ chung cư mini rộng 45 m2, giá chưa đến 1 tỷ đồng, nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Trần Bình (Cầu Giấy). Và căn này có giá trị nhất theo chính lời nhân viên môi giới vì khả năng thoát thân tốt nhất khi có sự cố (!?). Căn tôi ở nằm ngay tầng 2 chỉ đi vài bước chân là xuống tầng trệt để xe, nó còn là căn đầu hồi có mặt thoáng, nếu mở “chuồng cọp” cũng có thể nhảy “thoát thân”.

Bài học nóng từ ở vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ
Một căn CCMN "không lối thoát", không có cầu thang thoát hiểm bên ngoài

Từ tầng 3 đến tầng 6 thì mọi lối thoát đương nhiên không có, duy nhất 1 cầu thang bộ dẫn xuống hầm đề xe. Vụ cháy ở Khương Đình mới đây xuất phát từ hầm để xe và tôi phần nào hình dung ra vấn đề tương tự, phản xạ khi thấy khói mọi người sẽ chạy dồn lên tầng cao, thực tế không căn nào an toàn, dễ thoát thân trong một căn chung cư mini nói trên cả. Điểm chung các căn CCMN đều ở ngõ sâu, chật hẹp, hệ thống PCCC tuy cũng có nhưng tuyệt nhiên hiếm căn nào có thang thoát hiểm bên ngoài. Nhưng vì nhà giá rẻ, không thể đòi hỏi hơn về tiện ích, nhiều người vẫn phải chấp nhận mua.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội xảy ra trên 145 vụ cháy, khiến 66 người chết, 45 người bị thương cùng thiệt hại lớn về tài sản. Trong số các vụ cháy, có nhiều trường hợp là cháy nhà dân trong các con ngõ nhỏ và sâu hay các tầng bị bịt kín bởi "chuồng cọp", không có lối thoát hiểm thứ 2.... khiến lực lượng chức năng rất khó để tiếp cận và khống chế ngọn lửa.

Ngoài vụ cháy tại chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội khiến 56 người chết và 37 người bị thương đêm 12/9 vừa qua. Trước đó, ngày 8/7 là vụ hỏa hoạn tại phường Thổ Quan (Đống Đa) làm 3 nạn nhân tử vong trong tại 1 ngôi nhà ống diện tích khoảng 60 m2 (không có lối thoát hiểm thứ 2) và nằm trong con ngõ nhỏ có diện tích hẹp và sâu, xe chữa cháy và lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận. Ngày 13/5, vụ cháy thương tâm làm 4 bà cháu tử vong tại phố Thành Công (Hà Đông, Hà Nội). Theo báo cáo của lực lượng chức năng, ngôi nhà xảy ra cháy cao 3 tầng và 1 tum. Phần tum thông thoáng có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới. Phía trước căn nhà từ tầng 1-3 được quây kín bởi lồng sắt, hay còn gọi là "chuồng cọp".

Những vụ việc vừa qua không phải hiếm. Trước đó đã có nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, một phần nguyên nhân cũng là do "chuồng cọp" bịt kín lối thoát hiểm, chữa cháy trong ngõ nhỏ, hẹp và sâu gây khó khăn cho công tác cứu hỏa, cứu nạn.

Năm 2022, tại khu tập thể B9 Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn làm 5 người chết, 2 người bị thương. Tôi từng có mặt tại hiện trường vụ cháy, nhiều người bàng hoàng khi cả căn hộ và toàn bộ chung cư được cơi nới chật kín "chuồng cọp". Có thể thấy điểm chung của tất cả các vụ việc đau lòng nêu trên đều có 1 phần nguyên nhân là do các đám cháy xảy ra trong ngõ nhỏ, diện tích chật hẹp và nhà dân thì thường bị bịt kín, không có lối thoát hiểm thứ 2 khiến lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, việc người dân thiếu kiến thức về PCCC hay chưa trang bị các thiết bị PCCC cũng là 1 phần nguyên do khiến các vụ hỏa hoạn ít khi được ngăn chặn ngay từ đầu.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong đó, Công văn có nội dung đáng chú ý, yêu cầu các đơn vị vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2". Khi các tiêu chí an toàn phòng cháy với nhà riêng lẻ, nhất là những căn nhà ống, ngõ nhỏ được xây dựng từ trước được đảm bảo, quy định về phòng cháy với nhà xây mới được tuân thủ, hậu quả của các vụ hỏa hoạn cũng sẽ được giảm thiểu.

Về vấn đề này, theo ông Bùi Xuân Thái, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hiệp hội PCCC&CNCH, hiện nay nhiều gia đình ở Hà Nội đều có tâm lý hàn khung sắt, bịt kín ban công phía trước ở các tầng cao như "chuồng cọp" để chống trộm, bên cạnh đó, thiết kế nhà ống với 1 lối ra phía trước là lối kiến trúc phổ biến, phù hợp với điều kiện đất chật người đông như ở Hà Nội và có thể kết hợp ở và kinh doanh. Chính điều này vô tình gây cản trở, khiến việc thoát ra khỏi đám cháy gặp khó khăn, chưa kể lực lượng chức năng cũng mất nhiều thời gian để phá cửa, cắt khung sắt để tiếp cận, giải cứu người bị nạn.

Trước tình trạng các vụ cháy nhà chuồng cọp gây hậu quả nghiêm trọng đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, ông Thái đề xuất mỗi hộ gia đình đều cần xây dựng 1 "lối thoát hiểm thứ 2". “Các cơ quan chức năng khi cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh cần yêu cầu chủ hộ bố trí có 1 lối thoát hiểm thứ 2. Lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua mái, qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước khoảng 80 cm", ông Thái bày tỏ quan điểm.

Xử lý sai phạm trong xây dựng, an toàn PCCC tại chung cư mini sẽ như thế nào?

Sau thảm họa cháy chung cư mini làm 56 người chết vừa qua. Gần đây người dân sống tại các chung cư mini đã xuất hiện tâm lý bất an, tự trang bị những thiết bị cứu hộ, cứu nạn để phòng thân. Bài học đau lòng ở Khương Đình chắc chắn còn nóng và âm ỉ rất dài, đặt ra nhiều vấn đề cho thấy lỗ hỗng trong thiết kế, cấp phép, xây dựng dạng chung cư mini suốt nhiều năm nay. Không ai có thể thống kê trên địa bàn còn tồn tại bao nhiêu CCMN thiếu tiêu chuẩn kiểu như vậy, ai chịu quản lý, ai chịu trách nhiệm cấp phép những căn mini nếu bây giờ bới ra một loạt, rồi xử lý chúng thế nào, người dân đi đâu về đâu?

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn chung cư mini ở phố Khương Hạ là bài học đắt giá trong cấp phép xây dựng CCMN

Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương có số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nhiều nhất cả nước, công tác phòng, chống cháy, nổ ở Hà Nội vẫn là khó khăn, thách thức lớn. Trong đó nổi cộm là các vấn đề do đường sá chật hẹp, không đảm bảo cho công tác cứu hỏa khi xảy ra sự cố, hệ thống trụ nước, bể trữ nước phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu, xe chữa cháy mini chưa có, dạng trực thăng cứu hộ, cứu hỏa không khả thi, Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng về công tác PCCC, do đó, chấp hành các quy định về PCCC chưa cao, đặc biệt là các gia đình nhà để ở kết hợp với SXKD hay tự ý cơi nới tại một số tập thể cũ.

Thời gian qua, thành phố đã tiến hành công khai các chung cư, chủ đầu tư có vi phạm về PCCC tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa thực sự triệt để. Hiện, Thành phố đã có chỉ đạo tổng kiểm tra toàn bộ chung cư mini, nhà trọ trong 45 ngày (kể từ 15/9 đến trước ngày 30/10). Mong rằng, thành phố cần có thêm những biện pháp "mạnh" hơn tương tự như việc thanh tra, xử lý các quán Karaoke, tổng rà soát lại tất cả các chung cư mini thiếu tiêu chuẩn trong thoát hiểm, PCCC, xử lý nghiêm đơn vị vi phạm, cố tình chây ỳ, thực hiện cấp phép trái quy định trong xây dựng, thực thi nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" theo lời lãnh đạo Thành phố.

Minh Châu