Kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đầy sóng gió

Bài 5: Ngân hàng cùng doanh nghiệp “vượt sóng”

06:15 | 07/12/2022

148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ đầu năm 2022 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng, lạm phát toàn cầu, đồng USD tăng giá mạnh, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, chuỗi cung ứng quốc tế chậm phục hồi tác động mạnh đến việc kiểm soát lạm phát tại nhiều quốc gia đặt ra những thách thức cho hoạt động của ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp.

Chính sách tiền tệ tạo đà phục hồi

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biển động, đặc biệt là thị trường tài chính và tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua vẫn kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và đồng bộ. Trong đó, ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Bài 5: Ngân hàng cùng doanh nghiệp “vượt sóng”
Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Sau gần 3 năm triển khai, chính sách này đã góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng; NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Đến nay tất cả các NHTM đã ban hành hướng dẫn nội bộ để triển khai chính sách trong toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chủ động điều chỉnh lãi suất linh hoạt, điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, tín dụng được điều hành theo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng song không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Việc tăng lãi suất điều hành của NHNN thời gian qua phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài. Dù tăng lãi suất điều hành nhưng NHNN luôn yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Bài 5: Ngân hàng cùng Doanh nghiệp “vượt sóng”
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế 2023, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nhờ phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đến nay tỷ giá trên thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mặc dù thị trường quốc tế có nhiều biến động lớn. Trong 9 tháng đầu năm, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 4% so với đồng USD, thấp hơn rất nhiều so với các đồng khác và là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực; thị trường ngoại hối cũng hoạt động thông suốt, các nhu cầu được đáp ứng đầy đủ; lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 0,45% và lãi suất cho vay tăng 0,5% so với cuối năm 2021.

Đến ngày 26/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,83% so với cuối năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên với dư nợ đến 30/9/2022 là 5.853.490 tỷ đồng (tăng 8,92% so với cuối năm 2021), trong đó, tín dụng đối với DNNVV đạt 2.348.125 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cuối năm 2021. Tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 7,31%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,63%; ngành thương mại và dịch vụ tăng 10,72%.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao cũng xuất hiện ở một số ngành như công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông; hoạt động chuyển môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, hoạt động dịch vụ khác.

“Sóng gió” trước mắt và lâu dài

Thời gian tới, dự báo ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, lạm phát, giá cả có xu hướng tăng nhanh và tác động lên đời sống người dân, làm chậm lại quá trình phục hồi, tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của một số TCTD tăng cao ảnh hưởng đến chính sách hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung dài hạn, tạo áp lực cho hệ thống TCTD trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hóa trong hoạt động.

Theo số liệu tài chính của các Ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2022 cho thấy, nhìn chung các ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn, dự đoán nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện giãn, hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Thông tư 14 (sửa đổi các Thông tư 01 và Thông tư 03) đã chấm dứt từ cuối tháng 6/2022. Trong thời gian tới nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu.

Bài 5: Ngân hàng cùng doanh nghiệp “vượt sóng”
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nợ xấu sẽ có xu hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Công tác xử lý nợ xấu của các NHTM cũng đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Nghị quyết số 42 đã tạo hành lang pháp lý xử lý đồng bộ, thống nhất, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý TSBĐ tiền vay của TCTD nhưng quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý TSBĐ, thu hồi nợ xấu của các TCTD”.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển, tình trạng gian lận và lừa đảo có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều trường hợp khách hàng bị kẻ gian lừa đảo, giả mạo email, tin nhắn thương hiệu của ngân hàng, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, thẻ và cả những trường hợp kẻ gian giả mạo giấy tờ tinh vi để mở thẻ, mở tài khoản gây rủi ro cho ngân hàng...

Ông Hùng cho biết thêm, những khó khăn từ nền kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của hầu hết doanh nghiệp, khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm sút, tiềm ẩn nợ xấu. Ngoài ra, các doanh nghiệp phần lớn có quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế.

Hiện nay trình độ quản trị doanh nghiệp đang gặp nhiều bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu không chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ, điều này dẫn đến khó khăn cho ngân hàng trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp.

Sự liên kết giữa các chính sách và các Bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tổng thể nguồn lực của các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ còn tán mất nhiều nơi, chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thành Công - Minh Đức

Bài 1: Kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi mạnh mẽBài 1: Kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi mạnh mẽ
Bài 2: Mở rộng không gian phát triển doanh nghiệp như thế nào?Bài 2: Mở rộng không gian phát triển doanh nghiệp như thế nào?
Bài 3: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảngBài 3: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng
Bài 4: Con người là hạt nhân quan trọng trong “Đổi mới sáng tạo”Bài 4: Con người là hạt nhân quan trọng trong “Đổi mới sáng tạo”