Bộ Công Thương khơi thông thương mại với Trung Quốc năm 2023

Bài 2: Gỡ khó cho hàng Việt xuất bán qua cửa khẩu

09:33 | 15/12/2023

324 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt vào Trung Quốc.

Khơi thông dòng chảy thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2023 còn phải kể đến việc Bộ Công Thương đã chủ động, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chuyển hướng xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch cũng được triển khai đồng bộ, tích cực.

Bài 2: Gỡ khó cho hàng Việt xuất bán qua cửa khẩu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba về hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước.

Thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6/2023, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trện địa bàn tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu ùn ứ. Bộ Công Thương đã phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các giải pháp để nhanh chóng giải tỏa ùn tắc. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Dư Kiến Hoa để chủ động thúc đẩy phía Trung Quốc phối hợp tạo thuận lợi thông quan, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thiết lập luồng xanh ưu tiên thông quan cho trái cây, định hướng doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa cửa khẩu biên giới giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc (Đại sứ quán, hải quan), chỉ đạo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây thúc đẩy cơ quan chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc.

Vào tháng 8/2023, tham gia đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu làm việc tại Lạng Sơn, thăm và làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam- Hùng Ba, một trong những nội dung được Bộ trưởng đề cập là tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước.

Cùng với những giải pháp gỡ khó trực tiếp cho xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan điều kiện thuận lợi cấp giấy chứng nhận C/O cho các doanh nghiệp đổi cửa khẩu xuất khẩu. Đồng thời, Bộ đã có công văn số 409/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đề nghị chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thông quan để hoạt động xuất khẩu đạt được hiệu quả cao nhất.

TạiHội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đó là, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu…

Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức về việc điều chỉnh chính sách của quốc gia này: Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi 2 lần, ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", tạo nên áp lực “chuẩn hóa” cho nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt quản lý nông thủy sản nhập khẩu khi chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu…

Từ thực tế này, Bộ Công Thương đã liên tục có những lưu ý và đưa ra các phương hướng xuất khẩu sang Trung Quốc cho các doanh nghiệp, ngành hàng. Ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi bày tỏ: Quan điểm khai thác thị trường Trung Quốc phải thay đổi, đây là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch". Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường và hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao.

Bài 2: Gỡ khó cho hàng Việt xuất bán qua cửa khẩu
Hội nghị chuyên đề thương mại với các tỉnh biên giới của Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức.

Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Lộ trình chuyển từ xuất khẩu “tiểu ngạch” sang “chính ngạch” được đề xuất cụ thể: Từ ngày 1/1/2025, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong tổ chức sản xuất cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; Xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; Định hướng sản xuất/nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Về quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; Tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, VIETGAP, HACCP.

Liên quan tới vấn đề tháo gỡ rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật; Xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường. Đối với các doanh nghiệp, phải nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; Chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu; Tận dụng tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc.

Một trong những nội dung được Bộ Công Thương đề cập nữa là việc tăng cường tiếp cận vùng. Bên cạnh thị trường truyền thống như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây thì doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tới thị trường tiềm năng miền Tây, miền Đông và Tây Nam Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, thị trường Trung Quốc cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc ngày càng kiểm soát nghiêm ngặt, nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn hàng hóa. Chính vì vậy, đề thiết lập vị trí tại thị trường lớn và hấp dẫn nhất thế giới này, hàng Việt không có cách nào khác cần phải đi đường chính ngạch, liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, kho bãi tại các cửa khẩu để tận dụng vị trí địa lý với nước bạn.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

P.V

Hàng hóa Việt Nam sẵn sàng với các vụ kiện phòng vệ thương mạiHàng hóa Việt Nam sẵn sàng với các vụ kiện phòng vệ thương mại
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 30 tỷ USD trong nửa cuối tháng 3Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 30 tỷ USD trong nửa cuối tháng 3
Tin tức kinh tế ngày 21/8: Trung Quốc nhập gần 31 tỷ USD hàng hóa Việt NamTin tức kinh tế ngày 21/8: Trung Quốc nhập gần 31 tỷ USD hàng hóa Việt Nam
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển đúng hướngQuan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển đúng hướng