Bài 1: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam vẫn chậm lớn
Doanh nghiệp đang bị “trói” chặt
Người làm việc trong doanh nghiệp, từ chủ tịch hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên đến người dọn vệ sinh trụ sở đều gọi chung là dân doanh nghiệp, tức là sản xuất và cung ứng hàng hóa (theo nghĩa rộng bao hàm cả dịch vụ, cả hàng hóa hữu hình và vô hình, vật thể và phi vật thể…) cho xã hội, cho thị trường đang chịu sự ràng buộc của rất nhiều “luật bất thành văn”. Những sợi dây vô hình ấy tác động tới doanh nghiệp theo hai khía cạnh.
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam cần cơ chế thoáng hơn nữa để phát triển. |
Trước hết, làm cho chi phí sản xuất “đội lên” rất nhiều, dẫn tới giá thành sản phẩm rất cao. Trong môi trường cạnh tranh tự do (giả định) người sản xuất ra hàng hóa có chi phí cao rất bất lợi và thường thua lỗ, bởi vì họ không còn “dư địa” hạ giá bán. Không bán được hàng hóa, hoặc nếu bán được thì lợi nhuận cũng rất thấp. Bởi vậy, họ phải tìm mọi cách để sinh tồn, đây chính là sức ép buộc doanh nghiệp phải tìm cách lách luật, chính sách, quy định hoặc làm hàng giả, hàng xấu, hàng sai quy cách, sai thỏa thuận và hàng loạt những thủ đoạn vi phạm pháp luật và băng hoại đạo đức khác (đóng đinh vào tôm, tiêm hóa chất vào thực phẩm, chế rượu từ metanol…).
Tiếp theo, có không ít công dân, người nước ngoài, pháp nhân muốn kinh doanh, khởi nghiệp nhưng đứng trước “ma trận” của thủ tục hành chính nên thường nản chí. Đối với công dân Việt Nam thường ứng xử là: gửi tiền ngân hàng hưởng lợi tức. Nếu có sức lao động tay nghề giỏi, chuyên môn cao tầm cỡ thợ lành nghề bậc cao, chuyên gia giỏi sẽ đi làm thuê - bán sức lao động, tuy thu nhập kém hơn nhưng ít nhất là không phải bước chân vào “mê cung” mà chưa biết lãi lời ra sao nếu muốn thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó sách vở cũng như thực tiễn luôn luôn “đe dọa” những doanh nhân tương lai “thương trường là chiến trường tàn khốc nhất”. Vậy nên không ít người có vốn, có trí tuệ, muốn làm giàu bằng cách lập doanh nghiệp nhưng không đủ bản lĩnh đối diện và chiến đấu với sức ì của bộ máy hành chính và hệ lụy chưa thể bóc gỡ hết của cơ chế tập trung- quan liêu- bao cấp thời trước.
Phân tích tại Hội thảo với chủ đề "Hoàn thiện thể chế phát triển Tập đoàn Nhà nước", Tiến sĩ Phạm Anh nhấn mạnh, không chỉ các doanh nghiệp trong nước đang không thể phát triển mà đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu thấy thủ tục hành chính để sản xuất kinh doanh ở một nước nhất định nào đó khó khăn quá, hoặc không an toàn, chắn chắn sẽ chuyển sang nước khác. Nếu thế, dù chủ nhà có trải thảm đỏ thì nhà đầu tư cũng nghi ngờ rằng “bên dưới có đinh” - Tiến sĩ Phạm Anh nói.
Doanh nghiệp phải phát triển như thế nào
Nước ta có khá đầy đủ các nguồn lực, với tư cách là các yếu tố “đầu vào” của quá trình sản xuất mà tại sao vẫn cứ nghèo và ngày càng tụt hậu, có thể chưa so sánh được với Hàn Quốc, Singapore, nhưng ngay cả đối với Campuchia, Lào cũng vượt hơn Việt Nam về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
![]() |
Doanh nhân Việt Nam phải sớm chọn con đường để phát triển. |
Có thể rút ra kết luận bước đầu là công nghệ, tư liệu lao động của chúng ta quá lạc hậu cùng với cơ chế, mô hình tổ chức quản lý và quản trị nhân lực quá cũ kỹ gây nên tình trạng năng suất lao động và hiệu quả kinh rất thấp.
Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là phải cải tiến công cụ lao động, thay mới tư liệu sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn. Và, như vậy trước mắt, hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ, khuyến khích nhập công nghệ tiên tiến. Bởi vì công nghệ cũ có thể trước mắt tạo ra “cái bề nổi, cái ăn liền” là thu hút một số lao động dư thừa nào đó, nộp ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương có “đột biến” nào đó… Nhưng xét về tổng thể, lâu dài chắc chắn doanh nghiệp - nhà máy - công trường dựa trên nền tảng công nghệ cũ (secondhand) sẽ lỗ và trở thành bãi rác công nghiệp không thể bán lại cho ai.
Hàng loạt ví dụ như dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai…
Chỉ ra đường hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Anh khẳng định: "Việt Nam không thể là bãi rác thải công nghệ của thế giới và các nước công nghiệp. Chúng ta phải xây dựng cho được nền khoa học công nghệ nội sinh bằng trí tuệ Việt, không du nhập hay vay mượn thế giới. Tự cổ chí kim chỉ có thể vay/mượn và người ta cũng chỉ có thể cho mượn/vay tiền, vốn, tài sản, thậm chí sức lực… chứ không ai “cho không” khoa học công nghệ cả".
Bùi Công
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số
-
Thuyết âm mưu về chính sách của OPEC+?
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
-
Tin tức kinh tế ngày 9/5: Hơn 165.000 gian hàng thương mại điện tử đóng cửa