Bà Merkel tới Ukraine để nói về chiến tranh và khí đốt
![]() |
Tổng thống Petro Poroshenko tiếp Thủ tướng Đức Merkel tại Kiev ngày 1/11 |
Đây là chuyến thăm Ukraine đầu tiên của bà Merkel từ khi ký kết thỏa thuận hòa bình Minsk vào đầu năm 2015, hiện đã bị đình trệ.
Tại Kiev, bà Merkel đã gặp Tổng thống Petro Poroshenko, Thủ tướng Volodymyr Groïsman, cùng các nghị sĩ Ukraine và có bài phát biểu tại một trường đại học địa phương trước khi rời Kiev vào buổi tối cùng ngày.
Tại cuộc họp báo vào khoảng 12.00 GMT ngày 1/11 cùng Tổng thống Poroshenko,
bà Merkel tái khẳng định việc tiếp tục trừng phạt Nga vì vai trò của nước này trong cuộc xung đột Ukraine.
"Thật buồn là thỏa thuận Minsk không được tôn trọng. Do đó, nước Đức sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt này", bà Merkel nói. "Nếu có tiến bộ, chúng tôi có thể sẽ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt", Thủ tướng Đức ra điều kiện. Đức và Pháp là hai quốc gia châu Âu bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và sự tham gia của nước này vào cuộc nội chiến ở Ukraine hiện nay.
Nga luôn phủ nhận những cáo buộc như vậy của Ukraine và các nước phương Tây, cho đó là những cáo buộc vô căn cứ. Moscow luôn cho rằng Nga không phải là một bên tham gia xung đột. Nội chiến Ukraine là chuyện của người Ukraine, Nga không can thiệp.
Ngoài ra, trong các cuộc hội đàm với Tổng thống và Thủ tướng Ukraine, bà Merkel cũng đã đề cập tới dự án đường ống dẫn khí Đức-Nga Nord Stream 2, bị Kiev, Washington và một số nước châu Âu chỉ trích.
Những người phản đối đường ống này cho rằng đây là một công cụ áp lực chính trị và kinh tế của Moscow với châu Âu.
Nord Stream 2 kết nối Nga với Đức bỏ qua Ba Lan và Ukraine.
Tuy nhiên, bà Merkel tuyên bố không từ bỏ Nord Stream 2, và trấn an rằng "Ukraine vẫn sẽ là một quốc gia quá cảnh khí đốt ngay cả khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động”. Trong một tuyên bố trước đây, Thủ tướng Đức ra điều kiện với Nga rằng để Nord Stream 2 được cấp phép ở Đức, Moscow vẫn phải duy trì một lượng khí trung chuyển qua Ukraine. Nga đã chấp thuận đề nghị này.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP
-
Cháy rừng tại Kim Bảng (Hà Nam) không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước để phát điện
-
Giá phát điện tối đa cho nhiệt điện than năm 2025
-
Khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giai đoạn 2025-2030
-
Triển khai dự án đường dây 500kV: Người dân đồng thuận nhường đất, dời nhà