Arập Xêút toan tính gì với dự án LNG mới của Nga?

16:00 | 31/10/2018

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Arập Xêút đã chính thức gia nhập danh sách các quốc gia và tập đoàn muốn tham gia vào việc mở rộng dự án sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực thuộc Nga.  

Arập Xêút sẵn sàng đầu tư gần 5 tỉ USD vào dự án sản xuất LNG của Nga ở Bắc Cực - người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RFPI) Kirill Dmitriev, dẫn đề nghị của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arập Xêút Khalid al-Falih. Theo ông Khalid al-Falih, Tập đoàn Saudi Aramco dự định tham gia Dự án Bắc Cực LNG-2 do Tập đoàn Novatek của Nga dẫn đầu.

Novatek đang triển khai Dự án xây dựng Nhà máy Yamal LNG trên cơ sở tài nguyên của mỏ Nam Tambeyskoye với công suất 17,4 triệu tấn/năm, bao gồm 3 dây chuyền công suất 5,5 triệu tấn/năm và 1 dây chuyền công suất 900 nghìn tấn/năm. Dây chuyền công nghệ đầu tiên bắt đầu hoạt động sản xuất từ tháng 12/2017, lô sản phẩm đầu tiên của dây chuyền này đã được xuất xưởng vào ngày 8/12/2017.

arap xeut toan tinh gi voi du an lng moi cua nga
Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút Khalid al-Falih và người đồng cấp Nga Alexander Novak

Lô hàng LNG đầu tiên được sản xuất trên dây chuyền thứ hai đã ra mắt vào ngày 9/8/2018. Việc đưa dây chuyền thứ 3 vào vận hành được lên kế hoạch vào đầu năm 2019 và tất cả 4 dây chuyền sẽ cùng hoạt động trước cuối năm 2019. Các cổ đông của Yamal LNG là Novatek (50,1%), Total (20%), CNPC (20%), Quỹ Con đường tơ lụa (9,9%).

Dự án LNG tiếp theo của Novatek là Bắc Cực LNG-2, đang ở giai đoạn thiết kế. Bắc Cực LNG-2 sẽ được xây dựng trên bán đảo Gydan trên cơ sở tài nguyên của mỏ Utrenny. Nhà máy Bắc Cực LNG-2 sẽ bao gồm 3 dây chuyền chế biến với tổng công suất 19,8 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023-2025.

Saudi Aramco hy vọng sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm trong thị trường LNG, nhờ tham gia Dự án Bắc Cực LNG-2, ông Khalid al-Falih cho biết tại bên lề Diễn đàn đầu tư Riyadh diễn ra ngày 23/10/2018.

Trước đó, vào tháng 5/2018, Novatek đã ký một bản ghi nhớ với Tập đoàn Total, xem xét cho phép Total mua lại 10% cổ phần Dự án Bắc Cực LNG-2. Con số này có thể tăng lên 15% nếu tỷ lệ cổ phần của Novatek dưới 60%. Trong thỏa thuận này, toàn bộ Dự án Bắc Cực LNG-2 được ước tính trị giá 22,5 tỉ USD. Như thế, với đề xuất bơm 5 tỉ USD, Arập Xêút sẽ nắm gần 20% cổ phần trong Dự án Bắc Cực LNG-2. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Khalid al-Falih nói rằng, Saudi Aramco sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai.

Novatek đang tìm cách tạo ấn tượng cho cuộc chiến giành cổ phần trong Dự án Bắc Cực LNG-2. Novatek cho biết, Bắc Cực LNG-2 có lợi nhuận cao hơn Yamal LNG, nhưng tỷ lệ cổ phần chào bán sẽ thấp hơn. 49,9% cổ phần của Yamal LNG đã được bán, trong khi chỉ có 40% cổ phẩn của Bắc Cực LNG-2 dự kiến sẽ được bán.

Theo các nhà phân tích, bằng cách đó, Novatek kích thích các nhà đầu tư tiềm năng nên nhanh chân hơn. Total và CNPC là những đối thủ “nặng ký”. Những đối thủ “nhẹ ký” hơn là Saudi Aramco, KOGAS của Hàn Quốc, các công ty Nhật Bản, Ấn Độ và Qatar. Novatek muốn tạo ra sự cạnh tranh. Nếu một trong những đối tác trên nhất quyết mua cổ phần của Bắc Cực LNG-2, Novatek sẽ ngay lập tức ký hợp đồng để kích thích những đối tác khác. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một hợp đồng vững chắc nào được ký với Novatek trong Dự án Bắc Cực LNG-2. Tất cả đều đang chờ đợi, đặc biệt là để đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt bổ sung mà Mỹ áp đặt với các dự án LNG của Nga.

arap xeut toan tinh gi voi du an lng moi cua nga
Nhà máy Yamal LNG

Theo ông Vyacheslav Kulaguine, người đứng đầu Viện Nghiên cứu năng lượng trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, hiện nay tất cả các hợp đồng lớn trong lĩnh vực năng lượng đều phải được các nhà đầu tư phân tích kỹ càng vì sự bất trắc trên thị trường năng lượng quá lớn. Kinh nghiệm từ Dự án LNG Yamal là một yếu tố tích cực cho Dự án Bắc Cực LNG-2.

Theo ông Kulaguine, người Arập Xêút cần thời gian để phân tích các điều kiện để tham gia dự án, cũng như đồng ý về tất cả các khía cạnh. Arập Xêút còn thời gian để suy nghĩ kỹ lưỡng vì dự án này được lên kế hoạch khởi động vào năm 2023.

Các chuyên gia vẫn nghi ngờ rằng, khí từ Dự án Bắc Cực LNG-2 sẽ được chuyển tới Arập Xêút. Bởi nguồn khí đốt từ Bắc Cực đòi hỏi hậu cần vận tải lớn, chắc chắn không phải là giải pháp tối ưu nhất. Cũng không nên coi việc tham gia vào dự án này là một nỗ lực để thiết lập một tập đoàn LNG toàn cầu. Xét cho cùng, Arập Xêút không phải là Qatar và thương mại khí đốt với Arập Xêút không có tầm quan trọng chiến lược như Qatar. Đối với Arập Xêút, dự án này khá quan trọng về mặt tài chính và hấp dẫn về đầu tư. Sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế khác, đặc biệt là những nước nhập khẩu khí đốt lớn như Trung Quốc, sẽ rất quan trọng đối với Arập Xêút. Điều này sẽ giúp chia sẻ những rủi ro.

Chuyên gia Vyacheslav Kulaguine nhấn mạnh rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu được coi là một trong những rủi ro liên quan đến Dự án Bắc Cực LNG-2 vì hiện tại Nga vẫn phải nhập một số trang thiết bị và nhiên liệu từ Mỹ và châu Âu để vận hành các nhà máy LNG của mình. Tuy nhiên, dự án này có sự hỗ trợ tuyệt đối của nhà nước Nga, về thuế và các ưu đãi khác, cũng như hỗ trợ cho việc khai thác và bảo đảm vận chuyển thông qua tuyến đường biển mới của Nga. Rõ ràng, sự hỗ trợ như vậy là một khía cạnh hấp dẫn của dự án đối với bất kỳ cổ đông nào.

“Mức lợi nhuận trong đầu tư của người Arập Xêút sẽ phụ thuộc vào khả năng sinh lời tổng thể của dự án. Kinh nghiệm từ Yamal LNG cho thấy, Dự án Bắc Cực LNG-2 chắc chắn có lợi nhuận” - ông Igor Yushkov, nhà phân tích tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, khẳng định.

Theo ông Igor Yushkov, dự án tiếp theo của Novatek sẽ dễ dàng hơn so với dự án đầu tiên bởi vì nhiều thiết bị sẽ được sản xuất ở Nga và công suất của nhà máy sẽ cao hơn công suất của Yamal LNG. Lợi thế nữa là trong khuôn khổ Dự án Bắc Cực LNG-2, các trung tâm tiếp nhận khí sẽ được xây dựng trong khu vực Moskva và Kamchatka. Điều này sẽ tránh phải đóng nhiều tàu phá băng hơn so với Yamal LNG. Chưa kể nhà nước Nga vẫn đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng cho tuyến đường biển phía Bắc, xây dựng các tàu phá băng hạt nhân lớp Lider mới có thể hộ tống các tàu chở hàng LNG về phía đông ngay cả trong mùa đông, giảm chi phí vận chuyển đến các thị trường lớn ở châu Á.

Ông Igor Yushkov tin rằng, người Arập Xêút không đầu tư vào dự án LNG của Nga chỉ dựa trên những cân nhắc về kinh tế. “Họ muốn hợp tác với Moskva trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là ở Syria, đó cũng là lý do tại sao đối thoại hiện nay giữa Nga và Arập Xêút diễn ra chậm và khó khăn, đặc biệt kể từ khi Arập Xêút là đối tác chính của Mỹ ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao Riyadh phải tính đến thái độ của Mỹ, quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Novatek và tìm cách hạn chế xuất khẩu nhiên liệu của Nga. Arập Xêút lo sợ phản ứng của Mỹ khi họ tham gia Dự án Bắc Cực LNG-2 của Nga bởi vì người Mỹ cũng muốn mở rộng thị trường LNG của mình. Mỹ không muốn LNG của Nga ở bất kỳ thị trường nào. Chính vì thế Arập Xêút phải rất thận trọng trong bối cảnh quốc tế khó khăn như hiện nay” - ông Igor Iouchkov giải thích.

Theo các chuyên gia, về mặt lý thuyết, Điện Kremlin có thể điều chỉnh điều kiện tiếp cận Dự án Bắc Cực LNG-2 với các nhà thầu. “Chúng ta có thể chờ đợi các khuyến nghị sắp tới của Điện Kremlin nếu thực sự có cạnh tranh giữa các nước muốn tham gia vào Bắc Cực LNG-2. Tại thời điểm hiện tại, điều đó chưa xảy ra” - ông Igor Yushkov nói.

Bắc Cực LNG-2 sẽ được xây dựng tại bán đảo Gydan trên cơ sở tài nguyên của mỏ Utrenny. Nhà máy Bắc Cực LNG-2 sẽ bao gồm 3 dây chuyền chế biến với tổng công suất 19,8 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023-2025.

S.Phương

arap xeut toan tinh gi voi du an lng moi cua nga Gazprom, Shell thảo luận về “các giải pháp ưu tiên” cho dự án LNG Baltic
arap xeut toan tinh gi voi du an lng moi cua nga Petronas đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng cho dự án LNG Canada

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps