Ảnh hưởng dịch bệnh, tín dụng tiêu dùng có dễ trở thành nợ xấu?
Ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ tiêu dùng
Vợ chồng chị Thái Hà Vinh năm ngoái đã vay ngân hàng gói tiêu dùng trị giá 1 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư ở ngoại thành Hà Nội. Mỗi tháng, cả lãi và gốc anh chị phải trả cho ngân hàng gần 15 triệu. Chồng làm trưởng phòng của một công ty môi giới xuất khẩu lao động sang Đài Loan, vợ làm việc tại trung tâm tiếng Anh thu nhập bình quân hàng tháng của vợ chồng chị 40 triệu một tháng. Sau khi trừ đi tiền ngân hàng anh chị vẫn đủ tiền trang trải cho con trai học tại một trường tư thục.
Nhiều người lo lắng không có thu nhập để trả nợ ngân hàng |
Tuy nhiên, từ sau Tết khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các trường học, trung tâm ngoại ngữ phải đóng cửa thì chị bỗng nhiên thất nghiệp. Sau một tháng, công ty anh cũng thông báo cho nhân viên nghỉ luân phiên và mới đây thì nghỉ hẳn do không có việc để làm. Suốt 2 tháng qua hai vợ chồng đều không có thu nhập. Trước đây, nhận lương tháng nào đều trả ngân hàng tháng đấy nhưng giờ đây không có tiền ngân hàng đành phải đi vay mượn bạn bè. Chị Vinh cho biết, nếu tình hình này kéo dài gia đình rất chật vật và chưa biết phải tính toán trả nợ ngân hàng thế nào, rồi còn nuôi con, chi phí sinh hoạt nữa.
Không chỉ chị Vinh mà nhiều người cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười, đang yên đang lành lại trở thành thất nghiệp. “Tôi mở cửa hàng ăn, năm ngoái cũng vay tiền mua ô tô, mỗi tháng cũng phải trả ngân hàng cả lãi và gốc gần 20 triệu. Quy định uống rượu bia không lái xe đã khiến lượng khách giảm đáng kể rồi, giờ lại thêm dịch bệnh phải đóng cửa hàng, tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả trong khi tiền ngân hàng cũng không thể sai hẹn. Một vài tháng có thể còn chịu được nhưng kéo dài thêm tôi lo ăn không ngon ngủ không yên” – chị Quỳnh (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) chia sẻ.
Chị Quỳnh cũng cho biết thêm: “Vừa rồi tôi có gọi điện cho nhân viên ngân hàng chỗ tôi vay tiền, hỏi xem ngân hàng có các gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch bệnh, tôi có thuộc diện được giảm lãi, giãn nợ không, nhưng nhân viên cho biết ngân hàng mới chỉ áp dụng với các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh vay tiền sản xuất, kinh doanh chứ chưa áp dụng cho người vay mua nhà, mua xe”.
Tại Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thì số người thất nghiệp sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ tiêu dùng.
Cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3- 6 tháng
Theo Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4% năm 2019, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%. Do vậy, mức độ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng của quỹ tín dụng tiêu dùng ở nước ta không phải là quá lớn.
Tuy nhiên, việc gia tăng nợ xấu thì cũng có thể xảy ra bởi phần lớn những người vay tiêu dùng có thu nhập ở mức trung bình, dòng tiền trả nợ đến từ tiền lương, tiền công. Trong khi đó, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động – cũng chính là ảnh hưởng đến nguồn tiền trả nợ ngân hàng.
Dịch bệnh đã khiến nhiều người đã mất hoàn toàn tiền lương, còn một số có thu nhập đã giảm sâu khoảng 50%... Do đó, khả năng trả nợ vay tiêu dùng của nhiều người rất mong manh. Tình trạng này có thể kéo dài từ 6 tháng – 1 năm, nên nợ xấu của các ngân hàng và các công ty tài chính sẽ tăng lên rất nhanh.
Nêu ý kiến về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, một trong những biện pháp mà tổ chức tín dụng, ngân hàng cần thực hiện để hạn chế rủi ro tín dụng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay. Các ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3- 6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Hiện nay, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đều đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi, tuy nhiên đa phần chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Chỉ có một vài ngân hàng chấp nhận giảm nhẹ lãi suất đối với toàn bộ các khoản nợ hiện hữu, bao gồm cả vay tiêu dùng.
Chẳng hạn, BIDV đã công bố giảm thêm tới 2% lãi suất cho vay với cả khoản vay cũ và mới, áp dụng với cả cá nhân và doanh nghiệp. Lãi suất cho vay giảm đến 1% đối với cá nhân vay tín chấp trả nợ bằng lương. Đối với trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
"Ngân hàng có chính sách giảm lãi, giãn nợ để hỗ trợ người vay nhưng phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải chủ động đề nghị ngân hàng và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào, trên cơ sở đó ngân hàng sẽ thẩm định lại. Do vậy không phải tất cả trường hợp đề xuất đều được xét duyệt. Cũng không có công thức chung mà căn cứ vào mức độ giảm thu nhập của khách hàng", một lãnh đạo ngân hàng cho biết.
M.T
-
Giá vàng trong tuần (2/9-8/9): Ghi nhận tuần tăng giá
-
Tuổi trẻ Agribank chung tay viết tiếp ước mơ cho học sinh nghèo vượt khó
-
Giá vàng hôm nay (7/9): Quay đầu giảm sâu
-
ADB phê duyệt lộ trình mới về định hướng phát triển đến năm 2030
-
Giá vàng hôm nay (6/9): Thị trường thế giới và trong nước trái chiều