An toàn trong ngành Than: Ý thức kỷ luật, tính tự giác phải được nâng cao hơn nữa

15:04 | 21/03/2013

1,820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với mục tiêu làm tất cả để đảm bảo an toàn cho người lao động, những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ATLĐ như ban hành các quy chế quản lý công tác AT-BHLĐ; phân định rõ ràng chức năng nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác quản lý AT-BHLĐ...

Với mục tiêu làm tất cả để đảm bảo an toàn cho người lao động, những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ATLĐ như ban hành các quy chế quản lý công tác AT-BHLĐ; phân định rõ ràng chức năng nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác quản lý AT-BHLĐ... Tất cả các đơn vị đều tập trung đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, trang bị thiết bị an toàn hiện đại như giá khung thuỷ lực di động, máy khấu than, hệ thống giám sát khí mê tan tự động, quạt đảo chiều, máy xúc có dung tích gầu 10 m3; ôtô có tải trọng 95 tấn; xe làm lốp chuyên dụng...

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là tuyên truyền bề nổi ở những nơi tập trung đông công nhân; rà soát biên soạn lại tài liệu huấn luyện, nội quy, quy trình kỹ thuật với nội dung thiết thực phù hợp với ngành nghề; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm, hệ thống giám sát viên ATLĐ được biên chế đủ lực lượng giám sát liên tục 3 ca sản xuất.

Hô an toàn trước khi vào ca sản xuất tại Công ty Than Hòn Gai - Vinacomin. Ảnh: Giang Nam

Một lãnh đạo Vinacomin cho biết, Tập đoàn đã ban hành quy định xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp khi để đơn vị xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, quy định thưởng những đơn vị đạt mục tiêu đảm bảo an toàn lao động với mục tiêu năm sau giảm hơn 10% tai nạn lao động so với năm trước. Không ngừng nâng cao hiệu quả của chương trình tự chủ an toàn để nâng cao trách nhiệm về công tác an toàn lao động trong công nhân, cán bộ và người lao động, kiên quyết thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Nơi nào không an toàn, nơi đó không được đưa công nhân vào làm việc”. Các mỏ hầm lò phối hợp với các cơ quan tư vấn, thiết kế cùng các chuyên gia trong và ngoài nước rà soát lại các công nghệ đang được áp dụng, đảm bảo phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện.

Các đơn vị sản xuất chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, giám sát an toàn, chỉ huy sản xuất; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn lao động, trang bị sổ tay an toàn đến từng người lao động. Nâng cao tính tự chủ để tiến tới mục tiêu “Văn hoá an toàn nơi làm việc”. Để quản lý tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, Tập đoàn đã thành lập bộ máy làm công tác an toàn chuyên trách thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên.

Trong đó, người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính về an toàn lao động, bộ phận giúp việc chủ lực là các thanh tra an toàn lao động, thanh tra mỏ. Ở mỗi chi nhánh cũng đều có sự phân công rõ ràng. Ngoài ra cũng có nhóm giám sát viên an toàn và giám sát hầm lò để thông báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ có thể xảy ra ở từng ca, từng giờ.

Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng với đầu tư, các sự cố, các vụ tai nạn lao động mang tính lặp lại vẫn diễn ra. Năm 2012, các đơn vị thành viên của Vinacomin đã để xảy ra 30 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 34 công nhân. Trong đó, tai nạn hầm lò lên tới 24 vụ làm 28 người thiệt mạng, tai nạn ngoài mặt bằng có 6 vụ làm 6 người tử vong. So năm 2011, số vụ tai nạn tăng 13 vụ và số người chết tăng 15 người.

Trong tháng 1 vừa qua Tập đoàn đã để xảy ra 2 vụ tai nạn lao động liên tiếp làm chết 2 công nhân ở Công ty Than Quang Hanh và Công ty Than Vàng Danh. Vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 18-1, tại thượng vận tải số 4 mức -79/-50 vỉa 14.3, phân xưởng khai thác 3 Công ty Than Quang Hanh đã xảy ra vụ trôi trượt đá trên nền lò thượng làm một công nhân thiệt mạng. Nguyên nhân do nhóm CBCN thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm tra vị trí lò thượng tụt đổ, không lường được mức độ nguy hiểm để có biện pháp phòng ngừa phù hợp nên bị đá trôi đè vào người gây tai nạn.

Còn vụ tai nạn ở Công ty CP Than Vàng Danh, do công tác tổ chức thiếu chặt chẽ dẫn đến việc khoan thăm dò nước trong quá trình khai thác thực hiện không thường xuyên, thiếu hiệu quả; biện pháp kỹ thuật thi công chưa lường hết được nguy cơ mất an toàn tại vị trí sản xuất gần khu vực đã khai thác do đó than bùn, nước trong buồng khấu tràn xuống vùi lấp khu vực lò song song phân tầng 1, vỉa 6 dốc F11, khu II Cánh gà Vàng Danh làm một công nhân tử vong. Qua kết quả điều tra các vụ sự cố, tai nạn lao động và kiểm tra công tác an toàn lao động cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do các sai sót, khuyết điểm trong công tác quản lý kỹ thuật, chỉ huy sản xuất, kiểm tra giám sát an toàn. Các nguy cơ mất an toàn vẫn còn tiềm ẩn cao, đặc biệt đối với các đơn vị sản xuất than hầm lò và lộ thiên.

Để hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ nghiêm trọng có thể xảy ra, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định hồ sơ quản lý kỹ thuật an toàn; nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt thiết kế kỹ thuật, hộ chiếu thi công, biện pháp an toàn. Tạo môi trường lao động và vệ sinh lao động tốt nhất tại nơi làm việc cho người lao động, phấn đấu 100% các mỏ đưa thùng rác vào trong hầm lò.

Tăng cường công tác đánh giá, dự báo nguy cơ dẫn đến sự cố mất an toàn để từ đó phân tích, xây dựng biện pháp cụ thể và triển khai tới người lao động, tổ chức diễn tập báo động các phương án để phòng ngừa, ứng cứu tai nạn, thủ tiêu sự cố. Chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ giám sát an toàn, cán bộ chỉ huy sản xuất để biết tự xác định nguy cơ mất an toàn ở khu vực mình đang quản lý để chủ động đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn phù hợp với điều kiện sản xuất. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tự chủ an toàn; xây dựng kế hoạch tự kiểm tra toàn diện, kiểm tra theo các chuyên đề để từ đó kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn và có các biện pháp phòng tránh….

Khai thác xuống sâu, mối nguy hiểm do áp lực mỏ, mức độ tích tụ khí mỏ ngày càng tăng, điều kiện địa chất càng phức tạp, nhiều uốn nếp nhỏ, đứt gãy, độ dốc cao nên khó áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến. Những lý do này dẫn đến việc gia tăng nguy cơ nổ khí, bục nước, nhất là đối với các mỏ nhỏ, vì vậy ý thức kỷ luật, tính tự giác, tác phong công nghiệp của người lao động phải được nâng cao hơn nữa.
 

Quang Huy

Quảng Ninh online

  • el-2024