Ăn cơm mặt đất, làm việc... trên trời

07:00 | 16/03/2019

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để những chiếc loa phát thanh hoạt động, truyền tải thông tin hữu ích đến bà con nông dân ở khắp các vùng nông thôn trên cả nước, cần có những người “ăn cơm mặt đất, làm việc… trên trời”.

Ở thị thành, bây giờ có quá nhiều phương tiện thông tin để lựa chọn, từ báo giấy, báo điện tử, truyền hình… Và với Internet, người ta dễ dàng tìm kiếm thông tin mong muốn chỉ qua cái click chuột. Radio với thị dân trở thành một kỷ niệm đẹp một thời.

Loa phát thanh phường ở nhiều thành phố bây giờ cũng không còn nữa, dù không ai có thể quên được quá khứ hào hùng làm nên lịch sử của mạng lưới loa truyền thanh thời không xa. Bây giờ, người ta nói loa phát thanh phường đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và không còn phù hợp với đô thị hiện đại, nhất là những đô thị lớn.

an com mat dat lam viec tren troi
Anh Nhạn đang sửa chữa, lắp đặt loa phát thanh mới trên trụ điện

Thế nhưng, đó là chuyện của các đô thị lớn, còn ở nông thôn, loa phát thanh xã vẫn là người bạn đúng nghĩa của bà con nông dân, nhất là với những người đứng tuổi. Với họ, mỗi sáng, mỗi chiều mà không nghe radio, loa phát thanh là cảm giác thiếu vắng một điều gì đó rất quan trọng trong cuộc sống. Loa phát thanh là công cụ giúp họ nắm bắt thông tin, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hay giải khuây qua những câu chuyện nhà nông dí dỏm trước khi ra đồng hoặc khi trở về nhà sau một ngày canh tác.

Nông thôn bây giờ không còn mấy người trẻ, bởi hầu hết đã ly hương lên phố thị để mưu sinh. Ruộng đồng đa số chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Mà người lớn tuổi ở quê quen thuộc với radio hơn là sách báo, Internet. Hơn nữa, ở những vùng quê, nhà cửa lưa thưa, có nhà xa heo hút trong những cánh đồng thẳng tắp, loa phát thanh là công cụ hữu hiệu nhất để cán bộ địa phương phát đi nhanh nhất những thông báo đến bà con, từ lịch họp đến lịch gieo sạ giống, kỹ thuật canh tác… Cho nên radio, loa phát thanh vẫn là phương tiện thông tin, truyền thanh đặc biệt cần thiết với nông thôn.

Anh Nguyễn Kim Nhạn, viên chức của Trung tâm Văn hóa, thông tin và truyền thanh huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An (trước đây là cán bộ Đài Phát thanh Tân Thạnh), người đã có 20 năm làm nghề phát thanh nông thôn, hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: Anh vừa ráp xong bộ máy FM thu phát tự động, hay còn gọi là hệ thống truyền thanh không dây. Nếu như trước đây, đến giờ phát thanh (từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút) thì phải có người trực mở máy, nhưng hệ thống FM tự động thì sẽ tự động tắt - mở. “Thời đại 4.0 rồi nên ở nông thôn cũng phải cải tiến, nâng cấp”, anh Nhạn nói.

20 năm gắn bó với phát thanh nông thôn đã để lại cho anh Nhạn quá nhiều kỷ niệm. Ngoài trách nhiệm của một người làm phát thanh, chính sự thấu hiểu và yêu mến nông dân, ruộng đồng khiến anh gắn bó với công việc này cả một quãng tuổi trẻ dài như thế. Mỗi ngày đều đặn sáng - chiều, anh giúp bà con tiếp cận thông tin, thư giãn qua những chiếc loa phát thanh. Ngoài tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi đây còn phát đi thông tin của Đài tỉnh Long An, Đài huyện Tân Thạnh. Tất cả đều là những thông tin mới mẻ, bổ ích.

Nghe nói làm phát thanh nông thôn, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng, đây là một công việc nhàn hạ và có phần nhàm chán. Song, thực tế không phải vậy. Bởi không chỉ sản xuất tin bài cho đài, trực phát thanh, anh Nhạn còn đảm nhiệm một phần công việc quan trọng nữa mà cả huyện Tân Thạnh không ai làm, đó là bảo trì, sửa chữa, thay thế các loa phát thanh. Vấn đề nằm ở chỗ các loa được gắn trên những trụ điện, trụ viễn thông có khi cao đến gần 40m, tức là tương đương với tòa nhà cao khoảng chục tầng!

Leo trèo cao, mang theo dụng cụ, thiết bị nặng đã nguy hiểm, lại leo trên những trụ điện nên càng nguy hiểm hơn, bởi có thể chạm vào dây điện hoặc dây điện rò rỉ dẫn điện vào trụ điện. Thực tế là đã có một lần anh Nhạn trèo lên cột điện để sửa loa thì bị điện giật, rất may mắn là không nguy hiểm đến tính mạng. “Nhưng nó cũng là một trong những kỷ niệm nhớ đời của tôi với nghề này”, anh Nhạn kể.

an com mat dat lam viec tren troi
Việc bảo trì, sửa chữa, thay thế các loa phát thanh trong huyện Tân Thạnh do anh Nhạn đảm nhận

Nguy hiểm như thế, cho nên ở Tân Thạnh, nhiều năm nay không còn một ai làm nghề này ngoài anh Nhạn. Cũng dễ hiểu vì không mấy ai đủ can đảm để leo cao như thế, cũng như không mấy ai lại lựa chọn đánh đổi sức khỏe, thậm chí tính mạng với công việc ít tiền này nếu không đủ niềm đam mê và tình yêu với nó. Bây giờ, anh Nhạn “thầu” hết các loa phát thanh ở khắp các xã, ấp trong huyện Tân Thạnh, một địa bàn rộng lớn, có tổng cộng khoảng 400 loa phát thanh như thế.

Làm mãi rồi quen, chỉ với một dây bảo hộ thô sơ, nhưng thoắt một cái, anh Nhạn đã leo lên đỉnh trụ điện cao 4-5m. Với đầy đủ đồ nghề mang theo, cả loa mới để thay thế, anh nhanh chóng thao tác trong vòng 30 phút là xong một trụ. Anh cho biết, khi leo lên cao phải thao tác nhanh nhưng bảo đảm kỹ thuật vì nếu gặp trời nắng gắt thì dễ bị lóa mắt, nguy hiểm, hay vào mùa mưa thì càng nhiều rủi ro hơn vì sấm sét, điện giật. Đáng lo nhất vẫn là khi anh làm việc với những loa trên trụ cao 30-40m. Anh Nhạn gọi công việc này đúng nghĩa là “ngàn cân treo sợi tóc”.

Hỏi điều gì khiến anh gắn bó với công việc này như vậy? Anh Nhạn kể, anh cũng ở nông thôn, nhiều năm gắn bó với bà con nên thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ. Người già thích nghe radio hơn bất cứ phương tiện gì, hơn nữa đó đã là thói quen từ những ngày trước. Mặt khác, thông tin truyền thông ở nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là nghe đài và xem tivi. Hơn nữa, đa số bà con vùng này sống bằng nghề trồng lúa nên những chuyên đề khuyến nông, hướng dẫn canh tác là những thông tin đặc biệt cần chuyển tải kịp thời. Chính vì vậy, không riêng gì anh mà các anh em trong trung tâm đều nỗ lực hết mình để phục vụ bà con.

Anh Nhạn nói, làm riết rồi yêu nghề lúc nào không biết, dù đó là nghề nguy hiểm. Mỗi lần đi sửa loa phát thanh, từ trên cao nhìn xuống những cánh đồng lúa chín vàng hay xanh mơn mởn mạ non đều khiến anh có nhiều cảm xúc. Người nông dân được mùa, hăng hái sản xuất một phần nhờ những chiếc loa phát thanh mà anh Nhạn và anh em trong trung tâm cố gắng truyền tải thông tin. Đó cũng chính là động lực để anh thêm tâm huyết với nghề.

Bây giờ, cứ ở đâu báo loa hỏng là anh Nhạn có mặt, kiểm tra, lên phương án sửa chữa và nếu thay thế thì anh phải đi mua thiết bị mới, nhiều khi phải chạy lên TP HCM mới có. Anh Nhạn còn tham gia sản xuất tin bài chính cho đài và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện…

Nhưng dù là làm gì, người dân vẫn hay gọi anh Nhạn bằng cái tên thân thương: “Người ăn cơm mặt đất, làm việc… trên trời”!

Theo Quy chế hoạt động thông tin cơ sở do Chính phủ ban hành, đài truyền thanh cấp xã, phường cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân địa phương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của chính quyền, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội ở cơ sở...

Duy Lê