Âm nhạc "hàn lâm" xuống đường tìm công chúng

07:00 | 08/11/2012

1,638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Giới trẻ hiện nay sẵn sàng bỏ không ít tiền và thời gian để tham gia một trò chơi công nghệ mới hay đến xem những show diễn của các ngôi sao âm nhạc thị trường. Ngược lại, họ rất ít khi bỏ tiền để đi xem opera hay nghe hòa nhạc.

Ngay cả khi phát vé miễn phí họ cũng chẳng mặn mà gì. Tại sao giới trẻ lại thờ ơ với âm nhạc hàn lâm như vậy? Không khó để tìm ra ngàn lẻ một đáp án cho câu hỏi này, nhưng điều “khó nhằn” hơn nằm ở chỗ: làm thế nào để thay đổi được tình trạng đó?!

“Khó nghe” và “khó nhằn”

Trong đời sống văn nghệ Việt Nam hiện nay, có thể nói âm nhạc đại chúng đang lên ngôi và hoàn toàn thống lĩnh xã hội. Đâu đâu cũng thấy băng-rôn, áp-phích quảng cáo ban nhạc mới, đĩa nhạc trẻ. Ngày nào cũng thấy các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu, lăng-xê ca sĩ, nhạc sĩ. Các liveshow quy mô hoành tráng liên tục được tổ chức trên các sân khấu lớn, nhỏ… Thị hiếu thưởng thức văn hóa thời @ và sức ép của đời sống hiện đại đòi hỏi thư giãn, giải trí đã làm suy giảm niềm say mê, yêu thích âm nhạc “hàn lâm”: opera, giao hưởng, thính phòng.

Một buổi hòa nhạc đường phố của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Thêm vào đó, công nghệ giải trí, các trò chơi mang tính chất quảng cáo đang ngày càng chiếm lĩnh giờ vàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn rất ít thời lượng dành cho nhạc hàn lâm. Có điều, các ban nhạc mới, đĩa nhạc trẻ và những liveshow ca nhạc thị trường dẫu khá hoành tráng cũng không thể tạo nên diện mạo đích thực cho nền âm nhạc của một quốc gia. Cho dù có sáng tác bao nhiêu ca khúc, chất lượng ca sĩ cao đến thế nào, thành tựu nhạc nhẹ ra sao mà không có sự đóng góp của âm nhạc đỉnh cao thì đối với thế giới, nền âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta vẫn chỉ là con số không.

Thêm nữa vì nước mình không phổ biến, chưa có những chính sách truyền thông giới thiệu về loại hình nghệ thuật này cho người trẻ, đặc biệt là sinh viên. Đầu thế kỷ XX, mặc dù khó khăn, nhưng giới thị dân và trí thức có vẻ khá hào hứng với các loại hình nghệ thuật “hàn lâm”. Nhưng càng ngày người ta càng ít quan tâm hơn đến các loại hình này, mặc dù đời sống khá giả hơn. Đời sống của chúng ta đang giàu lên (hiểu theo nghĩa vật chất), nhưng cũng lại đang nghèo đi (về mặt tinh thần) và sự hiểu biết về nghệ thuật đỉnh cao ngày càng hạn hẹp hơn.

Thực tế cho đến nay âm nhạc “hàn lâm” ở Việt Nam chỉ có một chỗ đứng vô cùng khiêm tốn trong đời sống âm nhạc xã hội. Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TP HCM một tháng định mức 2 buổi diễn, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng chỉ 4-5 buổi diễn mà khán giả ít khi ngồi chật một thính phòng loại nhỏ. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chủ yếu phục vụ ngoại giao, khách nước ngoài. Rất ít người Việt bỏ tiền mua vé xem hòa nhạc. Dòng nhạc này ở ta cũng đã có bề dày hơn 40 năm xây dựng và phát triển với nhiều nhạc sĩ, nhạc công giỏi được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đã biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và tạo được tiếng vang.

Vậy mà đối với khán thính giả trong nước, âm nhạc giao hưởng, thính phòng vẫn chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Đành rằng âm nhạc “hàn lâm” ngay cả ở thánh địa châu Âu của nó cũng không thể so sánh số lượng công chúng với âm nhạc đại chúng bởi nó là một loại hình đặc thù không phải ai cũng thưởng thức được. Thế nhưng ở ta, một buổi biểu diễn dù được dàn dựng công phu với hàng trăm nghệ sĩ tập luyện vất vả, tốn kém cũng chẳng thu hút được mấy người đến xem. Nghệ sĩ trên sân khấu đông hơn khán thính giả ngồi phía dưới là một thực trạng buồn, thường thấy trong các đêm biểu diễn âm nhạc “hàn lâm” của ta!

Xuống đường tìm khán giả!

Hiện nay, hệ thống giáo dục âm nhạc xã hội mới chỉ được xây dựng ở mấy năm đầu của cấp tiểu học mà ở đó lại không hề có bóng dáng của âm nhạc hàn lâm. Việc nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho thế hệ trẻ đòi hỏi phải có kế hoạch lâu dài, tốn kém.

Chẳng lẽ cứ để một loại hình âm nhạc quan trọng với những nghệ sĩ tài ba sống èo uột, lay lắt mãi? Để giải quyết bế tắc, thay vì ngồi chờ khán giả, một số nhà hát giao hưởng thính phòng đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm tìm đến với đông đảo công chúng. Chẳng hạn, các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp triển khai một dự án âm nhạc cộng đồng lớn mang tên “Luala concert” - định kỳ hàng tuần đưa âm nhạc “hàn lâm” ra khỏi thính phòng đi biểu diễn ngay trên hè phố Hà Nội.

Các nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng trên vỉa hè

Dự án này đã thực hiện thành công lần đầu tiên vào năm 2011 và đang chuẩn bị triển khai lần thứ hai vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới; Học viện Âm nhạc Huế từ đầu năm 2012 cũng đã đưa dàn nhạc kèn, dàn nhạc giao hưởng và dàn nhã nhạc cung đình “xuống đường” phục vụ công chúng yêu nghệ thuật vào các ngày cuối tuần. Mấy năm trở lại đây, Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TP HCM thực hiện chủ trương đưa dàn nhạc đi các tỉnh biểu diễn hay tìm đến khán giả sinh viên. Tất cả đều với mong muốn vén bức màn nhung, kéo nhạc “hàn lâm” đến gần với cuộc sống đời thường và công chúng hơn.

Không quá kỳ vọng vào hiệu quả tức thì từ các buổi diễn nhưng các nghệ sĩ đều bày tỏ tin tưởng rằng, trong số 10 người qua đường, chỉ cần 1 người có đôi tai “sành điệu” dừng lại nghe đã là thành công rồi. Chả thế mà nhạc sĩ tài hoa Trần Mạnh Hùng, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chia sẻ: “Giao hưởng là chân lý của âm nhạc nhân loại, sao không mang ra ngoài để mọi người có cơ hội thử nghe dù chỉ một lần. Nếu bạn chưa một lần ra tắm biển thì sẽ không bao giờ có nhu cầu đi tắm biển, cứ nghĩ con sông quê ta là mát nhất và đẹp nhất rồi. Nhạc giao hưởng cũng vậy, mọi người cần phải được nghe, được thấy thì sau này mới có nhu cầu thưởng thức”.

Để có được những buổi “xuống đường” biểu diễn “miễn phí” phục vụ công chúng này, các nhà hát, dàn nhạc giao hưởng - thính phòng đã phải vất vả đi tìm kiếm tài trợ từ các công ty lớn, các tổ chức nước ngoài. Tuy không bền vững nhưng đây cũng là một cách làm hiệu quả, dần dần tiến tới xã hội hóa âm nhạc hàn lâm. Nhờ vào các nguồn tài trợ, có thể góp phần nuôi dưỡng, vun trồng, nâng đỡ các nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực khác để từng bước xây dựng lực lượng công chúng riêng cho nhạc hàn lâm. Có công chúng, nhất định âm nhạc đỉnh cao sẽ có được một bộ mặt sinh hoạt âm nhạc đúng nghĩa và từ đó phát triển.

Từ 10/11 đến 16/12/2012, Chương trình hòa nhạc giao hưởng đường phố Luala concert 2012 sẽ trở lại với khán giả với 3 buổi/tuần tại tiền sảnh NXB Âm nhạc - Số 61, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thay vì nhạc cổ điển, chương trình lần này mang đậm phong cách jazz, blue và nhạc thể nghiệm, hứa hẹn sẽ mang tới một luồng gió mới trong cách thưởng thức nhạc giao hưởng - thứ nhạc sang trọng chỉ được chơi trong trang phục lộng lẫy và khung cảnh xa hoa. Ngoài ra, nó cũng là cơ hội để quảng bá và phát triển văn hóa nghe nhạc giao hưởng trong lòng người xem.


Liên Nhi