Ai “giải cứu” phim Việt?

07:20 | 16/10/2019

888 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lâu nay, trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta vẫn từng quen với khái niệm “giải cứu” dưa hấu, thanh long, hành, tỏi…, nhưng gần đây, trên mạng xã hội dần hình thành một khái niệm mới: “Giải cứu” phim Việt.

Mới đây, ê-kíp sản xuất bộ phim “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” khiến cư dân mạng vô cùng bất ngờ khi chia sẻ một bài viết dài trên mạng xã hội về tâm huyết, công sức của ê-kíp khi thực hiện bộ phim và mong muốn khán giả “giải cứu” để phim không “chết”.

ai giai cuu phim viet

Trong bài chia sẻ, đạo diễn Chung Chí Công khẩn thiết: “Phim không đủ sức trụ ngoài rạp, dù mới chỉ trải qua 1 ngày công chiếu vẫn đang bị cắt suất dần khỏi các rạp và thậm chí sau 3 ngày cuối tuần, phim gần như sẽ biến mất khỏi các hệ thống rạp. Vòng đời của đứa con đầu lòng chỉ có vỏn vẹn 3 ngày và tận sâu trong lòng chúng mình không cam tâm. Chưa bao giờ chúng mình cần những bạn khán giả trẻ như lúc này. Chúng mình cần 150.000 bạn trẻ tiếp sức”. Ngay lập tức, bài viết nhận được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ của cư dân mạng và kết quả là phim đã được rạp hỗ trợ mở thêm các xuất chiếu để có cơ hội đến gần với khán giả.

Còn nhớ tháng 8 vừa qua, bộ phim “Thưa mẹ con đi” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng từng được anh kêu gọi khán giả ủng hộ trên trang cá nhân để phim ra rạp không bị xếp vào khung giờ xấu.

Có thể nói, vài năm trở lại đây, động thái của các đạo diễn và nhà sản xuất lên mạng xã hội và truyền thông kêu gọi “giải cứu” phim không còn quá lạ lẫm với thị trường điện ảnh Việt.

Trước đây, công chúng cũng không ít lần ngán ngẩm khi chứng kiến những bộ phim sử dụng “chiêu trò” cầu cứu để tạo chú ý đến khán giả. Trong số đó, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân còn bị mọi người gắn cho mác “nữ hoàng nước mắt” vì mỗi lần phim cô tham gia sản xuất ra rạp đều kể khổ kèm theo nước mắt. Như năm 2016, trong buổi họp báo, Ngô Thanh Vân khiến nhiều người không khỏi nghẹn ngào khi nói bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được trình chiếu tại CGV - chuỗi cụm rạp lớn nhất cả nước. Tiếp đó là “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream trên mạng xã hội. Đến phim “Song Lang”, cô cũng tiếp tục kể về những mâu thuẫn hậu trường giữa mình với đạo diễn Leon Quang Lê.

Còn nhớ, năm 2018, đoàn phim “100 ngày bên em” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cũng phải hô hào khán giả đến ủng hộ phim Việt vì các suất chiếu phim chủ yếu dành cho phim bom tấn đến từ nhà Marvel “Avengers: Infinity War”.

Có một thực tế, các bộ phim được kêu gọi “giải cứu” đều không quá nổi trội và hấp dẫn. Cho nên, việc khán giả không tới rạp ủng hộ cũng là một lẽ thường tình. Nhà sản xuất phim Đình Hải Anh nhận định: “Thị trường điện ảnh rất sòng phẳng, khán giả thưởng thức phim bây giờ cũng rất văn minh. Nếu phim hay họ sẽ đến ủng hộ, còn phim không hấp dẫn, không đủ sức thu hút khán giả thì dù làm bằng cách nào phim cũng thất bại”.

Chung suy nghĩ với nhà sản xuất Đình Hải Anh, Xuân Phúc từng làm truyền thông cho bộ phim “Tháng 5 để dành” cũng từng chứng kiến bộ phim của mình và ê-kíp bị cắt tại các rạp, không khỏi nuối tiếc. “Ai cũng muốn phim của mình được chiếu tại nhiều rạp, trong nhiều khung giờ, nhưng ở góc độ kinh tế, nếu phim không ăn khách cũng là một điều khó khăn đối với nhà phát hành phim”, Xuân Phúc nói.

Vẫn biết làm phim điện ảnh là một cuộc chơi đầy gian nan và cạnh tranh không chỉ với các phim trong nước mà còn cả phim bom tấn nước ngoài. Song, phim Việt không phải vì thế mà lép vế hay thất bại, bằng chứng là rất nhiều phim đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả như: “Em chưa 18”, “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”, “Lật mặt”…

Vậy nên, phim Việt thất bại không phải do nhà phát hành o ép hay khán giả lạnh nhạt, quay lưng. Khán giả lựa chọn xem phim gì là quyền của mỗi cá nhân và họ cũng không có trách nhiệm phải “giải cứu” bộ phim nào, nếu bộ phim đó không có gì hấp dẫn. Cho nên, điều cốt lõi là các nhà sản xuất phim cần phải tự đổi mới chính mình, tìm tòi ra những nội dung hấp dẫn nhất cho phim để thu hút khán giả. Đó mới là con đường ngắn nhất để tự “giải cứu” chính mình. Bởi suy cho cùng, không có một nhà sản xuất hay bộ phim nào có thể phát triển và sống tốt nếu chỉ nhờ lòng “thương hại” của

khán giả.

Minh Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.