Ả Rập Xê-út quyết tâm thoát khỏi sự chi phối của Mỹ

14:00 | 21/11/2022

1,529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman đã bắt đầu chuyến công du châu Á tuần trước để tăng cường quan hệ với thị trường năng lượng lớn nhất của vương quốc và báo hiệu sự độc lập ngày càng mạnh mẽ của đất nước này khỏi đồng minh Hoa Kỳ.
Ả Rập Xê-út quyết tâm thoát khỏi sự chi phối của Mỹ
Thái tử Ả Rập Xê-út hội đàm với Tổng thống Indonesia bên lề APEC tại Thái Lan

Mối quan hệ giữa Vương quốc Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ đã trở nên căng thẳng do quyết định của các nước xuất khẩu dầu mỏ, dẫn đầu là Riyadh và Moscow, cắt giảm sản lượng dầu thô mặc dù giá cả tăng cao.

Ông Mohammed bin Salman, hay còn được gọi là MBS, tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia vào thứ Ba tuần trước. Hãng thông tấn SPA của Ả Rập Xê-út cho biết, sau đó thái tử phải đi đến “các nước châu Á” mà không nêu chi tiết lộ trình.

Theo truyền thông Hàn Quốc, Thái tử có thể sẽ tới Hàn Quốc để gặp gỡ giới kinh doanh. Sau đó, tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương ở Bangkok.

Vào tháng 7 vừa qua, giá năng lượng tăng vọt đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đến thăm Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, mặc dù ông coi vương quốc này là “kẻ hạ đẳng” sau vụ sát hại nhà báo và nhà phê bình người Ả Rập Xê-út Jamal Khashoggi năm 2018 bởi các đặc vụ Ả Rập Xê-út.

Vào tháng 10, việc công bố sản lượng dầu sụt giảm đã khiến Nhà Trắng tức giận và làm dấy lên suy đoán về việc Riyadh sẽ tách mình ra khỏi đối tác truyền thống Hoa Kỳ.

Umar Karim, một chuyên gia về chính trị Ả Rập Xê-út tại Đại học Birmingham cho biết, chuyến công du châu Á của Thái tử MBS càng khiến giả thuyết này trở nên hợp lý hơn. Ông nói: “Chuyến đi này nhằm mục đích tăng cường phối hợp với các thị trường năng lượng ở châu Á, nhưng cũng để cho phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ biết rằng Ả Rập Xê-út có rất nhiều lựa chọn cho các mối quan hệ đối tác”.

Tại G20, Nhà Trắng cho biết không có cuộc gặp song phương nào được lên lịch giữa các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út và Mỹ.

Quan hệ đối tác Mỹ-Ả Rập Xê-út sau Thế chiến II thường được mô tả là một thỏa thuận “đổi dầu mỏ lấy an ninh”.

Nhưng trong thập kỷ qua, khách hàng chính của dầu thô Ả Rập Xê-út là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Aziz Alghashian, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ả Rập Xê-út, cho biết, các quan chức Ả Rập Xê-út đã thúc đẩy phát triển quan hệ với các nước châu Á từ lâu trước khi Mohammed bin Salman được phong làm thái tử 5 năm trước. Ông nói thêm: “Thị trường và chính sách đối ngoại của Ả Rập Xê-út tập trung vào nền kinh tế đã thúc đẩy mối quan tâm này ở châu Á”.

Ông Kaho Yu, một chuyên gia về lĩnh vực năng lượng châu Á tại công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft có trụ sở tại Bath (Anh) cho biết, MBS dự kiến sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Á về các dự án nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu sang châu Á, chẳng hạn như các nhà máy lọc dầu hoặc các cơ sở lưu trữ.

Ông nói thêm: “Điều này không chỉ là mua dầu từ Ả Rập Xê-út. Đó là việc phát triển sự hợp tác trên toàn bộ chuỗi cung ứng”.

Ả Rập Xê-út cũng có thể hợp tác với các nước châu Á về các lựa chọn thay thế cho dầu thô.

Tuần trước, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco và Pertamina thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia đã công bố kế hoạch “hợp tác khám phá” trong lĩnh vực hydro và amoniac.

Chuyến công du châu Á của MBS diễn ra trước chuyến thăm ​​của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ả Rập Xê-út dự kiến vào 12/2022.

Sự phát triển mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc gửi đi tín hiệu mạnh mẽ nhất có thể cho thấy Riyadh mong muốn cân bằng quan hệ với các cường quốc trên thế giới, áp dụng chính sách “Ả Rập Xê-út là trên hết”.

Ông Torbjorn Soltvedt thuộc công ty Verisk Maplecroft lập luận rằng, Ả Rập Xê-út “vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ về an ninh, nhưng cũng cho thấy rằng Ả Rập Xê-út đang khám phá các mối quan hệ chiến lược khác, cố gắng trở nên ít phụ thuộc hơn vào Mỹ”.

Ông Umar Karim cho biết: “Điều quan trọng đối với Ả Rập Xê-út là phải chứng tỏ rằng họ không đứng về phía nào” trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo ông, về chính sách đối ngoại, Riyadh muốn trở thành một “người chơi đúng nghĩa, chứ không phải tay sai của một cường quốc nào đó”.

Ả Rập Xê-út phá vỡ một thỏa thuận bí mật với MỹẢ Rập Xê-út phá vỡ một thỏa thuận bí mật với Mỹ
Ả Rập Xê-út phản đối chính sách giới hạn giá dầu khíẢ Rập Xê-út phản đối chính sách giới hạn giá dầu khí
Ả Rập Xê-út giảm giá bán dầu tại thị trường châu ÁẢ Rập Xê-út giảm giá bán dầu tại thị trường châu Á

Nh.Thạch

AFP