4 công nhân dầu khí ở Libya bị bắt cóc

16:02 | 16/07/2018

276 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bốn công nhân dầu mỏ ở Libya, trong đó có một người Rumani, đã bị bắt cóc bởi một nhóm vũ trang tại một mỏ dầu ở phía nam, theo một nguồn tin an ninh hôm 15/7.  
4 cong nhan dau khi o libya bi bat cocLibya nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ
4 cong nhan dau khi o libya bi bat cocGiao tranh quanh khu vực dầu mỏ ở Libya
4 cong nhan dau khi o libya bi bat cocWintershall khai thác dầu trở lại ở Libya
4 cong nhan dau khi o libya bi bat coc
Các công nhân dầu khí tại Libya

Công ty dầu quốc gia Libya (NOC) cho biết hai trong số các kỹ sư bị bắt cóc đã được phóng thích mà không tiết lộ quốc tịch của họ.

"Sáng nay vào lúc bình minh, một nhóm người vũ trang đã bắt cóc bốn kỹ sư - ba người Libya và một người Rumani, trong khi những người này đang trên đường từ mỏ al-Charara tới một khu liên hợp dầu khí gần đó", Ramadan Saleh, người phụ trách an ninh ở thị trấn lân cận Oubari (tây nam), nói với AFP.

Khi được AFP hỏi, một nguồn tin của NOC nói rằng các nhân viên còn lại của cơ sở dầu khí trên đã được sơ tán trong lúc chờ đợi kết quả đánh giá tình hình an ninh.

Mỏ al-Charara, được quản lý bởi Akakus, là một liên doanh giữa NOC, Repsol Tây Ban Nha, Total Pháp, OMV của Áo và Statoil của Na Uy. Đây là một trong những mỏ dầu lớn nhất ở Libya, sản xuất 270.000 thùng/ngày.

Trên trang web của mình, NOC thông báo "một nhóm các tay súng không rõ nguồn gốc đã đột nhập vào nhà ga số 186 ở mỏ al-Charara lúc 6:30 sáng (...) và bắt cóc bốn nhân viên trước khi phóng thích hai người". NOC nói rằng họ là nhân viên của công ty Akakus.

Vụ bắt cóc xảy ra tám ngày sau khi 3 người Philippines và một kỹ sư Hàn Quốc làm việc trong một dự án cấp nước ở sa mạc phía nam của Libya, cũng bị bắt cóc.

Trước đó vài tuần, ba công dân Thổ Nhĩ Kỳ được trả tự do sau tám tháng bị bắt cóc ở miền nam Libya, nơi họ tham gia xây dựng một nhà máy điện.

Kể từ khi chế độ Gaddafi sụp đổ vào năm 2011, các công nhân nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Libya đã thường xuyên bị tấn công và bắt cóc bởi các lực lượng dân quân hoặc bởi nhóm thánh chiến Hồi giáo (IS).

Các cơ sở dầu mỏ không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh hiện hành và thường là mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang đối địch.

Libya có trữ lượng dồi dào nhất ở châu Phi và nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.

Th.Long

AFP