"3 tại chỗ": Từ chuyện doanh nghiệp "sốc", nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh

15:00 | 01/08/2021

6,425 lượt xem
|
Đảm bảo "3 tại chỗ" là khó khăn, tuy nhiên, đây là sự lựa chọn mang tính sống còn của các doanh nghiệp và hàng triệu công nhân lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.

"3 TẠI CHỖ": TỪ CHUYỆN DOANH NGHIỆP "SỐC", NHÌN LẠI BÀI HỌC BẮC GIANG, BẮC NINH

Theo các chuyên gia, đảm bảo "3 tại chỗ" đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải gia tăng chi phí. Tuy nhiên, sự lựa chọn này mang tính sống còn của các doanh nghiệp và hàng triệu công nhân lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Để đảm bảo hiệu quả của mô hình này, cần có sự bắt tay, sẻ chia của cả doanh nghiệp, người lao động và sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp...

3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 1

DOANH NGHIỆP "SỐC" VỚI YÊU CẦU DỪNG 3 TẠI CHỖ

Ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản về việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang áp dụng phương án "3 tại chỗ".

Một doanh nghiệp ngay sau đó phản hồi họ rất "sốc" trước quyết định này. Bởi bản thân doanh nghiệp này đang thực hiện rất tốt yêu cầu "3 tại chỗ": 100% công nhân xét nghiệm đều âm tính với Covid-19 sau cả tháng duy trì. Đồng thời, việc trang trải cho cơ sở vật chất thực hiện mô hình này cũng không hề nhỏ.

Việc tỉnh quyết định dừng mô hình "3 tại chỗ" được đưa ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng vẫn xảy ra bùng phát dịch. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những doanh nghiệp qua hơn một tháng thực hiện vẫn duy trì đảm bảo được sức khỏe người lao động, đồng thời phục hồi sản xuất, "giảm đau" về kinh tế.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước - cho biết "3 tại chỗ", 2 điểm đến 1 cung đường… có lẽ là lựa chọn cho doanh nghiệp thời điểm này nếu muốn duy trì sản xuất.

"Tổ chức sản xuất 3 tại chỗ là bất đắc dĩ, tốn kém. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp có thể thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo đơn hàng đã ký với đối tác, bảo đảm uy tín doanh nghiệp trên thương trường quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt có chăm lo đời sống công nhân", ông Lĩnh nhấn mạnh.

Hiện Công ty Thuận Phước có 2 nhà máy đặt ở Đà Nẵng và Tiền Giang. Ông Lĩnh cho biết, đối với nhà máy ở Tiền Giang, công ty đã duy trì được 3 tại chỗ được gần 2 tuần. Công suất chỉ thực hiện được một nửa với 500 công nhân nội trú. Mọi khu vực đều được dọn dẹp lại, không gian tối đa ưu tiên cho việc sinh hoạt ăn ở của người lao động.

"Hiện công nhân vẫn sản xuất ổn định. Cứ khoảng 10 ngày làm việc thì có 3 lần họ được kiểm tra bằng xét nghiệm PCR. Đến nay kết quả đều âm tính", ông Lĩnh thông tin. Mặc dù hoạt động trong bối cảnh giá cả đầu vào leo thang, chi phí cho mô hình 3 tại chỗ khá tốn kém, doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách kiểm soát, thực hiện đúng quy trình, đảm bảo phòng chống dịch để có thể duy trì sản xuất.

"Hình ảnh dòng người lao động không có việc làm phải hồi hương, có đôi vợ chồng con nhỏ xíu phải bế bồng dắt nhau về quê thật rất thương cảm. Chúng tôi muốn duy trì sản xuất, để đảm bảo đời sống công nhân", ông Lĩnh nói.

Chia sẻ về những quy tắc "dù khó vẫn phải làm" khi áp dụng mô hình 3 tại chỗ, ông Lĩnh cho biết công ty đã phối hợp với các bên có liên quan lập ra quy trình tương đối chặt chẽ, phân công rành mạch các nhóm để đảm bảo giãn cách.

"Không phải 500 người ở nội trú rồi có thể sinh hoạt tùm lum mà không cần quy tắc gì. Chúng tôi tổ chức sản xuất chặt chẽ, giãn cách tổ này với tổ kia, giãn cách phân xưởng này với phân xưởng khác. Ăn uống cố định theo bàn, theo số, bàn ăn có vách ngăn kính cao", ông Lĩnh chia sẻ.

"Cái khó nhất là kiểm soát người lao động trong khu nội trú có những tiếp xúc bên ngoài (những người có thể mang mầm bệnh), chúng tôi không đủ quyền lực và nguồn lực để kiểm soát hết, thay vào đó doanh nghiệp cố gắng, khuyến khích động viên người lao động hiểu và hợp tác", ông Lĩnh cho hay.

3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 2
3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 3
3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 4

KINH NGHIỆM "3 TẠI CHỖ" TỪ BẮC GIANG, BẮC NINH - NƠI TỪNG LÀ "ĐIỂM NÓNG"

Các chuyên gia đều nhận định tác động của đợt dịch năm nay đến chuỗi cung ứng, về bản chất, là khác hoàn toàn so với năm 2020. Năm nay, tác động với doanh nghiệp không phải về nguồn cung hay cầu mà chính ở các nhà máy sản xuất. Trên thực tế, các thị trường tiêu thụ của Việt Nam đã hồi phục. Song các doanh nghiệp đang gặp khó ở việc, làm sao để đảm bảo sản xuất.

Đến thời điểm này, "3 tại chỗ" vẫn coi là sự lựa chọn mang tính sống còn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có rất nhiều những ý kiến trái chiều xung quanh việc duy trì mô hình "3 tại chỗ".

Thực tế, không phủ nhận rằng nhiều doanh nghiệp phía Nam đang phải căng mình để chịu các chi phí khi duy trì sản xuất "3 tại chỗ", đó là chưa kể đến những rủi ro về nguy cơ bùng phát ổ dịch bất cứ lúc nào.

Song nếu nhìn lại, nhiều khu công nghiệp đã phục hồi và duy trì được nhờ "3 tại chỗ" như Bắc Ninh, Bắc Giang…, những nơi từng là "điểm nóng" vùng dịch. Trải qua 19 ngày không phát hiện F0 trong cộng đồng, Bắc Giang, nơi từng là "tâm dịch" của cả nước, nay phấn chấn chuyển sang chống dịch trong tình hình mới, từ ngày 29/7.

3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 5
3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 6
3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 7

Trao đổi với Dân trí, ông Đào Xuân Cường - Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang - cho biết hiện các doanh nghiệp đã trở lại nhịp sống sản xuất bình thường. Nhớ lại giai đoạn Bắc Giang chìm trong khó khăn vì dịch với 11 ngày phải dừng lại toàn bộ sản xuất, ông Cường nói, việc duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh thực sự vô cùng cần thiết. Dừng sản xuất đồng thời với việc mất đơn hàng, mất bạn hàng… đó thực sự là điều khủng khiếp đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

"Nhưng tất nhiên, việc áp dụng "3 tại chỗ" cũng không phải dễ dàng. Mọi thứ chưa có tiền lệ. Tỉnh xác định vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nó liên quan đến sức khỏe của người lao động, của nền kinh tế, tất cả đều xác định phải học nhanh, rút kinh nghiệm nhanh nhất có thể", ông Cường chia sẻ.

Tỉnh Bắc Giang lúc đó xác định, phương án "3 tại chỗ" là cần thiết nhưng phải được làm cực kỳ cẩn thận, xây dựng và làm theo quy trình chuẩn. Lao động trước khi vào nhà máy sẽ phải ở khu cách ly đệm khoảng 7 ngày - được xét nghiệm PCR 2 lần - khi kết quả đều âm tính thì sẽ được vào nhà máy làm việc. Toàn bộ doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm PCR, không dùng test nhanh để đảm bảo khâu sàng lọc.

Lãnh đạo Ban quản lý KCN Bắc Giang cũng cho biết, thực tế, khi thực hiện "3 tại chỗ", vẫn có một số ca F0 xuất hiện. Biến thể mới lây lan rất nhanh, không có gì là tuyệt đối được. Do vậy khi thực hiện "3 tại chỗ" thì phải chuẩn chỉnh một số quy tắc như người lao động ngồi làm gần ai thì sẽ ăn và ngủ gần người đấy. Đừng nghĩ tất cả sinh hoạt cùng một nhà máy là có thể thoải mái giao lưu, thích ăn hay ngủ ở đâu cũng được...

"Ai làm ở đâu, ăn ở bàn nào, ngủ ở chỗ nào đều được đánh số, tên tuổi rõ ràng. Khi phát sinh F0 thì việc truy dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí không cần hỏi, chỉ nhìn vào sơ đồ là biết ai là F1, F2. Cứ mỗi một tuần một lần xét nghiệm PCR, phát hiện F0 thì cũng chỉ cách ly nhóm nhỏ vì bản thân người lao động ngay trong nhà máy cũng tiếp xúc rất hạn chế. Không phải "3 tại chỗ" là lơ là quy tắc 5K", ông nói.

Việc khoanh vùng trở nên dễ dàng hơn cho việc xác định được nhóm nguy cơ cao (những người ngồi làm, ngồi ăn và ngủ gần nhau nhất). Theo đó, F1 nguy cơ cao thì sẽ đưa đi cách ly (1 người 1 phòng), còn F1 nguy cơ thấp thì ở khu khác (2-3 người 1 phòng).

Đối với trường hợp mà đợt lao động đó có xuất hiện F0 thì sẽ thực hiện dừng ngay việc đón toàn bộ số lao động có liên quan đợt đó, tiến hành các biện pháp y tế, khử khuẩn, sàng lọc... Phương châm đưa ra là đã vào đến xưởng thì phải an toàn tuyệt đối.

CHỐNG DỊCH - ĐÓNG CỬA THÌ DỄ NHƯNG NHIỀU HỆ LỤY...

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh, việc phòng, chống dịch mà chọn phương án đơn giản nhất, an toàn nhất và thuận lợi nhất là đóng cửa khu công nghiệp thì quá dễ dàng cho lãnh đạo tỉnh nhưng hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, không thể "đóng băng" các khu công nghiệp, Bắc Ninh yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp thống kê toàn bộ lao động từ Bắc Giang, đặc biệt là những lao động ở trong vùng dịch. Đồng thời, tạm dừng tiếp nhận lao động từ vùng dịch và vùng phong tỏa của Bắc Giang.

Các nhà máy tại Bắc Ninh thời điểm đó được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy. Ngoài ra doanh nghiệp cũng có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng đảm bảo "biệt lập", có xe đưa đón hàng ngày tới nhà máy và ngược lại. Công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ.

Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư, đảm bảo chống dịch trong khi áp dụng Chỉ thị 16.

Ngoài ra, tỉnh cũng trưng dụng, huy động nhiều khu ký túc xá, trường học để cho các doanh nghiệp mượn làm điểm ở cho công nhân. Chủ tịch UBND các huyện được giao chỉ đạo hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Bắc Ninh cũng là một trong các địa phương với điểm sáng trong cách thức tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ".

3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 8
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm khu căng tin của công nhân tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: VGP

KHÔNG PHẢI DOANH NGHIỆP NÀO CŨNG CÓ THỂ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NGAY, CẦN CÓ THỜI GIAN

Theo lãnh đạo Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Giang, thời điểm bắt đầu áp dụng mô hình "3 tại chỗ", không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng ngay. Sau 11 ngày dừng toàn bộ hoạt động, tỉnh Bắc Giang có chủ trương xem xét cho doanh nghiệp trở lại hoạt động nếu đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch.

Từ ngày 25/5 đến 28/5, chỉ vài doanh nghiệp là đủ điều kiện. Phải tới sau một tháng, các doanh nghiệp mới dần dần đáp ứng được để hoạt động trở lại. Do tình hình dịch bệnh lúc đó căng thẳng, doanh nghiệp muốn trở lại hoạt động đã phải nỗ lực, chủ động, cố gắng rất nhiều.

Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Giang cũng thành lập các tổ để thẩm định, để hướng dẫn góp ý cho doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện để tái khởi động. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh còn đi khảo sát, vào xem từng nhà vệ sinh, xem xét từng nhà tắm và các vấn đề khác để xem có đáp ứng được phòng dịch cũng như đời sống công nhân hay không.

Tương tự, ở Bắc Ninh, ban đầu chỉ có 97 doanh nghiệp đăng ký làm theo mô hình. Tuy nhiên nếu không đăng ký, không đủ tiêu chuẩn thì doanh nghiệp cũng sẽ đóng cửa. Đến cuối tháng 5 thì số doanh nghiệp tăng lên 501 và đến ngày 18/6, có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký cho công nhân ăn, ở, làm việc tại nhà máy trong khu công nghiệp.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, tính đến hết ngày 23/7, các KCN Bắc Ninh đã có 1.104/1.120 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường so với trước khi có dịch, với tổng số lao động 314.203/320.485 lao động đã trở lại làm việc bình thường.

3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 9
3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 10
3 tại chỗ: Từ vụ doanh nghiệp sốc, nhìn lại bài học Bắc Giang, Bắc Ninh - 11

LOẠT KIẾN NGHỊ MỚI CHO "3 TẠI CHỖ"

Theo lãnh đạo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), mục tiêu thực hiện "3 tại chỗ" trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật phục vụ ăn nghỉ tại chỗ cho cả nghìn người lao động trong thời gian ngắn.

"Mặc dù vậy, tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang... mô hình này đã được vận hành tương đối hiệu quả bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm từng địa bàn, thường xuyên rà soát đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của nhà máy để tháo gỡ kịp thời", lãnh đạo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết.

Trong khi đó tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng 3 tại chỗ cũng không ít và đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội trong những ngày qua đã xuất hiện một số nhà máy với các ca F0.

"Trong bối cảnh đó, chính quyền các cấp ở một số địa phương phía Nam ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm, nhưng không có các kịch bản y tế nên doanh nghiệp thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể hiệu quả bảo vệ sản xuất", Ban IV nêu thực trạng. Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp đang thực hiện nghiêm túc, không phát hiện F0 cũng chịu chung cảnh buộc phải tạm đóng cửa, như tại Tiền Giang, khiến họ rơi vào cảnh bị động, khó khăn.

Vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị nên tính toán thực hiện khi tình hình dịch bệnh ở mức độ kiểm soát được, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh.

Các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" cần xây dựng và công bố các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy, phối hợp mọi nguồn lực ứng phó; hạn chế tối đa trường hợp doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch nhưng chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ thực hiện phong tỏa hàng nghìn lao động tại nhà máy, khiến cho dịch lan mạnh hơn.

Trường hợp nhân viên, người lao động phát hiện là F0, lực lượng y tế địa phương quá tải chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết, Chính phủ cần giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn với các tỉnh, với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp để đánh giá tình hình nhằm có phương án giảm thiểu thiệt hại.

Ban IV cũng kiến nghị Chính phủ cần giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/thành ưu tiên bố trí nguồn vắc xin để có kế hoạch triển khai. Cùng với TPHCM, cần ưu tiên tiêm cho các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai… để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.

Theo các chuyên gia, đảm bảo "3 tại chỗ" đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải gia tăng chi phí. Tuy nhiên, sự lựa chọn này mang tính sống còn của các doanh nghiệp và hàng triệu công nhân lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Việc ăn ngủ, nghỉ tại chỗ trong điều kiện sinh hoạt chật chội với trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt tối thiểu sẽ khiến người lao động không thoải mái như ở bên ngoài. Nhưng hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự đồng hành của người lao động cũng như sự nhanh chóng vào cuộc từ phía chính quyền, cơ quan chức năng…

Theo Dân trí

Kiểm soát dịch và tiêm vắc xin sẽ là Kiểm soát dịch và tiêm vắc xin sẽ là "lực đẩy" cho doanh nghiệp
Tìm được nguồn vắc xin từ nước ngoài, 4 hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợTìm được nguồn vắc xin từ nước ngoài, 4 hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ
Tăng thời gian giãn thuế cho doanh nghiệpTăng thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp
VNPOLY tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19VNPOLY tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19
Hiến kế loạt giải pháp nhanh, gỡ khó cho doanh nghiệp thời giãn cáchHiến kế loạt giải pháp nhanh, gỡ khó cho doanh nghiệp thời giãn cách
Tổ hợp tín dụng “cứu nguy” cho doanh nghiệpTổ hợp tín dụng “cứu nguy” cho doanh nghiệp
Các Tổng kho xăng dầu PVOIL nghiêm túc thực hiện phương án “Ba tại chỗ”Các Tổng kho xăng dầu PVOIL nghiêm túc thực hiện phương án “Ba tại chỗ”
"Ba tại chỗ" trên các công trình dầu khí

dantri.com.vn