Thầy giáo quân hàm xanh trên vùng đất khát

07:22 | 24/12/2017

562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên vùng đất phên dậu chênh vênh dáng hình yên ngựa được ví như "Trường Sa cạn" với những cái nhất như xa nhất, ít dân nhất, thiếu nước nhất và nghèo nhất huyện biên giới Mường Khương (Lào Cai), "thầy giáo quân hàm xanh" Giàng A Trú cùng đồng đội Đồn biên phòng Tả Gia Khâu đã góp phần giải cơn khát chữ cho đồng bào; mang đến tình cảm gia đình, chắp cánh giấc mơ đến trường của các em nhỏ.

Lên “Trường Sa cạn”

Ngược theo cung đường dốc khúc khuỷu, diệu vợi lưng chừng trời miền biên viễn Tây Bắc, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu khi bóng tối bủa vây tứ bề. Trời đổ cơn dông, chớp giật nhập nhằng liên hồi phía cuối trời, gió gào rít, nhưng mưa chỉ lác đác không đủ ướt mặt người. Theo những chiến sĩ nơi đây, thời điểm chúng tôi lên cuối tháng 10 cũng là lúc những cơn mưa cuối cùng mùa hạ đã chấm dứt hẳn, vùng biên Mường Khương lại bước vào mùa thiếu nước trầm trọng, nhất là hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu thuộc địa bàn của Đồn quản lý.

“Ở đây thiếu nước và mọi người mong mưa chẳng kém gì ngoài Trường Sa đâu”, tiếng của một chiến sĩ vang lên trong bóng tối. Nước ở đây hiếm một phần do thổ nhưỡng thuộc dạng như đá xít mang xay vụn, nghèo dinh dưỡng lại kết cấu kém khó giữ nước. Bao nhiêu nước trên trời rơi xuống đều trốn sâu vào đất, hết mưa là hết nước.

thay gia o quan ha m xanh tren vung dat khat
Thượng úy Giàng A Trú chỉnh lại trang phục cho anh em Khoa trước khi đến trường (ảnh: Thanh Phú)

Liên quan tới chuyện nước, chúng tôi được biết trên này còn có hẳn biệt đội “săn nước” do Đội Vận động quần chúng làm nòng cốt. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chiến sĩ còn đảm trách việc giữ gìn nguồn nước duy nhất trong vùng chảy từ trên núi Phìn Chư để phục vụ đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các thôn bản. Từ khe đá trên núi Phìn Chư, đường ống dẫn nước chảy qua các bản Xín Chải, Hòn Đá Vàng rồi rẽ về đồn. Ban ngày, đồng bào lấy nước sản xuất, sinh hoạt, tối mới đến lượt bộ đội. Mỗi lần đi kiểm tra, đội “săn nước” lại dọc theo lối mòn có đường ống nước ngược lên bể chứa, rồi đầu nguồn khe cạn. Đồng thời, mang theo cuốc xẻng, dao phát, kìm, ống nhựa, dây cao su... và đèn pin gắn trên đầu như thợ mỏ kiểm tra đường ống nước, gia cố đoạn rò rỉ, gãy gập hay vỡ do đá chèn, chắp lại những đoạn bị tháo; khơi nguồn, thau bể và dọn xung quanh bể lắng đầu nguồn.

Hẳn vì thế, những người trấn giữ một vùng cương vực lãnh thổ, giúp đồng bào ổn định đời sống ngay trên quê hương Tả Gia Khâu từ lâu đã khái quát nhiệm vụ của mình bằng bốn chữ “giữ dân, giữ nước” theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp.

Những “học trò” lớn tuổi

Cũng trên vùng đất khát được ví như Trường Sa này còn bộn bề nhiều khó khăn và những người chiến sĩ biên phòng còn đảm trách không ít nhiệm vụ quan trọng, trong đó có gieo con chữ, thắp sáng tri thức cho đồng bào. Thượng úy Giàng A Trú (SN 1987) - Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu trực tiếp tham gia đứng lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho đồng bào. Học viên của anh Trú học phần đông là phụ nữ chưa biết chữ. Không ít học viên bắt đầu đánh vần, viết nét chữ đầu đời khi đã bước qua tuổi ngũ tuần, lên chức ông, bà; người trẻ nhất cũng đã tuổi 35.

thay gia o quan ha m xanh tren vung dat khat
Thượng úy Giàng A Trú (thứ 2 từ trái sang) là một trong 60 gương thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương

Anh Trú tâm sự, vận động đồng bào tham gia lớp học xóa mù chữ buổi tối khó hơn nhiều so với các công tác tuyên truyền khác, nhất là khi địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống như: Mông, Dáy, Phù Lá, Thu Lao, Nùng. Để thuyết phục được, những người đứng lớp phải đến nhà có khi đến cả chục lần vì nhiều người nghĩ học xong không để làm gì; gặp phải sự ngăn cản của chồng; là lao động chính trong gia đình hoặc nếp sinh hoạt... cũng như điều kiện nhà dân sống lẻ tẻ.

Thượng tá Nguyễn Hải Quân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tả Gia Khâu cho biết: Trong công việc, Thượng úy Giàng A Trú là cán bộ gương mẫu, có trách nghiệm, năng nổ trong công tác dân vận. Với đồng đội, đồng chí Trú sống rất tình cảm.

Anh Trú kể, có lần đang dạy thì có học viên đứng lên xin thầy giáo nghỉ học, về nhà để uống rượu; có trường hợp học viên nữ nghỉ học vì chồng hiểu lầm đi chơi buổi tối rồi chửi đánh... Những lần như vậy, anh lại lấy những ví dụ gần gũi với cuộc sống người dân để thuyết phục học viên ở lại. “Để vận động được người dân chưa biết chữ đến lớp học, chúng tôi nhiều khi vừa tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc biết chữ vừa nói về tác hại của rượu, bạo lực trong gia đình. Phải dẫn ra những lợi ích trực tiếp liên quan đến cuộc sống, thay vì những điều quá xa vời. Cách tốt nhất phải làm cho đồng bào tin mình”, anh Trú chia sẻ.

Anh Trú chia sẻ, khó nhất với những thầy giáo quân hàm xanh là nghiệp vụ sư phạm, vì vậy họ thường xuyên trao đổi nghiệp vụ với các giáo viên trên địa bàn, bên cạnh đó, phát huy lợi thế cá nhân là người dân tộc và tự tìm tòi những phương pháp dạy học mới để học viên dễ hiểu, nhớ lâu và muốn đến lớp. Do đó, anh có thể dễ dàng thân thiết với bà con, giúp bà con hiểu về cán bộ biên phòng, hiểu về biên giới cũng như chính quyền. Những lớp học xóa mù chữ của Thượng úy Giàng A Trú và đồng đội tuy không duy trì được 100% sĩ số, nhưng thường xuyên đạt 70%, lúc đông nhất hơn 90% đồng bào được vận động đến lớp. Ngoài những lúc tới các điểm trường dạy bà con, các anh còn tới thăm hỏi, đôi lúc tặng quà để tăng quan hệ quân - dân.

Đồn là nhà...

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em” không chỉ là câu khẩu hiệu thể hiện tình cảm của những người chiến sĩ biên phòng trên mảnh đất “Trường Sa cạn”. Hơn 1 năm nay, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu là mái ấm của hai anh em Ma Seo Khoa (9 tuổi) và Ma Seo Xuyên (8 tuổi). Cán bộ, chiến sĩ công tác tại đồn là người thân. Nhìn cách anh em Khoa ríu rít giới thiệu phòng ngủ, góc học tập và những góc vui chơi thường ngày trong Đồn rất ra dáng “chủ nhà”. Nếp sinh hoạt giờ giấc cả hai đứa trẻ đều tăm tắp theo môi trường quân đội.

thay gia o quan ha m xanh tren vung dat khat
Thượng úy Giàng A Trú đưa anh em Khoa đến trường

Khoa là con thứ ba và Xuyên là con út trong gia đình nghèo đông con ở bản Mông xã Dìn Chin. Bố mẹ Khoa kết hôn sớm, trong vòng 6-7 năm, 4 chị em Khoa nối tiếp ra đời, khiến cái nghèo, cái đói cứ bám riết. Năm 2015, anh Ma Seo Dín - bố bọn trẻ ra đi vì lao lực để lại cho vợ 4 đứa con nheo nhóc, đến cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, huống hồ chuyện đến trường. Tuy nhiên, giấc mơ đến trường của Khoa, Xuyên đã được cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu tiếp sức với chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đây là chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phát động. Thượng úy Giàng A Trú - Đội trưởng đội vận động quần chúng là người trực tiếp gặp gỡ trao đổi với gia đình và thuyết phục hai đứa trẻ về đơn vị để bộ đội nuôi dưỡng. “Ban đầu các cháu nhất định không chịu xa mẹ. Để gia đình yên tâm và thuyết phục các cháu, tôi đã nhận là cậu ruột với lý lẽ: Cậu họ Giàng, mẹ cũng họ Giàng nên cậu là cậu ruột. Các con về ở với cậu, rồi đến trường đi học, hằng tuần lại về thăm mẹ”, anh Trú kể lại.

Chia sẻ với hoàn cảnh của anh em Khoa, anh Trú và đồng đội bằng tình thương yêu đặc biệt đã dành nhiều sự quan tâm động viên, kèm cặp. “Sau khi đưa về đơn vị, tôi thường xuyên dạy hai cháu từ việc ăn, mặc, vệ sinh, sinh hoạt theo chế độ giờ giấc trong môi trường quân đội, nhất là kèm cặp việc học tập. Các cháu đi học đều có người đưa đón, cũng như bố trí các cháu học tập ở các lớp có nhiều bạn cùng dân tộc để dễ hòa nhập trong học tập và vui chơi”, anh Trú nói. Hiện nay, anh em Khoa đã biết đọc, biết viết, gần gũi với môi trường quân đội; đạt học lực khá, hạnh kiểm tốt trong năm học 2016-2017. “Cậu Trú tốt lắm. Tối nào cũng dạy con học. Lớn lên nhất định con sẽ trở thành chiến sĩ giỏi như cậu Trú”, cậu bé Ma Seo Khoa nói.

Cùng với anh em Khoa, Đồn biên phòng Tả Gia Khâu hiện giúp đỡ, nâng bước 17 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục được cắp sách đến trường, theo đuổi những giấc mơ tri thức. Trong năm học này, các chiến sĩ thuộc Đồn biên phòng Tả Gia Khâu cũng vui mừng khi lần đầu tiên có nữ sinh Sùng Seo Dế thuộc diện được đồn hỗ trợ đã thi đỗ vào Trường nội trú huyện Mường Khương.

Một ngày mới lại đến, núi rừng biên giới Tả Gia Khâu lại rộn ràng tiếng họa mi. Những người lính biên phòng tiếp tục “giữ dân, giữ nước” và nâng bước, chắp cánh cho những giấc mơ tri thức làm giàu cho quê hương vút bay để mảnh đất được ví như “Trường Sa cạn” không còn khát. Chúng tôi rời đồn biên phòng cũng là lúc Thượng úy Trú đưa anh em Ma Seo Khoa, Ma Seo Xuyên đến trường...

Năm 2017, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Thanh niên Quân đội và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô - Tuyên dương “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em đến trường” nhằm vinh danh gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường, xóa mù chữ ở vùng biên giới, hải đảo. Thượng úy Giàng A Trú là một trong số những chiến sĩ quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình.

Thanh Phú