Sâu lắng bài chòi

20:05 | 09/01/2018

1,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ thuật hát bài chòi của người dân vùng Duyên hải miền Trung đã được UNESCO vinh danh. Bài chòi đã vượt qua lũy tre làng, trở thành di sản văn hóa của nhân loại...

Cả làng biết hát dân ca bài chòi

Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5, là người con làng Hà Quảng, xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

Không chỉ giỏi trận mạc, ông còn là một vị tướng có nhiều duyên nợ với văn chương. Từ năm 2003 đến 2011, Thiếu tướng Trần Minh Hùng đã cho ra mắt bạn đọc 4 tập thơ, 5 cuốn hồi ký và 5 album thơ - nhạc. Trong đó có nhiều bài chòi do ông sáng tác.

Không chỉ vậy, ông còn là cây văn nghệ nổi tiếng với những làn điệu bài chòi mượt mà sâu lắng. Hỏi ông về căn nguyên mà ông trở thành người “đa tài” trong các lĩnh vực, ông cười: Dân ca, đặc biệt là bài chòi đã thấm vào máu ông từ nhỏ. Ông cho rằng, nghệ thuật bài chòi là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của quê hương ông.

sau lang bai choi
Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An

Theo ông, chính lối ứng tác ngẫu hứng trong nghệ thuật hô bài chòi đã tạo ra sự nhạy bén trong ứng xử. Người dân quê ứng xử với nhau bằng các làn điệu dân ca, vì vậy mà tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Sau này, khi đi theo cách mạng, chính bài chòi “chắp cánh” cho ông đi vào con đường văn chương. Vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, dù giữa chiến hào đặc quánh thuốc súng; hay trên các chặng đường hành quân... ông đều cảm tác hết sức ngẫu hứng sáng tác các làn điệu bài chòi và trở thành người hát bài chòi nổi tiếng trong đơn vị.

Ông bảo, các làn điệu bài chòi cứ dần dần ngấm sâu vào tâm hồn ông như vậy. Cuộc đời binh nghiệp mà ông dấn thân, ông không nghĩ mình sẽ trở thành vị tướng. Nhưng với bài chòi, thì đã có lúc ông ao ước sẽ trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Sau này, dù rất nhiều lần lên sân khấu, hát cho bộ đội và nhân dân cả các nước bạn Lào và Campuchia nghe, dù không trở thành “nghiệp”, nhưng bài chòi là máu, là thịt. Bởi vậy ngay khi ngồi trao đổi với tôi, ông vẫn ứng tác hát những làn điệu bài chòi vừa sáng tác như có sẵn trong đầu.

Có một số nhà nghiên cứu đưa ra luận cứ rằng, Đào Duy Từ (1572-1634) - người Thanh Hóa, theo Chúa Nguyễn vào Nam, điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bình Định - đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh miền núi mà sáng tạo ra hội bài chòi. Từ lối sinh hoạt văn hóa nương rẫy, ông ứng dụng vào trò chơi đánh bài trên chòi, dần dần có tên gọi là hội đánh bài chòi.

Một vị tướng dạn dày trận mạc, mà mê “chòi” như tướng Hùng quả thật là hiếm. Nhưng có về quê ông, nghe dân làng Hà Quảng kể về những chuyện rất đời thực về cái sự mê bài chòi của người dân quê, thì cũng dễ hiểu về sự mê “chòi” như “điếu đổ” của tướng Hùng. Không chỉ người dân Hà Quảng quê tướng Hùng mê “chòi”, mà cả dải đất miền Trung này như vậy. Người ta mê đến mức “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra”.

Người dân quê ông mê “chòi” và giỏi hát chòi. Mê đến mức sẵn sàng gác lại chuyến biển nhiều lộc đầu năm, để cho thỏa cái khao khát với “chòi”. Nói không ngoa, ở quê ông, từ người già đến con nít, không ai là không thuộc “năm, ba” làn điệu bài chòi. Nói cả làng biết hát dân ca bài chòi căn nguyên là như vậy.

Trên đường trở thành di sản

Chưa có một nghiên cứu chính xác nào về xuất xứ của nghệ thuật bài chòi. Nhưng có một sự thừa nhận dường như tuyệt đối: vùng đất võ Bình Định là cái nôi sản sinh ra di sản văn hóa này.

sau lang bai choi
“Anh hiệu”, “chị hiệu” được hiểu như là “emxi” không thể thiếu trong các cuộc hô - hát bài chòi

Song lại phải nói cho công bằng, chính Hội An mới là nơi làm cho bài chòi nổi đình, nổi đám. Nổi đình, nổi đám đến mức du khách ở phương trời xa đến Hội An mà chưa được tham gia cuộc vui hô - hát bài chòi, coi như chuyến đi chưa trọn vẹn.

Nghệ thuật bài chòi trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở phố cổ cách đây hơn hai chục năm. Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Hội An, nghệ thuật bài chòi phát triển ở Hội An đã lâu lắm rồi. Nhưng nếu nói về giai đoạn cực thịnh thì được tính từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đặc biệt là vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, nghệ thuật bài chòi chiếm vị trí “chủ lực” trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Hội An.

Trong các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Nam, hầu hết các tiết mục mà Hội An giành Huy chương Bạc, Huy chương Vàng đều có “dính” đến bài chòi. Từ tháng 8-1998, tại Hội An, nghệ thuật bài chòi đã được đưa vào phục vụ du khách trong các “đêm phố cổ”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta nhận thấy, người dân ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đặc biệt yêu thích hát bài chòi, nên đã vận dụng đưa loại hình nghệ thuật vào hỗ trợ công tác tuyên truyền. Chính vì vậy, thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp được coi là “thời hoàng kim” của nghệ thuật bài chòi. Khắp nơi khắp chốn, từ bộ đội, nhân dân… đâu đâu cũng hát bài chòi.

Nghệ thuật bài chòi ở Hội An đã được đưa vào trường học, như một môn học phổ thông. Giáo viên dạy bài chòi là diễn viên của Trung tâm Văn hóa Thể thao đảm nhiệm. Cách dạy “cuốn chiếu” từ trường này sang trường khác. Kết thúc năm học có kiểm tra, có thi cử. Cách thi cũng sân khấu hóa, vừa là để đánh giá kết quả, vừa là để phục vụ du lịch. Có thể nói, hiện nay nghệ thuật bài chòi đã được phổ cập rộng rãi ở Hội An. Tính đến nay đã có hơn 1.000 hạt nhân bài chòi ở lứa tuổi 13-14, làm nòng cốt cho việc “diễn xướng” ở trường học và các khu dân cư.

Hiện nay, Hội An có tới 10 đội hô - hát nghệ thuật bài chòi, mỗi năm tổ chức khoảng 30 chương trình biểu diễn. Đặc biệt, Hội An đã mang “trò chơi” nghệ thuật bài chòi ra đường phố, tạo ra một không gian mở thu hút du khách tham gia. Khách ngoại quốc tỏ ra vô cùng thích thú khi xem hát bài chòi, rồi “dấn thân” trở thành người chơi. Họ không khỏi ngỡ ngàng rồi thực sự được “khai sáng”, khi được nghe dịch, giải nghĩa từng câu hát...

Hội An cũng là một trong những địa phương đầu tiên của vùng di sản mang nghệ thuật bài chòi đi lưu diễn, giao lưu với các địa phương trong cả nước. Không hề quá lời khi nói rằng, cách làm của Hội An đã nâng nghệ thuật bài chòi của Quảng Nam nói riêng, của cả khu vực nói chung lên một tầm cao mới, làm cho bản sắc văn hóa của cái gọi là “dân giã” trở thành tài nguyên giàu có để phát triển du lịch.

sau lang bai choi
Những hạt nhân hát bài chòi ở Hội An tuổi đời còn rất trẻ

Và Hội An cũng là một trong những địa phương đầu tiên ở vùng di sản đưa bài chòi “xuất ngoại”. Ông Võ Phùng cho hay, đến nay nghệ thuật bài chòi do các đội văn nghệ quần chúng ở Hội An thực hiện đã đi giao lưu ở nhiều quốc gia như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Italia, Hungary, Nhật Bản… Những đợt “mang chuông đi đánh xứ người” đã để lại dấu ấn hết sức tốt đẹp trong lòng người xem.

Ông kể rằng, trong chuyến lưu diễn tại Hungary, ngoài những giai điệu gây ra những bất ngờ thú vị cho người nghe; thì điệu bộ diễn xuất hết sức gần gũi cũng làm cho người xem vô cùng thích thú, thích thú đến tò mò. Buổi biểu diễn trở thành buổi giao lưu nghệ thuật ngoài sức tưởng tượng. Nhiều khán giả tham gia “trò diễn” đến say mê. Chính vì vậy, mà trong buổi lễ ký kết hợp tác văn hóa với thành phố nơi đoàn lưu diễn, khán giả đã thiết tha yêu cầu đoàn diễn lại bài chòi.

Ở một đất nước xa xôi, có một nền văn hóa rất khác, có những loại hình nghệ thuật cũng rất khác và hiện đại. Thế mà bài chòi vốn rất dân giã của Hội An, của miền Trung lại có sức hút mãnh liệt và thành công đến như vậy.

Mấy điều về nghệ thuật bài chòi

Hô - hát bài chòi dựa trên 6 làn điệu chính gồm: Xuân nữ cổ, Xuân nữ mới, Cổ bản, Xàng xê cũ (lụy), Xàng xê mới (dựng), Hồ quảng (còn được gọi là hò quảng). Nếu như bài chòi Xuân nữ có làn điệu tha thiết trữ tình, thích hợp với lối tự sự giãi bày tâm trạng; thì bài chòi Xuân nam lại mang âm hưởng trong sáng khỏe khoắn. Tương tự, khi hát bài chòi với điệu Xàng xê thì âm hưởng buồn bã, bi thảm; bài chòi Hồ quảng thì tươi tắn, phấn khởi.

sau lang bai choi
Thiếu tướng Trần Minh Hùng, người sáng tác và hát bài chòi khá nổi tiếng ở Quân khu 5

Nếu như ở Quảng Nam, Đà Nẵng, bài chòi mang đậm tính dân ca và tiếp thu nhiều làn điệu dân ca khác như: hò khoan; hát ru; vè Quảng lý thương nhau; lý tình tang; lý vọng phu; lý vãi chài... thì ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, động tác sử dụng trong nghệ thuật hô - hát bài chòi cơ bản giống như trong nghệ thuật hát tuồng; ngoài ra, còn có các điệu như múa sắc bùa, lục cúng, bát dạo…

Dù rằng mỗi địa phương có những sáng tạo, tích hợp thêm nhiều âm giai, âm hưởng các làn điệu dân ca, thì nghệ thuật hô - hát bài chòi được các nhà nghiên cứu xác định: hình thành cơ bản từ lối chơi dần dần trở thành hình thức diễn xướng dân ca. Bài bản của việc hô - hát thường là những bài thơ bốn chữ, năm chữ và thơ lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát.

Bài chòi thường được sáng tác theo một khuôn mẫu, đồng thời có sự sáng tạo thêm trong từng hoàn cảnh. Bên cạnh đó lời ca bài chòi còn có kết cấu một vế đơn giản và kết cấu hai vế theo dạng ca dao đố - giải.

Về ngôn ngữ, thổ âm địa phương được biểu hiện rõ nét trong lời hô - hát. Thổ ngữ của từng địa phương trong lời hô - hát bài chòi giàu tính hình tượng, mang tính tự sự và trữ tình cao, tạo sự liên tưởng cho người nghe.

Nghệ thuật hô - hát bài chòi trước đây thường được tổ chức vào đầu xuân, là một trong những nét văn hóa truyền thống dân gian có sức sống mãnh liệt, thì nay được tổ chức thường xuyên, biến thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Nghệ thuật bài chòi mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, thể hiện cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân địa phương, lưu giữ phương ngữ, phong tục, tập quán trong các câu hô - hát. Sinh hoạt bài chòi còn mang tính cộng đồng cao, góp phần tăng tính đoàn kết cộng đồng. Nghệ thuật bài chòi còn thể hiện tính nhân văn hướng con người đến những giá trị, đạo đức cao đẹp…

Với giá trị tiêu biểu đó, nghệ thuật bài chòi miền Trung đã được UNESCO chính thức ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào lúc 15h15’ ngày 7-12-2017 (theo giờ Việt Nam), tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO (diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc).

Hát chòi thường được tổ chức ở làng quê vào dịp tết Nguyên đán. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.

Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau.

Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài.

Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi "tới".

GS Hoàng Chương, người có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật bài chòi cho biết, đến nay vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, qua truyền thuyết dân gian, vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Để chống lại thú dữ bảo vệ mùa màng, người dân ở Bình Định đã dựng những chiếc chòi rất cao ở ven rừng. Trên mỗi chiếc chòi cắt cử một thanh niên trai tráng canh gác, nếu thấy thú dữ về phá hoa màu thì đánh trống, hô to để đuổi chúng… Trong quá trình ấy, để đỡ buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.

Đặng Trung Hội