Phán quyết về Biển Đông: Công lý không tồn tại với kẻ yếu?

07:00 | 27/07/2016

13,317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù là bên thắng cuộc trước Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, nhưng những hoạt động ngoại giao của chính quyền Philippines gần đây lại đang khiến cộng đồng quốc tế có cảm giác rằng người chiến thắng đang phải đi “xin” kẻ thua cuộc. Thật là một thực tế đầy nghịch lý!
philippines co le phai quy lay xin trung quoc tha mang
Cựu Tổng thống Philippines, Fidel Ramos vừa nhận lời đề nghị đến Trung Quốc thương thuyết

Tuy chiến thắng trong vụ kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông nhưng trước nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, tân Tổng thống Philippines muốn giảm nhẹ mức độ căng thẳng với Trung Quốc để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Sau khi ông Duterte lên thay ông Benigno Aquino (người quyết định kiện Trung Quốc ra tòa) đề cập đến khả năng cùng Trung Quốc khai thác Biển Đông, Bắc Kinh đã nắm lấy ý tưởng này, kêu gọi Philippines rút đơn kiện để tiến hành hòa đàm song phương với Trung Quốc kèm lời hứa sẽ hết sức thiện chí nhằm giải quyết ổn thỏa những bất đồng giữa hai bên về chủ quyền tại Biển Đông nhưng Philippines lờ đi.

Khi Tòa trọng tài công bố phán quyết về Biển Đông, Trung Quốc và Philippines đã có một số cuộc tiếp xúc mà mục tiêu là giảm nhẹ mức độ căng thẳng trong quan hệ song phương.

Mới đây, ông Duterte đề nghị cựu Tổng thống Philippines, Fidel Ramos, đảm nhận vai trò đặc phái viên, thay mặt Philippines đàm phán, cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Vị này hôm qua đã nhận lời.

Khi đề nghị ông Ramos làm đặc phái viên, tân Tổng thống Philippines hứa sẽ vạch ra một đường hướng rõ ràng nhằm giúp ông Ramos có thể dễ dàng thực hiện vai trò của mình.

Ông Ramos cho biết, xung đột không phải là giải pháp đối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và ông rất quan tâm đến những khuyến cáo của ông Perfecto Yasay, Ngoại trưởng Philippines. Đó là khi thảo luận với Trung Quốc cần có thái độ khoan dung và thận trọng nếu đề cập đến phán quyết về Biển Đông.

Tuần trước, Ngoại trưởng Perfecto Yasay tiết lộ, thái độ của Trung Quốc khiến ông không chắc là hai bên có thể hoạch định các cuộc hòa đàm song phương.

Theo ông Yasay, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu 2016 (ASEM 2016) diễn ra tại Mông Cổ, ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về hòa đàm song phương nhưng cuộc thảo luận này chẳng đến đâu vì Trung Quốc đòi vứt bỏ phán quyết về Biển Đông, còn Philippines thì muốn dùng phán quyết này làm nền tảng cho hòa đàm giữa hai bên. Cũng theo lời Ngoại trưởng Philippines thì Ngoại trưởng Trung Quốc đã cảnh cáo rằng, nếu Philippines cổ xúy cho phán quyết về Biển Đông thì Trung Quốc và Philippines sẽ không có đối thoại mà chỉ đối đầu.

Người ta chưa rõ Philippines sẽ hành xử thế nào giữa một bên là tận dụng ưu thế vừa thủ đắc do phán quyết về Biển Đông, với một bên là làm sao để ngư dân của Philippines có thể đánh bắt hải sản tại vùng biển quanh Scarborough – một bãi đá của Philippines bị Trung Quốc cưỡng đoạt từ năm 2012, Ngoại trưởng Trung Quốc hứa với Ngoại trưởng Philippines là sẽ “cho phép” ngư dân Philippines đánh bắt hải sản ở Scarborough nếu Philippines chịu vứt phán quyết về Biển Đông vào sọt rác. Làm sao để có thể khai thác dầu khí ở bãi Cỏ Rong? Bãi Cỏ Rong cách bờ biển của Philippines chỉ 85 hải lý, riêng trữ lượng khí đốt tự nhiên tại đó đã lớn gấp ba lần mỏ khí đốt Malampaya mà Philippines đang khai thác. Tuy bãi Cỏ Rong thuộc chủ quyền của Phjilippines nhưng lại nằm trong khu vực mà Trung Quốc nhận là của mình và tạo ra sức ép lớn tới mức không tập đoàn đầu khí nào trên thế giới mạo hiểm để hợp tác với Philippines khai thác dầu khí tại bãi Cỏ Rong. Do nội lực có hạn, gần đây, Philippines đã tính đến chuyện hợp tác với tập đoàn dầu khí của Trung Quốc để khai thác dầu khí tại bãi Cỏ Rong.

Thậm chí ông Duterte vừa nhận định, nếu Philippines có thể giải quyết bất đồng với Trung Quốc mà không cần phán quyết của tòa thì Philippins có thể hưởng lợi nhiều hơn từ phía Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc đang tận dụng tối đa ưu thế về quân sự và kinh tế để hỗ trợ cho tham vọng vô lý của mình thì vì lợi ích của mình, nhiều quốc gia chấp nhận nhẫn nhịn, bỏ qua sự càn rỡ, ngang ngược của Trung Quốc.

Thật buồn cho nước thắng kiện và buồn cho một phán quyết của tòa án quốc tế bị người ta vứt vào sọt rác. Phải chăng công lý không tồn tại với kẻ yếu!?

H.Phan

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc