Người viết bài ca Tổ quốc cho nước Nga

15:01 | 05/11/2011

1,875 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những ngày Tháng Mười vĩ đại, những giai điệu của bài Quốc ca Nga lại vang lên đẹp đẽ và hào hùng hơn bao giờ hết, gợi nhắc chúng ta về những khoảng dài của lịch sử đã qua…

Những điểm sáng trong cuộc đời của người 3 lần viết Quốc ca Nga

Chân dung nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Sergei Mikhalkov

Sergei Mikhalkov – tác giả của cả 3 phiên bản khác nhau của quốc ca Liên Xô cũ và Liên bang Nga cũng chính là nhà thơ của những vần thơ đẹp đẽ, trong sáng, nhà văn của những câu chuyện ngụ ngôn hàm súc và là thần tượng của thiếu nhi Nga. Được biết rằng, những lớp lớp thế hệ trẻ em trai, trẻ em gái của đất nước này đều yêu những vần thơ, điệu nhạc trong tác phẩm của ông, đặc biệt là những giai điệu trong bài quốc ca đã đi vào lòng bao thế hệ muôn đời.

Chỉ ở trong những tác phẩm của Mikhalkov, các bạn nhỏ mới có thể bắt gặp hình ảnh chú cảnh sát thân thiện và tốt bụng Styopa luôn sẵn lòng giải cứu dù chỉ là một con mèo mắc kẹt trên cây, hay đưa bàn tay của mình ra để ngăn chặn một đoàn tàu sắp bị đổ, và làm nhiều việc hữu ích khác. Nhân vật Styopa dù chỉ là một nhân vật hư cấu đặc biệt, thế nhưng nó đã gieo vào lòng những công dân nhí của Liên bang Nga những ánh nhìn trong sáng và đẹp đẽ về cuộc sống xung quanh. Và còn rất nhiều những nhân vật khác nữa trong một loạt các tác phẩm của ông trở thành những nhân vật được yêu thích nhất trong mảng văn học dành cho thiếu nhi.

Từ ngữ trong các tác phẩm của Mikhalkov thường rất đơn giản, dễ hiểu, nhưng kỳ diệu thay, nó chạm đến trái tim của mọi con người. Từ những năm 1930 trở đi, các tác phẩm của ông dường như có mặt ở tất cả các giá sách của mỗi gia đình Nga. Ông cũng đã làm việc và cống hiến hết mình để đưa tài năng văn chương của mình đến với công chúng cả nước.

Sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Moscow, Sergei Mikhalkov sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm của mình. Cha của ông đặt kỳ vọng rất nhiều vào cậu con trai yêu quý nên năm Mikhalkov lên 9 tuổi, những vần thơ đầu tiên của ông đã được gửi đến các nhà xuất bản bởi chính cha mình như một lời động viên khích lệ. Năm 15 tuổi, Mikhakov được xuất bản bài thơ đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Sau này, ông làm việc trong một nhà máy sản xuất khung cửi, rồi gia nhập đội ngũ các phóng viên của báo Izvestiya. Ngày càng có nhiều bài báo của ông xuất hiện trên các tạp chí dành cho trẻ em, tạp chí cộng sản và các tạp chí khác.

Năm 1935, ông được sự chú ý và ưu ái của Stalin sau một bài thơ mang tên là Svetlana – con gái của Stalin. Năm 1939, ông thành công với cuốn sách bán chạy trên toàn lãnh thổ Nga với hình ảnh “chú Styopa”. Năm 26 tuổi, Mikhalkov đã dành được những giải thưởng danh giá của đất nước.

Người “thắp lửa” tình yêu Tổ quốc trong lòng mỗi người dân

Tổng thống lúc bấy giờ, Vladimir Putin gắn Huân chương cho Sergei Mikhalkov tại điện Kremlin ngày 29/4/2008

Từng nhớ, trong bài “Lòng yêu nước”, Ilia Erenbua (bản dịch của Thép Mới) viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương”… Và cũng trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, Sergei Mikhalkov đã dâng tặng cho nước Nga của mình bản Quốc ca đầu tiên chắt chiu từ tình yêu Tổ quốc…

Năm 1943, ông và nhà thơ tiếng Armenia Gabriel El – Registan cùng tham gia cuộc thi viết Quốc ca Liên Xô thay cho bài “Quốc tế ca”. Bài Quốc ca của ông đã được chọn từ hơn 60 phiên bản khác. Khi Hồng quân chiến đấu bằng lòng cảm tử chống lại phát xít Đức xâm lược vào năm 1944, những ca từ ca ngợi lòng yêu nước của Mikhalkov được chọn làm lời cho Quốc ca Liên Xô dường như đã trở thành bài “Thánh ca” chính thức của thời kỳ Thế chiến thứ II. Milkhalkov đã trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất ở Nga. Năm 1938, ông chính thức gia nhập Hội Nhà văn Liên Xô.

Sau cái chết của Stalin, những lời trong bài Quốc ca của Mikhalkov viết vào năm 1944 đã không còn được sử dụng. Trong vòng 20 năm kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Quốc ca thường được cử hành mà không có lời. Vào giữa những năm 70, Mikhalkov đã chỉnh sửa lời của bài Quốc ca năm 1944, bỏ đi những ca từ có liên quan tới Stalin, nhưng vẫn giữ lại những câu nhắc đến V.I. Lenin.

Và bao nhiêu năm sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, đến năm 2000, người nghệ sĩ tài hoa Sergei Mikhalkov vẫn là người được Tổng thống lúc bấy giờ là Vladimir Putin chọn viết lời cho Quốc ca Liên bang Nga, vẫn trên nền nhạc của A.V.Alexandrov. Đúng như những gì mà ông từng nói trong một tuyên ngôn bất hủ của mình “Nước sông Volga vẫn chảy trong mọi chế độ chính trị”, tình yêu của con người ấy với Tổ quốc mình như chưa bao giờ nguôi và luôn rạo rực dù ở bất kỳ thời đại nào mà ông sống. Nó thể hiện ở những lời hát mà ông viết nên, để rồi vang vọng trong tim mỗi người dân Nga yêu nước:

“Ôi nước Nga – nhà nước thánh thần của chúng ta!
Ôi nước Nga – đất nước thân yêu của chúng ta!
Ý chí hào hùng, niềm quang vinh vĩ đại
Là tài sản của Người cho mọi thời gian.

Vinh quang thay, Tổ quốc tự do của chúng ta
Nơi các dân tộc anh em muôn đời gắn kết
Và trí tuệ dân gian được tổ tiên truyền lại
Chúng con tự hào về Người, ôi Đất nước vinh quang!”

Ngày 27/8/2009, Sergei Mikhalkov qua đời tại Moscow, thọ 96 tuổi, nhưng những tác phẩm của ông, những câu chuyện mà ông kể, và đặc biệt là những lời ca đẹp đẽ mà ông dành tặng cho Tổ quốc sẽ ở lại mãi trong lòng người dân Xô Viết nói chung và nước Nga nói riêng. Nhân hướng tới kỷ niệm 94 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chúng ta một lần nữa lắng nghe những giai điệu bất hủ của bài Quốc ca Nga.

Dưới đây là bản Quốc ca Liên bang Nga bản đã sửa đổi của Sergei Mikhalkov được xướng lên tại lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười năm 1977:

Hương Mai

Theo Guardian

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc