Thực phẩm bẩn và độc hại: Cái chết được báo trước (Kỳ 3)

Những thực phẩm khó lường...

07:00 | 15/08/2013

556 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc sữa của 2 “đại gia” lớn là Abbott và Dumex nhiễm khuẩn độc clostrium botulinum thực sự đang khiến cho những bà mẹ nuôi con nhỏ hoang mang. Những hãng sữa lớn như thế, có danh tiếng như thế mà có sản phẩm nhiễm khuẩn độc hại thì những hãng sữa khác sẽ thế nào? Đó là nghi ngờ của phần lớn các bà mẹ có con đang độ tuổi ăn sữa hiện nay và một lần nữa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên khó lường hơn bao giờ hết, đồng thời đẩy người tiêu dùng vào trạng thái bất an.

Nguyễn Bách (NLM số 247)

>> Thực phẩm bẩn và độc hại: Cái chết được báo trước (Kỳ 2)

>> Thực phẩm bẩn và độc hại: Cái chết được báo trước (Kỳ 1)

Sữa độc hại

Đúng là “trẻ không tha già không thương” khi mà mọi đối tượng trong xã hội đều có nguy cơ phải dùng thực phẩm bẩn, không chừa một ai. Dẫu Công ty Fonterra (New Zealand), nơi cung cấp nguyên liệu whey protein concentrade (bột đạm whey cô đặc) nhiễm khuẩn cho nhiều hãng sản xuất sữa bột lớn trên thế giới cho đến nay mới chỉ thông báo chứ chưa có kết luận vì sao nguyên liệu của họ nhiễm khuẩn độc hại thì nhiều người vẫn cho rằng đó là hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm không chỉ của hãng cung cấp nguyên liệu mà cả hãng sản xuất sữa bằng nguyên liệu đó. Vì một bên không kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước khi “xuất”, còn một bên khi nhập hoặc trước khi tung sản phẩm ra thị trường cũng không kiểm tra lại chất lượng sản phẩm.

Đến khi hàng đến tay người tiêu dùng đã bị nhiễm khuẩn và cách giải quyết cũng chỉ “tương đối” với phương thức là thu hồi hàng “bẩn” và chờ… xem sự ảnh hưởng của sản phẩm độc hại đối với người tiêu dùng. Mà độc hại của vi khuẩn này, mặc dù có ý kiến cho rằng chỉ ủ bệnh 24-36 giờ chứ không tích tụ trong cơ thể như melamine để rồi dẫn đến sỏi thận, hại thận… nhưng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, clostrium botulinum có thể tiết ra độc tố mạnh khiến người nhiễm tử vong.

Sữa nhiễm độc

Như ở châu Âu đầu thế kỷ XX, clostrium botulinum đã từng gây ra cái chết cho nhiều người, đặc biệt là những người có khoái khẩu ăn thịt… sống. Đối với loại khuẩn này đúng là có khả năng tồn tại nhiều tuần trong đồ hộp đã mở như: thịt, cá hun khói, hải sản… Trong điều kiện bảo quản lạnh và môi trường kiềm thì vi khuẩn càng độc hơn, nếu ăn phải sẽ có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt  mỏi toàn thân, giãn đồng tử, liệt cơ hô hấp…

PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: “Clostrium botulinum là trực khuẩn yếm khí, tạo nha bào. Khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn này, nếu nặng sẽ có triệu chứng thần kinh như mờ mắt, chướng bụng, khó thở, khó nuốt do liệt cơ…”.  Ở nhiệt độ đun sôi là 1000C, vi khuẩn cũng không chết mà phải ở nhiệt độ 6000C, vi khuẩn mới bị “tiêu diệt” hoàn toàn.

Nói chung, hiện nay, các bà mẹ đang rất lúng túng hoang mang trước việc lựa chọn sữa cho con. Họ không biết chọn loại nào chỉ vì: “Một mặt hàng cao cấp tưởng khó mà nhiễm bẩn như sữa Abbott, Dumex do quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, hiện đại thế mà lại nhiễm khuẩn độc hại hơn cả sự tưởng tượng thì niềm tin biết đặt vào sản phẩm nào để bảo đảm an toàn sức khỏe cho con”.

Gạch cua… giả

Không chỉ sữa mà có nhiều loại thực phẩm khác tưởng như là cao cấp, là khó làm giả, khó biến hóa từ phế phẩm thành “hảo hạng” nhưng cuối cùng dưới bàn tay “phù thủy” của con người cũng có thể biến từ không thể thành có thể. Như cua bể, ai bảo có thể làm giả gạch được khi nó nằm kín trong chiếc vỏ bảo vệ như chiếc “áo giáp” vững chắc, lại không có một kẽ hở nào để có thể đưa gạch giả vào được. Mà gạch cua làm giả thế nào vì màu sắc, cấu tạo đặc trưng đến thế. Thế mà những người kinh doanh cua sống và cả những người kinh doanh nhà hàng làm được điều này. Họ lấy lòng đỏ trứng gà trộn với một loại bột màu trắng, chất bảo quản thành hỗn hợp sền sệt có màu vàng cam, giống hệt màu gạch cua. Sau đó, dùng xơranh với mũi kim rất nhỏ, lách khéo dưới mai cua rồi tiêm hỗn hợp vào. Cua này dẫu để bao lâu cũng không sợ thối bởi đã có chất bảo quản.

Không những làm gạch cua giả, cua bị gẫy càng, cẳng còn được hàn gắn để trở thành nguyên vẹn. Người ta dùng một loại keo dính không có nhãn mác, như loại keo tự chế rồi dính những càng, cẳng bị gẫy vào mình cua. Càng, cẳng ấy thậm chí không cần “đồng bộ”, chỉ cần làm sao cho con cua đủ “8 cẳng, 2 càng là được”. Khi đã gắn xong, cua được mang ngâm vào hỗn hợp gồm nước, hàn the, bột ngọt và một hóa chất phụ gia để “làm màu” cho cua trước khi mang ra chợ bán hoặc đưa vào nhà hàng. Đương nhiên màu sắc cua “ngon nghẻ” thế, đủ càng cẳng nên giá bán phải như loại cua “thượng hạng”. Nào có ai ngờ thực khách mất tiền vừa ăn phải cua giả vừa ăn cả hóa chất độc hại vào người.

Tôm làm giảm… thị lực

Tôm là loại hải sản có chất dinh dưỡng cao được nông dân miền biển nuôi nhiều ở ao đầm, chất lượng an toàn thực phẩm cũng không bảo đảm đến nỗi có lần xuất khẩu sang Nhật Bản, phải bị tái nhập về Việt Nam vì dư lượng kháng sinh enrofloxacin, chloramphenicol, trifluralin… vượt quá mức cho phép rất nhiều. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, riêng năm 2011, gần 60 lượt tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng Nhật Bản không cho phép nhập khẩu có thời hạn và đây trở thành mặt hàng kiểm tra gắt gao của Nhật Bản và Canada. Thậm chí, một doanh nghiệp chế biến tôm đông lạnh đã gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị Nhà nước phải có biện pháp quản lý chặt chẽ tình trạng nuôi trồng tôm có dư lượng kháng sinh quá nhiều. Nếu không, không những sức khỏe người dân mà sự sống còn của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Có khi phá sản” - doanh nghiệp này viết.

Thực ra, những kháng sinh sử dụng trong nuôi trồng tôm trên đây không phải loại bị cấm mà được sử dụng nhưng trong ngưỡng cho phép, ngay trên thế giới cũng quy định vậy. Nhưng để đạt chỉ số kháng sinh trong ngưỡng cho phép ấy, quy trình nuôi tôm phải thực hiện nghiêm ngặt theo từng giai đoạn phát tiển của tôm. Tuy nhiên, khá nhiều người nuôi tôm đã sử dụng kháng sinh không đúng kỹ thuật nhằm giảm thiểu rủi ro thu hoạch tôm, đặc biệt là với tôm chân trắng.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những kháng sinh có trong tôm là những chất có trong thuốc thú y chứ không phải là thuốc chuyên dùng để trị bệnh gan cho tôm đồng thời kiểm soát môi trường sống của nó. Nhưng điểm hạn chế của kháng sinh này là giảm thị lực cho người sử dụng tôm trong trường hợp dùng cho giai đoạn tôm phát triển nhanh. Theo các chuyên gia nuôi trồng hải sản, nếu ngưng sử dụng enrofloxacin trước khi thu hoạch 14-28 ngày thì dư lượng thuốc sẽ được đào thải hoặc giảm xuống mức cho phép. Tuy nhiên, ông Hòe nhấn mạnh: “Ở Việt Nam quy trình này rất khó kiểm soát”.

Cùng với tôm, cua, nhiều loại hải sản khác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đáng báo động. Cá nục, mực, ghẹ… đều được tẩm hóa chất để chống thối, “làm hàng” nhằm bán cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, từ một món ăn khoái khẩu của nhiều người với hàm lượng dinh dưỡng cao, khoáng chất vi chất dồi dào, hải sản từ đây lại trở thành độc hại, gây nguy hiểm cho tính mạng của con người về lâu dài.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc