Quản lý hàng rong

Đâu lại vào đấy?

00:14 | 16/09/2012

902 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cách đây 4 năm, Hà Nội đã cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và thực thi khá hiệu quả trên nhiều tuyến phố trung tâm khác. Tuy nhiên, sau nhiều năm buông lỏng quản lý, nạn hàng rong chặt chém, chèo kéo du khách và người dân bắt đầu bùng phát trở lại. Và mới đây, thêm một lần nữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị Cơ quan Công an, UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa bắt tay vào cuộc xử lý nghiêm tình trạng hàng rong chèo kéo, chặt chém du khách.

Chăn “gà Tây”

Mới đây, báo chí đưa khá nhiều thông tin về tình hình “chặt chém” du khách ở phố cổ: 4 miếng dứa (1 quả dứa đã được gọt sẵn) giá 1 triệu đồng, vòng tay nhựa, tấm bản đồ có giá một trăm ngàn đồng… Có lẽ những chuyện thế này không còn là lạ, vì ngay đến người dân Việt Nam du lịch về các tỉnh nếu không hỏi trước giá cả còn bị “chặt chém”, chứ đừng nói đến du khách ngoại quốc bất đồng về ngôn ngữ. Dạo quanh một vòng các phố như Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đinh Liệt, Cầu Gỗ, hàng Dầu… khách ngoại quốc tản bộ nhiều vô kể và cả những gánh hàng rong cũng không đếm xuể. Từ năm 2008, TP Hà Nội đã chính thức cấm hàng rong buôn bán ở 62 tuyến phố, đặc biệt chú trọng ở những phố trung tâm thủ đô, nhằm tạo cảnh quan đô thị đẹp. Thế nhưng, chẳng biết hiệu quả được bao lâu, thời gian gần đây tình trạng hàng rong hoành hành, lộn nhộn, bát nháo chèo kéo du khách lại tái diễn và với nhiều hình thức tinh vi hơn.

Cảnh hàng rong đeo bám khách du lịch ở Hà Nội

Khoảng 16-17 giờ, du khách từ những chiếc xe 45 chỗ “đổ bộ” xuống khu vực Hồ Hoàn Kiếm, rồi bắt đầu tản bộ ra khu phố cổ. Lúc này những gánh hàng rong bán hoa quả, bánh rán, bánh mì ngọt, quạt giấy, bản đồ cũng bắt đầu len chân trong dòng du khách và chèo kéo, nài nỉ hòng bán được một vài món đồ với giá cao ngất ngưởng. Và cứ thế, hết du khách này đến du khách kia đều bị nài nỉ mua những món đồ khá lạ lẫm đối với họ. Nhìn gánh hàng rong của người dân bản địa, nhiều du khách nước ngoài tỏ vẻ thích thú. Thế nhưng, lợi dụng điều này mà nhiều gánh hàng rong tự ý đặt quang gánh lên vai du khách, đội nón lá lên đầu du khách rồi bảo họ chụp ảnh kỷ niệm, sau đó còn dúi những túi củ mã thầy, củ đậu, dứa, sấu… đã gọt sẵn vào tay du khách. Sau đó, không chỉ bắt du khách trả tiền cho túi hoa quả, người gánh hàng rong còn đòi thêm tiền chụp ảnh hộ, tiền “thuê” quang gánh và nón. Nếu du khách không chịu trả số tiền mà họ đòi thì có hẳn một “đội quân chuyên nghiệp” có mặt để can thiệp, gây áp lực đối với các “du khách cứng đầu cứng cổ” . Rất nhiều khách du lịch đã vô cùng bức xúc với tình huống này, nhưng rồi họ đành ngậm ngùi trả tiền vì không muốn đôi co để rồi gặp thêm nhiều phiền phức khác. Không ít người đã ngao ngán nói rằng, họ không muốn quay lại Hà Nội bởi ác cảm với tình huống ép uổng này.
 

“Gà ta” cũng không tha

Ngồi ăn mực nướng trên phố Hàng Bồ, ăn chân gà ở Ngõ Gạch, hay bất cứ món ăn gì ở khu phố cổ, cứ  5-10 phút sẽ lại có một giỏ kẹo cao su được mang đến mời chào khách. Trong một bàn ăn, một người đã mua hộp kẹo cao su thì không có nghĩa cả bàn đó được “yên thân” với những đứa bé bán hàng được huấn luyện quá nhiều chiêu trò kỳ kèo, xin xỏ. Đám trẻ bán hàng rong liên tục ùa vào chào gọi, đấm lưng, hát hò… chèo kéo đủ kiểu nhằm bán được phong kẹo cao su, khách mua của đứa trước rồi thì lại mua thêm cho… đứa sau. Một người bạn tôi cất lời: “Cháu không thấy cô có kẹo rồi à”, thì đứa bé mặt thản nhiên trả lời: “Nhưng có phải kẹo cô mua cho cháu đâu, cô xinh đẹp ơi, mua cho cháu hộp kẹo về ăn dần đi…”. Cứ thế, những đứa trẻ tầm 5-10 tuổi nhì nhèo điệp khúc quen thuộc để bán được hàng. Đôi lúc những câu chuyện của các nhóm khách ngồi ăn cũng bị ngắt ngang chừng vì những lời mời kiểu ép uổng, van xin thế này…

Thời gian gần đây, khu vực phố cổ còn có tình trạng những đứa trẻ bán hàng rong, đánh giày tụ tập lại thành một hội rồi thản nhiên đi xin ăn. Trên những bàn ăn có vài con cá bò và mực, nem chua… chúng hồn nhiên mồm nói “xin”, tay đã cầm đĩa cá bò, mực đổ vào một cái bát to rồi cả hội hả hê “đánh chén” thành quả vừa lấy được. Nói là xin nhưng không khác gì là trắng trợn cướp luôn của những người đang ngồi ăn. Chúng cũng chẳng quan tâm xem thái độ người đang ăn đó thế nào, mà cứ trơ trẽn và hỉ hả với miếng ăn mình lấy được một cách dễ dàng. Nhiều người tỏ thái độ bức xúc, bởi chúng không phải là trẻ ăn xin và có thái độ như đi trấn lột của người khác. Chắc chắn trong những nhóm thực khách bị “nửa xin nửa cướp” đồ ăn đó, có không ít người đã dạy bảo bằng nhiều cách với những đứa trẻ đó. Nhưng xem ra người dân khó chịu, chủ hàng ăn có quát mắng, thì tình trạng này vẫn không thể giảm đi nếu không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, chấn chỉnh tình trạng hàng rong hoành hành và gây lộn xộn.

Đừng đánh trống bỏ dùi

Đi xe máy vài vòng quanh khu vực phố cổ - nơi du khách thích thú được tản bộ và tham quan nhiều nhất, chúng tôi nhận thấy một số cán bộ dân phòng và công an phường đã vòng qua vòng lại khu vực này mấy lần. Những tưởng họ đang thực hiện chủ trương siết chặt quản lý hàng rong, thế nhưng hóa ra họ lại chỉ tập trung xử lý những người đi xe máy ngược chiều. Trong khi những gánh hàng rong vẫn cứ lúc ẩn lúc hiện, ở phố Cầu Gỗ thì hàng rong xuất hiện nhiều không đếm xuể bởi lượng khách ngoại quốc ở đây càng về chiều tối càng đông hơn.

Là một người có lòng tự hào dân tộc, tự hào khi sinh sống trên mảnh đất nghìn năm văn hiến và có lòng tự trọng, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy chạnh lòng khi ngay cả những hướng dẫn viên du lịch nước mình phải dặn dò du khách nước ngoài rằng: “Tốt nhất là đi theo đoàn, không mua đồ của những người bán hàng rong, vì giá cả thì đắt gấp nhiều lần mà còn bị lừa mua phải hàng kém chất lượng. Nếu không cẩn thận còn bị trộm cắp, móc túi”.

Năm 2008, thành phố đã ra quy định cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và nhiều tuyến phố trung tâm đã có hiệu quả. Tuy nhiên, sau nhiều năm buông lỏng quản lý, nạn hàng rong “chặt chém”, chèo kéo du khách và người dân bắt đầu hoành hành trở lại. Cái điệp khúc: bắt tay làm - đạt một chút hiệu quả - buông lỏng - lại siết chặt… có lẽ sẽ còn lặp lại nữa nếu thành phố không có chỉ đạo quyết liệt và xây dựng phương án lâu dài, cụ thể đối với những người buôn bán nhỏ lẻ này. Phải làm quyết liệt và đến nơi đến chốn, có chiến lược lâu dài chứ đừng… “đánh trống bỏ dùi”!

Có lẽ chính quyền các cấp Hà Nội nên cắp cặp vào học chính quyền Đà Nẵng. Bởi vì, Đà Nẵng đã làm thế nào mà thành phố không có hàng rong, không có người ăn xin và không có ai dám vứt rác ra đường?!

Thanh Huyền

Năng lượng Mới số 155, ra ngày 14/9/2012
 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc