Tranh cổ Trần Nhân Tông rời núi

19:00 | 27/04/2013

5,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuộc đấu giá bức tranh chép từ tranh cổ Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ - (Đại sĩ Trúc Lâm rời núi) của họa sĩ Việt Nam là Trần Giám Như vẽ năm 1363 kết thúc với giá 1,8 triệu USD gây chấn động giới sưu tầm và nghiên cứu mỹ thuật cổ. Bản gốc kiệt tác đang được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh - Trung Quốc và bản chép được Công ty Đấu giá quốc tế Bảo Lợi - Bắc Kinh tổ chức. Một nhà sưu tập Việt Nam giấu tên đã mua. Và một bản chép đã được tiến cúng chùa Yên Tử, nơi phát tích của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Phong cách Việt cổ

Chuyên gia mỹ thuật cổ Trịnh Quang Vũ cho biết, bức tranh Đại sĩ Trúc Lâm rời núi miêu tả Phật hoàng Trần Nhân Tông tu ở động Vũ Lâm rời núi. Ngài ngồi trên kiệu đã xuống tóc, vầng trán cao, mày dài, ánh mắt đầy vẻ thông tuệ, mặc áo cổ tràng vạt, tay phải lần tràng hạt. Xung quanh có đoàn tùy tùng, kẻ vác lọng lá cọ, người gánh bộ đồ trà, kẻ cầm gậy long trúc. Các nhà sư mặc áo hở vai, thiền phái Nam tông, có hạc dẫn đường. Phía sau là đạo sĩ Lâm Thời Vũ và các lão sư người Hồ, dung mạo khác thường, đầu hói, râu quai nón, dáng điệu khoan thai, người cầm tích trượng, người bưng sách kim sách.

Đặc biệt, có vị đại sư kém mắt được dẫn qua cầu đá, gió lộng thổi bay áo thiền. Theo đoàn có voi trắng chở kinh, trang hoàng lộng lẫy, cầu kỳ với đôi ngà cong dài, các dải ruy băng trang trí gắn các hạt châu, hoa cúc, đỉnh đầu voi trắng có gắn hình hoa sen cách điệu và chạm mặt trời. Trên lưng voi phủ thảm xứ Ba Tư, trên đặt bành voi hai tầng, chạm khắc hình trang trí vòng tròn, các giao điểm tua gắn hoa cúc to treo 37 chao lông, lục lạc, chuông đồng rất mỹ lệ.

Trích đoạn Đại sĩ Trúc lâm rời núi

Phần còn lại vẽ cảnh nhà vua Trần Anh Tông cùng quan lại, quân gia mang kiệu, lọng, voi, ngựa, rước Phật Hoàng về kinh đô. Tranh vẽ rất chi tiết về nghi chế nghênh đón của thời Trần: kiệu lọng ba tầng, tay ngai chạm trổ hình rồng mây thời Trần, các nét chạm khắc tầng lớp, ô hộc tỉ mỉ, ngai tựa hình lá đề. Các loại đòn khiêng, kiệu mái, kiệu võng đều chạm rồng mây. Đặc biệt, ngai kiệu hoàng đế trang trí dày đặc ba tầng, tua lọng ngai to lớn, thắt quả bồng có hình lá đề kép cùng đôi tay ngai chạm rồng mây. Các võ sĩ khiêng kiệu đội mũ lục lăng, quân cấm y vệ cầm vũ khí đứng hầu cùng bạch mã thắng yên cương, trên phủ một tấm gấm lớn. Một nội thị đòn gánh chạm rồng mang theo lò đun nước pha trà.

Theo họa sĩ Trịnh Quang Vũ, bức tranh đã thể hiện rất rõ trang phục vua quan thời Trần. Điều này cũng là minh chứng rằng, họa sĩ Trần Giám Như là người Việt. Mặt khác, bức tranh diễn tả phong cảnh thiên nhiên Ninh Bình hùng vĩ, với núi non cây cỏ dọc sông Ngô Đồng. Tác giả bức tranh rất am tường thiên nhiên Vũ Lâm. Nên nhớ, động Vũ Lâm là căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ai đó cho rằng tác giả là người Trung Hoa sẽ không lý giải được điều này.

Sử sách ghi rằng, năm Giáp Ngọ Hưng Long thứ 7 (1294) Phật Hoàng về thăm lại Vũ Lâm - Bích Động. Năm sau (1295), ngài về lại động Vũ Lâm tu hành, đã làm bài thơ “Cuối thu ở Vũ Lâm”:

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa
Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa

(Trần Thị Băng Thanh dịch)

Hình ảnh trong bài thơ Vũ Lâm thu vãn của Phật hoàng đã được họa sĩ tái hiện. Hành cung lúc chiều tà, non nước rơi đầy lá đỏ, nghe tiếng chuông chùa Sở ở Văn Lâm do vua Trần Thái Tông xây. Phong cảnh thiên nhiên ở động Vũ Lâm tuyệt đẹp đã được họa sĩ vẽ làm nền tranh, bố cục khéo léo, tạo nhịp điệu sống động khi Trúc Lâm đại sĩ xuất núi trở thành một họa phẩm lịch sử đầy ấn tượng, chuyển tải nhiều thông điệp văn hóa của thiền phái Trúc Lâm. Nét bút thần diệu phong cách đồ họa Việt, có đường nét viền là chủ yếu khi vẽ trúc, vẽ đá khác xa với lối thủy mặc của Trung Quốc là đậm nhạt hòa cùng, tạo nét chấm phá (không có đường viền ngoài) dựng mảng trong không gian. Cách vẽ đường viền từ diễn tả cây, hoa lá, dáng điệu người cùng voi, ngựa, kiệu võng cho thấy rõ ràng, đường nét hình mạnh, liên tục chuẩn mực làm rõ trang trí Việt cổ, càng khẳng định tác giả là người Việt.

Số phận trầm luân

Sự xuất hiện của kiệt tác họa thư hé lộ nhiều bí mật của lịch sử. Cuối thế kỷ XIII, Hốt Tất Liệt diệt xong nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên. Đến giữa thế kỷ XV, nhà Nguyên suy thoái, đại loạn, dân Hán nổi lên chống Nguyên khắp nơi. Từ năm 1354 có cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên của Trần Hữu Lượng là con trai thứ hai Trần Ích Tắc, cháu ruột vua Trần Nhân Tông. Trần Hữu Lượng khởi nghĩa ở Bái Trạch, chiếm cứ một vùng rộng lớn, nay là các tỉnh Giang Tô, Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Bấy giờ vua Trần sai người đi dò la tìm cách tiếp xúc với Trần Hữu Lượng nên Lượng đã có giao hảo với nhà Trần. Theo Trần gia ngọc phả Trần Ích Tắc là con thứ năm vua Trần Thánh Tông, em vua Trần Nhân Tông.

Tặng phiên bản tranh cổ cho Nhà trưng bày Di sản Văn hóa nhà Trần tại Yên Tử

Sử sách ghi rằng, khi Trần Ích Tắc đem gia quyến và quân lính đầu hàng nhà Nguyên năm 1295 đã được phong làm An Nam quốc vương. Khi Nguyên Thế Tổ chết (1294) con nối ngôi là Nguyên Thành Tông thấy vai trò lịch sử của Ích Tắc đã hết nên đã không triều đãi vong vương và đưa về Ngạc Châu. Sự thất sủng đột ngột khiến hoàng tộc lâm cảnh thiếu thốn, con cái ly tán, điều đó đã ảnh hưởng tới Trần Hữu Lượng vốn có mộng đế vương. Dã sử kể rằng, khi vua Thái Tông sinh Ích Tắc, vị thần ba mắt từ trên trời xuống nói bị thượng đế quở trách, xin thác sinh là con vua, sau lại trở về phương bắc.

Sau năm khởi nghĩa, tháng 6/1360 Trần Hữu Lượng xưng đế, đặt niên hiệu Đại Nghĩa, kinh đô ở Nam Kinh, chiếm cứ một vùng rộng lớn Chiết Giang, Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông bây giờ). Trần Giám Như là tôi tớ triều Trần ở Hàng Châu thuộc vùng đất của Trần Hữu Lượng nên mới có thể vẽ tranh ca ngợi vua Trần Nhân Tông vị anh hùng đã hai lần chiến thắng giặc Nguyên xâm lược Đại Việt. Năm 1366 Hữu Lượng bị chết trận. Chu Nguyên Chương đem quân đến vây thành Vũ Xương, con Lượng là Trần Lý đầu hàng.

Bức tranh đã trở thành báu vật của các hậu duệ nhà Trần lưu lạc ở Trung Hoa, được giấu kín 60 năm sau, qua hai đời vua đến năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) nhà Minh thịnh trị, đã cướp xong nước ta, bức tranh được tái xuất hiện do hai chủ nhân tranh được truyền tiếp theo là Trung thư xá nhân Trần Đăng và nhà sư già Giao Chỉ (Giao Chỉ học Phật nhân) Trần Quang Chỉ là hậu duệ nhà Trần. Ông Giao Chỉ đã có bài tán viết vào dưới tranh để giới thiệu như sau: “Đại sĩ là con vua Trần Thái Tông, trước khi sinh, vua cha đã mơ thấy Thượng đế ban cho thanh bảo kiếm. Khi sinh, vua đẹp đẽ thông thái (mỗi ngày có thể đọc vạn lời, khi lớn lên thông tam giáo nhưng yêu thích đạo Phật. Vương thông hiểu lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, các môn đều thấu hiểu đến chỗ uyên áo…”.

Trò chuyện với chúng tôi, họa sĩ Trịnh Quang Vũ cho biết, đang chép lại bức tranh kiệt tác này dù đã gần 70 tuổi và ông đã có những nét đầu tiên.

Ngọc Hà

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.