Những câu chuyện thú vị về thuật phong thủy

21:03 | 06/10/2012

15,952 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mấy năm trở lại đây, thuật phong thủy được coi trọng hơn rất nhiều trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Không chỉ trong việc xây nhà, kinh doanh, sắp đặt nội thất gia đình, ngay từ những việc nhỏ nhất người ta cũng tính theo phong thủy. Tuy nhiên, không phải ai cũng áp dụng thuật này đúng cách, đúng hoàn cảnh. Độc giả có thể hiểu thêm khá nhiều điều trong lĩnh vực mang nhiều ý nghĩa tâm linh này thông qua những câu chuyện “dụng phong thủy” của một số “tiền nhân”…

Lưu Bá Ôn phá long mạch trừ hậu họa cho họ Chu

Người ta nói rằng, bất cứ nơi đâu ở Trung Quốc có lưu truyền những truyền thuyết về Lưu Bá Ôn thì ở đó ắt có truyền thuyết về phong thủy. Chuyện kể rằng, sau khi lên ngôi hoàng đế, cũng giống như những vị hoàng đế khác, muốn cho giang sơn do mình gây dựng có thể truyền cho con cháu ngàn vạn đời sau, Chu Nguyên Chương bèn phái Lưu Bá Ôn đi khắp nơi trong cả nước xem phong thủy, tìm mọi cách ngăn chặn sự xuất hiện những người “mệnh lớn”, có thể cướp đoạt thiên hạ của nhà họ Chu. Lưu Bá Ôn nhận lệnh của Chu Nguyên Chương, lưng mang thần kiếm đi khắp Nam Bắc. Một khi nhìn thấy long mạch lập tức vung kiếm phá bỏ, trừ hậu họa cho hoàng thất họ Chu.

Một lần, Lưu Bá Ôn đi tới Giang Trang ở chân núi Thạch Khanh, bỗng nhiên thấy từ dưới đất có một con trâu bằng đá đang chạy về phía Giang Trang. Lưu Bá Ôn liền bấm quẻ rồi chờ tối hôm đó xem tinh tượng thì dự đoán trong Giang Trang nhất định sẽ sinh ra một người có “mệnh lớn”, tương lai có thể tranh đoạt giang sơn của triều Minh. Lưu Bá Ôn vội thi triển phép thuật, dùng bảo kiếm chặt con trâu đá làm ba khúc, phá đi phong thủy của Giang Trang. Một khi phong thủy đã bị phá, người “mệnh lớn” sẽ không thể xuất hiện được nữa. Lưu Bá Ôn còn sợ con trâu đá sau khi bị giết sẽ hồi sinh nên lại dùng pháp thuật đem ba khúc của con trâu vừa bị chặt chôn ở ba nơi khác nhau.

Không chỉ được giao nhiệm vụ phá thế phong thủy, đoạn long mạch để ngăn chặn việc xuất hiện thiên tử, tranh chấp thiên hạ với họ Chu, Lưu Bá Ôn còn được Chu Nguyên Chương tin tưởng giao cho nhiệm vụ cải tạo phong thủy để đem lại điều lợi cho sự cai trị của triều Minh.

Đường lên núi Lương Sơn nơi đặt Càn Lăng

Lưu Bá Ôn sau khi giúp Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh thì xin cáo quan về quê ở ẩn, nhằm tránh những đòn thù của Chu Nguyên Chương lẫn quan thừa tướng Hồ Duy Dung. Để Hồ Duy Dung lẫn Chu Nguyên Chương không biết được hành tung của mình, Lưu Bá Ôn bèn cải trang làm đạo sĩ, ngao du thiên hạ, trở thành một đại sư phong thủy thần bí trong giang hồ. Ông đã cùng tướng quan Bành Oánh Ngọc tới Cửu Đàm núi La Phù để thực hiện lời hẹn năm xưa. Chả là khi Lưu Bá Ôn dẫn quân nam chinh đã từng qua Cửu Đàm, nhận thấy nơi đây địa thế không tệ, tuy nhiên, nhân dân lại nghèo khó. Xem xét một hồi, Lưu Bá Ôn phát hiện ra rằng, mặc dù địa thế nơi đây tốt nhưng người dân vẫn nghèo là do nơi đây xuất hiện bố cục trấn phong thủy. Nhưng khi đó do không dừng lại lâu, Lưu Bá Ôn đã hứa với người dân ở Cửu Đàm đợi khi đất nước thống nhất sẽ quay trở lại đây giúp họ thay đổi bố cục trấn phong thủy kia.

Phần lưng của Cửu Đàm dựa vào núi La Phù, mỗi năm lũ từ trên núi La Phù đều đổ xuống Cửu Đàm. Đây chính là bố cục đã trấn áp phong thủy của Cửu Đàm. Vì vậy, Lưu Bá Ôn cho rằng, chỉ cần trị được lũ từ trên núi đổ xuống khu vực Cửu Đàm thì người dân có thể tránh được tai nạn hằng năm, từ đó có thể an cư lạc nghiệp. Lưu Bá Ôn đã cùng người dân Cửu Đàm nắn dòng chảy của con suối thành theo hình chữ chi để giảm sức chảy của dòng nước khi có lũ về, nhờ vậy, thay đổi luôn cả bố cục phong thủy bị trấn áp của Cửu Đàm. Từ đó về sau, người dân Cửu Đàm không còn phải chịu lũ quét hàng năm nữa.

Ẩn ý dụng phong thủy trong quyết định cuối đời của Võ Tắc Thiên

Nhiều người tin rằng, ngay cả khi đã chết, nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên vẫn có những ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh quốc gia. Chuyện rằng, khi lâm chung, Võ hậu yêu cầu Lý Hiển dùng thụy hiệu cho bà là hoàng hậu chứ không phải hoàng đế, do vậy bà không có miếu hiệu như những vị hoàng đế khác. Võ hậu cũng yêu cầu chôn mình ở Càn Lăng cùng với chồng mình là Đường Cao Tông Lý Trị, đồng thời dựng trên mộ bà một tấm bia trống (gọi là Vô tự bia). Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể lý giải vì sao một người phụ nữ đầy tham vọng như Võ Tắc Thiên - người đã dám phá bỏ cả một vương triều lừng lẫy, tự lập nên vương triều của dòng họ mình - đến phút cuối cùng lại quay về thân phận một người vợ, yêu cầu hợp táng cùng chồng.

Tuy nhiên, các nhà phong thủy thì tin rằng, một trong những nguyên nhân khiến Võ Tắc Thiên lựa chọn Càn Lăng làm nơi chôn cất của mình chính là vì địa thế cực kỳ đắc địa của khu lăng mộ này. Càn Lăng được xây dựng trên đỉnh núi Lương Sơn, nằm cách huyện thành Thiên Càn 6km về phía bắc. Nơi đây cách Tây An - kinh đô thời Đường - khoảng 160 dặm, tạo thành thế hô ứng với các dãy núi Cửu Tông, Kim Túc, Ta Nga, Nghiêu Sơn… Khác với vị trí Chiêu Lăng do chính Lý Thế Dân - ông vua nổi tiếng triều Đường tự lựa chọn, người ta nói rằng, vị trí của Càn Lăng được lựa chọn một cách cực kỳ chuyên nghiệp.

Người lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng chính là thái sử lệnh Lý Thuần Phong - vị quan chịu trách nhiệm về âm dương và thiên văn của triều đại nhà Đường. Sử chép, họ Lý là một trong những nhà thiên văn và số học cổ đại có tiếng của Trung Quốc. Cùng thời với Lý Thuần Phong lúc bấy giờ còn có một người khác tài danh không kém, gọi là Viên Thiên Canh. Viên chính là người đã cùng Lý Thế Dân lựa chọn vị trí xây dựng Chiêu Lăng.

Do Lương Sơn - nơi xây dựng Càn Lăng - có địa thế rất giống với bộ ngực của người phụ nữ nên người dân địa phương nơi đây còn gọi núi Lương Sơn là Nãi Đầu Sơn. Ngọn núi này nhìn gần thì rất kỳ vĩ nhưng nhìn xa lại rất thấp. Viên Thiên Canh cho rằng, nơi đây âm khí nặng hơn, vì vậy nếu như không tính toán cẩn thận thì long mạch nhà họ Lý sẽ bị một người phụ nữ làm cho tổn hại. Lý do mà Viên Thiên Canh đưa ra dường như rất hợp lý. Ngọn Lương Sơn nằm ở phía tây của núi Cửu Tông, trong khi đó, long mạch của nhà Đường thì nằm ở phía đông Cửu Tông. Vì vậy, Viên cho rằng, Chiêu Lăng - nơi chôn cất Lý Thế Dân - chính là phần đầu của long mạch triều Đường. Theo quan niệm truyền thống về phong thủy thì vị trí xây dựng lăng mộ cho Lý Trị phải nằm dưới phần đầu rồng này. Như vậy, vị trí mộ lý tưởng nhất phải thuộc các dãy núi Kim Túc, Ta Nga, Nghiêu Sơn…

Hàng tượng người không đầu ở khu Càn Lăng

Tuy nhiên, nay lại có một người phụ nữ ngồi ở trên đầu của những người đàn ông dòng họ Lý. Hơn nữa, đại thế phong thủy của Lương Sơn lại không hô ứng với phong thủy của Chiêu Lăng vốn đã được Lý Thế Dân lựa chọn. Sự không hô ứng này khiến vương khí bị đứt đoạn, e là chỉ sau ba đời sẽ bị cản trở. Trưởng Tôn Vô Kỵ và Lý Thuần Phong đều nói đây là mảnh đất tốt, ngàn năm có một, trong khi đó Viên Thiên Canh thì lại khẳng định rằng, nơi này không thích hợp. Đứng trước hai ý kiến hoàn toàn trái ngược, Lý Trị lúc bấy giờ cũng không biết quyết định ra sao. Khi đó, Võ Tắc Thiên mới là Chiêu Nghi, nghe được chuyện này mừng lắm. Viên Thiên Canh từng dự đoán rằng, triều đại nhà Đường sẽ bị một người phụ nữ họ Võ xâm phạm. Lý Thế Dân cũng vì lý do này mà giết không ít người họ Võ. Hơn nữa, khi trước, họ Viên khi xem tướng mạo của Võ Tắc Thiên đã nói rằng: “Nếu như không phải là nữ giới thì nhất định sẽ là chủ thiên hạ”. Như vậy, địa thế phong thủy của Lương Sơn chẳng phải là ứng với những gì Viên Thiên Canh đã dự đoán hay sao? Nghĩ vậy, Võ Tắc Thiên đã tìm mọi cách khuyên Lý Trị không nên do dự, nghe theo lời của cậu là Trưởng Tôn Vô Kỵ. Lý Trị vốn là người nhu nhược nên chẳng mấy chốc đã bị Võ Tắc Thiên thuyết phục, việc lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng được quyết định. Viên Thiên Canh sau khi biết chuyện đã thở dài mà than rằng: “Người thay nhà Đường không ai khác chính là Võ Chiêu Nghi”. Lời nói của Viên sau này quả nhiên ứng nghiệm.

Tới tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên chính thức lên ngôi hoàng đế, trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc. Các nhà phong thủy cho rằng, chính địa thế phong thủy của Càn Lăng đã giúp Võ Tắc Thiên làm nên sự nghiệp lẫy lừng như vậy và chính vì thế nên đến cuối đời, Võ Tắc Thiên đã quyết định được chôn cất tại Càn Lăng chứ không phải chỉ vì muốn hợp táng với Đường Cao Tông Lý Trị.

Có rất nhiều bí ẩn xung quanh mộ của Võ Tắc Thiên, như những bức tượng không đầu; việc NASA nhìn thấy khu lăng mộ họ Võ từ vũ trụ; bia mộ không khắc chữ cùng với những bí ẩn về vật liệu xây dựng. Bọn trộm mộ thường nhòm ngó đào bới của cải của những lăng mộ; những triều đại mới nổi lên, muốn trả thù triệt “long mạch” của triều đại cũ; các nhà khảo cổ khai quật để nghiên cứu… Thế nhưng lăng mộ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên thì người ta đào không nổi.

Lý Quang Diệu xây đường tàu điện ngầm trên lưng rồng

Từ khi ông Lý Quang Diệu lên làm Thủ tướng, đất nước Singapore bắt đầu có những bước phát triển rất mạnh liên quan tới các chính sách quản lý đất nước. Nhu cầu xây dựng đường tàu điện ngầm ngày một cấp thiết. Nhà thầu xây dựng được chọn là một tập đoàn xây dựng quốc tế có năng lực tài chính và kỹ thuật vào loại siêu mạnh. Nhưng lạ thay, công trình này không cách nào có thể thi công được qua một khu vực có điều kiện địa chất phức tạp. Các kỹ thuật hiện đại nhất đã được đưa ra áp dụng nhưng vẫn thất bại. Do việc lái tuyến thi công sang hướng khác không thực hiện được trong khi việc xây dựng được yêu cầu thực hiện sớm, tình hình được báo cáo lên chính phủ.

Ông Lý Quang Diệu vốn là một nhà chính trị tài ba, nhưng cũng rất coi trọng vấn đề phong thủy. Ông đã cho mời một thầy phong thủy người gốc Hoa từ Mỹ về để nhờ tư vấn. Sau khi xem xét thầy phong thủy phán: Khu vực thi công có điều kiện địa chất phức tạp, đó chính là cái lưng của một con rồng lớn. Khi con rồng nằm yên thì thi công được, nhưng khi nó cựa mình thì công trình lại đổ vỡ. Vì vậy mà công tác thi công ở đây không thể tiến triển được cho dù có áp dụng các kiểu kỹ thuật hiện đại. Muốn thi công được và đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình sử dụng thì phải dùng biện pháp trấn yểm sao cho con rồng ấy chịu nằm yên không cựa quậy nữa. Và biện pháp trấn yểm chỉ có thể là: Toàn dân Singapore khi đi ra ngoài đường đều phải đeo hình bát quái trên người. Biện pháp này mới nghe tưởng là đơn giản nhưng làm sao thuyết phục được dân chúng chịu làm việc kỳ dị đó? Thủ tướng Lý Quang Diệu cùng nội các luận bàn rất nhiều mà vẫn chưa tìm được cách nào để thuyết phục dân chúng. Thấy chồng lo lắng buồn phiền về việc đó, vợ của Thủ tướng Lý Quang Diệu hiến một kế: “Cho đúc loại tiền xu 1$ có hình bát quái cho lưu hành thay thế đồng 1$ hiện tại”. Toàn dân Singapore, từ kẻ nghèo nhất đến người giàu có khi đi ra đường cũng đều có ít nhất 1$ trong người. Quả nhiên khi đồng 1$ có hình bát quái được lưu hành, sau đó một thời gian thì tuyến đường ngầm cũng được xây dựng xong và sử dụng ổn định cho đến ngày nay. Và ở Singapore tất cả các đồng tiền xu khác đều có hình tròn, nhưng riêng đồng 1$ thì lại có hình bát quái.

Từ sau vụ việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm đó, Chính phủ Singapore và cả người dân rất chú trọng vấn đề phong thủy trong xây dựng.

Phú Vinh (Tổng hợp)

Năng lượng Mới số 161, ra ngày 5/10/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc