Đằng sau việc Trung Quốc “nuốt” biểu tượng kiến trúc nước Anh

07:00 | 15/07/2013

1,908 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung Quốc lại mới “nuốt” thêm một biểu tượng quốc gia nữa của Vương quốc Anh với thương vụ mua lại tòa nhà chọc trời Lloyd of London - trụ sở chính của Công ty Bảo hiểm Lloyd lớn nhất ở Anh, có tính biểu tượng cho ngành công nghiệp bảo hiểm toàn cầu, tọa lạc ngay tại trung tâm thủ đô London. Cùng với xu hướng gia tăng các vụ thâu tóm bất động sản tại nhiều quốc gia và thương hiệu lớn của thế giới, sự bành trướng tài chính của Trung Quốc đang gây ra những mối lo ngại trên toàn cầu.

Từ bất động sản…

Giá của giao dịch “khủng” này là 260 triệu bảng Anh, tương đương với gần 390 triệu USD. Công ty Bảo hiểm Bình An - hãng bảo hiểm lớn thứ 2 ở Trung Quốc đã mua lại tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Richard Rogers, từ tay Commerz Real - công ty con của ngân hàng Đức Commerzbank. Năm 2005, Commerz Real đã dùng 231 triệu bảng Anh để mua tòa nhà này, sau đó cho Lloyd thuê dài hạn đến năm 2031.

Mặc dù giới chuyên gia đánh giá việc công ty bảo hiểm đầu tiên của Trung Quốc mua bất động sản ở Anh là một bước ngoặt, đánh dấu sự bắt đầu của làn sóng các công ty Trung Quốc mua bất động sản ở London nhưng thực tế, đây vẫn chưa phải là giao dịch mua bán lớn nhất của Trung Quốc trong thị trường bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Vương quốc Anh. Vị trí đầu bảng thuộc về công ty đăng ký tại Anh Gingko Tree Investiment, thuộc sở hữu hoàn toàn của Cục Quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc. Kể từ tháng 5/2012, công ty này đã đầu tư hơn 1,6 tỉ USD vào các công ty cấp nước, ký túc xá và các tòa nhà văn phòng ở London và Manchester.

Tòa nhà Lloyd of London - một biểu tượng kiến trúc của Vương quốc Anh đã "lọt" vào tay Trung Quốc

Bên cạnh đó, nguồn vốn tư nhân của Trung Quốc cũng giữ ngôi vị hàng đầu không thể tranh cãi trên thị trường bất động sản Vương quốc Anh. Hiện nay, chỉ riêng tại khu vực trung tâm London, 40% biệt thự và căn hộ có khách mua là người Trung Quốc. Nếu bạn đến sống trong một ngôi nhà mới ở London, bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu như hàng xóm của bạn là người Trung Quốc - những cư dân thủ đô Anh đùa như vậy dù không thiếu phần lo ngại khi nói về xu hướng mới trong thị trường nhà ở địa phương.

Không chỉ khuấy động thị trường bất động sản Anh, người Trung Quốc còn mạnh tay thâu tóm đất đai, nhà cửa ở Canada, Mỹ, Australia, New Zealand… Theo báo cáo của Hiệp hội Địa ốc Mỹ công bố hôm 9/7, người ngoại quốc chi ra 68,2 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ trong thời gian 12 tháng tính đến ngày 31/3/2013, trong đó dân Trung Quốc chiếm đến 18% và đa số trả bằng tiền mặt. Bà Sally Forster Jones - nhân viên của Coldwell Banker International ở Los Angeles tiết lộ: “Hầu hết người Trung Quốc mua nhà là doanh nhân giàu có hoặc là đại gia bất động sản bên Trung Quốc, mà số đông lưu lại Mỹ chưa đến nửa năm. Con cái họ đi học ở Los Angeles, cần có nhà để ở, đồng thời họ có nơi lưu lại khi sang Mỹ thăm con”.

Bên cạnh đó, dưới áp lực lương thực, thực phẩm phục vụ cho dân số hơn 1 tỉ người, Chính phủ Trung Quốc đã cổ vũ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ra nước ngoài thuê mua đất nông nghiệp, đặc biệt là tại châu Phi và Nam Mỹ, thậm chí cả ở Canada, New Zealand, một số nước châu Âu để trồng trọt và đưa các sản phẩm thu hoạch được về Trung Quốc.

...đến các thương hiệu toàn cầu

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những vụ thương vụ thâu tóm đình đám trên mọi lĩnh vực, khiến cả thế giới phải giật mình. Tháng 5/2013, công ty chế biến thịt lợn lớn nhất Trung Quốc Shuanghui International Holdings chi 4,7 tỉ USD để mua lại Smithfield Foods - công ty chăn nuôi và chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới. Nếu tính cả nợ, phi vụ có giá lên tới 7,1 tỉ USD. Trước đó, Tập đoàn Dược phẩm Fosun Pharma thâu tóm thành công Alma Laser - một hãng chuyên sản xuất thiết bị y tế hàng đầu của Israel. Bản hợp đồng trị giá 240 triệu USD không chỉ mở ra cơ hội cho Trung Quốc chiếm lĩnh gần 15% thị trường chăm sóc sắc đẹp cao cấp trên thế giới mà còn giúp Fosun Pharma có cơ hội tiếp cận với các công nghệ sản xuất thiết bị laser, quang học và siêu âm y tế…

Ngày 24/4/2013, một công ty Trung Quốc là China Haidian đã gây ngạc nhiên cho giới tiêu dùng hàng xa xỉ thế giới bằng việc mua lại hãng đồng hồ Corum của Thụy Sĩ với giá 86 triệu franc Thụy Sĩ (90,9 triệu USD). Ngày 25/2/2013, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo hoàn tất vụ mua lại Tập đoàn Năng lượng Canada Nexen trong thương vụ trị giá 15,1 tỉ USD. Phi vụ hứa hẹn sẽ đem lại cho Trung Quốc cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật khoan khai thác dầu khí ngoài khơi nước sâu mà Bắc Kinh đang khao khát.

Đã đến lúc phải báo động?

Việc bùng nổ nhu cầu mua bất động sản London và các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Canada, Australia và Singapore của công dân Trung Quốc cũng có phần nhiều liên quan đến “kết cục” của các quan chức tham nhũng ở nước ngoài, chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông Jacob Berger khẳng định. Theo ông Berger, kịch bản gửi vợ con ra nước ngoài, sau đó chuyển tiền để mua nhà, rồi cuối cùng “mình trần” chạy theo họ đã khá quen thuộc và vẫn tiếp diễn trong giới “quan tham” Trung Quốc, mặc dù việc này đã bị chính quyền Bắc Kinh phát giác và thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn việc đưa tài sản ra nước ngoài một cách bất hợp pháp.

Hơn nữa, việc xác định ranh giới giữa việc mua bất động sản hợp pháp hay bất hợp pháp thực sự là một việc rất khó khăn.  Chuyên gia Jacob Berger cho biết: “Rất nhiều vụ mua bán giấu tên được thực hiện dưới chiêu bài vốn nhà nước. Có nghĩa là ngôi nhà được một người giấu tên, một công ty giả mạo hoặc người thân mua lại. Bởi vậy, dòng tiền hợp pháp và đáng nghi ngờ thường lẫn vào nhau. Xu hướng này sẽ tăng cùng với việc thắt chặt các biện pháp chống tham nhũng của chính phủ Bắc Kinh”.

Việc rót nguồn vốn có xuất xứ không rõ ràng từ Trung Quốc vào bất động sản ở nước ngoài đã làm giá cả mặt hàng này tăng cao ngất ngưởng khiến người dân địa phương khá bất bình. Thí dụ như: Ở trung tâm London, bất động sản đã tăng gần 15% trong 2 năm qua; tại Vancouver, (Canada), tăng 3-4 lần trong vòng 10 năm… Mặc dù vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung thậm chí vẫn được coi là động lực hồi sinh ngành bất động sản Mỹ.

Về việc Trung Quốc thâu tóm các thương hiệu toàn cầu, chuyên gia Sergei Markov nhận định, đây cũng chính là một bước chuyển hướng khôn ngoan của Trung Quốc bởi họ đã rút ra được bài học về việc xây dựng các thương hiệu “Made in China” tốn kém mà hiệu quả lại rất thấp bởi ấn tượng xấu của người tiêu dùng rất khó bị loại bỏ. “Trung Quốc đang chuyển sang chiến lược mua đứt các doanh nghiệp nước ngoài đã xây dựng thương hiệu thành công. Nếu trước kia họ thu hút công nghệ và cho phép đối tác phương Tây xây dựng nhà máy ở Trung Quốc, thì lúc này chiến lược của họ là mua lại các công ty uy tín và tận dụng tối đa công nghệ mới phục vụ nền kinh tế nội địa”.

Tuy nhiên, thực tế này đã khiến các chuyên gia chính trị học phải đánh hồi chuông báo động: Việc người Trung Quốc thâu tóm bất động sản tại những vị trí đắc địa của các thủ đô lớn trên thế giới, những khu nghỉ mát nổi tiếng hoặc các thương hiệu quốc gia, đã trở thành hình thức mới trong quá trình bành trướng tài chính của Trung Quốc.

Linh Linh (tổng hợp)