Những vấn đề "tiền hậu bất nhất" làm nên rắc rối Bảo Long - Bảo Sơn

15:00 | 25/07/2012

1,724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các cơ quan pháp luật đang xem xét những thủ tục cuối cùng để đưa vụ tranh chấp Bảo Long – Bảo Sơn vào hồi kết. Lúc này, người ta đã có thể dễ dàng nhận ra: Chính sự lật vấn đề như trở bàn tay của người từng được gọi là “lương y” đã gây nên cuộc tranh cãi tốn giấy mực này chứ không phải là những hợp đồng kinh tế đã rõ như ban ngày.  

>> Những vấn đề pháp luật trong thương vụ Bảo Long - Bảo Sơn

1. Ông Nguyễn Hữu Khai đã bán toàn bộ tài sản, đất đai, thương hiệu… cho Tập đoàn Bảo Sơn. Sau khi nhận đầy đủ tiền, ông Khai cùng các cổ đông cũ ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng mua bán cổ phần với các cổ đông mới. Hợp đồng xác nhận: “Đã nhận đủ tiền bán cổ phần – đồng thời ngày 11/7/2011 ký cam kết nhận đủ 100% tiền chuyển nhượng đất đai, tài sản trên đất, cây cối, hoa màu, hạ tầng cơ sở, thương hiệu và cam kết không có kiện cáo gì”.

Nhưng trong đơn kêu cứu ngày 10/8/2011 gửi các cơ quan truyền thông, ông Khai lại nói rằng: “Theo hợp đồng chuyển nhượng tài sản và cổ phần, ông Sơn còn phải trả chúng tôi hàng trăm tỉ đồng. Với tư cách là Phó tổng giám đốc Bảo Long, đồng thời là vợ ông Nguyễn Hữu Khai, bà Lê Thúy Hằng khẳng định: “Chiểu theo hợp đồng chuyển nhượng 01 ngày 3/3/2011 – Bảo Sơn còn thiếu của Bảo Long 125 tỉ đồng”. Trong thông báo khác, ông Nguyễn Hữu Khai lại nói: “Bảo Sơn còn nợ 52 tỉ đồng”. Tuy nhiên, tại Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Hữu Khai lại ghi: “Bảo Sơn còn nợ Bảo Long 128 tỉ đồng”.

Tiền tỉ mà nghe chừng con số cứ thay đổi xoành xoạch, nâng lên đặt xuống như là tiền lẻ.

Trụ sở Tập đoàn Bảo Long

2. Bảo Long đã bán toàn bộ trụ sở cho Bảo Sơn với giá 227 tỉ đồng. Ngày 11/7/2011, sau khi nhận đủ tiền, ông Khai cam kết: “Kể từ thời điểm ký bản cam kết này, các cổ đông Công ty Bảo Long không có quyền khởi kiện và mọi quyền lợi liên quan đến Công ty Bảo Long đều chấm dứt”.

Đến ngày 3/10/2011, ông Khai cho người tái chiếm trụ sở Tập đoàn Bảo Long nhưng trong các đơn gửi cơ quan truyền thông và các cấp lại vu khống Tập đoàn Bảo Sơn chiếm đoạt.

Và như trong tài liệu phát tán tháng 5/2012, ông Khai lại viết những câu chẳng ai hiểu là gì: “Những công trình tài sản hiện hữu hàng trăm tỉ đồng bị Bảo Sơn chiếm đoạt và thực tế là Tập đoàn Bảo Sơn đã trả 100% số tiền theo hợp đồng mà hiện nay chưa nhận được gì từ Bảo Long”.

3. Hợp đồng 01 ngày 3/3/2011 được ký kết, chính ông Nguyễn Hữu Khai đã có văn bản thuê Công ty Luật Thành Đạt làm thủ tục chuyển đổi đăng ký kinh doanh cho các cổ đông mới. Tuy nhiên, trong đơn kêu cứu ngày 10/8/2011 gửi các cơ quan truyền thông, ông Khai lại viết: “Ông Sơn đã làm các thủ tục thay thế các thành viên có tên trong đăng ký kinh doanh thành tên mình và vợ con”.

4. Tại hợp đồng 17 ký ngày 22/5/2011, ông Nguyễn Hữu Khai dùng tài sản của 6 cá nhân thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hóc Môn – TP Hồ Chí Minh để cầm cố vay vốn Tập đoàn Bảo Sơn. Trong hợp đồng ghi rõ: “Trong trường hợp bên vay không trả được nợ vay trước ngày 12/5/2012 tiền gốc thì toàn bộ tài sản thế chấp nghiễm nhiên thuộc về bên A và bên A có quyền sở hữu, bán, cho đối tượng thứ 3 để thu hồi công nợ”.

Nhưng đến hạn phải trả thì ông Nguyễn Hữu Khai lại có Công văn số 102-4/2012/CV-BL ngày 2/4/2012 trả lời Tập đoàn Bảo Sơn rằng: “Các cá nhân trên chưa ủy quyền vay vốn”; “Hợp đồng này là giả dối”…

5. Ông Khai phát tán các tài liệu và trả lời báo chí rằng, chính Bảo Sơn đã làm cho hàng trăm cán bộ mất việc, học viên thất học, bệnh nhân không được chữa bệnh… Tuy nhiên, trên thực tế, chính ông Khai là người đã ký quyết định ngừng hợp đồng lao động với hàng trăm nhân viên của mình, thậm chí đã dùng đủ mọi cách để ngăn cản họ có công ăn việc làm mới, thậm chí gọi từng người vào chửi bới, đe dọa…

Anh Phạm Vĩnh Phúc, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt Bệnh viện Bảo Long cho biết: “Sau 2 tháng đi làm mà không có lương, tôi làm đơn xin sang Bảo Sơn thì bị ông Khai túm cổ áo, bóp cổ lôi ra ngoài dọa đánh và còn chửi tôi là đồ chó”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết cũng chung cảnh ngộ: “Ông Khai gọi tôi vào phòng hỏi có sang Bảo Sơn không, tôi trả lời có thì bị chỉ thẳng vào mặt và nói: Con này cút, mày thay quần áo và cút khỏi đây ngay. Ở đây loanh quanh mà trộm đồ à?”.

Những thông tin bội nhọ các cơ quan chức năng trên trang web của Bảo Long Đường

6. Ông Khai xin thuê lại thương hiệu để làm ăn trả nợ nhưng lại kêu… chưa bán thương hiệu.

Tại biên bản thỏa thuận ngày 8/6/2011, Tập đoàn Y dược Bảo Long (lúc này đã thuộc Bảo Sơn) đồng ý bán thương hiệu và bản quyền sản xuất 15 mặt hàng được Bộ Y tế cấp phép cho ông Nguyễn Hữu Khai với giá 300 triệu đồng. Như vậy lập luận cho rằng, Bảo Sơn chưa thanh toán tiền thương hiệu cho Bảo Long là thiếu cơ sở.

7. Tự kê khai tài sản để bán, nhận tiền xong thì âm thầm vác đi bán.

Ông Khai tự lập hồ sơ kê khai tài sản, tự đề xuất giá và bán lại cho Bảo Sơn nhưng khi bàn giao xong, được mấy hôm thì âm thầm “vác đi bán”. Ông cho người khiêng hết giường 2 tầng, tháo sạch điều hòa nhiệt độ, quạt… thậm chí cả cái bồn nước inox ông cũng tháo nốt.

Chưa hết, sau khi đã chuyển nhượng tài sản, thương hiệu cho Bảo Sơn, ông Khai được Bảo Sơn tạo điều kiện cho bằng cách mời làm giám đốc và phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ rất rõ ràng. Ông Khai gật đầu như “chết đuối vớ được cọc”. Tuy nhiên, ký hợp đồng xong thì ngay ngày hôm sau, ông Khai đã về “cơ ngơi riêng” ở 54 chùa Láng khám bệnh. Máy móc chữa bệnh ông cũng tự động chuyển vào cơ sở riêng ở Hóc Môn, TP HCM.

Ông Khai còn đối phó bằng cách: 10 ngày thì 9 ngày ông đi “làm việc riêng”, khám chữa bệnh ở các tỉnh, 1 ngày dành cho Bảo Long.

Thái độ hợp tác công việc kiểu đối phó đã làm cạn dần kiên nhẫn từ phía Tập đoàn bảo Sơn.

8. Ông Đỗ Hữu Khai thừa hưởng thương hiệu Bảo Long của lực lượng Công an nhưng luôn miệng nói xấu công an trên website Bảo Long Đường.

Như chúng ta đã biết, năm 1979, ông Khai bị bắt về tội vượt biên trái phép và bị phạt tù 3 năm tại các nhà tù ở Lạng Sơn và Hỏa Lò, Hà Nội. Dù là người từng vào tù ra tội và chính lực lượng Công an mới là người cứu vớt cuộc đời nay đây mai đó của ông Khai.

Những năm 90 của thế kỷ XX, khi các cơ quan Nhà nước được khuyến khích tham gia sản xuất, làm kinh tế, Công an TP HCM cũng có ý định mở một xưởng sản xuất sản phẩm Đông Nam dược. Trung tá Hà Quốc Khánh – người được Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng đời sống Xí nghiệp Đông Nam dược đã mở rộng vòng tay, đón một người đã từng tù tội như ông Khai về và cho ông có cơ hội xây dựng sự nghiệp từ một cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền.

Đến ngày 1/6/1990, Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long được thành lập tại số 4 đường Nguyễn Cảnh Trân TP HCM (Công an TP HCM cho mượn một phần trụ sở, ở phía cổng sau).

Đến năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương hạn chế lực lượng vũ trang làm kinh tế, nên Công an TP HCM quyết định không tiếp tục duy trì Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long nữa. Đây là cơ hội vàng để Nguyễn Hữu Khai tận dụng các nền tảng trong suốt 3 năm trời mà Công an TP HCM dày công gây dựng để lập nên Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long. Nguyễn Hữu Khai nghiễm nhiên làm chủ cơ ngơi và chuyển ra “ở riêng” ở ấp 3, xã thới Thượng, huyện Hóc Môn. Đây vốn là vườn hoa quả của cô Nguyễn Thị Gạt, em gái ông Khai.

Thừa hưởng thương hiệu của lực lượng Công an nhưng ông Khai luôn tự nhận rằng, mình là cha đẻ của thương hiệu Bảo Long. Chưa hết, thời gian gần đây, trên website của Bảo Long Đường còn đăng nhiều bài viết với lời lẽ vu khống, xúc phạm đến một số cán bộ công an.

9. Chúng ta hãy cùng đọc lại lá thư mà ông Khai viết cho ông Nguyễn Trường Sơn: “Anh kính mến! Toàn thể cán bộ, công nhân viên và học sinh Bảo Long cùng em là người đứng đầu, đã tôn vinh anh là người lãnh đạo cao nhất với cương vị là Chủ tịch HĐQT. Mọi việc anh toàn quyền sắp xếp quyết định. Chúng em xin tuân theo. Mong anh tin vào những khả năng sẵn có của em, giao việc cho em. Em nguyện sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để anh vui! Kính thư!”.

Mặc dù trong lời thư đã thừa nhận ông Nguyễn Trường Sơn là Chủ tịch HĐQT nhưng sau đó, ông Khai liên tiếp nhận vơ chức danh này cho mình.

Ông Khai đã “không ngượng miệng” mà nhận mình là “người em”, suy tôn ông Sơn là “người anh kính mến”, thậm chí hứa “không làm anh nặng lòng thêm vì em”. Tuy nhiên, trên thực tế, “đứa em” Nguyễn Hữu Khai đã làm cho “người anh kính mến” của mình không biết bao nhiêu phen chao đảo.

Có lẽ, khi sự lật lọng ăn sâu vào máu thì người ta sẽ thích thể hiện những câu nói kiểu mua tình.

Nhóm phóng viên

(Năng lượng Mới số 140, ra thứ Ba ngày 24/7/2012)