Vẫn “nắm đằng chuôi”

07:00 | 29/06/2013

1,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh tài chính nên nhớ rằng, khi đã “nắm đằng chuôi” thì cứ thích làm gì cũng được! Nếu đã vì dân thì phải có tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh.

Chương trình thời sự của VTV tối 21/6 vừa qua có một phóng sự nói về người dân vay vốn của ngân hàng để mua nhà hoặc đầu tư sản xuất. Qua phản ánh của một số người dân thì trước khi cho vay, ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp (4%) nhưng khi đã hoàn tất thủ tục thì mức lãi suất lại là 6%. Thế mới có chuyện người dân dây dưa nợ đọng cả vốn lẫn lãi, không có tiền trả; trong khi đó, ngân hàng liên tục đòi nợ. Không chỉ ngân hàng mà hiện nay còn có nhiều công ty kinh doanh tài chính cũng tham gia vào dịch vụ cho vay nặng lãi này một cách hợp pháp.

Họ đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn, nào là cho vay ưu đãi, không cần thế chấp; nào là thủ tục đơn giản, nhan gọn, giải ngân ngay trong ngày để hài lòng khách hàng… Nhưng sự thật thì cay đắng vô cùng. Những người vay tiền rồi mới biết mình mắc bẫy, không có cách gì cứu vãn nổi.

Từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi xuống 9-10%. Nghĩa là người dân có tiền nhàn rỗi gửi vào thì chỉ còn hưởng lãi suất rất thấp. Ngược lại, ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao. Mặc dù người vay đã thắc mắc nhưng người cho vay phớt lờ bởi biết người vay đang rất cần đến mình. Hiện nay, có những ngân hàng vẫn cho vay có thế chấp và có thời hạn trả dần cả gốc và lãi mà mức lãi suất rất cao.

Chẳng hạn, một người dân vay của Ngân hàng Techcombank 700 triệu đồng để mua nhà, phải thế chấp sổ đỏ, thời hạn trả dần trong 7 năm. Ngân hàng thu mỗi tháng gần 9 triệu tiền gốc và gần 7 triệu tiền lãi. Như vậy, vay được 700 triệu thì mỗi năm phải trả cho ngân hàng gần 200 triệu. Trả liên tục trong 7 năm mới hết số tiền gốc thì người vay phải mất 1,3 tỉ đồng. Không chỉ có thế, mỗi thời điểm, ngân hàng lại điều chỉnh mức lãi suất khác nhau, tất nhiên là thường cao hơn chứ không giảm.

Như vậy thì thấy rõ một điều, đã phải đi vay tiền ngân hàng thì hầu hết thuộc diện nghèo, họ lấy đâu ra tiền để trả mỗi tháng 16 triệu kia? Quá hạn trả một ngày trở đi thì ngân hàng cộng thêm khoản tiền phạt và lãi suất của chính khoản tiền 16 triệu đó nữa. Thế là lãi chồng lên lãi rồi hết tháng chưa xoay kịp 16 triệu thì đã sang tháng tiếp theo. Người đi vay nợ lãi mới thấy tháng ngày trôi đi nhanh đến nhường nào. Với dân nghèo thì mức lãi suất 16-18%, còn với doanh nghiệp thì có nơi đẩy lên 20-24%. Nhận tiền gửi tiết kiệm thì mức lãi bèo bọt, cho vay lại thì bắt bí giá quá cao. Đó cũng là một hình thức tham nhũng.

Bên cạnh việc cho vay nặng lãi, các ngân hàng còn có các khoản thu phí bất hợp lý và cũng lạm thu cao. Ai tham gia dịch vụ rút tiền, chuyển tiền qua tài khoản bằng thẻ ATM thì đều phải gánh các khoản phí vô lý này. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo “Thông tư quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa” để lấy ý kiến. Điểm đáng chú ý là phí rút tiền mặt tại ATM cho giao dịch nội mạng dự kiến sẽ tăng dần theo từng năm, từ 1.000 đồng một lần giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng mỗi lần giao dịch vào năm 2015 trở đi. Giao dịch ngoại mạng tối đa là 3.000 đồng một giao dịch; và phí chuyển khoản tại ATM tối đa 15.000 đồng một giao dịch.

Phí phát hành thẻ cũng được quy định 100.000 đồng mỗi thẻ; phí thường niên mỗi năm 60.000 đồng một thẻ; phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) tại ATM chỉ thu giao dịch ngoại mạng: 500 đồng một giao dịch. Phí in sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản tại ATM giao dịch nội mạng 100-500 đồng mỗi giao dịch; giao dịch ngoại mạng: từ 300 đồng đến 800 đồng một giao dịch. Từ đầu năm 2009, nhiều ngân hàng đã thu phí giao dịch ngoại mạng nếu khách hàng của mình rút tiền, truy vấn số dư, chuyển khoản và in sao kê tại ATM của ngân hàng khác. Phí rút tiền ngoại mạng phổ biến là 3.300 đồng mỗi lần giao dịch. Các giao dịch khác áp dụng mức 1.650 đồng. Từ năm 2012, Vietcombank cũng đã thu phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng một tháng và phí chuyển khoản nội mạng 3.300 đồng mỗi giao dịch.

Đã sử dụng dịch vụ thì việc trả phí là bình thường. Điều này sẽ phần nào kích thích ngân hàng đầu tư tốt hơn cho dịch vụ. Vấn đề quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải ban hành mức phí cụ thể và hợp lý cho từng đối tượng sử dụng. Đó là mong muốn của đa số người sử dụng dịch vụ. Bởi dịch vụ nội mạng mà cũng thu mức phí 500-1.000đ/lượt là cao. Người dân nghèo tiêu tiền tiết kiệm, họ rút tiền làm nhiều lần trong tháng, đồng nghĩa với việc họ phải trả nhiều lần phí giao dịch. Khác gì “chó cắn áo rách”! Người có nhiều tiền muốn rút nhiều một lúc cũng không được, bởi mức khống chế ở các cây tiền chỉ cho phép rút nhiều nhất là 5 triệu đồng/lần; rồi trong một ngày chỉ được rút với hạn mức khống chế. Thế là tiền của mình mà muốn tiêu phải đóng phí và muốn tiêu nhiều cũng không được.

Chưa hết, có ngân hàng phát hành nhiều thẻ nhưng lại không đầu tư xây dựng nhiều cây tiền khiến trường hợp quá tải, khách phải xếp hàng là chuyện thường thấy. Các ngân hàng có liên kết với nhau để khắc phục tình trạng này nhưng mức phí giao dịch liên ngân hàng lại cao gấp đôi nên khách vẫn tìm đến cây tiền của ngân hàng mà mình đăng ký dịch vụ. Rồi chuyện cây tiền trục trặc không hoạt động, ngân hàng “quên” không nạp tiền vào cây tiền mấy ngày liền cũng không hiếm ở nhiều nơi, gây thiệt hại cho khách hàng…

Được biết, hiện nay Hội Thẻ ngân hàng có hơn 40 thành viên, sở hữu gần 10.000 ATM, 36.000 điểm chấp nhận thẻ (P.O.S) và hơn 54 triệu thẻ. Mỗi cá nhân khi mở tài khoản thì đã phải nộp phí phát hành 100.000đ và bắt buộc phải duy trì cố định trong tài khoản tại ngân hàng 50.000đ (không được rút). Như vậy cứ tính số tiền lãi của hơn 54 triệu thẻ ATM hằng năm qua mức thu phí dịch vụ và tài khoản phải cầm cố” kia thì hàng tháng rồi hàng năm, các ngân hàng đã thu về một khoản tiền khá lớn. Vậy mà bây giờ lại thu thêm phí giao dịch ngày một tăng lên nữa thì khoản tiền ngân hàng thu về là khổng lồ.

Lại còn chưa kể đến số tiền trong tài khoản của khách hàng, người giàu có thường xuyên để hàng trăm triệu, người ít cũng có dăm bảy triệu đến hàng chục triệu, lâu ngày không tiêu đến. Ngân hàng chỉ trả lãi suất cho khoản tiền đó rất thấp, chỉ 2%/năm. Không ai biết được số dư tài khoản đó là bao nhiêu nhưng chắc chắn nó luôn luôn luôn tồn tại với số lượng không nhỏ. Như vậy, chỉ với hai khoản phí giao dịch và số dư tài khoản thường xuyên của khách hàng, các ngân hàng đã có thể “sống vui, sống khỏe” rồi.

Đáng khen ngợi một số ngân hàng tuy là bậc “đàn em” nhưng lại có hành xử đẹp với khách hàng bằng việc không thu phí giao dịch. Đó là các ngân hàng Maritime Bank, DongA Bank, SHB, Tienphong Bank, BaoViet Bank, NamA Bank, VIB... Trong khi những ngân hàng bậc đại gia như Vietcombank, Agribank… thì đã vô tư thu phí từ ngày 1 tháng 3 rồi.

Đất nước hội nhập, tiến lên văn minh hiện đại, nhà nước khuyến khích người dân giao dịch bằng các loại thẻ để hạn chế dần việc dùng tiền mặt. Nhưng để đông đảo người dân tham gia dùng thẻ ATM thì ngân hàng phải có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng chứ không thể độc quyền và làm theo sở thích có lợi cho mình như những biện pháp nêu trên. Tiền của người dân gửi vào thì vai trò của ngân hàng chỉ là người giữ hộ tiền và giúp cho đồng tiền đó sinh lời cho dân là chính chứ không thể cho ngân hàng là chính. Khi thấy việc gửi tiền, vay tiền và rút tiền của mình ra tiêu gặp phải lắm chuyện nhiêu khê và bất hợp lý thì tâm lý khách hàng còn tha thiết gì với việc dùng thẻ!

Các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh tài chính nên nhớ rằng, khi đã “nắm đằng chuôi” thì cứ thích làm gì cũng được! Nếu đã vì dân thì phải có tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh.

Đức Minh