Góc nhìn về tin đồn tài chính – ngân hàng:

Bài 1: Hiện tượng hay vấn nạn?

08:00 | 22/07/2013

534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khoảng 1 năm trở lại đây, tin đồn trên thị trường tài chính – ngân hàng đang có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Vậy chúng ta phải nhìn nhận những tin đồn kiểu như Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV bị bắt như thế nào?

Các VIP ngân hàng đang là đối tượng hướng đến của tin đồn.

Tin đồn được hiểu là những thông tin truyền miệng và nó có thể là thật nhưng cũng có thể là không. Đặc biệt, những thông tin kiểu này thường không có dữ liệu kiểm chứng mà nó chỉ được khẳng định bởi một nhóm người. Tin đồn phát tán theo cơ chế cũng hết sức đơn giản là truyền tai hoặc phát tán trên các diễn đàn mạng theo kiểu "1 đồn 10, 10 đồn 100..". và cứ thế, thông tin đồn được truyền tải rộng rãi trong xã hội. Khả năng lan truyền của tin đồn phụ thuộc vào tính hấp dẫn, độ “nóng” của vấn đề mà tin đồn đó chứa đựng đối với các tổ chức, cá nhân tiếp nhận.

Với cơ chế và đặc tính như trên, tin đồn liên quan đến thị trường tài chính - tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... vài năm trở lại đây xuất hiện khá nhiều. Theo lý giải của giới chuyên gia, đây đều là những thị trường hết sức nhạy cảm, tập trung phần lớn nguồn lực tài chính trong xã hội. Đặc biệt, tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường này cũng hết sức nhạy cảm, mơ hồ theo kiểu “đám đông” nên tin đồn càng có đất “sống”.

Trở lại những năm trước, chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp những thông tin kiểu như vậy. Ví như chuyện tin đồn Tổng giám đốc ACB Phạm Văn Thiệt bỏ trốn lan truyền ngày 13/10/2003 chẳng hạn. Sau khi thông tin này được phát tán, lượng khách hàng đến các điểm giao dịch của ACB và nhiều các ngân hàng khác tăng mạnh. Tính chất nghiêm trọng của việc này khiến ông Lê Đức Thuý – khi đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp bay vào thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp xử lý và ông Phạm Văn Thiệt cùng với ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB công khai xuất hiện trước công chúng.

Hay như tháng 12/2009, lúc thị trường trong nước đang ổn định thì xuất hiện thông tin Việt Nam sẽ phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và tiến hành đổi tiền khiến thị trường ít nhiều bị xáo trộn. Và mới đây, thông tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị điều chỉnh tỉ giá đã cộng hưởng với tin “vịt” ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch BIDV bị bắt đã gây lên một cơn “địa trấn” thực sự trên thị trường tài chính – ngân hàng.

Theo tính toán của giới chuyên gia, tại thời điểm 2 thông tin trên xuất hiện, khoảng 1,6 tỉ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán. Bản thân ông Trần Bắc Hà ngay trong lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông sau thông tin bị bắt cũng khẳng định: Những kẻ tung tin đồn đã kiếm được khoảng 500 – 700 tỉ đồng.

Qua đó để thấy rằng, tin đồn và đặc biệt là tin đồn trong nền kinh tế là chuyện không hiếm. Và thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nền kinh tế, tin đồn xuất hiện như là một lẽ tất yếu của nền kinh tế thị trường mà ở đó, nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư đã dùng nó như một thứ vũ khí kiếm lợi.

Cuối năm 2013, tại Myanmar, thông tin ông Aung Ko Win - lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Kanbawza (một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Myanmar) bị bắt vì tội rửa tiền cũng khiến ngân hàng này một phen khốn đốn. Mọi chuyện cũng chỉ tạm lắng khi ông Aung Ko Win xuất hiện và khẳng định thông tin trên là sai và mục đích của những kẻ tung tin đồn là phá hoại Kanbawza cũng như ngăn cản nguồn đầu tư nước ngoài, làm thất bại chính sách cải cách Tổng thống nước này đề ra.

Hong Kong - một trong những thị trường tài chính có lịch sử lâu đời và lớn bậc nhất châu Á cũng không ít lần phải đối diện với tin đồn. Điển hình, cuối năm 2008, tại Hong Kong xuất hiện thông tin Ngân hàng của đặc khu đang gặp vấn đề về kinh tế và chuẩn bị tháo chạy khiến dòng tiền rút khỏi ngân hàng này tăng mạnh. Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi kẻ chủ mua tung tin đồn bị bắt ngay sau đó...

Nói như vậy để thấy rằng, tin đồn nó là một hiện tượng trong nền kinh tế thị trường chứ không phải vấn nạn riêng của bất kỳ quốc gia hay thị trường nào. Như đã nói ở trên, tin đồn sống được, phát tán được và có thể tác động đến các thị trường chủ yếu là do yếu tố tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là sự am hiểu, kiến thức cũng như khả năng phân tích thị trường của nhà đầu tư.

Bài 2: Vì sao tin đồn “sống khỏe”?

Thanh Ngọc