TS Vũ Đình Ánh: Ba triệu tỉ đồng đang ở đâu?

07:00 | 15/08/2013

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất chấp những dự đoán, quý III của năm 2013 nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân đều kêu không có tiền… Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước lại công bố tổng số tiền đưa vào lưu thông khoảng hơn 3 triệu tỉ đồng. Vậy tiền đang ở đâu? PV PetroTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh để hiểu rõ hơn về vấn đề này và những dự đoán về nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2013.

Thái Linh (NLM số 247)

Chưa bao giờ nông nghiệp khó như bây giờ

PV: Thưa ông cuối năm 2012 nhiều nhà quản lý đã từng hy vọng có sự đột phá về tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 2013 để cứu vãn nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Nhưng theo báo cáo tình hình kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm thì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp vẫn rất thấp?

TS Vũ Đình Ánh: Trước hết, chưa bao giờ nông nghiệp tăng trưởng cao hơn công nghiệp và dịch vụ, tuy nhiên, khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tới trên 20% GDP trong những năm gần đây. Theo báo cáo thống kê 6 tháng đầu năm 2013, dịch vụ tăng trưởng cao nhất gần 6%, công nghiệp tăng trên 5% còn nông nghiệp vẫn tăng trưởng thấp nhất là 2% - thấp xa so với mức tăng trưởng thường xuyên khoảng 3-4% trong nhiều năm qua. 6 tháng cuối năm, thậm chí từ giờ đến năm 2020, trừ trường hợp bất ngờ hy hữu, nông nghiệp không thể tăng trưởng cao hơn so với công nghiệp và dịch vụ cũng như so với mức 3-4% mỗi năm như đã từng đạt được trước đây. Với diễn biến như hiện nay thì nông nghiệp không những khó giúp chúng ta thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) mà còn suy giảm khả năng trở thành chỗ dựa, bệ đỡ cho nền kinh tế vượt qua những giai đoạn khó khăn.

TS Vũ Đình Ánh

PV: Nhưng với tiềm lực của nước ta hiện nay, khả năng đầu tư để nông nghiệp tăng trưởng cao là có thể. Vì sao không thực hiện theo hướng đó, thưa ông?

TS Vũ Đình Ánh: Nông nghiệp Việt Nam vốn có rất nhiều ưu thế, đặc biệt là ưu thế truyền thống, nên cần có vị trí xứng đáng trong sự phát triển kinh tế xã hội của chúng ta. Song đó phải là nền nông nghiệp của thế kỷ XXI chứ không phải là nền nông nghiệp của thế kỷ XX hay thậm chí của thế kỷ XIX như hiện nay. Nông nghiệp đang chững lại và đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ khi đổi mới đến nay có lẽ chưa bao giờ nông nghiệp tăng trưởng thấp như vậy. Thực trạng sản xuất nông nghiệp rất đáng lo ngại, trồng trọt mất đằng trồng trọt, chăn nuôi mất đằng chăn nuôi, thị trường tiêu thụ bất ổn, cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, giá đi đằng giá, chất lượng đi đằng chất lượng. Theo tôi, chưa bao giờ nông nghiệp khó như bây giờ khi mà những hạn chế cũ vẫn còn đó và lối ra thì không rõ ràng.

Trước 2013, nhiều người nói nông nghiệp là bệ đỡ khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, rằng công nghiệp và dịch vụ có khó khăn thì nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, vẫn đóng góp vào xuất khẩu, giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng tốt, vẫn duy trì và tạo việc làm cho nhiều lao động… Thế nhưng, sang năm 2013, nông nghiệp lại có dấu hiệu thụt lùi chứ không tiến lên được bước nào trong bối cảnh cả công nghiệp và dịch vụ chồng chất khó khăn. Chủ trương chiến lược của chúng ta là thực hiện CNH-HĐH mà nông nghiệp là đối tượng quan trọng hàng đầu cần CNH-HĐH thì lại chẳng làm được bao nhiêu. Dường như nông nghiệp lại đang trở thành nơi ẩn náu của những thất bại trong CNH-HĐH. Bây giờ phải kêu gọi làm sao để CNH-HĐH được nông nghiệp chứ không thì mất hết.

PV: Vậy theo ông, muốn thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển thì những biện pháp cần phải làm ngay là gì?

TS Vũ Đình Ánh: Nông nghiệp muốn tăng trưởng nhanh là rất khó, vì bản chất của nó mang tính phụ thuộc vào thiên nhiên, vào các yếu tố khách quan như đất đai, thời tiết, nguồn nước, mùa vụ, dịch bệnh... Chẳng hạn nuôi một con lợn phải chờ 3 - 6 tháng chứ làm sao nuôi vài hôm lên ngay được được một vài tạ? Tôi cho rằng, vấn đề then chốt trong tăng trưởng nông nghiệp nước ta chính là phải tăng được năng suất và giá trị. Thông qua tăng năng suất sử dụng đất, làm ra được nhiều nông sản nhất với giá trị thu được cao nhất trên mỗi ha gieo trồng, chăn nuôi, cả tăng năng suất của lao động nông nghiệp lẫn tăng “năng suất” của mỗi đồng vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, để giải bài toán năng suất và giá trị thì không thể chỉ trông chờ vào các biện pháp khoa học kỹ thuật và tài chính tiền tệ mà các biện pháp liên quan đến tăng hiệu quả của thị trường, cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra cho sản xuất nông nghiệp cũng không kém phần quan trọng. Thậm chí là tiền đề và động lực để thực hiện các biện pháp thuộc nhóm đầu tiên. Tất cả những bài toán đó phải giải quyết ngay cho nông nghiệp chứ không phải cứ năm ngoái năm kia nông nghiệp chiếm 21-22% GDP còn nửa đầu năm nay xuống còn khoảng 18% GDP thì lại bảo thế là đạt thành tích hay chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đúng theo hướng CNH-HĐH. Tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP giảm xuống phải do sự tăng trưởng vượt trội của công nghiệp và dịch vụ chứ không phải bằng sự đi xuống của chính nông nghiệp. Khu vực nông nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng tới gần 50% lực lượng lao động và 70% trong gần 90 triệu người Việt Nam vẫn đang sống ở nông thôn. 

Bây giờ đang là tình hình cực kỳ khẩn thiết và đáng báo động đối với nông nghiệp nông thôn trong khi đó nhiều báo cáo lại viết theo hướng không phải lo lắng gì cả vì đã có công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt. Thực ra, công nghiệp tăng trưởng 5% là kém vì nhiều năm trước đều tăng trưởng 10-12%, dịch vụ trước nay tăng khoảng 7-8%, bây giờ tăng 6% cũng không ổn nên tăng trưởng kinh tế của nước ta mới ở trạng thái “bó phanh” như hiện nay. Đó là nói về mặt con số thuần túy, còn về mặt phân tích thì phải phân tích rõ từng biểu hiện của mỗi con số đó là cái gì.

Chẳng hạn, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 vẫn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 62 tỉ USD tức là tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước, nhưng riêng khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng xuất khẩu được có 2,2% trong khi khu vực có vốn FDI tăng trưởng xuất khẩu tới 24,7% và chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Giả định không có 9,9 tỉ USD giá trị sản phẩm xuất khẩu của Samsung nói riêng, của nhóm điện thoại và linh kiện nói chung thì xuất khẩu tăng trưởng bao nhiêu hay là âm luôn. Nói cách khác, nhìn vào con số thống kê, vào báo cáo tổng kết có vẻ rất ổn nhưng trong từng bộ phận cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu nhà xuất khẩu, hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, giá và giá trị xuất khẩu… lại chứa đựng không ít điều bất ổn.

Cần phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp

PV: Như vậy, nếu không có sự tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ của lĩnh vực này thì khó thoát nghèo, không thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế?

TS Vũ Đình Ánh: Đúng vậy, một mặt chúng ta phải tăng được năng suất và giá trị của sản xuất nông nghiệp, đến lượt mình, năng suất và giá trị đó là thước đo mức độ thành công của CNH-HĐH nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn tăng năng suất và giá trị cho sản xuất nông nghiệp cũng như khi tăng năng suất và giá trị sản xuất nông nghiệp thì chắc chắn gắn với chuyển dịch cơ cấu các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp, cả đất đai, lao động và vốn.

Theo đó, phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn không thể tách rời với chuyển một phần đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, với chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, với tập trung nguồn lực tài chính thích đáng để đầu tư cho nông nghiệp, với đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên cơ sở phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ. Thậm chí tôi cho rằng, nông nghiệp của chúng ta như ngày nay có phần trách nhiệm của việc chúng ta chưa dành đủ nguồn lực trí tuệ, nguồn lực “chất xám” cần thiết cho nông nghiệp nên cần có sự chuyển dịch đáng kể nguồn lực quý giá này vào phát triển nông nghiệp.    

Các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… không có nhiều thay đổi

PV: Những tháng cuối năm các lĩnh vực như bất động sản (BĐS), chứng khoán, vàng, nợ xấu… sẽ diễn biến như thế nào? Nhất là thị trường chứng khoán, liệu có khả năng đi xuống không, thưa ông?

TS Vũ Đình Ánh: Theo cảm nhận của tôi, thị trường chứng khoán của nửa sau năm 2013 chắc cũng không khác nhiều so với diễn biến nửa đầu năm 2013 vì các yếu tố chủ chốt chi phối thị trường này sẽ khó có sự thay đổi đột biến, cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn xoay quanh ngưỡng trên dưới 500 điểm. Về mặt nguyên tắc, nếu chỉ tính riêng yếu tố lạm phát thì nếu đầu tư vào chứng khoán mà không lãi được khoảng 20% một năm thì tức là đi buôn chứng khoán lỗ so với lạm phát, tuy lãi hơn là đem gửi tiết kiệm ngân hàng chẳng hạn. Mặc dù, gửi tiết kiệm thì không phải suy nghĩ nhiều còn đầu tư chứng khoán thì rất chóng “bạc tóc”.

Vậy nên về cơ bản, chỉ số chứng khoán cũng chỉ dao động ở mức hiện nay, xuống nữa có lẽ khó vì các yếu tố kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, nhưng lên cao nữa cũng khó. Bản chất biến động giá chứng khoán gồm hai yếu tố, một là tăng thực, tức là bản thân giá trị của cổ phiếu hay giấy tờ có giá trên thị trường chứng khoán tăng giá do doanh nghiệp niêm yết hoạt động tốt, nhưng thực tế thì rất khó hy vọng vào điều này trong năm 2013. Hai là yếu tố ảo tức là kể cả doanh nghiệp niêm yết hoạt động kém nhưng có một lượng tiền nóng đổ vào chứng khoán thì giá vẫn lên, thậm chí tăng vọt bất chấp hiệu quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp niêm yết.

Ví dụ điển hình cho trường hợp này là giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2006-2007. Thị trường chứng khoán năm 2013 này có lẽ khó lặp lại “chu kỳ bùng nổ” đó do hầu hết các kênh đều cạn tiền hoặc nếu còn tiền thì ít dám mạo hiểm đầu tư vào chứng khoán khi các yếu tố khó khăn thực của doanh nghiệp vẫn chưa được bộc lộ hết.

Thị trường bất động sản khó có thể cải thiện trong năm 2013

PV: BĐS đóng băng đã 2 năm nay. Vậy những giải pháp của Chính phủ, cụ thể là gói 30 nghìn tỉ liệu có giúp cho thị trường này khởi sắc không, thưa ông?

TS Vũ Đình Ánh: Thị trường BĐS khó có thể được cải thiện trong năm 2013 khi mà cho đến nay, các biện pháp đưa ra, kể cả gói 30.000 tỉ, vẫn không hướng vào giải quyết được vấn đề cơ bản của thị trường BĐS là giảm giá và cơ cấu lại. Gói 30 ngàn tỉ rốt cuộc lại hướng tới tăng cung nhiều hơn là cải thiện cầu, kể cả lần này là cầu thực chứ không phải là cầu đầu cơ hay cầu ảo như mấy năm trước đây. Khó có thể nói việc triển khai gói 30.000 tỉ này có giúp tạo ra sự cân bằng cung cầu mới hay không, ít nhất là đối với phân khúc nhà ở chung cư giá rẻ.

Tuy nhiên, vấn đề cốt tử của thị trường  BĐS là giảm giá để xử lý “tồn kho BĐS” vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, một số chủ đầu tư BĐS còn ngừng dự định giảm giá bán BĐS để nghe ngóng và tiếp tục nuôi hy vọng về những chính sách “cứu BĐS”. Ngoài ra, một số dự án BĐS tuyên bố giảm giá, có thể hoặc không hẳn nhằm đáp ứng điều kiện cho vay của gói 30.000 tỉ là căn hộ chung cư có giá dưới 15 triệum2 và diện tích dưới 70m2, song hoặc giá thực tế mà người mua cuối cùng phải trả cao hơn hẳn hoặc phổ biến là giá cho sản phẩm BĐS hình thành trong tương lai khá là bất định. 

Doanh nghiệp lớn chưa có đơn vị nào “chết”

PV: Với tình hình tổng quan như vậy, ông nhận thấy kinh tế những tháng cuối năm có khả năng sáng hơn không?

TS Vũ Đình Ánh: Thế nào gọi là sáng hơn? 6 tháng đầu năm 2013, nếu chỉ xét về các chỉ số chung thì không có vấn đề gì lớn, cơ bản là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế vi mô thì bên cạnh hơn 2 vạn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động thì lại có thêm khoảng 35 nghìn doanh nghiệp mới ra đời. Thu ngân sách Nhà nước so với dự toán tuy đạt thấp hơn so với mấy năm gần đây song thu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn thì bù lại thu ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp Nhà nước lớn lại vẫn khả quan.

Thế nên, vấn đề ở đây là chúng ta muốn có nhiều doanh nghiệp lớn hay thích có thật nhiều doanh nghiệp nhỏ? Hiện tại, chẳng xác định được mình muốn cái gì cả nhưng rõ ràng trong giai đoạn khó khăn vừa qua hầu như chỉ “chết” toàn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số doanh nghiệp được coi là lớn cũng “hấp hối” thì hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp liên quan đến BĐS, tài sản có thể chỉ vài tỉ nhưng chỉ trong vòng mấy năm đã lên nghìn tỉ, chủ yếu trong đó lại là “tay không bắt giặc”, nên “bạo phát bạo tàn”. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ, về mặt nguyên tắc liên tục chết đi và cũng liên tục sinh ra. Ở một số nước trên thế giới, mỗi năm phá sản cả triệu doanh nghiệp làm ăn yếu kém, đồng thời cũng sinh ra hàng triệu doanh nghiệp mới là chuyện bình thường.

PV: Nhưng diễn biến thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất khó khăn, sản xuất bị thu hẹp, tồn kho vẫn chồng chất và có xu hướng tăng lên. Người dân cũng kêu không có tiền?

TS Vũ Đình Ánh: Chuyện đó chưa biết vì cần có bằng chứng. Ví dụ số thu ngân sách bây giờ mới phát hiện ra một điều tất cả đều phải nhờ vào mấy doanh nghiệp lớn. Điều đó chứng tỏ những doanh nghiệp lớn không những chưa chết mà thậm chí còn gánh được cho cả phần mà lẽ ra doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm.

Ai cũng bảo không có tiền. Chính phủ cũng nói thế, doanh nghiệp người dân đều bảo vậy, vậy tiền ở đâu? Tổng tiền đưa vào lưu thông bên Ngân hàng Nhà nước công bố vào khoảng hơn 3 triệu tỉ tiền Việt, vậy nó ở đâu? Vì tiền Việt có đặc điểm cơ bản là sẽ không ra khỏi Việt Nam.

Nếu đi hỏi thực tế sẽ có rất nhiều khó khăn, kể cả thực và có thể trong chừng mực nào đó có những khó khăn người ta cố tình đặt ra. Chẳng hạn bảo người dân không có tiền nhưng ôtô nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng, hay vụ Louis Vutton dởm mà vẫn nhiều người mua... Vậy liệu có phải người dân hết tiền không? Có lẽ chỉ một số đông hơn hết tiền còn một số ít hơn lại đang có rất nhiều tiền. Vấn đề nằm ở khâu phân phối và phân phối lại chứ không phải là nền kinh tế thiếu tiền. 

PV: Hiện nay, lạm phát đã kìm chế được nhưng tăng trưởng vẫn rất khó khăn.  Theo ông thì từ giờ đến cuối năm lạm phát sẽ được kiểm soát như thế nào và có khả năng tăng trưởng cao như mục tiêu đã đặt ra trong năm nay không ?

TS Vũ Đình Ánh: Tất cả những biện pháp kinh tế tài chính đã và có thể sẽ ban hành trong năm 2013 có thể gây ra nguy cơ lạm phát cao nhưng chắc chắn sẽ không tác động vào lạm phát trong năm 2013 mà tác động nếu có sẽ vào năm 2014. Năm nay, đến thời điểm này lạm phát tính theo năm khoảng 7% tức là đã kiềm chế được. Nhưng diễn biến lạm phát như hiện nay chủ yếu không phải do tác động trực tiếp của chính sách kiểm soát lạm phát mà là kết quả tất yếu của thực trạng kinh tế như hệ quả của các biện pháp thắt chặt kiểm soát lạm phát từ năm 2011 đến nay. Trong khi cung tăng chậm hẳn lại thì cầu còn tăng chậm hơn nữa, cả cầu tiêu dùng và cầu đầu tư.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, chưa bao giờ tổng vốn đầu tư ở Việt Nam thấp như bây giờ, 6 tháng đầu năm còn dưới 30% GDP trong khi mới mấy năm trước thường xuyên khoảng 35-40% GDP, thậm chí trên 40% GDP. Đầu tư đã ít trong khi muốn tăng hiệu quả đầu tư lại phải có thời gian thì tiêu dùng trong nước cũng không khả quan. Báo cáo 6 tháng đầu năm cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội chỉ tăng có 4,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một chút so với con số tăng 4,7% của năm 2011 nhưng thấp xa so với mức tăng 6,2% của năm 2012 và càng thấp xa so với con số tương ứng tới trên 10% của vài năm trước nữa. Tổng cầu tuy không suy giảm những tăng quá chậm sẽ là yếu tố quyết định chi phối diễn biến lạm phát ít nhất cho đến cuối năm 2013 này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thái Linh (thực hiện)