“Người rừng” và thế giới văn minh

06:46 | 17/08/2013

951 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai cha con “người rừng” họ Hồ sống giữa rừng và chuyện cha của một thủ khoa ĐH Y Hà Nội sống như “người rừng” giữa một thế giới văn minh; đó là hai câu chuyện thời sự đáng để suy nghĩ nhất tuần qua!

1. Câu chuyện về “người rừng” ở Tây Trà, Quảng Ngãi đã trở thành nội dung được báo chí khai thác và bàn luận sôi nổi suốt tuần qua. Sau khi câu chuyện này được báo chí khai thác ở mọi góc độ từ chuyện giải cứu, chuyện sinh sống của hai cha con trong rừng thế nào, chuyện họ ngỡ ngàng hay hòa nhập với cuộc sống hiện đại ra sao… thì hiện tại nhiều người đặt ra vấn đề rằng có nên tôn trọng “người rừng” là để họ về rừng hay là gò ép họ ở thế giới văn minh?

Bao giờ cũng vậy, trước một vấn đề luôn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, tùy vị trí của mỗi người. Nhưng qua câu chuyện này, nếu thân phận nhỏ bé của cha con họ Hồ kia là một bi kịch thì còn có một bi kịch khác lớn hơn đó là khi một ai đó không được lựa chọn cuộc sống cho bản thân mình!

“Người rừng” về thế giới văn minh

Cuộc sống trong rừng sâu của hai cha con họ Hồ là sự lựa chọn của chính họ, bắt đầu từ 40 năm trước. Đó là một cuộc sống dị thường và lựa chọn đó có thể đến từ một cơn hoảng loạn tinh thần trước khói lửa, mất mát của chiến tranh. Song, họ đã tuyệt đối trung thành với lựa chọn ấy suốt 40 năm qua, tức đã nửa đời người!

Và họ hoàn toàn thích ứng với cuộc sống từ lựa chọn đó. Người cha đã sống gần hết nửa đời còn lại chốn rừng sâu mà không cần đến viên thuốc. Ông đã làm rẫy và nuôi người con từ lúc bế trên tay, đến giờ người con ấy đã là người đàn ông 41 tuổi. Anh ta đã lớn lên trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, cũng không cần đến bất cứ nền giáo dục nào nhưng anh ta không hề làm hại bất cứ ai.

Sự lựa chọn cuộc sống chốn rừng sâu ấy cho đến giờ này vẫn là một lựa chọn phù hợp với họ. Và giờ đây, khi đã “được” đưa về thế giới văn minh, họ cũng không có ý định thay đổi sự lựa chọn trước kia của mình!

Nhưng nhiều người khác đã không nghĩ như thế. Họ đã ép buộc hai cha con họ Hồ về với cuộc sống văn minh. Đương nhiên họ nghĩ điều đó sẽ có lợi cho hai cha con họ, là giúp họ từ bỏ cuộc sống mông muội để hòa nhập với cuộc sống văn minh, giúp gia đình họ đoàn tụ... thậm chí đó còn là cách để thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với hai cha con “người rừng”, không bỏ rơi những mảnh đời bi kịch như thế!

Song, ép hai cha con người rừng ở lại cuộc sống văn minh có thật sự tốt với họ như những suy nghĩ trên không? Người cha đã quá già để bắt đầu đối mặt với mọi thay đổi. Ông ta đã lựa chọn cuộc sống cho mình 40 năm trước nhưng giờ đây ông đang đối mặt với việc không chọn được cách chết cho mình. Thay vì ở trong rừng, ông sẽ ra đi tự nhiên khi sức cùng, lực kiệt còn bây giờ thì ông đang được chăm sóc như bệnh nhân đặc biệt, với đôi tay đôi khi bị trói buộc!

Còn với người con của ông, anh ta sẽ bắt đầu thế nào với cuộc sống văn minh khi đã 41 tuổi? Từ lúc sinh ra, cuộc sống anh ta đã gắn bó với núi rừng, thế giới hiện tại mà anh đang đối mặt là một thế giới hoàn toàn xa lạ, mọi sinh hoạt cơ bản nhất đều xa lạ với anh ta.

Còn việc đoàn tụ gia đình, gia đình họ thật ra cũng đã từng đoàn tụ vì họ đã tìm thấy nhau trước đây, nhưng họ có cách quan tâm riêng. Người con còn lại ở thế giới văn minh của ông Hồ đã từng tuyệt đối tôn trọng sự lựa chọn ấy của cha và anh mình. Anh ta chỉ lặng lẽ hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống bớt khó khăn mà không thay đổi cuộc sống của họ.

Còn chính quyền địa phương sẽ giúp gì cho họ, đặc biệt là người cha, một người lính đã bị lãng quên gần nửa thế kỷ qua? Sẽ giải quyết chế độ thương bệnh binh cho ông Hồ? Nhưng có khi người lính kia không thể chờ đợi cho đến khi chính quyền hoàn tất thủ tục!

Vậy câu hỏi đặt ra là phải làm gì tốt nhất đối với hai cha con “người rừng”? Hãy nhớ lại cách mà người con ở cuộc sống văn minh của ông Hồ đã cư xử thế nào! Anh ta đã chọn cách âm thầm giúp cho cha và anh mình thay vì cố can thiệp để thay đổi cuộc sống của họ. Đó là lựa chọn đầy tình thương yêu và lòng tôn trọng. Họ hoàn toàn cũng có thể làm tốt hơn như thế. Họ có thể hỗ trợ cuộc sống của hai cha con ông Hồ một cách tế nhị nếu đủ tình thương yêu đồng loại mình. Và nếu đủ tôn trọng thì họ không lựa chọn cuộc sống thay cho “người rừng” 40 năm trước, cuộc sống của hai cha con họ Hồ bắt đầu đầy bi kịch, 40 năm sau, một bi kịch khác lại đang đến mà họ không được quyền lựa chọn. Bi kịch không phải chuyện sống kiểu “người rừng” mà là chuyện “người rừng” phải sống trong thế giới văn minh.

2. Người ta không “đành lòng” bỏ rơi hai cha con “người rừng” giữa rừng sâu núi thẳm mà đưa họ về thế giới văn minh, dẫu đó không là lựa chọn của họ. Nhưng thực tế thì có những người giống như đang bị bỏ rơi, dù họ không hề ở trong rừng!

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là khi dư luận đang xôn xao về câu chuyện hai cha con “người rừng” họ Hồ về thế giới văn minh thì cũng đồng thời, người ta phát hiện ra một cuộc sống khác, chẳng khác gì so với “người rừng”, ở giữa lòng xã hội văn minh. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Hữu Định, cha ruột của thủ khoa Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến.

Còn người ở thế giới văn minh thì sống như “người rừng”: đó là bi kịch!

Sau khi câu chuyện về thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến sẽ đi bộ đội thay vì được nhập học trở nên ồn ào, lúc này báo chí mới phát hiện ra rằng trong suốt 10 năm qua, người cha của Tiến đã sống như “người rừng” bên một vỉa hè của thủ đô. Và nơi trú thân của ông Định thật khó tưởng tượng, đó là một ống cống bỏ hoang rộng khoảng 1,2m nằm giữa một bãi đất trống và khuất sau quán nước ven đường. Báo chí miêu tả nơi ở của ông Định được che chắn tạm bợ, không có đồ đạc gì giá trị ngoài vài bộ quần áo. Chiếc bếp cạnh đó cũng chỉ được dựng tạm bằng mấy viên gạch và đun bằng củi nhặt xung quanh công trường đối diện.

Thế giới của ông chỉ cách phố xá có vài bước chân mà đã trở thành hai thế giới hoàn toàn đối lập!

10 năm qua, người cha nghèo của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến đã phiêu dạt trên vỉa hè Hà Nội, cần câu cơm của ông là một chiếc bơm xe, mấy chiếc cờ lê, mỏ lết cũ kỹ. Tất cả những khó nhọc đó là để dành tiền nuôi 4 đứa con với một giấc mơ đại học. Ông Định cho biết, cơ cực thế nào hay sống ở đâu ông cũng chịu được, chỉ sao dành dụm tiền nuôi các con ông ăn học mà thôi!

Người ta có thể băn khoăn về cách ứng xử với hai cha con “người rừng” họ Hồ vì nhiều lý do, vì đó là trường hợp quá đặc biệt, cũng có thể vì người ta kém hiểu biết vì thiếu tình thương yêu và cả sự tôn trọng đồng loại mình… Nhưng việc một người dân phải sống cảnh “người rừng” giữa một thế giới văn minh thì đó là điều đáng phải suy nghĩ!

Trúc Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc