Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích (Bài cuối)

07:20 | 09/07/2015

|
(PetroTimes) -  Bạn đọc: Tôi có quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong do Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu (NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2014). Tôi là dân Sài Gòn cố cựu nhưng đọc phần chú thích thì thấy ngờ ngợ ở một số chỗ. Nếu ông vui lòng gỡ rối tơ lòng thòng thì tôi thật là vạn hạnh. Tôi đồng tuế với ông đó, ông An Chi. Xin cảm ơn ông. Huỳnh Hiếu Hạnh (Xóm Thơm, Gò Vấp, TP HCM)

Năng lượng Mới số 437

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích

Bạn đọc: Tôi có quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong do Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu (NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2014). Tôi là dân Sài Gòn cố cựu nhưng đọc phần chú thích thì thấy ngờ ngợ ở một số chỗ. Nếu ông vui lòng gỡ rối tơ lòng thòng thì tôi thật là vạn hạnh. Tôi đồng tuế với ông đó, ông An Chi. Xin cảm ơn ông. Huỳnh Hiếu Hạnh (Xóm Thơm, Gò Vấp, TP HCM)

CTNT còn sáng tạo mà nói rằng, “tuyến từ Sài Gòn vào Chợ Lớn dài 5km vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh, chủ yếu cặp theo đường xe lửa”. Nhưng “xe lửa điễn” làm gì có lạng lách hay đánh võng mà họ bảo là nó “vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh”. Nó chỉ chạy cặp theo bờ sông, bây giờ là bến Chương Dương, bến Hàm Tử, v.v…, chứ cứ vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh thì biết chừng nào mới tới Chợ Lớn. Họ lại còn bảo là nó “chủ yếu cặp theo đường xe lửa”. Vậy đây là đường xe lửa nào nữa?

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích (Bài cuối)
Trung tâm Thương xá Tax

10. “Hãng xe lửa lớn: hãng xe lửa lớn (trước chạy than củi, sau chạy điện) có hai tuyến đường; tuyến đường từ Sài Gòn qua Chợ Lớn (dài hơn 5km) và tuyến đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho (dài 71km), chạy theo đường giữa tức đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) […]” (Chú [2] tr.180).

Tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn chạy theo đường giữa nên dân chúng còn gọi là “đường xe lửa giữa” nhưng tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho thì chạy theo đường khác và tuyến này cũng không bao giờ chạy bằng điện, như CTNT đã chú thích (Xin x. thêm mục 13).

11. “Lục xi: còn một biến âm nữa là lục xì, có lẽ là một từ ghép tiếng Pháp theo lối bồi tức look syphilis (xem - khám bệnh giang mai), đây chỉ việc kiểm tra sức khỏe định kỳ của cơ quan y tế công quyền đối với gái mại dâm thời Pháp thuộc.”(Chú [4] tr.192).

Đây là tiếng Anh đàng hoàng chứ không phải tiếng Pháp bồi (“look” đâu có phải là tiếng Pháp!). “(To) look” thì tiếng Pháp là “regarder” và có nghĩa là “nhìn”. Bệnh giang mai thì cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp đều là “syphilis”. Chúng tôi e rằng chính “look syphilis” của CTNT mới là tiếng Anh theo lối bồi chứ “lục xi/xì” là do tiếng Anh “look-see”, có nghĩa là sự xem xét, ở đây là khám lẹ, khám nhanh.

12. “Hai tòa đất thánh: nghĩa địa Thiên Chúa giáo trong thành phố (sau đổi là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, sau 1975 đã giải tỏa để xây dựng Công viên Lê Văn Tám nằm trên đường Hai Bà Trưng, quận 1), chia làm hai khu, một dành cho người Pháp, một dành cho người Việt thuộc tầng lớp quan lại, giàu có theo đạo Thiên Chúa” (Chú [1] tr.200).

CTNT chỉ nói đến có một tòa; còn hai tòa đất thánh mà NLP nói đến trong câu 2385 là Đất Thánh Tây và Đất Thánh Chà. Đất Thánh Tây nằm trên đường Legrand de La Liraye (sau đổi thành Phan Thanh Giản, bây giờ là Điện Biên Phủ) còn Đất Thánh Chà, nằm trên đường Mayer (sau đổi thành Hiền vương, nay là Võ Thị Sáu). Phía mặt tiền của Đất Thánh Chà hiện nay là CITENCO (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM), 42-44 Võ Thị Sáu, Q.1, TP HCM. Còn hai khu mà CTNT chú thích chỉ thuộc có một toà là Đất Thánh Tây mà thôi.

13. “Xe lửa… hai bờ […] Bờ đường giữa là hãng xe lửa lớn, trước chạy củi, sau chạy than, chạy theo đường giữa nay là đường Trần Hưng Đạo, có hai tuyến đường, một từ chợ Sài Gòn (cũ) vào Chợ Lớn cũ (nay là chợ Kim Biên) dài 5km và tuyến đường chợ Sài Gòn đi Mỹ Tho, dài 71km” (Chú [2] tr.206).

Liên quan đến bờ đường giữa thì chuyện xe lửa “trước chạy củi, sau chạy than” là chuyện xưa vì về sau đã chạy bằng điện nên mới có tên “xe lửa điễn”. Còn “tuyến đường chợ Sài Gòn đi Mỹ Tho dài 71km” thì lại không chạy theo bờ đường giữa vì nó còn chạy ở phía ngoài của cả Đường Trên, tức đường Cây Mai (tiếng Quảng Đông là Mùi Xán Cái), bây giờ là đường Nguyễn Trãi. Xe lửa Mỹ (người ta thường gọi tắt tuyến này như thế) chạy theo đường Hùng Vương và Hồng Bàng rồi cứ thế mà thẳng tiến hướng Mỹ Tho. Chợ Kim Biên cũng không phải là địa điểm của Chợ Lớn cũ vì ai có nghiên cứu kỹ về Chợ Lớn cũng biết Bưu điện Trung tâm Chợ Lớn hiện nay (số 3, Mạc Cửu, Phường 13, Quận 5) mới chính là địa điểm ngày xưa của Chợ cũ Chợ Lớn.

14. “Đèn Năm ngọn: giữa đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Phùng Hưng (cạnh Nhị Phủ Hội quán) thời bấy giờ có trụ đèn năm ngọn, nên khu vực này được gọi là “Đèn Năm Ngọn”. Đèn Năm ngọn là khu vực ăn chơi về đêm ở Chợ Lớn.”(Chú [2] tr.212).

Thực ra thì trước kia Chợ Lớn có đến hai trụ “Đèn Năm Ngọn” (Tiếng Quảng Đông là “Ựng Chí Tắng [五枝燈] “Ngũ Chi Đăng”) nhưng không có trụ nào ở “giữa đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Phùng Hưng”, như CTNT đã chú thích cả. Một trụ thì ở giữa đường Trịnh Hoài Đức (trước 1975 vẫn mang tên này, âm Quảng Đông là Chèng Wài Tắc) và đường Paris (nay là Phùng Hưng). Trên đường Paris, có một hiệu thuốc là hiệu Viễn Đông với thứ thuốc nổi tiếng là Thuốc [xức] lác; trên đường Trịnh Hoài Đức, từ phía hông Bưu điện Chợ Lớn đi tới, vừa qua đường Phùng Hưng thì ngay góc đường là Phòng mạch của Bác sĩ Bùi Kiến Tín. Trụ thứ hai mới là trụ “ăn chơi” mà NLP nói đến trong câu 2576. Trụ này nằm giữa đường Paris (nay Phùng Hưng) và Rue des Marins (đường Thuỷ Binh, tiếng Quảng Đông là Xủi Píng Cái), trước 1975 là đường Đồng Khánh, nay là Trần Hưng Đạo. Đoạn đường Phùng Hưng nằm giữa đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi (trước kia là đường Cây Mai) là cả một dãy cửa hàng thịt quay và món ăn thức uống. Ngay góc Phùng Hưng - Trần Hưng Đạo là nhà hàng nổi tiếng Soái Kình Lâm; từ Sài Gòn vào, ở góc phải nhưng chưa đến đường Phùng Hưng còn có một nhà hàng khác của người Hoa, quy mô không bằng Soái Kình Lâm nhưng sang trọng; đó là Băng Gia, tiếng Quảng Đông là Píng Ká. Tại khu ăn chơi xưa này, bây giờ đang mọc lên Trung tâm thương mại và Chung cư Soái Kình Lâm.

15. “Thiêu hương kiến tiệu: thắp hương lập đạo tràng. Tiệu tức tiêu nói theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, nguyên ý là tế, tức tế thần, thông qua một số nghi lễ xin chư thần giải trừ tai họa, phải lập đạo tràng để thực hiện các nghi lễ ấy.”(Chú [4] tr.216).

CTNT cho rằng, “tiệu” tức “tiêu” nói theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông nhưng có đến trên 40 chữ “tiêu” nên ta không biết đó là chữ “tiêu”nào mà tiếng Quảng Đông lại đọc thành “tiệu”. Còn “tiệu” ở đây thực ra chính là “tiếu” [醮], được NLP đọc theo dấu nặng. “Tiếu” là làm lễ cúng tế và ở đây ta có thành ngữ “thiêu hương kiến tiếu” [燒香建醮] nhưng chữ “tiếu” này thì âm Quảng Đông là “chiu” còn âm Triều Châu là “chiou”. Vậy không biết hai nhà chú thích đã đoán như thế nào mà ra âm “tiệu” của chữ “tiêu”(!?) trong tiếng Quảng Đông.

16. “Tế hiểm phò nguy: cứu kẻ nguy hiểm, giúp người nguy nan.”(Chú [6] tr.433).

Gay quá, cứ như hành văn của CTNT thì bang biện Long a tòng với bọn bất lương vì “kẻ nguy hiểm” chỉ có thể là bọn lưu manh, bọn bất lương, bọn cướp của giết người chứ đâu phải là người lương thiện. Hai câu 65,67-68 nói ông bang biện Long hay ra tay cứu giúp người đang gặp nguy hiểm chứ đâu có giúp “kẻ nguy hiểm”. Tiếng Việt đâu có lỏng lẻo đến như thế.