Khởi nghiệp sáng tạo: Đam mê thôi, chưa đủ

07:15 | 07/07/2018

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đam mê thôi, chưa đủ, nhất là khi khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) người ta dễ bị ảo tưởng trước các con số thống kê rất kêu về tiềm năng thị trường và nghĩ rằng chỉ cần lấy được 1% trong đó là đủ sống khỏe!

Thêm “cầu nối” để khởi nghiệp… chuyên nghiệp hơn

Nếu như trước đây nhắc tới Start-up, người ta thường nghĩ tới một cộng đồng - hội - nhóm các bạn trẻ có cùng đam mê, khát vọng khởi nghiệp sáng tạo thì nay, hệ sinh thái ấy còn có thêm rất nhiều các gương mặt mới là những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Sự ra đời của các tổ chức hỗ trợ Start-up dường như đang khiến cho bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam không chỉ sôi động và đa sắc hơn, mà quan trọng là đã khiến cho “con thuyền lần đầu hạ thủy” của các nhà sáng lập doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp và ít rủi ro hơn.

Cùng trong xu hướng ấy khi bước vào mùa tuyển chọn các tài năng sáng tạo để góp thêm sắc màu cho hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch Việt Nam, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Sông Hàn Incubator) mới đây đã tuyên bố khởi động mùa “tuyển sinh” thứ 2 với các Start-up trong ngành theo Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp du lịch VTS 2018.

VTS 2018 thực chất là một chuỗi gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 “SHi Startup Inspiration” là các buổi thảo luận dành cho các ý tưởng nguồn, được tổ chức đến hết năm 2020. Giai đoạn 2 “SHi Incubator Journey” được triển khai từ tháng 6/2018 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM trong 4 tháng. Còn giai đoạn 3 “SHi Accelerator Journey” bắt đầu vào tháng 10/2018 và kéo dài khoảng 3 tháng.

Các dự án khởi nghiệp tham gia chương trình này sẽ được nhận hỗ trợ không gian làm việc miễn phí; được đào tạo, huấn luyện bới các chuyên gia về đổi mới sáng tạo và trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan. Những dự án được “chọn mặt gửi vàng” cũng sẽ được kết nối đến các nguồn lực để hoàn thiện mô hình kinh doanh, tìm kiếm đầu tư, giới thiệu tới các chương trình tăng tốc khởi nghiệp trong và ngoài nước, kết nối vào hệ sinh thái…

Trước đó, vào năm 2017, chương trình khởi nghiệp du lịch VTS 2017 đã đạt được thành công ban đầu khi đã chắp cánh cho 3 startups trẻ gồm: Liberzy.vn (thiết kế lịch trình du lịch); Volunteerforeducation.org (V.E.O - du lịch thiện nguyện); Upinns.com (dịch vụ khách sạn giá rẻ).

Vì sao lại là tổ chức hoạt động chuyên hỗ trợ Start-up ngành du lịch? Câu trả lời có lẽ đến từ đặc thù của môi trường Start-up Việt Nam với đa số doanh nghiệp hạn chế về vốn liếng và tiềm năng thị trường - nói một cách ví von là “biển vẫn còn đầy cá”.

Theo TS. Ngô Minh Hải, chuyên gia đổi mới sáng tạo từ Đại học Kinh tế TPHCM, tài nguyên du lịch văn hóa bản địa Việt Nam vô cùng phong phú và mới chỉ được khai thác khoảng 15%. Nếu có thêm tư duy đổi mới sáng tạo thì đó sẽ là một thị trường vô cùng lớn cho ngành du lịch.

Cùng với chương trình VTS 2017, Sông Hàn Incubator đã chọn ra một số Start-up dám “nghĩ khác”, “làm khác” để cùng đồng hành. Đó là Dự án du lịch thiện nguyện V.E.O tại các tỉnh phía bắc. Đây là dự án mà nhà sáng lập đã “đóng gói” thành công cả yếu tố cảnh quan, văn hóa bản địa và nhu cầu được san sẻ, giúp đỡ những cộng đồng khó khăn thành trải nghiệm địa phương.

Chọn cố vấn vừa sức

Là một Start-up trẻ từ lò đào tạo Sông Hàn Incubator, nhà sáng lập trẻ Võ Lê Ngọc Diệp từ Dự án Upinns.com- doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ khách sạn giá rẻ - cho hay dù đã có 14 năm làm quản lý cho một tập đoàn của Pháp nhưng do thiếu kinh nghiệm lẫn kiến thức khởi nghiệp nên khiến cô phải khốn đốn nhiều phen. “Đam mê thôi hãy còn chưa đủ, nhất là khi khởi nghiệp người ta lại dễ bị ảo tưởng trước các con số thống kê rất kêu về tiềm năng thị trường. Và nghĩ rằng chỉ cần lấy được 1% trong đó là đủ sống khỏe”, nữ doanh nhân trẻ nói về lý do vấp ngã thuở ban đầu - “khi cả tuần chả có lấy một khách hàng, lo lắng đến bạc tóc” - đồng thời tin rằng lối ra cho Upinns.com chính là đã được kết nối đến mạng lưới rất nhiều chuyên gia có liên quan.

Nhà tư vấn Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Sông Hàn cho rằng từ lúc có ý tưởng đến lúc có thể xây dựng được một doanh nghiệp ổn định là một hành trình rất dài và một trong những nguyên lý của khởi nghiệp là đi tìm mảnh ghép, “giai đoạn nào cần nhân sự, giai đoạn nào cần marketing, giai đoạn nào cần cộng tác viên…”.

Ngoài ra, hành trình khởi nghiệp không phải như bức tranh đã nghĩ. Thế nên, “khi chọn dự án để ươm tạo, chúng tôi chủ yếu chọn người sáng lập. Không chỉ có nguồn lực, năng lực, giải pháp mà bản thân nhà sáng lập phải là người có đủ năng lượng, khát khao, tinh thần và ý chí. Bởi nếu chỉ có mục tiêu kiếm tiền bạn cũng sẽ khó đi xa!”, ông Quân nhận định.

Ngoài ra, chọn lựa một cố vấn (mentor) cho Start-up cũng không hề đơn giản. Về lý thuyết, muốn khởi nghiệp thì phải khám phá, phải gia nhập hệ sinh thái, tương tác và học hỏi từ những người đi trước, gặp ai “có tâm, có tầm” thì đề nghị được theo “tầm sư học đạo”. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu mentor quá giỏi thì lại có độ vênh lớn với Start-up. Mentor giỏi thường kỳ vọng nhiều, khiến Start-up gặp áp lực. Và cuối cùng đôi bên cũng có thể giữa đường “đứt gánh”!

“Mentor chỉ nên là người đồng hành giúp bạn nâng cao năng lực và tìm kiếm mảnh ghép phù hợp. Không phải mentor rất giỏi thì sẽ tốt cho Start-up. Khi đang trong giai đoạn ý tưởng thì bạn chỉ cần người truyền lửa thôi”, nhà tư vấn từ Sông Hàn Incubator gợi ý.

Xa hơn nữa, khi Start-up vào giai đoạn tăng tốc, các mentor nhất thiết phải là doanh nhân giàu kinh nghiệm và tư duy cởi mở. Đó không chỉ là người có chuyên môn tốt mà còn phải có mạng lưới mạnh trong hệ sinh thái, có thể tìm kiếm nhà đầu tư…

Theo báo điện tử Chính phủ

khoi nghiep sang tao dam me thoi chua du CEO khởi nghiệp năm 20 tuổi, gọi vốn 77 triệu đô trong 10 năm
khoi nghiep sang tao dam me thoi chua du 4 chiến thuật dùng người của Lê Diệp Kiều Trang
khoi nghiep sang tao dam me thoi chua du Công thức thành công của CEO ứng dụng hẹn hò
khoi nghiep sang tao dam me thoi chua du Sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp
khoi nghiep sang tao dam me thoi chua du Sinh viên khởi nghiệp - Tại sao không?