Hạn chế rủi ro trong kinh doanh - Dễ hay khó?

06:40 | 28/03/2018

2,465 lượt xem
|
“Nhằm hạn chế rủi ro và tránh bị lừa đảo, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá, nhận biết hai điều này; đồng thời nên chia sẻ thông tin với nhau để cùng phòng tránh, vạch mặt kẻ lừa đảo…”. Đó là lời khuyên của ông Nguyễn Gia Hảo - chuyên gia tư vấn độc lập, nguyên thành viên Tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

PV: Ông có thể cho biết, đâu là những rủi ro mà doanh nghiệp (DN) có thể gặp phải trong kinh doanh?

han che rui ro trong kinh doanh de hay kho

Ông Nguyễn Gia Hảo: Kinh doanh là một nghề đầy rủi ro, như người Anh thường nói: “Đã kinh doanh bạn phải chấp nhận rủi ro, sợ rủi ro thì bỏ nghề kinh doanh”. Rủi ro luôn rình rập trong môi trường kinh doanh. Đó là điều không ai mong đợi nhưng phải chấp nhận sống chung. Rủi ro có thể xuất hiện do thay đổi thể chế, chính sách, ảnh hưởng của thiên tai, chiến tranh… làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của DN. Bên cạnh những rủi ro do nguyên nhân khách quan cũng có những rủi ro do chính DN không nắm rõ những quy định của luật pháp, không tìm hiểu kỹ về khách hàng, dự đoán thị trường kém, bị lừa đảo…

PV: Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Hiện nay, phần lớn DN chưa nhận thức hết các rủi ro, chưa có sự đề phòng thích đáng và sẵn sàng đối mặt với môi trường kinh doanh quốc tế.

Theo kinh nghiệm bản thân làm kinh doanh xuất nhập khẩu và thời gian làm trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tham gia xét xử nhiều vụ kiện của các DN, tôi nhận thấy, có một số dạng lừa đảo tương đối phổ biến như: Lợi dụng sơ hở trong hợp đồng, chứng từ thanh toán để chiếm đoạt hàng và tiền; lừa đảo thông qua mạng; tỏ ra là khách “sộp” để nhận được lợi lộc từ DN đối tác nhưng không có ý định hợp tác làm ăn; rửa tiền, đưa tiền bẩn vào đầu tư để rửa thành tiền sạch; phô tiền đầu tư, khoe mẽ vốn lớn để giành dự án nhằm mua đi bán lại… Trong đó tôi thấy có đến 60% các vụ tranh chấp là do ký hợp đồng không chặt chẽ. Hiện nay, độ dài trung bình của hợp đồng chỉ khoảng 1,5 trang A4, trong đó các điều khoản hết sức sơ sài, hầu hết chỉ có tên hàng, số lượng, giá cả, giao hàng, thanh toán. Thường không hoặc có nhưng không đầy đủ các điều khoản quy định về xử lý tranh chấp như: trọng tài, luật áp dụng, nơi xử, ngôn ngữ xét xử… Các hợp đồng của những dự án lớn, kể cả chuyển giao công nghệ, các DN lớn cũng làm đơn giản hơn xưa.

Hợp đồng ký kết chặt chẽ

PV: Vậy các hợp đồng ngày xưa chặt chẽ hơn bây giờ sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Thời bao cấp, Nhà nước độc quyền ngoại thương, chỉ có 23 tổng công ty thuộc Bộ Ngoại thương được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, tất cả các tổ chức kinh doanh nào thuộc thành phần kinh tế nào muốn xuất, nhập hàng hóa đều phải qua 23 tổng công ty này. Tất cả các tổng công ty đều có hợp đồng mẫu, điều khoản mẫu, điều kiện mẫu, kể cả xuất lẫn nhập để chủ động đàm phán với đối tác trong và ngoài nước nên các hợp đồng rất chặt chẽ.

Trong các trường kinh tế ở nước ta, tại các khoa quản trị kinh doanh thường dạy “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”… mà không thấy dạy “Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng”, như tên một cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt.

PV: Như vậy, ông cho rằng, độc quyền ngoại thương là tốt?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Ý tôi không phải vậy, ở đây tôi chỉ so sánh về mặt pháp lý của các hợp đồng để các DN nhận thấy, những hợp đồng hiện nay quá sơ sài, cần phải xem xét lại. Còn thành quả của đổi mới thì chúng ta đã nhận thấy. Đổi mới giúp chúng ta có được sự phát triển nhanh chóng như ngày nay với lực lượng rất đông đảo các DN kinh doanh xuất nhập khẩu, góp phần đưa hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển… Chúng ta cảm ơn đổi mới, cho dù còn có nhiều điều chưa được hoàn thiện.

Hiện nay, tôi thấy rằng, trong tiếp cận với luật pháp, thông lệ mua bán quốc tế chúng ta đang có vấn đề. Trong các hoạt động xúc tiến có xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhưng ít nghe nói đến xúc tiến về luật pháp. Đã làm ăn quốc tế thì phải theo luật quốc tế. Chúng ta không hiểu luật thì rất dễ bị thiệt thòi. Bởi khi DN không hiểu hết pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế sẽ bị động trong đàm phán kinh doanh và giải quyết tranh chấp.

han che rui ro trong kinh doanh de hay kho
Hoạt động kinh doanh luôn tiềm ẩn những rủi ro

PV: Theo ông, điều gì khiến các hợp đồng kinh doanh hiện nay được đánh giá là sơ sài về mặt pháp lý như ông nói?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là từ đào tạo. Chủ DN của Việt Nam xuất thân từ nhiều nguồn, không phải ai cũng được đào tạo bàn bản, hơn nữa hiện nay giữa đào tạo và thực tiễn có vấn đề. Trong các trường kinh tế ở nước ta, tại các khoa quản trị kinh doanh thường dạy “Khách hàng là thượng đế”, “Khách hàng luôn luôn đúng”… mà không thấy dạy “Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng”, như tên một cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt.

Tại Mỹ, ở các khu sách về quản trị kinh doanh có cả một quầy có tiêu đề “Monkey Business”, không phải giới thiệu cách buôn bán khỉ mà nhằm giới thiệu cho sinh viên biết đến chiêu buôn bán lừa đảo, để có thể tránh khi bước vào kinh doanh. “Monkey Business” là tiếng lóng của giới kinh doanh Mỹ chỉ những vụ kinh doanh bất chính, lừa đảo.

Trong thực tiễn kinh doanh hiện nay ở nước ta cũng vậy, với quan niệm “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” nên nhiều DN bị “lừa” cũng không dám nói ra vì sợ xấu mặt. Do đó, dù bị lừa cũng không ai biết để rút kinh nghiệm mà phòng tránh. Chính vì vậy, rất nhiều DN bị vướng cùng một chiêu lừa.

PV: Vậy thời xưa, đào tạo ngoại thương có khác gì so với bây giờ, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Trước kia, ngày đầu tiên bước vào bất kỳ trường đại học, lớp nghiệp vụ ngoại thương hay kinh tế đối ngoại nào, hầu như người ta đều nhắc đến một câu nói của Lênin: “Sống giữa bầy lang sói phải biết gào thét như lang sói”. Tôi còn nhớ vào khoảng những năm đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), theo quy chế sử dụng tiền tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế và cả vốn ODA của các nước thì việc mua sắm đều phải thông qua đấu thầu, đàm phán…, cán bộ chúng tôi thời đó chẳng biết tổ chức đấu thầu như thế nào, chẳng biết thế nào là hợp đồng liên doanh…, Bộ Ngoại thương phải mời một chuyên gia của Algerie sang dạy về những vấn đề này, một trong những câu nói của người thầy đó mà tôi vẫn nhớ là: “Trong mỗi hợp đồng bao giờ cũng có tên ăn cắp và một người bị mất cắp”.

han che rui ro trong kinh doanh de hay kho
Khi gặp rủi ro, nếu doanh nghiệp lúng túng trong xử lý hoặc không thể tự thương lượng với đối tác thì có thể đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán có thẩm quyền như trọng tài và tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, để tránh bị thiệt hại nặng khi xảy ra rủi ro, doanh nghiệp cần quy định rõ những điều khoản xử lý rủi ro ngay trong hợp đồng mua bán từ khi ký kết.

Câu nói của Lênin và người thầy đến từ Algerie với thế hệ chúng tôi thời đó có thể không phù hợp với hôm nay, thời hội nhập, đàm phán trên nguyên tắc “hai bên cùng thắng”. Nhưng theo tôi, trong cái nghề kinh doanh đầy rẫy rủi ro này, bên cạnh những người tử tế không thiếu những “con lang”, không thiếu những “kẻ cắp” và cả những tên “cướp giật”, nên ở chừng mực nào đó, hai câu nói trên vẫn còn nguyên giá trị.

Cảnh giác với những thương vụ hấp dẫn

PV: Vậy ông có lời khuyên nào cho các DN?

Ông Nguyễn Gia Hảo: DN phải nâng cao năng lực của mình, phải đào tạo, tự đào tạo mình. Thay vì chỉ trông chờ vào những biện pháp của cơ quan quản lý, bản thân DN cũng cần phải tự nâng cao năng lực dự đoán, ứng phó, dự phòng và cần thiết phải thay đổi ngay cả phương thức kinh doanh của mình, thay đổi mặt hàng, bạn hàng, thị trường, đa dạng hóa sản phẩm…, chống lại “sức ì” ngay trong bản thân mình để đứng vững và không hụt hẫng trước mọi biến động.

Hoạt động kinh doanh luôn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn mà không có cách gì loại trừ hoàn toàn được, tuy nhiên có thể giảm thiểu rủi ro và hạn chế tác động tiêu cực của nó. Trước hết, không ai khác ngoài chính bản thân DN phải tự ý thức được rủi ro và từ đó có biện pháp phòng tránh. Do đó, DN cần phải nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá, nhận biết rủi ro. Các DN phải biết chia sẻ thông tin cho nhau để cùng phòng tránh, vạch mặt kẻ lừa đảo. Đặc biệt, cảnh giác với các thương vụ hấp dẫn, hay nói cách khác, tự dằn “lòng tham” của chính mình. Phải có đủ thông tin về đối tác, thị trường (hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, tiền tệ…) trước khi bước vào một thương vụ mua bán. Hiểu và tin nhau đã rồi mới nói đến việc thương thuyết, ký kết, thực hiện hợp đồng. DN cũng cần phải tính đến các việc như: mâu thuẫn trong các điều khoản, thanh toán, thực hiện hợp đồng, các biện pháp khắc phục và xử lý vi phạm, giới hạn trách nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và giải quyết tranh chấp hợp đồng... Đối với Nhà nước, cần phát triển hệ thống pháp luật ngăn chặn lừa đảo và bảo vệ người bị hại.

PV: Nếu không may DN gặp phải rủi ro thì cách xử lý như thế nào để giảm thiệt hại?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Khi gặp rủi ro, nếu DN lúng túng trong xử lý hoặc không thể tự thương lượng với đối tác thì có thể đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán có thẩm quyền như trọng tài và tòa án để giải quyết. Đó là cơ quan sẽ giúp giải quyết những xung đột quyền lợi giữa các bên khi xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, để tránh bị thiệt hại nặng khi xảy ra rủi ro, DN cần quy định rõ những điều khoản xử lý rủi ro ngay trong hợp đồng mua bán từ khi ký kết.

Điểm yếu của DN Việt Nam là không có thói quen sử dụng tư vấn trong ký hợp đồng hoặc trước khi ký hợp đồng mà chỉ khi rủi ro đã xảy ra rồi mới đến tư vấn nhờ tìm biện pháp xử lý, trong nhiều trường hợp, nhiều việc không thể gỡ nổi vì các điều đã được quy định theo hợp đồng mà DN đã ký. Tư vấn cũng chỉ có thể làm theo thông lệ mua bán quốc tế, chứ làm sao có thể bẻ cong pháp luật được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại, các DN Việt Nam có nhiều cơ hội mới để mở rộng thị trường, hợp tác và đầu tư. Cùng với các cơ hội đó là các thách thức về việc lựa chọn đối tác tiềm năng, đề xuất các điều khoản thanh toán cũng như quản lý các khoản thu hiệu quả. Những điều này, với thị trường cũ và khách hàng cũ đã khó khăn, mở rộng ra thị trường mới với khách hàng mới lại càng khó khăn hơn. Muốn tận dụng được các lợi thế cạnh tranh mà hội nhập mang lại, các DN Việt Nam phải am hiểu và nắm rõ “luật chơi” trong thương mại quốc tế, nhận diện được các rủi ro từ các giao dịch thương mại để có thể phòng tránh. Trên thực tế, nhiều DN xuất khẩu vẫn còn chủ quan, chưa nhận diện được hoặc chưa chú trọng đến việc nhận diện các yếu tố rủi ro trong các hoạt động giao dịch thương mại, dẫn đến thiệt hại nặng nề, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Để phòng tránh rủi ro trong giao dịch thương mại, các DN cần điều tra thương nhân, cảnh giác với giá bất thường, kiểm tra địa chỉ email nhằm tránh việc giả mạo email lừa đảo chuyển tiền, phòng tránh trộm cắp hàng trong thùng hàng, lựa chọn điều kiện vận chuyển hàng phù hợp… Các DN có một số cách điều tra thương nhân như tìm số điện thoại, trao đổi hoặc tiếp xúc trực tiếp qua bạn hàng, tham khảo thương vụ các sứ quán tại nước của thương nhân cần giao dịch; trao đổi trong các hiệp hội ngành hàng để nắm thêm thông tin vì thực tế đã có trường hợp nhiều DN bị lừa cùng một kịch bản. Đối với các giao dịch thương mại, nếu chưa an tâm, DN nên nhờ sự tư vấn của các luật sư, trọng tài viên để xem xét các điều khoản thanh toán, hợp đồng, hóa đơn rõ ràng, xác minh kỹ các văn bản giao dịch.

Mai Phương