Đừng lạm dụng danh nghĩa từ thiện!

07:02 | 04/08/2015

10,420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -  Người dân đang khó khăn vì thiên tai hoặc vì những sự cố xảy ra trong cuộc sống, việc chia sẻ khó khăn với bà con, giúp đỡ người hoạn nạn là một nét đẹp truyền thống, là đạo lý từ ngàn xưa của người Việt ta...

Thưa chúa đảo! Dân vùng lũ không cần siêu xe, khách sạn 5 sao...

Thưa chúa đảo! Dân vùng lũ không cần siêu xe, khách sạn 5 sao...

Những tuyên bố “mạnh miệng” nhưng ít thực tế không chỉ khiến người dân không được “hưởng phúc”, mà đôi khi khiến những người đang chịu thiệt thòi thêm chạnh lòng.

"Nào, bác giơ cao phong bì lên… Thế, bác nhìn vào ống kính kia kìa…! Tươi lên một tí… Rồi, cảm ơn bác”.

Đây là những câu nói thường thấy của các phóng viên mỗi khi có ai đó mang hàng cứu trợ hoặc quà từ thiện đến cho bà con đang gặp cảnh ngộ khốn cùng. Và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường thấy những hình ảnh ông nọ, bà kia đi trao quà từ thiện cho bà con đều nở những nụ cười tươi rói, rồi bắt người dân phải giơ phong bì ra ống kính máy ảnh, ít gói mì tôm, vài cân gạo hay vài bọc quần áo.

Quả thật đó là những hình ảnh phản cảm.

Người dân đang khó khăn vì thiên tai hoặc vì những sự cố xảy ra trong cuộc sống, việc chia sẻ khó khăn với bà con, giúp đỡ người hoạn nạn là một nét đẹp truyền thống, là đạo lý từ ngàn xưa của người Việt ta.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Lá lành đùm lá rách”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Thương người như thể thương thân”; rồi “Ăn mày là ai, ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”… có không biết bao câu châm ngôn, ca dao nói về đạo lý của người Việt.

Gần đây, việc các tập thể, cá nhân tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội thật đáng biểu dương và cần khuyến khích phát triển hơn nữa. Chúng ta cũng đã chứng kiến không ít những người giàu có và thậm chí cả những người đang nghèo đã sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn và họ không đòi hỏi một cái gì.

Thậm chí, không ít người còn tránh né việc đưa thông tin mình làm từ thiện lên báo chí. Bởi họ coi việc làm từ thiện xuất phát từ cái tâm của mình, hay nói theo giáo lý của nhà Phật thì “bố thí" là một hạnh quan trọng nhất trong 6 hạnh.

Người dân ở vùng thiên tai Thanh Hóa nhận mì tôm cứu trợ.
Người dân nhận mì tôm cứu trợ trong một đợt lũ lụt ở Thanh Hóa.

Theo Phật giáo đại thừa thì bố thí là biểu hiện của lòng từ bi, là phương tiện dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ, và bố thí còn được coi là hành động để nuôi dưỡng phúc đức”. Người thừa ăn bố thí cho người thiếu ăn đã là tốt, nhưng những người vẫn còn đang thiếu ăn thì sẵn lòng cho người thiếu hơn thì còn là tốt hơn nữa.

Tuy nhiên thời gian gần đây việc nhiều tập thể, cá nhân tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội và làm từ thiện có nhiều vấn đề đáng phải bàn hay nói sòng phẳng là có nhiều chuyện buồn.

Đã không ít nơi khi nhận hàng cứu trợ về phát cho bà con thì mới phát hoảng vì đó là nhưng thực phẩm quá hạn, đó là những mớ quần áo rách bẩn thỉu; đó là những thứ thuốc men đáng vứt đi từ lâu… Rồi không ít nơi lại còn lợi dụng chuyện đi từ thiện để kéo đàn kéo lũ đến địa phương mà lợi dụng chuyện đi từ thiện để đi du lịch, thậm chí gây phiền hà, tốn kém cho địa phương.

Rồi cũng lại có những địa phương khi nhận được hàng cứu trợ - nhất là hàng cứu trợ bằng tiền thì lại tìm cách san sẻ, chia chác cho những người mà họ hoàn toàn không đáng được hưởng sự cứu trợ này.

Rồi cũng không ít người lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình hay nói một cách khác là một cách quảng bá thương hiệu, quảng bá tên tuổi cho doanh nghiệp.

Nào là chuyện có ông khoe bán chiếc giường mấy tỉ để làm từ thiện, và rồi gần đây nhất trong những ngày này là chuyện ông Đào Hồng Tuyển “chúa đảo Tuần Châu” ủng hộ chiếc xe Rolls Royce Phantom đấu giá lấy tiền làm từ thiện, rồi ông còn cao giọng rằng, sẵn sàng mời bà con đến khách sạn 5 sao của ông để được ăn uống, ngủ nghỉ miễn phí. Và đã có không ít người tung hô hành động này.

Khổ lắm, trong lúc bà con đang cần từng chai nước, từng gói mì tôm, từng viên thuốc đau bụng mà bây giờ phải chờ đến lúc bán được xe thì có mà chờ đến… mùa quýt. Chưa nói giá trị chiếc xe cao thấp, nhiều ít thế nào, nhưng quả thật đây là một việc làm hết sức phản cảm. Và nói huỵch toẹt ra là ông này đang muốn khoe xe, khoe tên của mình.

Giá như ông ta lấy nguồn tiền ở đâu đó mua lương thực, thực phẩm giúp đỡ bà con rồi sau đó lẳng lặng bán xe đi bù vào và nếu ai đó hỏi đến rằng, cái xe ông đang đi đâu thì ông bảo xe đấy tôi đã bán đi lấy tiền làm từ thiện cho bà con trong những ngày mưa lũ vừa qua, thì quả thật đáng dựng miếu thờ cho ông.

Đằng này ông làm từ thiện đấy, nhưng phải chờ bán được xe, biết đến bao giờ. Rồi lại nữa ông ta mời mọi người đến ăn cơm miễn phí tại khách sạn. Giời ạ, thử hỏi những người dân đang gặp thiên tai đi bao nhiêu cây số để đến nhà ông, đến khách sạn của ông ngủ một đêm, ăn một bữa cơm… trong khi họ còn đang phải lo xoắn cả ruột lên.

Những cách làm như thế này mang nặng tính hình thức và không nghi ngờ gì đó chỉ là chiêu PR cho tên tuổi của mình.

Người viết bài này đã từng chứng kiến không ít các vị đại gia và cả những cán bộ cao cấp quanh năm đi làm từ thiện, nhưng tuyệt nhiên không một ai biết việc họ làm, không một dòng chữ nào ở trên báo nhắc đến họ. Họ làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm mà không màng bất cứ một thứ lợi ích gì trong việc mình đi làm từ thiện đó.

Việc các doanh nghiệp tham gia vào công tác an sinh xã hội là rất cần thiết và rất nên khuyến khích. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc chúng ta cần minh bạch chuyện này. Nhiều doanh nhiệp thuế má còn đang nợ đầm đìa, lương công nhân, tiền bảo hiểm còn đang thiếu thế nhưng lại xắn tay áo vào tham gia vào các hoạt động xã hội hóa, rồi thậm chí cũng bỏ tiền, bỏ của ra đi làm từ thiện thì đó liệu có phải là hay không?

Rồi lại có những đại gia lúc bốc đồng lên thì khoe mua bức tranh này mấy tỉ, mua số điện thoại kia mấy tỉ, rồi hứa hẹn rằng sẽ đóng góp vào làm từ thiện hoặc xây dựng các công trình được huy động từ nguồn xã hội hóa… Nhưng rồi sau đó họ “lặn một hơi”.

Một vấn đề nữa mà ở các địa phương khi xảy ra thiên tai cần có sự giúp đỡ, đóng góp của toàn xã hội cho người dân thì cũng cần phải minh bạch về các khoản cứu trợ này. Đừng có để đến lúc các cơ quan chức năng hoặc báo chí phanh phui việc chia chác không sòng phẳng hoặc ăn chặn của người nghèo thì đó mới là điều đáng xấu hổ.

Với những người có trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội ở các doanh nghiệp hoặc ở các cơ quan công quyền thì cũng cần phải hết sức cụ thể. Và phải chỉ đạo cấp dưới làm cho nghiêm túc, đừng mang của rẻ, của ôi, của thừa tặng cho bà con.

Cách đây mấy năm trong một lần đi làm từ thiện ở Tây Bắc vào dịp cuối năm, khi tôi hỏi một đồng chí lãnh đạo ở một đơn vị rằng: “Theo anh, dịp tết này nên mang cái gì lên cho bà con ở xã này, xã này…”. Anh nói buồn buồn: “Bà con trên này thiếu lắm, cái gì cũng thiếu, một gói mì chính, một gói bột canh cũng là quý. Anh cho cái gì cũng được, chỉ xin đừng cho quần áo cũ”.

Lúc đầu nghe anh nói vậy tôi chưa hiểu, nhưng về sau mới biết, đã từng có không ít đơn vị quyên góp cho bà con quần áo cũ, đến khi chia quần áo thì mới thấy trong đó có cả quần áo rách, có những bộ quần áo vẫn còn lấm lem bùn đất, có những bộ quần áo đã mốc, bốc mùi và dĩ nhiên những bộ quần áo đó đều được bà con đem đốt, rồi kèm theo đó là sự mỉa mai và họ cảm thấy nhục khi phải nhận những gói quà từ thiện kiểu này.

Không làm từ thiện vì lý do nào đó thì cũng chưa đáng trách. Nhưng làm từ thiện mà lại lợi dụng việc này để cầu danh, thậm chí cầu lợi thì đó là điều không thiện chút nào cả.

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 445

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc