Cần đưa cuộc chiến Gạc Ma vào sách giáo khoa lịch sử

14:40 | 14/03/2016

1,465 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù đã 28 năm trôi qua nhưng sách giáo khoa hiện hành chưa có một chi tiết nào nói về cuộc chiến Gạc Ma năm 1988.

Một trong những cuốn sách hiếm hoi viết về trận chiến Gạc Ma của Thiếu tướng Lê Mã Lương mang tên “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” đã có một số phận “long đong” đến nỗi hơn 2 năm vẫn chưa được cấp phép.

Sở dĩ có sự việc này là bởi, nhiều cơ quan chức năng cho rằng: Nhiều chi tiết trong cuốn hồi ký vẫn còn chưa được kiểm chứng.

Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ: Bản thân tôi đã dành tâm huyết nhiều năm đi tìm hiểu thông tin, dữ liệu lịch sử liên quan đến sự kiện này nhằm khắc họa chân dung cụ thể của chừng ấy gia đình của 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988.

can dua cuoc chien gac ma vao sach giao khoa lich su
Bìa dự kiến của cuốn Gạc Ma Vòng tròn bất tử

Cuốn sách không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn là nỗi niềm đau đáu của 64 gia đình có chồng hay con hy sinh trong cuộc chiến đấu bi hùng đó.

Một sự trân trọng cần thiết nếu cuốn sách được xuất bản đó đến tay của bạn đọc sẽ khiến cho hàng triệu trái tim của con người Việt Nam rung động bởi chính tinh thần chiến đấu quả cảm của các anh – Những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Thế nhưng, dù đã gõ cửa hàng chục nhà xuất bản để thì đến nay cuốn sách vẫn chưa được ra đời.

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương thì: Tuy Gạc Ma đã rơi vào tay đối phương kể từ thời điểm đó nhưng ta vẫn kiên cường đấu tranh và giữ vững chủ quyền đối với đảo Len Đao, Cô Lin cho đến tận ngày nay. Tinh thần anh dũng đó cần phải được hậu thế khắc ghi và tri ân một cách cụ thể nhằm phát huy lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình vốn có của con người Việt Nam.

Vậy nên đã đến lúc những người đã hy sinh cho đất nước phải được tôn vinh xứng đáng.

Thực tế thì những năm gần đây, khi trận chiến về đảo Gạc Ma được nhắc đến một cách cởi mở hơn, đa chiều hơn thì nhiều chuyên gia lịch sử, chuyên gia giáo dục và người dân cũng muốn trận chiến này được đưa vào chương trình SGK hiện hành.

Điều này, Nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cũng khẳng định: Cần sớm đưa sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo Gạc Ma năm 1988 vào sách giáo khoa lịch sử.

Thời điểm đảo Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm, chúng ta đang đóng giữ thể hiện chủ quyền.

Cuộc chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 là một cuộc chiến không cân sức, giữa một bên là những người lính công binh, hải quân không có vũ khí, chỉ muốn bảo vệ chủ quyền một cách hòa bình, với một bên là quân đội Trung Quốc có chủ trương và kế hoạch đánh chiếm rất rõ ràng và đã được chuẩn bị từ trước.

64 chiến sĩ hải quân, công binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hi sinh trong khi giữ đảo.

can dua cuoc chien gac ma vao sach giao khoa lich su
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Đây là sự kiện rất quan trọng trong cuộc chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu chúng ta không làm được thì con cháu, các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ không biết một sự kiện bi tráng trên.

Chúng ta sẽ thấy có tội với chính 64 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong sự kiện Gạc Ma.

Hiện nay chúng ta cũng đã có những công trình nghiên cứu, tổng kết. Tuy nhiên, sự nghiên cứu, tổng kết này chưa có hệ thống và cũng chưa được công bố đầy đủ.

Do đó, rất cần sự đầu tư nghiên cứu một cách bài bản, thông qua việc tổng kết, gặp gỡ các nhân chứng để có thể dựng lại một bức tranh đầy đủ về sự thực khách quan đã diễn ra tại đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

Chính thầy giáo dạy Sử, ThS. Trần Trung Hiếu (Trường chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An) cũng trăn trở: 28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã quên dần sự thật lịch sử này.

28 năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên, dù nó rất phũ phàng và đau xót. Rất đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói một từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.

can dua cuoc chien gac ma vao sach giao khoa lich su
ThS. Trần Trung Hiếu

Rất nhiều tờ lịch treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện biên giới phía Bắc (17/2/1979), biên giới Tây-Nam và các sự kiện liên quan chủ quyền biển đảo Hoàng Sa (19/1/1974), Gạc Ma (14/3/1988).

Một thực tế cho thấy nhiều học sinh phổ thông thắc mắc vấn đề chủ quyền 2 quần đảo (hiện nay là hai huyện đảo) Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc đến trong sách giáo khoa môn Lịch sử.

Và đương nhiên, các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm như Hoàng Sa (1974), Gạc Ma (1988) cũng không được viết một dòng chữ nào.

Với góc độ giáo viên dạy Lịch sử trường phổ thông, tôi cho rằng đó là thiếu sót lớn, dù người ta cố tình biện minh với bất kỳ lý do gì.

Vấn đề này, sách giáo khoa cần minh bạch thông tin, nói đúng, nói đủ sự kiện. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) hiện nay thuộc quyền chiếm đóng và quản lý trái phép của Trung Quốc.

Nói đến sự kiện này, sách giáo khoa chỉ cần viết ngắn gọn: Âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma, từ đó nêu lên hệ quả của sự kiện này.

Sách giáo khoa cần khẳng định lại rằng cuộc đấu tranh đòi chủ quyển đã mất (Hoàng Sa, Gạc Ma và một số đảo khác) là vấn đề phức tạp, không dễ dàng. Dù xét về phương diện lịch sử và pháp lý quốc tế, Việt Nam đấu tranh đòi lại chủ quyền là hoàn toàn đúng đắn.

Nếu chúng ta cố tình che đậy, né tránh những sự thật hiển nhiên này, sẽ gây ra sự khủng hoảng niềm tin: Học sinh tin vào ai, sách giáo khoa, lời thầy cô giáo hay thông tin trên các phương tiện truyền thông, Internet? Vậy nên sách giáo khoa “quên” trận chiến Gạc Ma là điều khó chấp nhận.

Huyền Anh - Ngọc Dung

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.