Ẩn họa từ những làng đồng nát bạc tỉ

08:00 | 28/01/2018

556 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tháng 1-2018, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) gây thiệt hại nặng nề về người và của, gây hoang mang dư luận. Trước và sau vụ nổ, chúng tôi đã có mặt tại nơi được mệnh danh là “làng đồng nát bạc tỉ” và ghi nhận được sự thịnh vượng của người dân nơi đây. Nhưng cùng với đó, họ vẫn phải đối mặt với những nguy cơ về môi trường cũng như cháy nổ…

1. Còn nhớ chỉ vài tháng trước, chúng tôi từng có mặt tại làng Quan Độ và chứng kiến sự sầm uất của một làng nghề.

Ngay từ đầu làng, chúng tôi có thể quan sát được hai bên đường là những cuộn cáp cao quá đầu người, những bãi phế liệu nhôm, sắt, thép chất cao như núi và cả những bãi rác sau khi đã đốt cháy.

an hoa tu nhung lang dong nat bac ti
1 tuần sau khi vụ nổ xảy ra, vẫn còn hàng trăm kilôgam đầu đạn được thu nhặt tại hiện trường

Càng đi sâu vào trong làng, chúng tôi càng “ngợp” vì mất đến cả nửa ngày trời mới có thể tham quan hết được làng nghề. Cả làng giờ đây đã trở thành một "công trường" lớn. Hằng ngày có hàng nghìn lao động từ nhiều tỉnh thành di chuyển sang Quan Độ để làm thuê. Chỗ thì tấp nập tháo dỡ máy móc, tuốt dây cáp, đốt để lấy lõi đồng, nhôm… Chỗ thì chí chát cưa cưa, đục đục inh tai nhức óc. Rồi những xe cẩu hàng vài tấn tấp nập "ăn" hàng…

Đặc biệt, giữa làng là những căn biệt thự tiền tỉ san sát. Sân nhà, mặt đường những xe ôtô đời mới cáu cạnh như Lexus, Camry, BMW đỗ nhiều như “lợn con”.

an hoa tu nhung lang dong nat bac ti
Sau vụ nổ kinh hoàng, huyện Yên Phong lập các chốt trực 24/24 giờ tại khu vực xã Văn Môn

Rạng sáng 3-1-2018, tại thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) đã xảy ra một vụ nổ kinh hoàng! Hàng chục người bị thương vong, nhiều ngôi nhà bị san phẳng, hàng trăm ngôi nhà khác bị ảnh hưởng.

Có mặt tại Quan Độ ít giờ sau khi vụ nổ xảy ra chúng tôi thấy trên trục đường chính cũng như đường nhánh dẫn vào thôn còn hàng ngàn đầu đạn (phần lớn đều đã han gỉ) vương vãi khắp nơi, như thể người ta vãi thóc cho gà ăn. Còn người dân thì với những gương mặt thất thần tụ tập bàn tán xôn xao về vụ việc kinh hoàng nhất trong đời mà họ từng chứng kiến. Đặc biệt con đường chính dẫn vào hiện trường đã được lực lượng công an dựng hàng rào chắn, chỉ ai có lý do hợp lý mới được đi vào.

Hiện xã Văn Môn có khoảng 3.000 hộ dân, tổng số là hơn 12 nghìn người, chưa kể 3.000 lao động tự do từ các địa phương khác đến như Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn… Trong số đó có khoảng 500 hộ dân làm nghề kinh doanh phế liệu, còn lại là các nghề khác như làm mộc, nấu rượu…

Tiếp cận hiện trường, trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng như thể thời chiến tranh. Trên diện tích vài trăm mét vuông bị cày xới, ngổn ngang gạch đá, cột nhà... Ở phía trung tâm là một cái “ao” hình nón lật ngửa, đường kính vài chục mét, sâu tới 3m. Xung quanh là những bức tường thủng nhiều mảng to, những thân cây cháy đen thui…

Những căn nhà trong phạm vi 10-50m, chúng tôi ghi nhận hầu như căn nào cũng bị rụng trần thạch cao, vỡ cửa kính, bay mái tôn hoặc nứt tường. Ngôi nhà kiên cố bậc nhất thôn của ông Nguyễn Văn Căn cách đó hàng trăm mét mà cũng bị bay hết các chốt cửa, trước sân la liệt đầu đạn.

“Tôi đang nằm ngủ thì thấy “ầm” một tiếng, cả ngôi nhà rung chuyển. Sau đó là những tiếng rào rào như mưa. Khoảng vài phút sau tôi mới định thần lại, rồi gọi người nhà lên kiểm tra tầng 3, tầng 4 xem có vấn đề gì không. Rất may vì nhà xa hiện trường nên gần như không bị thiệt hại gì đáng kể. Sáng ra tôi quét sân nhặt được đến nửa bao đầu đạn, nặng đến 20kg. Phải là một quả bom mới có sức công phá kinh khủng đến thế” - ông Căn kể lại, giọng vẫn chưa hết bàng hoàng.

an hoa tu nhung lang dong nat bac ti
Hiện trường vụ nổ, sau 1 tuần

Tâm điểm của vụ nổ là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn. Đây là ngôi nhà cũ kỹ, ông Tạo để không nhiều năm nay nên cho vợ chồng cháu ruột là anh Nguyễn Văn Lợi (SN 1989) và chị Nghiêm Thị Thắm (SN 1995) ở nhờ. Anh Lợi và chị Thắm có hai con, một cháu gái 3 tuổi và cháu trai là Nguyễn Tuấn Nam 1 tuổi. Khi vụ nổ xảy ra, cháu Nam đã bị gạch đá đè lên và tử vong.

Anh Đặng Đình Tiến cùng vợ là chị Lưu Thị Sen có lẽ còn lâu mới quên được thời khắc kinh hoàng hôm ấy. 8 năm sau lễ cưới, hai anh chị mới có được cô con gái, thì vụ nổ đã cướp cháu đi mãi mãi. Sau khi đã lo hậu sự cho cháu, anh chị chẳng còn lại gì nữa. Căn nhà hai tầng mà hai vợ chồng gom góp bao năm chỉ còn lại một đống gạch vụn.

Thôn Quan Độ còn cả chục người bị thương khác đang được điều trị tại bệnh viện. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an huyện Yên Phong, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các lực lượng chức năng tiến hành cứu hộ, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ hiện trường, tổ chức khám nghiệm và tiến hành điều tra.

an hoa tu nhung lang dong nat bac ti
Sau vụ nổ, nhiều đầu đạn nằm rải rác khắp thôn Quan Độ

2. Theo ông Bùi Đức Thuyên, Trưởng Công an xã Văn Môn, sau khi sự việc xảy ra, công an xã đã nhanh chóng báo cáo lên cho UBND huyện và Công an huyện Yên Phong. Đồng thời cũng tổ chức lực lượng tham gia đưa người bị thương đi cấp cứu, tham gia bảo vệ hiện trường cùng các đơn vị chức năng khác.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Yên Phong thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng và các ngành có liên quan để tập trung giải quyết hậu quả. Huyện đã tổ chức thành lập tổ công tác để rà soát, đánh giá thiệt hại về tài sản của các hộ. Những hộ không có nhà ở, trước mắt, huyện và xã tổ chức thuê nhà cho các hộ ở trong thời gian sửa chữa nhà bị hư hại.

an hoa tu nhung lang dong nat bac ti
Trưởng Công an xã Văn Môn: “Nhiều người dân cũng không lường được mối hiểm họa đối với bản thân mình”

Cùng tham gia khắc phục hậu quả với chính quyền địa phương còn có Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh, Lữ đoàn 229 - Bộ Tư lệnh công binh, các đơn vị chức năng và đông đảo người dân đã thu gom số đầu đạn vương vãi trải rộng khắp nơi trên địa bàn xã Văn Môn và đặc biệt tại làng Quan Độ.

Tuy là xã nông nghiệp nhưng nhiều năm qua, người dân Quan Độ đã giàu lên bằng các nghề “phụ” như kinh doanh phế liệu, làm mộc, nấu rượu... Tuy nhiên, việc kinh doanh phế liệu đã khiến cho môi trường của xã bị ô nhiễm trầm trọng.

Bên cạnh đó, các nghề “phụ” này luôn thường trực nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Trưởng Công an xã Văn Môn thống kê, từ tháng 9-2017 tới nay trên địa bàn xã đã xảy ra ít nhất 3 vụ cháy nổ lớn, gây thiệt hại đáng kể. Đầu tiên là vụ cháy tại kho phế liệu rộng khoảng 400m2 của một hộ gia đình ở thôn Phù Xá. Do chập điện mà kho phế liệu đã bị thiêu rụi, thiệt hại lên tới vài tỉ đồng. Tháng 10-2017, tại thôn Quan Độ cũng đã xảy ra vụ cháy kho nhựa phế liệu có đến hàng trăm tấn. Dù bãi này để ở ngoài trời, phía thân đê song cũng đã bị cháy, thiệt hại hàng tỉ đồng. Còn vụ nổ lớn nhất, gây hậu quả nghiêm trọng nhất là vụ nổ ngày 3-1-2018 vừa qua.

Nhiều năm qua, công an xã cũng như công an huyện và các ban, ngành chức năng liên tục tổ chức tuyên truyền về nguy cơ cháy nổ, cách phòng chống, cũng như tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không kinh doanh vật liệu nổ.

Khoảng 2 năm trở lại đây Công an xã đã tham mưu cho UBND xã, huyện đưa thôn Quan Độ và Phù Xá vào danh sách địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao. Luôn có một tổ công tác “Phản ứng nhanh” thường trực để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ. “Tuy nhiên cũng không xuể! Ban Công an xã chỉ có 12 đồng chí, tổ liên ngành thường trực cũng chưa đến 10 người, trong khi xã có đến hàng nghìn người dân kinh doanh ngành nghề này” - ông Thuyên phân trần.

Đại diện Công an xã Văn Môn cũng cho chúng tôi biết, việc kinh doanh phế liệu nói chung và vật liệu nổ nói riêng đem lại lợi nhuận khá lớn. Trong những đầu đạn thường có một khối hợp kim có giá trị kinh tế cao, lên đến 400-500 nghìn đồng/kg. Bởi thế đã làm mờ mắt một số người dân. Dù biết rằng việc buôn bán vật liệu nổ như các loại đầu đạn, các-tút… là bị cấm, song một số hộ vẫn cố tình lén lút qua mặt cơ quan chức năng, buôn bán “chui”. Họ thường mua về rồi để rải rác ở những khu vực vắng người, đồng không mông quạnh. Sau một thời gian, dưới tác động của thời tiết, những vỏ đầu đạn sẽ “tự” tách ra và người dân sẽ thu lại được lõi kim loại quý.

an hoa tu nhung lang dong nat bac ti
Hiện trường vụ nổ nhìn từ trên cao

Được biết, ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, trú tại Quan Độ - là chủ của kho phế liệu đã phát nổ) là một trong số những “đại gia” của làng. Người dân ở đây cho biết, ông Tiến có vài căn nhà tại xã Văn Môn, dưới Từ Sơn (Bắc Ninh), ông cũng có một ngôi nhà cao tầng, kiên cố ở mặt đường. Vài chục năm nay ở Văn Môn chỉ có duy nhất ông Tiến thu mua được phế liệu từ công nghiệp quốc phòng. Tài sản của ông ước tính lên tới hàng chục tỉ đồng. Hệ lụy của việc buôn bán chất nổ này là năm 2006, một người em đồng hao của ông Tiến đã tử vong do cưa đầu đạn, nhưng ông vẫn không rút kinh nghiệm.

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, huyện Yên Phong đã quyết định thành lập các chốt trực 24/24 giờ tại khu vực xã Văn Môn để kiểm soát tất cả các xe ôtô vận chuyển phế liệu (hoặc có nghi ngờ đang vận chuyển phế liệu) ra vào xã.

“Có 6 trục đường để ra vào xã, thì đã có 3 tổ công tác liên ngành gồm công an, quân đội, quản lý thị trường… được lập từ ngày 5-3. Các xe chở phế liệu, hàng hóa ra vào thôn Văn Môn sẽ được kiểm tra giấy tờ mua bán, chứng minh nguồn gốc hàng hóa hoặc hàng hóa có được phép lưu thông mua bán hay không” - Trưởng Công an xã Văn Môn cho chúng tôi biết thêm.

Mặc dù vậy người dân ở đây cũng mới chỉ an tâm phần nào. “Việc lập các chốt đúng là rất cần thiết trong thời điểm này, thế nhưng không biết sẽ kéo dài được bao lâu? Bên cạnh đó, việc kiểm soát tất cả những xe chở phế liệu, hàng hóa cũng ít nhiều gây phiền hà cho người dân, hạn chế việc thông thương buôn bán”- một người dân ở đây chia sẻ.

Chúng tôi rời Quan Độ lòng day dứt khôn nguôi! Chỉ vì mối lợi trước mắt mà có những người khiến cả cộng đồng phải hứng chịu bao đau thương mất mát. Để không còn những đau thương từ phế liệu bom đạn, điều chủ yếu là ở ý thức của người dân. Cả người bán lẫn người mua.

Theo Nghị định số 26/2012/NĐ-CP của Chính phủ, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ đều phải chuyển giao cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan công an để xử lý theo quy định. Người làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về chuyên môn quân khí và được trang bị các thiết bị bảo vệ để bảo đảm an toàn.

Đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại hoặc các vũ khí khác cần phải có kỹ thuật chuyên ngành của cơ quan quân sự xử lý, thì cơ quan công an hoặc UBND nơi tiếp nhận thông tin phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự từ cấp huyện trở lên để thu gom, xử lý. Cơ quan quân sự, công an cấp huyện, cấp trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom được để đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định xử lý theo quy định.

7 tấn đầu đạn nằm giữa làng

Ngày 3-1-2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Tiến (SN 1964 trú tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong) vì có hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Ông Nguyễn Văn Tiến chính là chủ của kho đống phế liệu bị nổ, trước đó đã thuê đất của ông Nguyễn Văn Tạo để lập cơ sở kinh doanh phế liệu.

Tại cơ quan công an, ban đầu ông Nguyễn Văn Tiến khai nhận: Khoảng tháng 12-2016 có thu mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tháo dỡ phế liệu; số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và xảy ra vụ nổ. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp đấu tranh mở rộng điều tra để xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Yên Chi

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps