Xuất xứ hàng hóa không quan trọng bằng chất lượng sản phẩm?

15:15 | 17/07/2019

678 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Trần Ngọc Trung, Cố vấn pháp lý cao cấp, Chi nhánh công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, dưới góc độ người tiêu dùng, hàng hóa dù có “Made in” ở đâu thì cuối cùng vẫn phải đảm bảo chất lượng.    
xuat xu hang hoa khong quan trong bang chat luong san phamTăng cường quản lý chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
xuat xu hang hoa khong quan trong bang chat luong san phamXử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, hàng nhái giả nhãn hiệu “Made in Vietnam”
xuat xu hang hoa khong quan trong bang chat luong san phamTình hình gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Tại buổi Tọa đàm "Thế nào là made in Việt Nam" được tổ chức sáng nay 17/7 tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Trung nhấn mạnh, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước không đặt câu chuyện sản phẩm có được ưu đãi thuế quan hay không, có lẩn tránh thương mại hay không, bởi cơ quan Nhà nước không truy xét đến cùng nguồn gốc xuất xứ, vì đây là vấn đề rất khó do không đủ nguồn lực để đánh giá và tìm hiểu cặn kẽ gốc của vấn đề. Bởi vậy việc ghi xuất xứ, ghi “Made in” ở đâu là muôn hình vạn trạng, rất đa dạng và tùy biến. Bởi bản thân các quy định của các nước khác cũng có những tùy biến rất cao và bản thân Việt Nam cũng vậy.

Phân tích về câu chuyện “đội lốt” sản phẩm, ông Trung nêu một ví dụ trực quan là vụ Khaisilk. Doanh nghiệp này đã nhập nguyên những chiếc khăn từ Trung Quốc, sau đó tháo nhãn mác Trung Quốc dán nhãn mác Việt Nam vào. Ông Trung cho rằng đây chính là hành vi đội lốt. “Nhưng đội lốt hay không, hay hàng hóa xuất xứ thế nào thì cuối cùng vẫn chính là hàm lượng giá trị có đạt được quy định áp dụng hay không”, ông Trung phân tích.

xuat xu hang hoa khong quan trong bang chat luong san pham
Khaisilk "phù phép" sản phẩm của Trung Quốc thành Việt Nam

Ông này cũng nhấn mạnh, cần tránh biến việc gắn nhãn mác trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp, thay vì quản lý về xuất xứ thì quản lý chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết, hiện Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể thế nào là “Made in Vietnam”. Khái niệm “Made in” gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ của sản phẩm nhưng được áp dụng khá linh hoạt.

Theo bà Hương, mỗi quốc gia đều có quy định riêng về từng mặt hàng cụ thể bắt buộc phải dán nhãn lên hàng hóa. Quy định xuất xứ tại các nước cũng có nhiều điểm riêng biệt nên không tránh khỏi những xung đột. Việc áp dụng các quy tắc xuất xứ đôi khi cũng được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Bà Hương cũng cho biết thêm, cần phải phân biệt rạch ròi các quy định gia công tại doanh nghiệp. Để phân biệt được thì phải đi vào mổ xẻ đối với quy trình sản xuất, gia công lắp ráp tại doanh nghiệp đó. Phải bày tất cả ra, trong toàn bộ sản phẩm, thành phẩm hoàn chỉnh này có những bộ phận, linh kiện gì được nhập khẩu từ nước ngoài, những cái gì có thể sản xuất được tại Việt Nam. Và toàn bộ quy trình gia công lắp ráp đó có phải là gia công đơn giản hay không.

“Nếu toàn bộ linh kiện nhập khẩu về mà công đoạn gia công lắp ráp chỉ dùng công nghệ “tuốc lơ vít” để gá - lắp các sản phẩm vào tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất khẩu đi thì đó là gia công đơn giản. Như thế cơ quan chức năng sẽ từ chối không cấp chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp...” - bà Hương lưu ý.

Theo bà Hương, để ngăn chặn gian lận thương mại tại Việt Nam có hiệu quả, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, và cụ thể là cơ quan Hải quan. Bởi cơ quan Hải quan là đơn vị đầu tiên tiếp nhận các nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài vào. Và đây cũng là cơ quan kiểm tra, kiểm soát cuối cùng trong lô hàng hoàn thiện để xuất khẩu đi…

Nguyễn Anh